Danh sách những người cộng sản thanh hóa năm 2024

Cùng với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930), báo chí cách mạng Thanh Hóa sớm hình thành và song hành với sự thăng trầm của Đảng và cách mạng. Trải qua thực tiễn đấu tranh, báo chí cách mạng thực sự là công cụ tuyên truyền, hướng dẫn hiệu quả, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị đầy khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng tự hào của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân (1930 - 1945).

1- Báo “Tiến lên” - cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930, Tỉnh ủy đã bí mật thành lập cơ quan in ấn, phát hành báo “Tiến lên”, cử đồng chí Lê Oanh Kiều phụ trách. Báo “Tiến lên” được in bằng thạch, ra đời được 3 số. Số đầu tiên được in tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân); số thứ 2 và số thứ 3 được in tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều làng Hàm Hạ (nay là khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn). Đến cuối năm 1930, chính quyền thực dân phong kiến tung mật thám dò la và tiến hành truy bắt các chiến sỹ cách mạng trong tỉnh. Tỉnh uỷ và hầu hết cán bộ đảng viên, cùng một bộ phận quần chúng cách mạng bị bắt tù đầy, báo “Tiến lên” ngừng hoạt động.

Ra đời và hoạt động chỉ trong thời gian ngắn, nhưng Báo “Tiến lên” đã tích cực truyền bá mục đích, lý tưởng, Chính cương, Điều lệ của Đảng; khích lệ, cổ vũ tinh thần quần chúng, góp phần đấu tranh chống áp bức bóc lột.

2- Báo “Hồn Lao động” và báo “Tia sáng”

Sau gần 4 năm liên tục đấu tranh chống khủng bố trắng, tìm cách chắp nối với tổ chức cơ sở đảng còn lại nhằm bàn biện pháp khôi phục lại Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 17/3/1934, hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập tại nhà ông Đỗ Huy Trinh, làng Thuần Hậu (xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ và Nguyễn Tạo. Hội nghị đã nhất trí kết thúc nhiệm vụ lịch sử của Ban Liên lạc và quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời, cử ra BCH Đảng bộ lâm thời gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Chủ làm Bí thư. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự phục hồi và phát triển của Đảng bộ, phong trào cách mạng Thanh Hóa.

Để có tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đấu tranh, Tỉnh ủy lâm thời đã thành lập cơ quan ấn loát tài liệu đặt tại làng Yên Lộ (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa). Cơ quan ấn loát tài liệu do đồng chí Nguyễn Tạo phụ trách; nơi in ấn tài liệu đặt tại gia đình đồng chí Lê Chủ. Tất cả các tài liệu đều qua các đường dây bí mật chuyển về cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, củng cố phát triển tổ chức đảng và hội quần chúng, cổ vũ phong trào cách mạng.

Tháng 6/1934, báo “Hồn Lao động” ra số đầu tiên và là số duy nhất; đồng chí Hoàng Văn Mạch, Trịnh Khắc Sản được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách biên tập, in báo và các tài liệu tuyên truyền.

Cuối năm 1935, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt bị địch bắt giam, gồm: Lê Chủ, Bùi Đạt, Trịnh Huy Quang lần lượt hết hạn tù trở về địa phương tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

Ngày 15/3/1936, Tỉnh ủy lâm thời tổ chức Hội nghị cán bộ tại chùa Yên Lộ (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa). Hội nghị đã chủ trương ra tờ báo Tia sáng thay cho tờ Hồn Lao động.

Cơ quan in báo “Tia sáng” đặt tại nhà đồng chí Lê Hồng Quế (làng Phù Hưng, xã Yên Thái, huyện Yên Định), do đồng chí Trịnh Huy Quang phụ trách và đồng chí Lê Hồng Quế giúp việc. Báo “Tia sáng” ra được 2 số thì đến mùa thu năm 1936, các tờ báo công khai của Đảng, như: báo Lao động, báo Tin tức, báo Nhành lúa… ra đời và phát hành sâu rộng ở Thanh Hóa. Do đó, Tỉnh ủy chủ trương tạm đình bản báo “Tia sáng” để chỉ đạo hướng dẫn việc mua và đọc các sách báo công khai của Đảng.

Mặc dù báo “Hồn Lao động” và báo “Tia sáng” tồn tại chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 6/1934 đến mùa thu năm 1936), nhưng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình là tích cực tuyên truyền các tài liệu: ABC cộng sản, các bài viết về vấn đề nông dân, công nhân, phổ biến điều lệ Đảng và tuyên truyền chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng (từ hoạt động bí mật sang hoạt động công khai và bán công khai).

3- Báo Tự do

Đầu năm 1940, ở Thanh Hóa tồn tại 3 Tỉnh ủy lâm thời, nhiều cơ sở cách mạng chưa nắm được chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Trung ương Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (11/1939). Tháng 6/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cúc đã đến Thanh Hóa và ở lại một cơ sở cách mạng tại làng Kim Ốc (xã Xuân Hoà, huyện Thọ Xuân). Tại đây đồng chí Nguyễn Văn Cúc cùng Tỉnh ủy lâm thời đã tổ chức in ấn và phát hành tờ báo “Tự do” nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ sở cách mạng ở Thanh Hóa chuyển hướng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng và làm phương tiện liên lạc với 3 Tỉnh uỷ lâm thời, các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng trong tỉnh. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Cúc đã trực tiếp biên tập và phổ biến cuốn sách “Những điều cần biết của người Cộng sản Đông Dương” nhằm tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng và hướng dẫn phương pháp vận động, tổ chức lực lượng cách mạng. Tài liệu được in bằng Li-tô và được bí mật chuyển về các cơ sở Đảng trong tỉnh, góp phần thống nhất sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên.

Dưới chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ; đầu tháng 11/1940, ba Tỉnh ủy lâm thời trong tỉnh thống nhất thành một, cử ra Ban Chấp hành Tỉnh ủy mới, cử đồng chí Trần Bảo làm Bí thư và quyết định lấy tờ báo “Tự do” làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ.

Tháng 7/1941, Tỉnh ủy và cơ quan ấn loát báo “Tự do” chuyển về Ngọc Trạo. Đến cuối tháng 10/1941, chiến khu Ngọc Trạo bị chính quyền, thực dân phong kiến khủng bố trắng, hầu hết cán bộ chiến sĩ du kích chiến khu Ngọc Trạo bị địch vây bắt đánh đập, tù đầy (trong đó có nhà báo Trần Mai Ninh). Báo “Tự do” ngừng hoạt động.

Ra đời và hoạt động gần 01 năm (11/1940 – 10/1941), nhưng tờ báo “Tự do” đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng xuống đường đấu tranh hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ; hướng dẫn quần chúng cách mạng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong các làng, xã; là công cụ tuyên truyền, cổ vũ, động viên quần chúng cách mạng hướng về chiến khu Ngọc Trạo.

4- Báo Đuổi giặc nước và Báo Gái ra trận

Nhằm củng cố lại phong trào cách mạng, tháng 11/1941 một số chiến sĩ cộng sản trong tỉnh đã tổ chức hội nghị tại làng Mao Xá (xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá), đề ra một số chủ trương chống khủng bố, khôi phục hoạt động của Đảng bộ tỉnh. Sau khi tổ chức treo cờ đỏ sao vàng và rải truyền đơn Cộng sản ở Vân Đồn (huyện Nông Cống) và một số địa phương khác; tháng 12/1941, Tỉnh ủy bị địch khủng bố tan rã, phong trào cách mạng Thanh Hóa lại thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng bộ.

Để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên, một số chiến sĩ cộng sản sau khi thoát khỏi lao tù đế quốc trở về quê hương thành lập Ban Liên lạc tìm cách chắp nối các cơ sở đảng và cơ sở cách mạng trong tỉnh. Tháng 7/1942, Ban Liên lạc đã tổ chức hội nghị đại biểu các cơ sở đảng trong tỉnh nhằm thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Hội nghị chủ trương thành lập cơ quan ấn loát tài liệu, ra báo “Đuổi giặc nước” làm cơ quan tuyên truyền vận động cách mạng của Hội Ái quốc (Mặt trận Việt Minh tỉnh).

Giữa tháng 8/1942, báo “Đuổi giặc nước” ra đời số đầu tiên tại làng Thổ Phụ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc). Tờ báo gồm 2 trang viết tay, in bằng mực nho, khổ 25 x 40 cm. Số 3 được in bằng Litô và tiếp tục in ấn, phát hành đến số 14 (vào ngày 15/01/1945).

Sau báo “Đuổi giặc nước” 2 số; tháng 9/1942, Tỉnh ủy chủ trương xuất bản thêm báo “Gái ra trận” - cơ quan ngôn luận của Phụ nữ ái quốc tỉnh, do đồng chí Lê Tất Đắc - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp biên soạn nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia cách mạng. Tờ báo “Gái ra trận”, gồm 4 trang viết tay, in khổ giấy 15 x 19 cm, về sau được in bằng Litô thành nhiều bản, phát hành đến các cơ sở cách mạng trong tỉnh. Nội dung các bài viết trong tờ báo đã vạch trần tính chất áp bức bóc lột giã man tàn bạo của thực dân phong kiến và kêu gọi chị em vùng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ.

Báo “Đuổi giặc nước” và “Gái ra trận” đã góp phần tuyên truyền, tập hợp, động viên, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng cách mạng thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy; tuyên truyền các phong trào đấu tranh, chuẩn bị điều kiện và lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.

5- Báo Khởi nghĩa

Để hướng dẫn toàn dân chuẩn bị vùng lên; đầu năm 1945, Tỉnh uỷ quyết định đổi báo “Đuổi giặc nước” thành báo “Khởi nghĩa” làm cơ quan tuyên truyền, cổ động cách mạng của Mặt trận Việt Minh tỉnh.

Báo “Khởi nghĩa” số 1 (Xuân Ất Dậu), ra ngày 15/2/1945, gồm 12 trang, khổ 18 x 26 cm; các số tiếp theo có 4 trang. Báo “Khởi nghĩa” ra đời được 4 số; đến số thứ 5, Tỉnh ủy đã quyết định chuyển cho Ban Chỉ huy Chiến khu Quang Trung (tức Chiến khu Hoà - Ninh - Thanh) làm cơ quan tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn chuẩn bị khởi nghĩa của Chiến khu.

Mặc dù ra đời và phát hành được 7 số (trong đó có 4 số của Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa, 3 số của Chiến khu Quang Trung), nhưng báo “Khởi nghĩa” đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong việc tuyên truyền, xây dựng, huấn luyện lực lượng cách mạng kết hợp bạo lực chính trị với bạo lực vũ trang đấu tranh cướp kho thóc của giặc Nhật cứu đói, phát động nhân dân toàn tỉnh sắm vũ khí đuổi thù chung; hướng dẫn cổ vũ các địa phương trong tỉnh tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới chớp thời cơ tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra đồng loạt, ít đổ máu và giành thắng lợi toàn diện.

Sau 15 năm (1930 - 1945) hoạt động ngoài vòng pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến, những tờ báo cách mạng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được in ấn, phát hành đã thực sự trở thành công cụ tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cách mạng sắc bén của Tỉnh ủy trong công cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, xác lập chế độ dân chủ nhân dân, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội trên quê hương đất nước.

Nguyễn Tuyết Nhung


Gồm: Lê Chủ, Bùi Đạt, Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường, Hoàng Văn Mạch, Lê Đình Ân, Đễnh (tức Mạc).

Cơ quan ấn loát đã phát hành nhiều tài liệu quý, như: ABC Cộng sản, Duy vật sử quan, Tóm tắt lịch sử nhân loại, Công nhân vận động, Bài ca dân cày, Điều lệ Đảng và Công Hội, Nông Hội đỏ…