Giá trị văn hóa phong tục miền trung năm 2024

VOV.VN - Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 diễn ra nhiều hoạt động với những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, qua sự thể hiện của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 11 tỉnh trong khu vực.

Đây còn là nơi hội tụ và giao lưu văn hóa của các dân tộc ở khu vực miền Trung, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giá trị văn hóa phong tục miền trung năm 2024

Các nghệ nhân Đoàn tỉnh Quảng Nam tham gia ngày hội

Đến với Ngày hội, Đội văn nghệ quần chúng tỉnh Khánh Hòa trình diễn các tiết mục văn nghệ có chủ đề “Âm vang đại ngàn”. Đó là tiết mục Hát múa bập bùng đêm hội Raglai; hòa tấu mã la và đàn chapi; hát giao duyên A lưu ruto; đệm đàn Chapi; Hát tam ca “Nắng gió cao nguyên”; độc tấu đàn đá và biểu diễn trang phục.

Nghệ nhân Cao Thanh Bình (66 tuổi), ở thôn Hòn Dung, xã Xuân Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hơn 2 tháng nay, ông tham gia tập luyện để biểu diễn trong ngày hội lần này. Những giai điệu dân ca, dân vũ đặc sắc trong ngày hội đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng, đoàn kết, gắn bó của dân tộc Rắc Lây ở vùng núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

“Hôm nay trình diễn đàn và hát bài truyền thống dân tộc Rắc Lây. Tôi mang theo nỏ và mala, rất phấn khởi đến tham dự liên hoan tiếng hát tại tỉnh Bình Định. Đây là ngày giao lưu để học hỏi với nhau, để sau này mình còn phát huy truyền thống của dân tộc Rắc Lây ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa” - ông Bình chia sẻ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 75 thành viên tham gia các hoạt động Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV. Đoàn Thừa Thiên Huế biểu diễn, giới thiệu các nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Trong không gian trưng bày tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Đoàn Thừa Thiên Huế giới thiệu những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương mình. Ông Ngô Văn Giáo, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tất cả các nghệ nhân của Đoàn đã mang đến ngày hội một màu sắc riêng, quảng bá hình ảnh của đồng bào vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến với du khách.

“Muốn bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa bản sắc của các đồng bào dân tộc thiểu số thì phải có hoạt động như thế này. Chúng ta đem đến cộng đồng các địa phương dân tộc nói chung cũng như với bạn bè, du khách, thậm chí khách quốc tế cũng biết nhiều hơn đến sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Đây là cơ hội để cho các dân tộc thiểu số của Việt Nam phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của họ” - ông Giáo nói.

Giá trị văn hóa phong tục miền trung năm 2024

Dệt thổ cẩm

Tỉnh Bình Định là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh này hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là 3 dân tộc: Bana Kriêm, Chăm Hroi và Hrê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã góp phần làm đậm chất nhân văn và tinh thần thượng võ của con người đất võ. Là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, tỉnh Bình Định ra sức quảng bá văn hóa của địa phương đến các đại biểu về dự hội.

Ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định cho biết: "Các hoạt động diễn ra rất thành công. Đối với những nét văn hóa truyền thống đồng bào của mình thì dân tộc mỗi địa phương có đặc sắc rất riêng, rất độc đáo. Đồng bào còn giữ được nét văn hóa truyền thống rất hay, rất đặc sắc cần phải gìn giữ, quan tâm bảo tồn và phát huy.”

Khu vực miền Trung sở hữu tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Bana, Giẻ Triêng, Co, Xê Đăng, Chăm và nhiều tộc người khác. Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần này góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở khu vực này.

Giá trị văn hóa phong tục miền trung năm 2024

Đoàn nghệ nhân tỉnh Ninh Thuận biểu diễn các loại nhạc cụ

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sẽ tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa để các cơ quan quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách hiểu rõ hơn về những đặc trưng văn hóa của vùng núi cao, vùng núi thấp, vùng ven biển, mang hơi thở cuộc sống gắn với núi rừng sông suối biển cả cùng với tập tục canh tác mùa vụ của đồng bào các dân tộc ở miền Trung./.