Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước bằng swot năm 2024

Sử dụng công cụ SWOT cho xây dựng chiến lược hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong điều kiện hội nhập và phát triển công nghệ hiện nay

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) sau 15 năm hoạt động, đang ngày càng lớn mạnh và chứng tỏ vai trò quan trọng đối với công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam. Trong điều kiện hội nhập, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4G) đang diễn ra hết sức sôi nổi, ảnh hưởng tới mọi hoạt động, trong đó có hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và của NHCSXH nói riêng. Bài viết này sử dụng công cụ SWOT1 để phân tích nội lực và các điều kiện môi trường của NHCSXH, từ đó đưa ra các chiến lược hoạt động trong điều kiện mới.

PGS., TS. Lê Thanh Tâm, Nguyễn Hải Yến

1. Giới thiệu về công cụ SWOT

Mô hình phân tích SWOT là một công cụ rất hữu dụng cho việc nắm bắt và ra quyết định trong mọi tình huống đối với bất cứ tổ chức kinh doanh nào (Humprey, 2005). SWOT cung cấp một công cụ phân tích chiến lược, rà soát và đánh giá vị trí, định hướng của một doanh nghiệp. Phương pháp phân tích SWOT cùng với ứng dụng của nó để phân tích chiến lược doanh nghiệp bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Phân tích tình trạng hiện tại của doanh nghiệp và dự đoán các điều kiện hoạt động trong tương lai. Giai đoạn này gồm 4 bước cụ thể như sau: Bước 1: Trả lời cụ thể từng câu hỏi liên quan đến hình ảnh hoạt động của doanh nghiệp, phạm vi hoạt động của nó, xác định về khách hàng và những đòi hỏi của họ (xác định các khu vực thị trường phục vụ) đồng thời là các định hướng của lãnh đạo doanh nghiệp. Bước 2: Nhận biết các ngoại cảnh của doanh nghiệp, nhất là ngoại cảnh vĩ mô, cũng như ngoại cảnh cạnh tranh; đồng thời đánh giá các cơ hội và các nguy cơ. Bước 3: Sắp xếp các phân tích tình trạnh hiện hữu của doanh nghiệp và dự báo tương lai về các cơ hội và nguy cơ diễn ra ở ngoại cảnh. Bước 4: Xác định mặt mạnh - yếu của doanh nghiệp và tập trung vào các tiềm lực bên trong doanh nghiệp. Giai đoạn 2: Thiết kế chiến lược cho 4 nhóm tình huống, bao gồm 3 bước cụ thể như sau: Bước 5: Soạn thảo ra các phương án chiến lược cho doanh nghiệp. Bước 6: Xác định các hành động và chiến thuật cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu chiến lược. Phân tích lại một lần nữa các bước từ 1 đến 6, tổng hợp lại để đánh giá, xác định các mối quan hệ tương tác, loại bỏ những mâu thuẫn đối kháng. Bước 7: Chuẩn bị kế hoạch chiến lược trên cơ sở các phân tích các mặt mạnh - yếu gắn kết với các cơ hội, nguy cơ diễn ra bên ngoài doanh nghiệp. Phần này sẽ tạo thành 4 nhóm chiến lược mẫu: Chiến lược SO - maxi - maxi; chiến lược WO - mini - maxi; Chiến lược ST - maxi - mini; và Chiến lược WT - mini - mini. 2. Sử dụng SWOT cho phân tích thực trạng và các điều kiện hoạt động trong tương lai đối với NHCSXH Việt Nam Lịch sử hình thành và phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam NHCSXH được thành lập lại trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc tập trung giải quyết nhu cầu vốn cho người nghèo, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, NHCSXH còn giúp tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của kênh cho vay chính sách, đảm bảo sự tập trung vào tín dụng thương mại đối với các ngân hàng này. NHCSXH tiếp tục đảm trách các chức năng của Ngân hàng Phục vụ người nghèo, trở thành kênh cung cấp tín dụng nhỏ do Chính phủ trợ cấp vốn trước đây được thực hiện qua các Bộ theo các chương trình và dự án chính sách xã hội và giảm nghèo. NHCSXH ngay từ những ngày đầu hoạt động đã định hướng tập trung tăng cường sự hợp tác có hiệu quả với các Bộ, ban, ngành, các tổ chức hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh..., tạo cơ sở tiếp cận được với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên phạm vi cả nước. Hiện tại, NHCSXH có bộ máy quản lý và điều hành thống nhất trong phạm vi cả nước, là một pháp nhân có vốn điều lệ và hệ thống giao dịch từ trung ương đến địa phương, với 63 chi nhánh cấp tỉnh, một sở giao dịch, các phòng giao dịch cấp huyện với 9-12 cán bộ/phòng. Đặc biệt, hoạt động của NHCSXH có sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện dịch vụ ủy thác một số công đoạn trên cơ sở thiết lập hàng trăm nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) làm nhiệm vụ giám sát, quản lý hộ nghèo sử dụng vốn vay (NHCSXH Việt Nam, 2017). Các điểm mạnh của NHCSXH Qua quá trình hoạt động từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo chính thức chuyển thành NHCSXH 15 năm vừa qua, NHCSXH đã đạt được những thành công lớn lao, đặc biệt về quy mô hoạt động. Có thể tổng kết lại những điểm mạnh của NHCSXH Việt Nam như sau: Thứ nhất, mạng lưới hoạt động rộng khắp. NHCSXH là tổ chức tín dụng chính thức duy nhất ở Việt Nam có mạng lưới điểm giao dịch tới 99% số xã với hơn 200 ngàn tổ tiết kiệm - vay vốn trên toàn quốc kể cả ở các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Hiện tại, chưa tổ chức nào khác có mạng lưới nối kết với khách hàng rộng lớn như NHCSXH. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng hiện tại và tiềm năng ở tất cả các vùng miền đều có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ NHCSXH, và cũng là cơ hội để NHCSXH trở thành đại lý hoặc đơn vị phối hợp hoạt động cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức khác. Thứ hai, NHCSXH là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất trên thị trường. So với các tổ chức khác, NHCSXH chiếm tới trên 70% cả về số lượng khách hàng tín dụng và tiết kiệm. Duy chỉ có quy mô tiết kiệm của NHCSXH là chưa đạt thị phần lớn như mong đợi. (Bảng 1)

Thứ ba, mô hình hoạt động hợp tác gắn kết chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội địa phương. NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất mà Hội đồng quản trị gồm 14 thành viên, trong đó 12 thành viên là các lãnh đạo cao cấp của các Bộ, ban, ngành có liên quan, và 2 thành viên chuyên trách. Đặc biệt, tất cả các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh) đều là thành viên trong Hội đồng quản trị. Do vậy, khi thực hiện các hoạt động, các cán bộ ở các tổ chức chính trị - xã hội địa phương có trách nhiệm hơn, có tính sở hữu cao hơn so với các tổ chức tín dụng khác. Đây chính là điểm mạnh lớn nhất, mang tính chất dài hạn của NHCSXH và cần được phát huy trong thời gian tới. Thứ tư, chi phí giao dịch đối với khách hàng của NHCSXH nói chung thấp, thủ tục đơn giản hơn so với các tổ chức tài chính chính thức khác. Do các giao dịch thực hiện tại điểm giao dịch nằm ở trung tâm xã/phường, thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn, thời gian thực hiện giao dịch nhanh chóng và được xác định trước. Do sử dụng nhân lực hỗ trợ là các cán bộ thuộc các tổ chức chính trị - xã hội ngay tại địa bàn xã, hiểu rõ tâm lý nhu cầu dân chúng, các NHCSXH đã sử dụng tối đa các biện pháp thế chấp phi truyền thống nhằm giải quyết vấn đề khó khăn này của các đối tượng chính sách tại địa phương. Do vậy, có thể nói điểm mạnh này là kết quả của sức mạnh mô hình tổ chức liên kết. Thứ năm, thời gian giao dịch được xác định trước => chủ động cho khách hàng. Tất cả các điểm giao dịch NHCSXH đều công khai thời gian giao dịch cho khách hàng, và các lịch giao dịch cố định này tạo điều kiện cho khách hàng dễ nhớ, dễ tiếp xúc với cán bộ ngân hàng khi cần thiết. Thứ sáu, lãi suất cho vay thấp => có lợi cho khách hàng. Hầu hết các chương trình cho vay của NHCSXH đều có lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với lãi suất thị trường. Điều này xuất phát từ cách tiếp cận của các nhà quản lý trong việc hình thành và phát triển ngân hàng, bắt nguồn từ Nghị định 78/2002, Điều 18 “ Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 2 Nghị định này do Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III”. Điều này có lợi cho khách hàng vì lãi trả thấp hơn so với cho vay các tổ chức khác và tín dụng tư nhân. Tuy nhiên điểm mạnh này chỉ mang tính chất ngắn hạn, khi NHCSXH đổi mới và đa dạng hóa hoạt động, giảm ưu đãi về lãi suất. Hơn nữa, chính sách lãi suất thấp có thể gây ra một số hạn chế thể hiện trong cách tiếp cận truyền thống như phần trình bày phía sau. Do vậy, lãi suất thấp vừa thể hiện điểm mạnh vừa có hạn chế bên trong. Các điểm yếu của NHCSXH Mặc dù thành lập và hoạt động với các cơ chế hoàn toàn đặc thù theo quy định của Chính phủ, tạo ra những thế mạnh cho NHCSXH, nhưng chính điều này cũng gây ra những hạn chế và rào cản cho sự phát triển của tổ chức. NHCSXH hiện đang tồn tại một số hạn chế nhất định, chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau: Thứ nhất, các dịch vụ cung ứng còn kém đa dạng. Theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, NHCSXH hoạt động tập trung vào dịch vụ tín dụng cho các đối tượng chính sách. Do vậy, từng dịch vụ tín dụng của NHCSXH đều được quy định cụ thể bằng quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ. Dịch vụ tiết kiệm được thực hiện theo nguyên tắc “lãi suất huy động vốn tối đa không quá mức lãi suất huy động cao nhất cùng kỳ hạn, cùng thời điểm của các NHTM mà nhà nước chiếm cổ phần chi phối trên cùng địa bàn”, trong khi cho vay theo lãi suất ưu đãi cố định. Do vậy, quy mô tiết kiệm được huy động của NHCSXH còn khá khiêm tốn, chưa thực sự là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Động lực để tăng tiết kiệm ở mức tối đa so với khả năng khách hàng còn chưa cao, còn phụ thuộc một phần vào nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất. Dịch vụ thanh toán hiện đang ở mức thử nghiệm ban đầu. Các dịch vụ tài chính khác hầu như chưa có. Thứ hai, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chưa cao. Mặc dù ngân hàng lõi đã được ứng dụng tại NHCSXH, nhưng mức độ còn rất cơ bản. Mức độ ứng dụng các phần mềm quản lý trong giao dịch của NHCSXH trở nên rất khó khăn với điều kiện ứng dụng công nghệ hiện tại. Báo cáo quản trị nội bộ chưa được chi tiết hóa và tự động hóa cao trên toàn quốc. Các giao dịch e-bankings và online (như POS, ATM, mobile banking, phone banking, internet banking…) hầu như chưa phát triển, chủ yếu là giao dịch trực tiếp. Điều này là do: (i) quy mô hoạt động rộng khắp cả nước; (ii) số lượng giao dịch của NHCSXH là lớn nhất so với tất cả các NHTM và tổ chức tín dụng khác; (iii) giá trị giao dịch tương đối thấp; (iv) chi phí cho ứng dụng công nghệ mới ngày càng đắt đỏ; và (v) cơ sở hạ tầng kết nối mạng chung của cả nước chưa thực sự có chất lượng đồng đều và ổn định. Thứ ba, chưa bền vững về tài chính, vẫn phụ thuộc trợ cấp. Mặc dù mức độ bền vững hoạt động (OSS) của NHCSXH đã đạt mức trên 100%, mức bền vững tài chính FSS còn chưa đạt yêu cầu. Lý do chính là: (1) nguồn thu hạn chế, do lãi suất đầu ra thấp theo quy định của Chính phủ, trong khi các nguồn thu phi lãi khác còn hết sức khiêm tốn; (2) công tác quản lý chi phí hoạt động mang tính chất phi thương mại, chưa tính tới các yếu tố chi phí vốn chủ sở hữu, chi phí lạm phát; (3) nhiều nguồn vốn của NHCSXH có lãi suất thấp, được tài trợ trực tiếp hoặc qua bảo lãnh của Chính phủ; (4) tổng chi phí hoạt động và chi phí hoạt động trên một đồng giao dịch đối với ngân hàng cao. Với mục tiêu giảm chi phí giao dịch cho khách hàng, NHCSXH đã phải chấp nhận chi phí giao dịch chuyển sang cho ngân hàng thông qua việc nhân viên giao dịch đi đến tận các điểm giao dịch, chịu tất cả các chi phí và rủi ro của quá trình đi lại với tiền mặt được mang theo mình. Với số lượng điểm giao dịch toàn quốc và quy mô trên một giao dịch nhỏ, hiệu quả chi phí hoạt động của NHCSXH là một nội dung cần quan tâm. Điều này tốt cho khách hàng do giảm chi phí vay vốn, nhưng khiến tổng chi phí hoạt động của NHCSXH cao. Thứ tư, chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều vị trí chủ chốt. Do phạm vi hoạt động rộng khắp, nhân viên của NHCSXH phải quản lý số lượng khách hàng rất lớn, trong khi thu nhập ở mức rất khiêm tốn. Do vậy, việc thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các vị trí chủ chốt như các NHTM khác là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, NHCSXH dựa vào hệ thống cán bộ từ các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, mức độ hiểu biết hoạt động ngân hàng không thực sự đồng đều do tính không chuyên, và cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nhiệm kỳ. Với các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, thực hiện một số công việc trong hoạt động tín dụng, chủ yếu thực hiện nghiệp vụ dựa trên kinh nghiệm và huấn luyện ngắn hạn của cán bộ NHCSXH. Độ tuổi chung của các tổ trưởng nhìn chung khá cao, sẽ là rào cản cho việc thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật số trong tương lai. Vấn đề đảm bảo chất lượng đồng đều trong cung cấp dịch vụ tới khách hàng cuối cùng là điều khá khó khăn. Thứ năm, nguồn vốn hạn chế, khả năng tăng trưởng chưa bền vững. Mặc dù nguồn vốn của NHCSXH gồm: (1) nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; (2) vốn huy động từ tiền gửi, phát hành trái phiếu; (3) vốn đi vay; (4) vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; (5) vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước; và (6) các nguồn vốn khác. Tuy vậy, các khoản huy động tiền gửi bắt buộc 2%, đi vay và phát hành trái phiếu về bản chất vẫn do Nhà nước bảo lãnh hoặc là của Nhà nước. Các nguồn huy động tiết kiệm tự nguyện trong những năm qua có sự tăng trưởng nhất định, trong khi các nguồn khác cũng có sự thay đổi nhất định, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn vốn hoạt động của NHCSXH phụ thuộc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp vào ngân sách. Trong điều kiện ngân sách hiện nay và trong thời gian tới tại Việt Nam, khả năng tăng các nguồn liên quan tới ngân sách rất giới hạn, trong khi nguồn tiết kiệm chưa trở thành một nguồn chính. Việc đi vay trên thị trường liên ngân hàng để quản lý nguồn theo thị trường của NHCSXH mới bắt đầu thực hiện nhưng còn ở giai đoạn ban đầu. Do vậy, nguồn vốn của NHCSXH trong những năm qua quy mô còn giới hạn và còn cần nhiều giải pháp để tăng trưởng bền vững nguồn vốn trong tương lai.

Thứ sáu, NHCSXH hiện đang áp dụng nhiều hơn cách tiếp cận truyền thống trong cung cấp dịch vụ tài chính vi mô. Tài chính vi mô cung cấp theo nhiều trường phái khác nhau, nhưng tựu chung có 3 trường phái chính như bảng 2 dưới đây.

.PNG)

Mỗi trường phái có ưu thế và nhược điểm riêng. Hiện nay, NHCSXH hiện đang ứng dụng trường phái truyền thống kết hợp với thể chế mới, do vậy các vấn đề phê phán của trường pháp truyền thống cũng đã và đang bị đánh giá và xem xét ở phạm vi nhất định. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý và bản thân ban lãnh đạo NHCSXH đã nhận ra. Một số giải pháp đã và đang được áp dụng để giảm dần chính sách lãi suất ưu đãi, tăng lãi suất tiệm cận với thị trường. Cụ thể, trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020, “mức độ ưu đãi về lãi suất phân biệt theo các nhóm đối tượng thụ hưởng, sẽ giảm dần và được thay thế bằng các hình thức ưu đãi về qui trình, thủ tục và điều kiện vay vốn. Mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ đồng bào dân tộc nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Đối với hộ không thuộc diện hộ nghèo nhưng được hưởng một số chính sách tín dụng ưu đãi, hộ cận nghèo thì lãi suất tiếp cận dần với lãi suất thị trường” (Chính phủ, 2012). Tuy vậy, việc thực hiện giải pháp này cần được đẩy nhanh và rốt ráo hơn, tăng dần cách tiếp cận thể chế mới và giảm hơn nữa các tác động tiêu cực của lãi suất thấp. Các cơ hội và thách thức cho hoạt động của NHCSXH trong điều kiện hiện nay Trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất thuyết phục về phát triển kinh tế và giảm đói nghèo, với tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân 6,37% trong giai đoạn 1997-2016 (WB, 2016). Những cam kết của Chính phủ đối với tự do hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, những phát triển nổi bật, và những cải cách ngày càng gia tăng để hiện đại hóa nền kinh tế đã giúp Việt Nam gia nhập sâu rộng hơn vào các hiệp ước WTO, APEC, ASEAN. Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu vô cùng ấn tượng về giảm nghèo, với tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống 7% năm 2015, và là một trong vài quốc gia trên thế giới được UN đánh giá là đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ trước hạn (UN, 2017). Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một nước kém phát triển, với 65,3% dân cư sống trong khu vực nông thôn, hơn 50% lao động vẫn thuộc khu vực nông nghiệp (World Meters, 2017, Truong Hoa Binh, 2017). Vẫn còn tới hơn 1,44 triệu hộ nghèo (5,97%) và 1,34 triệu hộ cận nghèo, dễ dàng quay trở lại mức nghèo khổ. Sự thay đổi cách xác định chuẩn nghèo đa chiều hiện nay sẽ tác động lớn tới số lượng người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay (ADB, 2016). Sự gia nhập cộng đồng quốc tế tạo điều kiện để nền kinh tế nông thôn phát triển, nhưng cũng tạo ra rất nhiều thách thức trong cạnh tranh, đặc biệt trong điều kiện cánh kéo giá bất lợi cho khu vực nông thôn, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Do vậy, các khách hàng của NHCSXH nói riêng và của khu vực nông nghiệp nông thôn nói riêng gặp khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập. Bên cạnh đó, một số quy định cụ thể cho hoạt động của NHCSXH còn bất cập, sự cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính trong khu vực nông thôn trở nên gay gắt. Cuộc cách mạng công nghệ 4G tạo điều kiện cho các doanh nghiệp fintech phát triển, cung cấp các dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp và mức độ tiếp cận rộng nhờ điện thoại/internet. Hơn nữa, các quy định quy định an toàn với NHCSXH khá khác biệt và chưa theo thông lệ như ngân hàng truyền thống. Do đặc thù hoạt động của NHCSXH, các quy định về quy chế cho vay, đảm bảo an toàn, phân loại nợ… của tổ chức tín dụng thông thường hiện được áp dụng hạn chế cho NHCSXH. Một số quy định cho hoạt động của NHCSXH hiện tại được quy định riêng. Ví dụ, NHCSXH có mức dự trữ bắt buộc là 0% và không phải bảo hiểm tiền gửi, không phải duy trì hệ số CAR, phân loại nợ có sự khác biệt so với các TCTD khác trong quản lý. Do vậy, nếu phải thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn an toàn như thông lệ, NHCSXH sẽ phải thực hiện đánh giá lại các mức độ nợ xấu, bền vững, mức độ đủ vốn, cũng như điều chỉnh nhiều hoạt động và chiến lược. Do đó, các cơ hội và thách thức cho hoạt động của NHCSXH được tổng kết trong bảng 3 sau đây. SWOT đối với NHCSXH Dựa trên phần đánh giá về các điểm mạnh, điểm yếu của NHCSXH, cũng như xem xét các cơ hội và thách thức hiện tại từ môi trường hoạt động tài chính trong điều kiện cuộc cách mạng 4G, chúng ta có bảng tổng kết SWOT như sau về NHCSXH Việt Nam: (Xem bảng 3).

.PNG)

3. Xây dựng chiến lược hoạt động của NHCSXH theo mô hình SWOT

Dựa vào mô hình SWOT trên, chúng ta có thể tổng kết các chiến lược sau đối với NHCSXH trong thời gian tới: Chiến lược phát triển SO (maxi - maxi): Sử dụng tối đa các điểm mạnh, kết hợp với các cơ hội, chúng ta có chiến lược phát triển của NHCSXH trong thời gian tới như sau: - Tiếp tục tập trung vào thị phần tài chính vi mô, tận dụng tối đa mạng lưới, phát triển việc hợp tác toàn diện với các TCTD khác cùng địa bàn trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Ví dụ, NHCSXH hỗ trợ, trở thành đại lý hoặc kết hợp với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, quản lý hộ khách hàng, phân tích nhu cầu thị trường theo đơn đặt hàng của các tổ chức tín dụng khác (S1,S2,S3 kết hợp với O1, O3 và O4). - Chọn lựa, đầu tư công nghệ phù hợp với giá cả hợp lý để phát triển đa dạng hóa hoạt động, đa dạng hóa cách thức tiếp cận đối với khách hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng (S1, S2, S4 kết hợp với O1,O2,O5). - Tăng cường hoạt động ủy thác đầu tư và ủy thác cho vay cho các chương trình/dự án, hoạt động đại lý, mở rộng quản lý hộ các đại lý tài chính số cho các đơn vị khác (S1, S4, S5 kết hợp với O2, O4, O5). Chiến lược cạnh tranh WO. (mini - maxi): Tận dụng tối đa các cơ hội để khắc phục các điểm yếu của NHCSXH, chúng ta có chiến lược cạnh tranh cụ thể như sau:

- Mở rộng đối tượng khách hàng khi được luật pháp cho phép, cung cấp các sản phẩm đa dạng hơn cho các nhóm khách hàng khác nhau, phân đoạn thị trường chi tiết theo từng nhóm (tuổi, nghề nghiệp, ngành nghề, mục đích sử dụng vốn…) để hiểu rõ khách hàng hơn (W1 kết hợp với O1, O2, O3).