Án phí tài sản là gì

Trong vụ án hôn nhân và gia đình thì người khởi kiện ngoài việc nộp tiền tạm ứng án phí hôn nhân không có giá ngạch thì người khởi kiện còn có thể nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản chung hoặc nghĩa vụ chung của vợ chồng nếu người khởi kiện yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay còn có một số quan điểm khác nhau về cách xác định nộp tiền tạm ứng án phí trong việc tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nói riêng và yêu cầu chia tài sản chung nói chung. Một số quan điểm cho rằng việc xác định tiền tạm ứng án phí là không quan trọng vì tiền tạm ứng án phí chỉ là dự tính ban đầu của Tòa án để thụ lý hồ sơ vụ án. Sau khi có Bản án hoặc Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì tiền tạm ứng án phí sẽ được xem xét khấu trừ đối với nghĩa vụ án phí mà họ phải chịu theo luật định. Trong trường hợp nếu tiền tạm ứng án phí còn dư thì sẽ hoàn trả lại tiền chênh lệch cho người khởi kiện, ngược lại tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện nộp trước thấp hơn nghĩa vụ án phí mà họ phải chịu thì phải nộp thêm tiền chênh lệch còn thiếu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu Tòa án tùy tiện trong cách tính tạm ứng án phí mà không thống nhất thì có thể dẫn đến hậu quả là thất thu ngân sách Nhà nước trong trường hợp sau khi có Bản án hoặc Quyết định có hiệu lực pháp luật mà buộc đương sự phải nộp thêm tiền nhưng đưong sự lại không có tiền giao nộp thêm. Hoặc nếu tính tạm ứng án phí lúc đầu quá cao thì dẫn đến đương sự không đủ khả năng tài chính để nộp và không khởi kiện được, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Vì vậy, việc tính tạm ứng án phí cho phù hợp trong giai đoạn thụ lý vụ án rất cần thiết.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016) thì “Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch…”. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về việc áp dụng khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016 về cách xác định tiền tạm ứng án phí trong việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, cụ thể như sau:

Trong vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Vũ Thị H với bị đơn là ông A, bà H trình bày thì do ông A có tính gia trưởng, không quan tâm chăm sóc bà cũng như con riêng của bà (trước đây bà H và người chồng trước đã ly hôn có một người con) và có hành vi xúc phạm mẹ con bà nên vào ngày 12/12/2018 bà H làm đơn khởi kiện ly hôn. Trong đơn khởi kiện thì ngoài yêu cầu Tòa án giải quyết hôn nhân giữa bà H với ông A thì bà H còn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Tổng giá trị tài sản bằng hiện vật bao gồm nhà, ti vi, máy điều hòa… theo bà H trình bày là 623.000.000 đồng. Bà H đồng ý để lại toàn bộ tài sản bằng hiện vật như trên cho ông A được quyền sở hữu và yêu cầu ông A có trách nhiệm hoàn trả lại một nửa giá trị tài sản chung cho bà H với số tiền là 300.000.000 đồng.

Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về cách xác định tiền tạm ứng án phí trong việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

Quan điểm 1: Bà H phải nộp tiền tạm ứng án phí bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm dựa trên giá trị tài sản mà đương sự yêu cầu được hưởng là 300.000.000 đồng. Bởi lẽ:

Một là, theo quy định điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 thì trong vụ án chia tài sản chung của vợ chồng thì đương sự phải chịu tiền án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá phần tài sản mà họ được chia. Do đó, khi tính tiền tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ tính trên số tiền mà đương sự yêu cầu được hưởng.

Hai là, tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 thì mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo quy định đó, mức tạm ứng án phí được xác định dựa trên giá trị tài sản tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết, tức là dựa trên giá trị tài sản tranh chấp mà đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết được hưởng.

Ba là, để đảm bảo sự công bằng và hợp lý vì Tòa án không thể buộc người khởi kiện phải nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí về việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà không yêu cầu bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí mặc dù sau khi thụ lý vụ án bị đơn cũng có yêu cầu chia tài sản chung đó.

Quan điểm 2: Bà H phải nộp tiền tạm ứng án phí bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm dựa trên giá trị tài sản mà bà H đang tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết là 623.500.000 đồng.

Theo quan điểm này thì việc tính tiền tạm ứng án phí dựa trên giá trị tài sản mà đương sự đang tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết chứ không dựa trên giá trị tài sản mà đương sự yêu cầu được hưởng, bởi lẽ:

Một là, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016 thì mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản tranh chấp mà đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết, tức là toàn bộ giá trị tài sản tranh chấp chứ không phải dựa trên gía trị tài sản mà đương sự yêu cầu được hưởng.

Hai là, trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà bị đơn có yêu cầu giải quyết như đối với tài sản tranh chấp theo liệt kê của nguyên đơn thì bị đơn không phải làm đơn yêu cầu phản tố và không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu đó. Vì bị đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cùng với yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết. Do đó, nếu Tòa án tính tiền tạm ứng án phí đối với vụ án chia tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án phải xác định dựa trên giá trị tài sản mà các bên tranh chấp, chứ không phải giá trị tài sản mà nguyên đơn yêu cầu được hưởng. Vì vậy sau khi thụ lý vụ án nếu bị đơn vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết trong phần tài sản mà nguyên đơn khởi kiện thì bị đơn sẽ không phải đóng tiền tạm ứng án phí vì yêu cầu của bị đơn cùng với yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết. Ngược lại nếu Tòa án xác định tiền tạm ứng phí dựa trên giá trị tài sản mà nguyên đơn yêu cầu được hưởng thì sẽ dẫn đến bị đơn phải đóng tiền tạm ứng án phí mặc dù cùng yêu cầu của nguyên đơn.

Ba là, việc xác định tiền tạm ứng án phí về việc chia tài sản chung của vợ chồng dựa trên toàn bộ giá trị tài sản tranh chấp không làm mất đi quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, vẫn đảm bảo tính công bằng và hợp lý. Bởi lẽ, nguyên đơn là người đi khởi kiện do đó họ phải có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng án phí trên toàn bộ giá trị tài sản tranh chấp. Trong trường hợp bị đơn cũng yêu cầu Tòa án giải quyết theo như tài sản chung mà nguyên đơn liệt kê thì bị đơn sẽ không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, sau khi có Bản án hoặc Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì đương sự được nhận giá trị tài sản nào thì phải chịu tiền án phí đối với tài sản đó. Đồng thời tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã nộp trước đây sẽ được khấu trừ để hoàn trả hoặc buộc phải nộp thêm so với nghĩa vụ mà nguyên đơn phải chịu.

Do hiện nay có hai quan điểm khác nhau về việc áp dụng pháp luật tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 trong việc chia tài sản chung của vợ chồng nên đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý độc giả.

Tòa án nhân dân huyện Thới Lai xét xử dân sự - Ảnh: Phạm Hoài Hận


Đương sự không thuộc trường hợp không phải nộp tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Trong trường hợp bị đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ngoài phạm vi tài sản mà nguyên đơn yêu cầu thì phải đóng tiền tạm ứng án phí do có yêu cầu phản tố.