Kính lão đắc thọ nghĩa là gì năm 2024

Người Việt có câu “Kính lão đắc thọ” và “Kính già già để tuổi cho”. Với người Việt đến tuổi 60 là đã lên lão; trên 60 được xem là thọ; trên 70 là thượng thọ và từ 80 trở lên là thượng thượng thọ. Nên trong gia đình có ông bà, cha mẹ bước vào tuổi 60, con cháu thường có tục trọng lão, tức mừng thọ. Tại ĐBSCL, nhiều gia đình tổ chức mừng thọ lục tuần khi ông bà cha mẹ 60 tuổi, 70 tuổi gọi là thất tuần và 80 gọi là bát tuần… Nghi thức lễ mừng thọ cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia tộc, nhưng cái chính là con cháu sẽ tề tựu về đông đủ, mang quà tặng và may quần áo mới cho cha mẹ, ông bà.

Kính lão đắc thọ nghĩa là gì năm 2024

Con cháu chúc thọ ông bà – một nét đẹp văn hóa truyền thống. Ảnh: DUY KHÔI

Tục này đã có từ thời xa xưa, như trong ghi chép của cụ Đào Duy Anh: “Những nhà phú quý khi cha mẹ già 70 - 80 tuổi thì con cái làm lễ mừng thượng thọ. Lễ vật hoặc gà xôi hoặc lợn bò, tam sinh đem ra đình lễ thần, gọi là tạ ơn thần đã phù hộ cho cha mẹ mình sống lâu. Xong rước cha mẹ ăn mặc chỉnh tề lên ngồi thọ tịch ở chính giữa nhà, con cháu lạy dâng rượu hay một quả đào chúc thọ. Sau đó là tiệc mừng…” (1). Theo quan niệm của ông cha ta, những bậc cao niên là người làm chủ kho tàng kiến thức, kinh nghiệm sống nhờ trải qua nhiều năm lao động. Vì vậy, Vua Lý Thái Tổ đã từng xuống chiếu cho những người từ 70 tuổi trở lên nếu bị phạm tội thì được chuộc về gia đình. Hoặc như Lý Thường Kiệt đã xin vua Lý Thánh Tông cho phép những công thần 80 tuổi mỗi khi vào chầu được ngồi vào ghế, không phải cúi lạy. Thời nhà Trần, vai trò của các bô lão rất được coi trọng, thể hiện cụ thể qua “Hội nghị Diên Hồng”. Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự đền hành cung ban tiệc cho các hương lão từ 60 tuổi trở lên mỗi người được hưởng tước hai tư (2) đàn bà cũng được thưởng 2 tấm lụa. Năm 1405, Thượng hoàng Hồ Quý Ly thấy mình tuổi đã 70 nên ban cho phụ lão ở các lộ từ 70 tuổi trở lên mỗi người tước một tư, đàn bà già thì cho tiền giấy, ở kinh thành thì cho tước và cho ăn uống (3). Đến thời Lê, Vua Lê Thánh Tông còn xây nhà An dưỡng lão để nuôi người cao niên. Đến triều Nguyễn, năm 1823 vua Minh Mạng cho các vị quan sống đến trăm tuổi đều được thưởng bạc, lụa; sống trên 110 tuổi phần thưởng sẽ cao hơn. Còn người dân tuổi thọ cao, đàn ông và đàn bà đều được thưởng bạc, vải, lụa, ngoài ra còn được cấp một tấm biển treo trước nhà. Vào dịp Tết, các quan phủ huyện sai người mang rượu thịt đến biếu cho những người sống lâu trên trăm tuổi. Năm 1826, vua Minh Mạng lại quy định gia đình nào mà 5 đời cùng ở một nhà (ngũ đại đồng đường), chứng tỏ gia đình đó có nhiều người cao tuổi sẽ được vua ban thưởng bạc, vải, lụa. Đến đời vua Tự Đức và Khải Định, mặc dù chính sự nhiễu nhương, giặc ngoại xâm hoành hành, nhưng nhà Vua vẫn quan tâm đến người cao tuổi, ca ngợi công đức của các bậc hiền tài cao niên đã có nhiều cống hiến.

Trong thư gởi cho phụ lão cả nước nhân dịp đầu Xuân năm 1941, Bác Hồ đã viết: “…Nước nhà hưng, suy, tồn, vong phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề… Nước nhà lo các cụ cũng phải lo. Nước nhà vui các cụ đều cũng được vui”. Kể từ sau Cách mạng Tháng 8 - 1945, hằng năm các cụ già có tuổi thọ cao đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị Chủ tịch kế vị gởi lụa tặng. Đến nay, vào Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1 – 10, Đảng, Nhà nước và các ngành liên quan đều quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò của người cao tuổi. Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập ngày 10 - 5 - 1995 cũng nhằm đáp ứng các quyền chính đáng của người cao tuổi, đồng thời phát huy vai trò “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên phối hợp cùng Hội Người cao tuổi Việt Nam vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Người cao tuổi đối với gia đình và xã hội.

Năm 2000 Pháp lệnh về Người cao tuổi ở Việt Nam ra đời đã nhận định “Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội”. Xem thế đủ thấy rằng truyền thống “kính lão” của ông cha ta thật vô cùng quý báu, dù sống trong triều đại nào, quân chủ hay dân chủ, người già cũng có một vị trí hết sức quan trọng.

HOÀI PHƯƠNG

----

(1) Việt Nam Văn hóa sử cương – trang 200

(2) “Tư” là quan chức đời xưa, mỗi cấp bực chia làm mấy tư, cụ thể như tước 1 tư, tước 2 tư…

(3) Đại Việt Sử ký toàn thư – Q.V, Trang 288 và Q.VIII, trang 444.

----

Tài liệu tham khảo:

1.- Đại Việt Sử ký toàn thư – Dịch giả Cao Huy Giu - NXB Văn học - 2009

2.- Việt Nam Văn hóa sử cương - Đào Duy Anh - NXB Bốn phương - 1951

3.- Lễ tục Việt Nam xưa và nay - Phan Kim Huê - NXB Thanh niên - 2000

4.- Con người Môi trường và Văn hóa - Nguyễn Xuân Kính - NXB KHXH – 2013

5.- Chính sách của triều Nguyễn đối với người sống thọ - Lê Nguyễn - Kiến thức ngày nay số 448 năm 2003 – Trang 41,42,43.