Những giá trị văn hóa việt nam thời dựng nước năm 2024

Trải qua hàng ngàn năm xây dựng đất nước, dòng chảy xuyên suốt từ thời các vua dựng nước và giữ nước đến thời kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cho đến thời điểm hiện tại. Tại mỗi thời điểm văn hóa nước ta lại tiếp nhận thêm yếu tố văn hóa nước ngoài và làm phong phú, đa dạng thêm nền văn hóa nước nhà. Đó chính là quá trình hội nhập để bổ sung những yếu tố mới tiến bộ, hiện đại vào nền văn hóa truyền thống, làm giàu đẹp hơn, phong phú hơn, hiện đại hơn nền văn hóa dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Nói đến văn hóa Việt Nam không thể không nhắc đến văn hóa nông nghiệp. Nó đã trực tiếp tác động và để lại dấu ấn đậm nét trong phương thức sinh hoạt vật chất – kinh tế, lối sống, cách tư duy, tâm lý, tính cách của người Việt cho đến tận ngày nay.

Những giá trị văn hóa việt nam thời dựng nước năm 2024
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa tại tỉnh Phú Thọ

Người Việt Nam cách đây hàng vạn năm đã biết thuần dưỡng cây lúa dại thành cây lúa nước; chuyển từ săn bắn, hái lượm sang nền văn minh nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Truyện cổ dân gian “Cây lúa” của dân tộc Kinh, truyện “Bó khâu quang” của dân tộc Tày đều có nội dung giống nhau, nói về quá trình thuần dưỡng cây lúa.

Nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ nhất ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Ở thời kỳ này văn hóa Việt – Mường đạt tới những đỉnh cao rực rỡ về phát triển nông nghiệp lúa nước trên đồng bằng châu thổ, về luyện kim đồng – sắt, về tổ chức cộng đồng làng – nước, về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, về ý thức tộc người.

Trong ngôi nhà vị trí trang trọng nhất, trang trí lộng lẫy nhất là bàn thờ tổ tiên, khi đó nhiều dân tộc trên thế giới không thờ, hoặc có thờ nhưng bàn thờ người mất thường nhỏ, lại để ở góc nhà. Người Việt thờ cúng tổ tiên không giới hạn thời gian, sau 5 đời thì nhập bát nhang thờ cụ kị vào một bát nhang chính gọi là bát nhang thờ tiên tổ. Coi trọng mồ mả, giỗ kỵ ngày mất của ông bà, cha mẹ, không có tục bỏ mả, dỡ bỏ nơi thờ cúng. Suy cho cùng tôn kính tổ tiên là cách hành xử người Việt coi trọng người sinh thành ra mình.

Văn hóa Việt Nam nổi bật là các thiết chế gia đình, họ hàng và làng mạc tạo thành đơn vị xã hội cơ sở. Điều này thể hiện văn hóa coi trọng các giá trị gia đình và cộng đồng hơn các giá trị cá nhân. Tinh thần cộng đồng được xem là nét đặc trưng nổi bật của con người và văn hóa Việt Nam.

Những giá trị văn hóa việt nam thời dựng nước năm 2024
Nét đẹp văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nét văn hóa gia đình truyền thống được thể hiện qua việc kính trọng người già, yêu quý trẻ nhỏ, đề cao tình nghĩa vợ chồng. Tôn trọng mẫu quyền, dù sống trong xã hội phụ quyền nhưng vai trò người Mẹ không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa gia đình. Mẹ là người tay hòm chìa khóa, chủ chi và tham gia chính kiến tạo các lễ nghi văn hóa. Con cháu phải giữ được nếp nhà, hiếu thảo với cha mẹ. Anh em phải gắn bó, hòa thuận giúp nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn, phương châm ứng xử là “chị ngã em nâng”. Giá trị văn hóa gia đình truyền thống biểu hiện trong các quan hệ xã hội như gọi người lớn tuổi là ông, bà, chú, bác, cô… còn người ít tuổi hơn là em, cháu, con.

Triều Lý Trần, là những triều đại Phật giáo chiếm địa vị độc tôn về tín ngưỡng trong dân chúng với những vị quốc sư như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh… hoặc vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cũng là những nhà Phật học lỗi lạc. Làng nào hầu như cũng có chùa. Chính quyền cũng xây dựng nhiều chùa và phổ biến tư tưởng Phật giáo cho quần chúng. Hoàn cảnh phân hoá và các cuộc nội chiến càng củng cố tư tưởng chủ đạo của Phật giáo cho đời là vô thường, là bể khổ và dạy con người ăn ngay ở lành để được đầu thai vào kiếp sau tốt đẹp hơn. Từ triều Lê trở đi, Phật giáo không còn chiếm địa vị độc tôn, dân chúng quay trở về với việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đạo Mẫu và thờ các vị Thành Hoàng.

Những giá trị văn hóa việt nam thời dựng nước năm 2024
Văn miếu Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam lấy Nho giáo làm gốc

Khổng giáo hay Nho giáo cũng được du nhập vào Việt Nam thời gian này. Nhà nước phong kiến đã sử dụng Khổng giáo làm công cụ để bảo đảm quyền lực nên đã chọn làm quốc giáo. Triều Lý đã lập Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử năm 1070, lập Quốc Tử Giám năm 1076 và tổ chức học hành, thi cử, đào tạo công chức làm việc cho chính quyền. Nho giáo chiếm lĩnh đời sống tinh thần qua những văn thơ, kinh sách được phổ biến trong dân chúng và dần dần chiếm thế độc tôn từ thế kỷ XV trở đi, nhất là trong thế kỷ XVIII-XIX. Làng nào cũng có người đi học, đi thi. Đình làng được sử dụng như một chỗ để hội họp cộng đồng nhưng cũng là nơi thể hiện các nghi thức tế tự của Khổng giáo. Hệ thống tư tưởng Nho giáo tuy giữ cho dân tộc ổn định trong thời đại nhiễu nhương nhiều thế kỷ, nhưng lại kìm hãm sự phát triển, đổi mới, mở ra cho khoa học tiến bộ của con người và dân tộc. Những nhà trí thức thường chỉ quanh quẩn với những vần thơ, bài phú ca tụng dòng họ, tìm danh lợi trong chốn quan trường.

Và bắt đầu từ thế kỷ XVI, những giá trị mới của Kitô giáo bắt đầu được truyền bá ở Việt Nam tạo nên những xung đột dữ dội với hệ thống tư tưởng của Khổng giáo. Nhờ thông thạo tiếng Việt và sáng chế ra cách ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh thay cho chữ Nôm, các nhà truyền giáo dòng Tên từ năm 1615-1665 đã giới thiệu những giá trị nền tảng của Kitô giáo về nền dân chủ, về gia đình một vợ một chồng sống chung thuỷ với nhau suốt đời, về sự bình đẳng nam nữ vì đều có nhân phẩm như nhau, về những khoa học thường thức để giúp cho đời sống khoẻ mạnh và tươi đẹp nên được nhiều người Việt đón nhận.

Đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thực dân Pháp đã xác lập nền cai trị của chúng trên đất nước ta. Xã hội Việt Nam chuyển từ xã hội phong kiến độc lập sang xã hội tư bản thuộc địa. Điều đó đã tác động mạnh mẽ đến chủ thể văn hóa Việt Nam, chủ thể văn hóa truyền thống bị phân hóa, xuất hiện những lớp cư dân mới ngoài “tứ dân”.

Tầng lớp trí thức Tây học biết tiếng Pháp, hiểu văn hóa Pháp và xuất hiện một lực lượng sáng tác mới: những người làm báo, viết truyện ngắn, viết kịch, viết tiểu thuyết, dịch thuật… Văn nghệ sĩ trở thành một chức nghiệp: viết văn bán cho công chúng, đáp ứng yêu cầu văn hóa của cư dân thành thị. Lớp thị dân trở thành một bộ phận mới của chủ thể văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt là trong cư dân thành thị Việt Nam những thập niên đầu thế kỉ XX tồn tại một bộ phận ngoại kiều: người Hoa, người Ấn Độ, đông đảo nhất là kiều dân Pháp. Họ không phải là chủ thể văn hóa Việt Nam. Song sự hiện diện của họ giữa lòng cộng đồng người Việt tạo ra sự giao thoa trực tiếp của chủ thể các nền văn hóa khác nhau.

Bên cạnh người Pháp, một bộ phận ngoại kiều người Hoa, người Ấn Độ, dù họ không phải là chủ thể văn hóa Việt Nam, song sự hiện diện của họ giữa lòng cộng đồng người Việt tạo ra sự giao thoa trực tiếp của chủ thể các nền văn hóa khác nhau.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, kỷ nguyên của công nghệ việc giao lưu và hội nhập văn hóa có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, hội nhập bao giờ cũng có 2 mặt. Mặt tích cực là giao lưu và hội nhập sẽ giúp cho văn hóa mỗi dân tộc luôn phát triển, tiếp nhận được những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để bồi đắp thêm cho văn hóa của dân tộc mình, đồng thời, quảng bá được những giá trị văn hóa của dân tộc mình cho các dân tộc khác. Song song với nó, là nguy cơ “đồng hóa” các hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa dân tộc, đe dọa tính sáng tạo của các nền văn hóa dân tộc, dẫn đến tình trạng mất đi các giá trị văn hóa dân tộc. Việc mở cửa, hội nhập, giao lưu và hợp tác nhằm tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, đồng thời phải bảo vệ, bảo toàn các giá trị tốt đẹp, cao quý, bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.

Bản sắc văn hóa của một dân tộc chính là cốt cách của dân tộc ấy. Cốt cách dân tộc là những phẩm chất tương đối ổn định và bền vững, bởi nó được hình thành và tồn tại trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Đồng thời, cốt cách dân tộc được thể hiện rất rõ ở lĩnh vực văn hóa, làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn cốt cách của dân tộc. Một nền văn hóa giữ được cốt cách dân tộc sẽ là một nền văn hóa có đủ nội lực đề kháng, chống lại các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài. Một nền văn hóa như vậy mới đủ tự tin và bản lĩnh để tiếp nhận chọn lọc những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, “dân tộc hóa” những giá trị văn hóa nhân loại để đồng hành cùng nhân loại.

Mỗi chúng ta cần có sự hiểu biết sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc của mình, từ đó có ý thức gìn giữ, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, thực hiện nhiệm vụ hợp tác và giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.