Ismene - Con gái của Oedipus và Jocasta trong thần thoại Hy Lạp

Thật ra, Antigone là mình. Trong bài luận này, tôi sẽ phân tích vở bi kịch cùng tên của Sophocles như một cuộc chiến quyền lực giữa những cái tôi , và đặc biệt là trong một cái tôi. Tôi sẽ đối thoại với hai quan điểm phê bình, một của nhà triết học nữ quyền người Pháp Luce Irigaray và một của nhà triết học lệch pha người Mỹ Judith Butler, và đưa ra một quan điểm phê bình khác. Hiểu “Antigone”, “phản sinh” trong tiếng Hy Lạp theo nghĩa bóng, có nghĩa là không thể sinh ra chính mình, tôi sẽ áp dụng bài học về quyền lực của vở kịch cho một cuộc tranh luận thần học đương đại về quyền tự do sinh sản của phụ nữ nói riêng, và nhân quyền nói chung.

Không hổ danh truyền thống logic và khoa học của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, bi kịch Antigone tuy buồn mà vẫn sáng. Trên hành trình tâm lý của mình, mỗi nhân vật đều được nghe phản biện để có thể đưa ra lựa chọn, và ở mức cơ bản nhất, không ai là nạn nhân. Những đối thoại xem xét các mặt của vấn đề, như những quan điểm khi xuôi khi ngược của dàn đồng ca, hay thậm chí của nhân vật đa phần là phản diện như nhà vua độc tài Creon nhiều lúc khiến người đọc bật cười. Một tình huống gây cười là nhận xét của Creon về hai chị em Antigone và Ismène, khi người chị nhất quyết chôn cất thi hài anh trai bất chấp lệnh vua, còn cô em thì ban đầu bất đồng, nhưng sau đó thương chị nên muốn chết cùng. Creon thốt lên: “Chẳng sợ gì mà ta không nói thật./Hai chị em này đã hóa người điên,/Một từ lâu, một mới trở thành”. Cười ra nước mắt – như tình huống quen thuộc của đời sống khi bố mẹ bế đứa con vừa sinh ra, thường thì bố mẹ là người cười còn trẻ con thì khóc – hình như là phong cách thẩm mỹ cuối cùng: không hẳn là bi kịch, mà là hài kinh dị.

Đây là trận chiến của danh tính, giữa những cái tôi và trong mỗi cái tôi, đúng như Creon phát biểu khi biết phản tỉnh và quyết định tha cho Antigone vì sợ lời tiên tri. Lại là những lời nói khôn ngoan của một tâm hồn sỏi sạn: “Than ôi!/Khó khăn sao quyết một đường!/Xót sao bỏ ý đầu tiên của mình!/Nhưng cần cứ phải hi sinh!” (trang 52). Ở đây, “hi sinh” là một động từ tiêu cực chưa diễn tả chính xác quá trình vượt lên chính mình để trưởng thành vừa có tính tâm lý, vừa có tính sinh học hay vật lý. “Tiến hóa” là một khái niệm lớn hơn. Cũng như trong lịch sử giống loài, đã có những cá thể nhờ mang biến thể mới lạ mà có khả năng tồn tại, sinh sản và phát triển, các nhân vật trong vở kịch – đại diện cho những lập trường văn hóa – tự đi đến những cái kết sống hay chết có tính tâm lý tùy theo khả năng thích nghi và tiến hóa của mình. Antigone là một kiệt tác cô đặc nén ba chiều phức tạp của đời sống con người vào thành một: sự phát triển hay thui chột của văn hóa phụ thuộc vào quyết định của mỗi cá nhân, và dù quyết định ra sao, thì xã hội loài người không thể tách rời khỏi các quy luật của tự nhiên.

Nhân vật Antigone không hoàn toàn đại diện cho mẫu quyền, và bi kịch của cô cũng không thể giản lược thành tính dục. Thật vậy, một số nhà nữ quyền ca ngợi Antigone như một nữ anh hùng đại diện cho văn hóa mẫu quyền của mẹ và tự nhiên để chống lại văn hóa phụ quyền của cha và nhà nước. Nhưng Antigone quá “nam tính” để đại diện cho phụ nữ. Còn quan điểm lệch pha thì đề cao tính dục, cho rằng sau đời bố mình là Oedipus thì đến đời mình, Antigone cũng nghe theo tiếng gọi của ham muốn loạn luân với anh trai. Tuy phân tích Antigone như một hố đen lệch chuẩn để phản biện các thể chế áp bức như chế độ ngoại ngôn bắt buộc, quan điểm lệch pha không nhìn thấy điểm mù của mình. Danh tính của Antigone không thể bị thu nhỏ thành tính dục, đồng hóa với các nhân vật nam, hay bất kỳ một ai trong họ tộc. Cô phải chịu trách nhiệm với chính mình. Ban đầu cất lên tiếng nói của chính nghĩa, Antigone càng ngày càng trở nên độc đoán nên đã tự đào mồ chôn mình.

Trước tiên là quan điểm nữ quyền. Trong cuốn In the Beginning, She Was, Luce Irigaray tranh luận rằng bi kịch của Antigone là một bi kịch “không thể vượt qua” của tính nữ trong nền văn hóa gia trưởng không tôn trọng sự khác biệt tính dục của phương Tây. Theo Irigaray, Antigone đấu tranh đến chết để được chôn cất anh trai trước khi đi tìm hạnh phúc cho riêng mình vì ba lý do sau. 1) Cô tôn trọng quy luật và không gian của tự nhiên, bao gồm không gian cho người sống và người chết, vì để xác chết thối rữa mà không chôn cất đàng hoàng là làm ô uế đất trời. 2) Cô tôn trọng trật tự của thời gian và các thế hệ, chứ không chỉ là vấn đề họ tộc: thờ cúng và cảm ơn những người đã sinh ra mình trước khi chuyển sang nhà khác. 3) Antigone tôn trọng sự khác biệt tính dục của anh trai, vì nếu anh không chết cho yên thì em không thể hạnh phúc trong hôn nhân của mình. Đối với Irigaray, quan hệ khác biệt giới tính giữa anh chị em trong một gia đình cơ bản hơn quan hệ vợ chồng, vì quan hệ vợ chồng gắn liền với mục đích sinh sản tự nhiên chủ nghĩa.

Như vậy, quan điểm nữ quyền của Irigaray không hề hiểu giới tính nhị nguyên theo nghĩa thô thiển, nhưng đúng là đối với bà thì nam tính và nữ tính về cơ bản khác nhau, siêu việt theo chiều ngang. Irigaray cũng không tin ham muốn loạn luân. Theo bà, Antigone không có ham muốn loạn luân với anh trai, vì cô yêu và đính ước với Haemon. Động lực của cô lớn hơn tính dục, bản năng của cô là bản năng sống, không phải bản năng chết. Irigaray cho rằng phức cảm Oedipus gắn liền với trật tự phụ quyền khắc nghiệt đến sau, chứ không liên quan đến trật tự mẫu quyền nổi tiếng là có đạo đức và logic khi tất cả đều biết rõ mẹ mình là ai. Chỉ trong xã hội gia trưởng, khi đàn ông cố gắng diệt trừ mẹ và tính nữ thì anh ta mới thoái triển về trạng thái bất phân với mẹ. Quả thật, theo Irigaray, sau khi biết mình ngủ với mẹ đẻ, thay vì mở to mắt để nhìn cho rõ “kẻ khác” là ai mà tôn trọng, thì Oedipus lại móc mắt mình để bị mù thêm một lần nữa (trang 130).

Đúng như Irigaray đánh giá, cuộc chiến của Antigone lớn hơn tính dục. Tuy nhiên, nếu dùng Ismène làm gương soi thì quan điểm nữ quyền phải được đảo chiều và mở ra ngoài giới tính, vì cái tưởng chừng là nữ hóa ra lại rất nam. Thật vậy, xét về huyết thống thì Creon mới đại diện cho họ mẹ, vì ông là anh em ruột của Jocasta. Dù vị vua này không hẳn là hình tượng người cậu nhân hậu bên họ mẹ trong các nền văn hóa mẫu hệ, Antigone cũng không hơn gì. Cô đồng hóa rất mạnh với họ bố, và đặc biệt đáng trách trong quan hệ với em gái, một mối quan hệ thể hiện rõ tính “phi quan hệ” điển hình giữa phụ nữ với nhau trong xã hội gia trưởng. Trong cuộc tranh luận với Ismène, Antigone tỏ ra cao đạo và cực đoan, một khi bất đồng là cắt đứt luôn: không cần em gái giúp mình che giấu (“Không, không! Em hãy cứ chạy đi mà tố cáo:/Lặng thinh đi xúc phạm chị hơn nhiều” (Antigone, trang 8)); không cho em gái chia sẻ đau khổ hay vinh quanh (“Chị không ưa ai thương xót ngoài mồm”, hay “chớ giành một vinh quang mình chẳng có phần” (trang 27)).

Trong điếu văn khóc than thân trước khi chết, Antigone giải thích lý do tại sao anh trai Polynices lại quan trọng như vậy. Anh là một danh tính độc nhất vô nhị, không thể thay thế, vì nếu cô là một người mẹ mất con, thì có thể sinh ra một đứa khác. Nếu cô là một người vợ mất chồng, thì có thể lấy chồng khác. “Nhưng khi mẹ cha đã ngàn thu an giấc dưới mồ/Thì còn mong đâu một người anh khác lại sinh ra?” (trang 43). Ở đây, trong mối quan hệ ruột thịt quý giá, Antigone biết nhìn trước mà không biết nhìn sau. Đắm chìm vào tình thương với anh trai dựa trên một trật tự khác biệt tính dục quyền lực đã mất, cô phủ nhận và giết chết tình cảm với đứa em gái mà ban đầu thì tầm thường, bình thường, nhưng cũng thay đổi tâm lý để sẵn sàng chết cùng chị. Nhìn sang Thúy Kiều thì ta thấy một quan hệ khác. Trước khi nhường Kim Trọng cho em, Kiều phải xin “ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, một tiềm thức “vuốt mặt nể mũi” tôn trọng niềm kiêu hãnh của em gái, và thể hiện một tình cảm đồng giới sâu sắc giữa phụ nữ với nhau.

Tương tự như vậy, nếu dùng gương soi là một tình chị em trung bình khỏe mạnh, thì quan điểm lệch pha của Judith Butler trong cuốn Yêu sách của Antigone cho rằng Antigone có ham muốn loạn luân “hỗn chuẩn” cũng chưa đủ rộng để bao quát vở kịch này. Butler dùng phép ẩn dụ bệnh lý để gợi mở các khả năng văn hóa mới, cũng như phản biện sự kỳ thị đối với những cộng đồng vẫn bị coi là bệnh hoạn như LGBT hay những người nhiễm HIV. Bà đặt câu hỏi tu từ: “Oedipus đã sinh ra cái gì?” (trang 28) và trả lời rằng cũng như cha, Antigone có ham muốn loạn luân – với cả ba người đàn ông trong nhà. Quan trọng hơn, ham muốn này tượng trưng cho giới hạn của các quan hệ thân tộc hay luật lệ quy chuẩn, tượng trưng cho những cuộc đời sống mà như chết vì không có chỗ đứng trong văn hóa. Antigone muốn chôn cất và than khóc “công khai, giữa thanh thiên bạch nhật” cho anh trai, hay cho một nỗi u sầu khó diễn đạt vì bị coi là bất khả tri nào đó, nhưng không được phép làm như vậy (trang 96).

Câu hỏi của Butler vừa nghiêm túc vừa ngây thơ. Câu hỏi này có hai cách trả lời. Theo phong cách hài kinh dị, thì ham muốn loạn luân của Oedipus đã đẻ ra một “quái thai” hay một cái thai chết lưu, một khái niệm có lẽ gắn liền với nhận thức khoa học của loài người từ xa xưa về hạn chế sinh học của hôn nhân cận huyết, và phần nào lý giải tại sao “Antigone” trong tiếng Hy Lạp lại có nghĩa là “phản sinh”. Tất nhiên, Butler không hề nhấn mạnh đến chiều sinh học này. Nhưng câu hỏi Antigone là gì còn có một cách trả lời khác, theo nghĩa tâm lý. Diễn đạt lại ý của Creon theo ngôn ngữ của đạo Phật thì Oedipus đẻ ra Antigone là một cái tôi chấp trước. Butler cũng chỉ hiểu “phản sinh” theo nghĩa đen, tức là vì chết nên không thể lấy chồng sinh con. Nhưng Antigone còn có một cái bóng: “phản sinh” còn có nghĩa là không thể sinh ra chính mình.

So với Creon và Ismène, Antigone đã lao dốc không phanh. Cô không nghe phản biện của em gái và ngạo mạn với nguồn gốc “con dòng” của mình (Antigone, trang 6). Như Butler cũng chỉ ra, Creon không giết Antigone. Dù biết phản tỉnh, nhưng vì tội lỗi quá lớn nên Creon không đến kịp để ngăn chặn bi kịch. Còn Antigone thì hành động quá nhanh. Trong hang đá thăm thẳm của cái tôi, cô không có một “thanh gươm hai lưỡi” có thể đảo chiều như của Haemon để quay ngược vào trong và đặt câu hỏi của Ismène, mà trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tri thức”: Gia đình mình thì có gì hay?! Ánh sáng của tri thức, như một hơi thở sâu, sẽ khiến cho cái tôi dừng lại. Antigone không thể khóc công khai cho anh trai, nhưng có thể khóc những giọt nước mắt trưởng thành lặng lẽ cho bản thân mình, để chào từ biệt gia đình họ tộc. Cái chết của Antigone, mà độc giả chỉ biết khi sự đã rồi, là một cái chết đột ngột, lạnh lẽo, cạn khô theo nhiều nghĩa, chứ không phải chỉ vì cô bị chôn sống trong cô đơn: một bào thai mang bệnh, một cái tôi chấp trước, một chủ thể chưa “chào đời”, bị thui chột trong quá trình tiến hóa.

Như vậy, cái chết của Antigone nói riêng, cũng như sự chết chóc trong vở kịch này nói chung, là hậu quả của một sự tập trung và tha hóa quyền lực: xã hội gia trưởng độc tài của những Oedipus và Creon, thông qua hôn nhân cận huyết, đẻ ra những cái tôi bệnh tật theo cả nghĩa đen lẫn bóng, mâu thuẫn chém giết giữa anh em trai, gay gắt lạnh lùng giữa chị em gái. Nhưng tất cả không hoàn toàn tăm tối. Vương vãi trên bề mặt văn bản vẫn còn thoi thóp sự sống và niềm hy vọng: một quyền lực nam tính rệu rã già nua mất phương hướng và chắc chắn sẽ nhường ngôi cho hậu thế là Creon (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người cai trị”). Và ai có thể tiếp nhận vương quyền? Chính là “tri thức”, cô con út trong nhà. Vở kịch hứa hẹn ánh sáng tái sinh của một sự chuyển giao quyền lực có thể áp dụng cho nhiều bối cảnh đương đại: già nhường cho trẻ, nam nhường cho nữ, chi nọ trong gia tộc người nhường bước cho chi kia. Bài học nhường quyền để cho đứa trẻ-chủ thể có thể cất tiếng khóc chào đời này đặc biệt vừa vặn với một cuộc tranh luận thần học đương đại về quyền tự do sinh sản của phụ nữ.

Năm ngoái, 35 quốc gia bảo thủ về quyền phụ nữ như Brazil, Ai Cập, Hungary, Indonesia, Uganda và Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump đã ký một tuyên bố có giá trị tượng trưng hơn là pháp lý tranh luận rằng về mặt nguyên tắc, phụ nữ không có quyền phá thai. Tuyên bố này đã bị nhiều nhà hoạt động xã hội phê bình là nằm trong một xu hướng bảo thủ toàn cầu có mục đích tấn công các quyền sinh sản của phụ nữ, cắt giảm các chính sách và dịch vụ phá thai an toàn, và thường ảnh hưởng nhiều nhất đến các nhóm phụ nữ và trẻ em yếu thế. Xu hướng chính trị bảo thủ này dựa trên nền tảng tâm linh là niềm tin vào thể chế gia đình dị tính sinh sản của các truyền thống tôn giáo độc thần như đạo Thiên Chúa. Niềm tin này được tóm lược trong một bài phát biểu đáng suy nghĩ vào dịp Giáng Sinh năm 2012 của Giáo Hoàng Benedict 16.

Ở phần giữa của bài phát biểu, Giáo hoàng đề cập trực tiếp đến mâu thuẫn tư tưởng giữa mô hình gia đình truyền thống “cha, mẹ, con” và lý thuyết nữ quyền phương Tây. Benedict trích lại và ủng hộ quan điểm của một vị giáo sĩ đã phê bình khái niệm “giới” trong câu danh ngôn của Simone de Beauvoir: “ta không sinh ra, mà ta trở thành một người phụ nữ”. Theo Giáo hoàng, triết lý cho rằng giới tính không phải là một yếu tố cho trước của tự nhiên, mà là một vai trò xã hội mà con người có thể lựa chọn, vừa là một nguyên nhân trực tiếp, vừa thuộc về một thời đại khi con người ngày càng trở nên ích kỷ và vô trách nhiệm, không biết chịu đựng và vượt lên chính mình, không còn tin vào bản chất hay danh tính thân thể cơ bản, chỉ toàn tinh thần và ý chí, hiểu sai về tự do, coi tự do sáng tạo là tự do tạo ra chính mình, hủy hoại thiên nhiên, tự tước đi nhân phẩm của mình, biến trẻ con từ chủ thể thành đối tượng của các quyền.

Dùng lăng kính của Antigone thì niềm tin nữ quyền và tôn giáo không nhất thiết phải mâu thuẫn. Trước tiên, cấu trúc phụ hệ siêu hình “cha, mẹ, con” cần thay đổi trật tự để như Creon, một quyền lực tôn giáo nam tính có thể lắng nghe một quan điểm nữ quyền về một quá khứ mẫu hệ đáng quý: người mẹ như Vụ nổ lớn sinh ra thời gian phải được đặt lên trước, rồi mới đến người cha tượng trưng cho vô vàn không gian sống như hệ mặt trời của chúng ta. Sinh ra trong thời-không là những sinh vật thông minh có tư duy và ngôn ngữ, khi mỗi khái niệm, từ “phản sinh” đến “con” đều bao hàm hai nghĩa. Trong câu chuyện của Sophocles, người con gái đã chua xót cho số phận của mình, vì trước khi kết hôn, cô phải chiến đấu chống lại cường quyền. Hóa ra một nền văn hóa trong lành phải được thiết lập trước thì trẻ con mới được sinh ra. Hiểu như vậy thì những Antigone đương đại sẽ là những người đưa ra quyết định cuối cùng rằng đối với họ, thế nào là đáng sống. Quyền tự do sinh sản của phụ nữ cũng là quyền tự do dân chủ của bất cứ ai và đều là bất khả xâm phạm.

Đỗ Linh

(Tranh: Antigone and Ismene của Emil Teschendorff )


Bi kịch Hy lạp (Prométhée bị xiềng, Edipe làm vua, Antigone, Electre, Médée, Alceste). Hoàng Hữu Đản dịch theo bản tiếng Pháp Eschyle, théâtre complet, traduction, notices et notes par Émile Chambry, Garnier Flammarion, Paris, 1964; và Les grands tragiques grecs của De Rochefort, collection des grands classiques français et étrangers, Paris V. Bản thảo của nhà văn Hoàng Hữu Đản gửi nhà văn Triệu Xuân. Bản dịch Antigone được dùng trong Hội thảo về Antigone, Viện Goethe, Hà Nội, 04/2021, trang 28.

Theo một số nghiên cứu mới nhất trong khoa học, sinh học và văn hóa, sự tiến hóa của giống loài và sự phát triển của cá nhân quả thật là một. Thật vậy, chúng ta có thể nén và sát nhập quá trình tiến hóa trong sinh học và văn hóa của con người thành một chuỗi các giai đoạn trưởng thành và phát triển liên tục của một cá nhân. Không phải sự thay đổi nào trong văn hóa cũng được bảo tồn thành những giai đoạn phát triển. Mặt khác, theo đúng lý thuyết của Darwin, những biến thể mới trong gen của các cá thể từng có lợi cho sinh tồn được di truyền cho hậu thế. Một số bước tiến hóa hay phát triển quan trọng của con người là cột sống, phổi, tim, thận, não, tiếng nói, chữ viết, số học, đại số. Như vậy, ở mức sâu sắc nhất, ranh giới giữa sinh học và văn hóa, giữa giống loài và cá nhân không tồn tại. Tham khảo Börje Ekstig, “Complexity and Evolution: a study of the growth of complexity in organic and cultural evolution”, The Evolution and Development of the Universe, Clément Vidal ed., Special Issue of the First International Conference on the Evolution and Development of the Universe, Ecole Normale Supérieure, Paris, 2008, trang pdf 193-211.

Luce Irigaray, “Between myth and history: The tragedy of Antigone”, In the Beginning, She Was, Bloomsbury, London và New York, 2013, trang 113-137.

Phức cảm Oedipus là một khái niệm được nhà phân tâm học người Do Thái Sigmund Freud xây dựng để miêu tả ham muốn tình dục của con cái đối với cha mẹ khác giới tính, đặc biệt là giữa con trai và mẹ, xuất hiện ở độ tuổi 3-5. Bé trai ham muốn mẹ và ghen tị với cha. Nhưng vì sợ bị cha trừng phạt hay “thiến”, nên bé trai học cách đồng nhất hóa với cha và sau này ham muốn một đối tượng nữ khác.

Hai khái niệm mẫu quyền và mẫu hệ không tương đồng. Mẫu quyền chỉ các xã hội lý tưởng, có lẽ chưa hề tồn tại trong lịch sử khi phụ nữ và đàn ông thật sự bình đẳng. Còn đại đa số các mô hình “tiền sử” là mẫu hệ mà hiện vẫn còn tồn tại nhỏ lẻ ở nhiều nơi trên thế giới, khi con cái sinh ra mang họ mẹ và thừa kế tài sản theo họ mẹ. Từ khoảng năm 4000 TCN, loài người dần chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ khi bắt đầu phát triển nông nghiệp, định canh định cư, và ý thức về vai trò của người cha trong sinh sản. Nhiều học giả cho rằng các xã hội lấy mẹ làm trung tâm đều bình yên và gần gũi với tự nhiên. Trong xã hội mẫu hệ, quan hệ anh chị em quan trọng hơn hôn nhân, và người anh/em trai của mẹ, chứ không phải người cha, mới đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục con trẻ. Mô hình mẹ-cậu-con này không có chất tính dục như phức cảm Oedipus cha-mẹ-con. Ở Việt Nam, một vùng văn hóa mẫu hệ lâu đời mà dấu tích còn để lại trong truyền thuyết lập nước Âu Cơ – Lạc Long Quân, hiện nay vẫn tồn tại cả ba chế độ gia đình chính là phụ hệ, song hệ, và mẫu hệ. Phụ hệ là chủ đạo, còn mẫu hệ phổ biến ở các dân tộc sinh sống ở khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên như Chăm, Jarai, Êđê…

Judith Butler, Yêu sách của Antigone, Nguyễn Thị Minh dịch, Đại học Sư phạm, TP. HCM, 2021, trang 70.

Tham khảo một bài viết bổ ích và thú vị về những rủi ro sinh học như thai lưu của quan hệ tình dục cận huyết; động cơ dùng hôn nhân cận huyết để giữ quyền lực trong họ tộc trong cách hệ thống cai trị cha truyền con nối như vào thời Ai Cập cổ đại; các thực hành ép động vật sinh sản cận huyết trong nghiên cứu khoa học và chăn nuôi hiện nay; cũng như quan hệ cận huyết trong tự nhiên của một loại mạt: Alfie Shaw, “What are the effects of inbreeding?”, BBC Earth, truy cập ngày 01/04/2021, https://www.bbcearth.com/blog/?article=what-are-the-effects-of-inbreeding.

“Geneva Consensus Declaration on Promoting Women’s Health and Strengthening the Family”, được đại diện của 35 quốc gia ký trong một cuộc họp mặt trực tuyến vào ngày 22/10/2020 ở Washington DC. Sự kiện đã được truyền thông quốc tế đưa tin. Tuyên bố này không được ký ở Geneva, và cũng không liên quan đến các hiệp ước, tuyên bố hay tổ chức có chữ Geneva của LHQ. Đầu năm 2021, chính quyền của Joe Biden đã rút Mỹ ra khỏi tuyên bố, và gỡ văn bản này khỏi trang web của Bộ Y tế. Các nhóm yếu thế thường bị ảnh hưởng trực tiếp bao gồm các bé gái bị hiếp dâm hay cưỡng ép tảo hôn, một hiện tượng vẫn thường xuyên xảy ra ở các nước như Brazil, Congo, Cameroon, Benin và Burkina Faso. Tham khảo Nathan Paul Southern & Lindsey Kennedy, “Trump’s Legacy Is a Global Alliance Against Women’s Rights”, Foreign Policy, 20/01/2021, https://foreignpolicy.com/2021/01/20/trump-anti-abortion-global-alliance-legacy/.

Pope Benedict XVI, “Address of His Holiness Benedict XVI on the Occasion of Christmas Greetings to the Roman Curia”, Clementine Hall, Vatican City, 21/12/2012, available on The Vatican website at http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2012/december/documents/hf_ben-xvi_spe_20121221_auguri-curia.html. Benedict XVI đảm nhiệm chức vụ giáo hoàng của Giáo hội Công giáo từ năm 2005 đến 2013. Người tiền nhiệm của ông là Giáo hoàng John Paull II, và người kế vị ông là Giáo hoàng Francis.

Bio

Đỗ Linh

Đỗ Linh tốt nghiệp Cử nhân văn chương Đại học Massachusetts - Boston và một số khóa học về điện ảnh ở Việt Nam. Bà đã và đang làm việc toàn thời gian hoặc cộng tác với nhiều ấn phẩm Anh ngữ trong nước như VietnamNet Bridge, Thanh Nien News, Tuoi Tre News, Sai Gon Giai Phong News, The Saigon Times Daily, Mon Ngon Vietnam, The Vietnam Literature Review, VNExpress International và The Vietnam News. Bà cũng là một dịch giả tự do và hiện đang tham gia nhóm dịch cuốn Gender Trouble của tác giả Judith Butler cho NXB Phụ nữ.