Nguyên nhân cháy cho xe máy

Trong thời gian qua cả xe máy và ô tô bị cháy rất nhiều, sự việc cháy xảy ra trong nhiều điều kiện khác nhau như thông tin đại chúng đã đưa. Nguyên nhân khiến xe cháy được chắc chắn do nhiên liệu hoặc hơi nhiên liệu phải tiếp xúc trực tiếp được với lửa hoặc tia lửa.

 

Tất cả những hiện tượng đó đều có chung một “bệnh”,“bệnh” đó do hai nguyên nhân chính cộng hưởng với nhau tạo thành:

Do xăng pha nhiều Methanol, Acetone, Ethanol. Trước đây, chất phụ gia này được pha 5%, nhưng nay đã pha trên 10%. Chất phụ gia này làm tăng khả năng bốc hơi và khả năng cháy của xăng làm cho phương tiện sử dụng nó “nhạy hơn” và “bốc hơn”. Nếu cứ tính“mặt phải” này , thì nhà cung cấp nhiên liệu đã làm vui lòng khách hàng. Và hai chỉ số phần trăm nêu trên, thì “ưu điểm” cùng với sự cạnh tranh của các nhà cung cấp nhiên liệu luôn được đánh dấu chú ý. Và đơn giản thế thì cũng không thể gây cháy xe được. Nhưng rất buồn cho “mặt trái” của nó. Xăng có nhiều chất phụ gia nói trên có tính năng nữa là: Làm trương nở cao su và làm mềm nhựa.

 

Các ống dẫn xăng của xe máy và ô tô đều làm bằng nhiều loại nhựa và nhiều loại cao su. Loại vật liệu nào kém chịu môi trường xăng hiện thời sẽ có nguy cơ sự cố nhiều hơn.

 

Nguyên nhân cháy cho xe máy

Khi xăng có pha nhiều chất phụ gia chảy trong ống dẫn bằng nhựa hoặc cao su (loại kém) thì xăng sẽ thẩm thấu vào cao su hoặc nhựa, làm cho cao su trương lên. Như vậy, xăng đã làm thay đổi cấu trúc phân tử của vật liệu. Vật liệu ống dẫn lúc này về bản chất đã bị “xốp”. Khoảng trống của “xốp” đã chứa đầy hỗn hợp xăng.

 

Lưu ý rằng, xăng đã thẩm thấu vào mặt trong của thành ống dẫn được thì nó cũng thoát ra mặt ngoài ống dẫn được. Hậu quả ta có được là, trong ống có xăng thì ngoài ống cũng có rưng rưng một lượng xăng đang thăng hoa (bay hơi), (lưu ý nữa là, chất phụ gia làm xăng tăng hoá hơi). Lượng xăng đang thăng hoa này ta không nhìn thấy bằng mắt thường được. Đây là điều vô cùng nguy hiểm khi nó gặp một tia lửa điện chỉ cần rất nhỏ.

 

Đối với vật liệu bằng sắt và chuyển động quay như ở ô tô và xe máy thì tia lửa điện sinh ra do dòng điện phu cô xuất hiện thì luôn luôn có nhiều vô vàn. (Muốn tránh tia lửa điện này chỉ có một cách là nối khung xe xuống mặt đường bằng một dây xích bằng sắt. Ô tô chở téc xăng thường hay áp dụng).

 

Cơ duyên cho lượng xăng đang thăng hoa kia và tia lửa điện này gặp nhau là rất nhiều. Khi chúng gặp nhau sẽ thành một mồi lửa cho một đám cháy khủng khiếp. Chúng giống như một que diêm được cháy lên cho tương lai là một cánh rừng đại ngàn. Tuỳ theo nồng độ của xăng được thăng hoa, nếu loãng thì gây cháy, nếu đậm đặc thì phát nổ và cháy, dữ dội hơn nhiều. Nếu người điều khiển xe phát hiện sớm được vụ cháy thì nhanh chóng khóa bình xăng lại và dập lửa khi còn nhỏ.

 

Xe để trong nhà, không nổ máy thì nguy cơ bị cháy vẫn rất cao. Bởi vì, xăng vẫn thăng hoa bình thường. Thậm chí nồng độ xăng xung quanh xe còn rất đậm đặc vì ít gió lưu thông.Trong nhân dân có 1001 cơ hội có tia lửa xuất hiện. Ví dụ như: Ắc quy trong xe vẫn hoạt động cho đèn an ninh, tia lửa từ công tắc đèn điện của nhà xe… Nếu được bảo vệ nghiêm ngặt tất cả các nguồn lửa khách quan thì xe vẫn có khả năng tự bốc cháy. Lý do là vì hơi xăng đậm đặc tới một mức nào đó sẽ làm chập mạch nguồn điện của xe và phát ra tia lửa, (xăng hỗn hợp này có tính dẫn điện).

 

Tóm lại, muốn xe không bị cháy, phải thay ống dẫn xăng bằng ống làm bằng vật liệu “trơ” với tác dụng hoá học của xăng hiện thời. Nếu dùng ống dẫn xăng bằng ống kim loại thì các roăng ở đầu nối cũng bằng vật liệu “trơ” với xăng hỗn hợp. Như vậy sẽ hạn chế được khả năng xảy ra cháy xe.

Nói là vậy nhưng rõ ràng, đang có không ít lo ngại về vật dụng tưởng như vô hại và vô cùng quen thuộc với mỗi người như chiếc xe máy.

Đứng ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Lê Hồng Quân, Trưởng Khoa Công nghệ ôtô, Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định, hiện tượng cháy, nổ xe liên tiếp xảy ra trong thời gian qua có thể do chập điện.

Ông Quân cũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới chập điện. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thường là sự kết hợp của hai yếu tố, đó là rò xăng và chất lượng dây diện trong xe kém.

Nguyên nhân cháy cho xe máy

Cháy, nổ xe máy: Nguyên nhân có thể do chập điện

Về hiện tượng rò xăng, tiến sĩ Lê Hồng Quân đánh giá, đây không phải việc hiếm thấy ở xe máy, ôtô. Hầu như xe nào cũng có thể bị tình trạng này.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông Quân cho rằng, dây điện ở nhiều xe không đạt tiêu chuẩn an toàn mới là nguyên nhân chính. Đây chính là tác nhân gây ra hiện tượng đánh tia lửa điện.

Nói cụ thể hơn, ông Quân nhận định, để dây điện không gây ra tia lửa điện thì quan trọng nhất là vỏ dây. Vỏ dây sử dụng trong xe máy, ôtô bảo đảm bảo chất lượng thì phải có khả năng chịu được va đập và không bị xăng, dầu ăn mòn.

Nhìn lại những vụ cháy xe, ông Quân cho rằng, nếu đây đều là xe chính hãng thì chất lượng dây điện sẽ đảm bảo. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng mà những phụ kiện tưởng như vô hại này không được chăm sóc bảo dưỡng thì việc hỏng hóc cũng khó tránh khỏi.

Với kinh nghiệm của mình, ông Quân cũng chỉ ra, việc tuỳ tiện sửa xe ở nhiều hàng quán dọc đường trong khi đội ngũ thợ chẳng nơi nào giống nơi nào cũng khiến chiếc xe vô tình trở thành “quả bom nổ chậm".

“Chỉ cần vỏ dây điện bị nhão, tia lửa điện tiếp xúc với xăng hay thậm chí chỉ là hơi xăng, ngọn lửa ngay lập tức sẽ bùng lên. Việc cháy, nổ xe là khó tránh khỏi", ông Quân nói.

Chung quan điểm này, ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới cháy, nổ xe. Về phía Cục Đăng kiểm, do không có điều kiện tiếp cận với các xe bị cháy nên không thể tìm hiểu chính xác nguyên nhân cháy xe.

Tuy nhiên, theo ông Đức, việc sửa chữa xe có liên quan trực tiếp tới an toàn của chiếc xe máy cũng như người ngồi trên xe tham gia giao thông. Trong khi đó, ở nước ta, ai cũng có thể mở cửa hàng bảo dưỡng , sửa chữa ôtô, xe máy. Đây cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn, cháy nổ xe khi tham gia giao thông.

Về việc giám sát với những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy, ông Đức cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận cho các kiểu, loại xe dựa trên chiếc xe mẫu đã được kiểm tra, thử nghiệm và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

“Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất được phép lắp, tự kiểm tra và cung cấp ra thị trường các xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt và có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận", ông Đức cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trong suốt qua trình sử dụng, ở hầu hết các nước trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật bản, Trung quốc, Singapore…, xe máy đều được quản lý chặt chẽ và kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ bắt buộc. Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên việc kiểm tra kỹ thuật định kỳ chưa thể thực hiện được.

“Có lẽ sau hàng loạt vụ cháy xe máy trong thời gian vừa qua chúng ta cũng cần suy nghĩ thêm về vấn đề này", ông Đỗ Hữu Đức đặt ra câu hỏi.

( Theo Vietnam+ )