Giá trị truyền thống văn hóa việt nam năm 2024

Khi ta kể câu chuyện Thánh Gióng, một cậu bé ba tuổi nhờ cơm, nhờ cà của dân làng mà thành dũng sĩ, chiến thắng giặc ngoại xâm; khi đọc chuyện Sơn Tinh chống lụt bảo vệ Mỵ Nương, chính là đồng bằng sông Hồng giàu có vùng Bắc Bộ…, hay khi ta nói về Mụ Giạ, về Mai An Tiêm mở cõi phía nam, phía đông…, chính là ta đang tự hào về truyền thống cha ông lập nước, giữ nước, mở nước từ bao đời nay. Đó là những giá trị tinh thần quý báu đã tồn tại, đã thấm đẫm, đã - một cách mặc định ngấm trong lòng người Việt Nam bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu thế hệ.

1. Nói đến văn hóa Việt là nói đến các giá trị tốt đẹp nhất của người Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam gồm hơn 60 sắc tộc trên cả nước. Nền văn hóa Việt ấy nó phải thấm đẫm được cái hồn của dân tộc, tức là từng thành viên của dân tộc ấy đều phải thấy được hình bóng, dáng vẻ, tâm trạng… của mình. Một câu chuyện như Thạch Sanh chẳng hạn, chàng trai này đã làm bao nhiêu điều nghĩa hiệp, bị cướp công, thế mà vẫn tiếp tục khẳng định mình, tiếp tục những việc làm nhân hậu. Rồi, ác giả ác báo! Mẹ con Lý Thông cuối cùng cũng phải chịu đền tội. Đây là câu chuyện phổ biến trên toàn cõi Việt nhưng có mấy ai nghĩ Thạch Sanh phải chăng có nguồn gốc từ người Khơ me? Vì chàng mang họ Thạch? Thạch Sanh có thể thuộc sắc tộc Khơ me nhưng anh đã ứng xử theo lối của một thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

2. Khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống gắn kết con người Việt Nam, tôi muốn nhắc tới một tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Mường: “Đẻ đất đẻ nước”. Đây là một tác phẩm đã vén màn rừng núi về góp mặt trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam. Trời đất do đâu mà có? Vũ trụ từ đâu sinh ra? Con người và muôn vật xuất hiện thế nào? Vì sao có thịnh suy? Có chế độ này, thể chế khác, có kẻ giàu, có người nghèo? Bao nhiêu câu đố trong màn sương lịch sử? “Đẻ đất đẻ nước” mang một vũ trụ quan duy vật thô sơ, chứng tỏ cũng như nhiều dân tộc, những người lao động cổ đại ở xứ này mặc nhiên biết được vạn vật chuyển động và hình thành từ vật chất. Những hình tượng minh họa đậm nét cho sự “cảm ngộ” thiên tài ấy đã sớm biểu lộ chủ nghĩa lạc quan ham sống cùng tình yêu thiên nhiên tha thiết, nồng nàn. Trong quá khứ xa xôi, cuộc sống thời hỗn mang hiện lên lung linh, mờ ảo, nửa thực, nửa hư. Nhưng, ngay từ những dòng đầu, cuộc sống đã có sự hòa hợp nhất thể: đất đẻ ra cây, cây biến ra mường, một bọc sinh ra cả gia đình ruột thịt, lại có cả cảnh uyên ương trống mái chim Tót, chim Tùng báo trước rằng sự sống sẽ nảy nở, sinh sôi trong khung cảnh hồn nhiên không có những vui buồn ước lệ. Cái đặc sắc của hình tượng là nó luôn luôn tiếp nối và phát triển. Có đất nước, có con người thì phải có sinh hoạt và cải thiện sinh hoạt bằng xây dựng, bằng đấu tranh. Nổi bật ở đây là vai trò của những ai làm nên lịch sử ấy. Thần thánh trong “Đẻ đất đẻ nước” dường như đang lùi về phía sau quan sát con người tự quyết định vận mệnh của mình. Viêng Kulinh không lấy được lửa vì thần Tà Cắm Cọt đổ nước vào thì Tun Mun đi thay. Nàng Tiến Tiên Mái Lúa tìm ra nhiều giống lúa, ông Lang Khấm Dặm tìm cách nấu rượu, nàng Dật, cái Dành, bà Rấp, bà Rưởi… đều là những người lao động. Hình tượng trung tâm trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” là hình tượng con người gắn với cuộc sống cụ thể. Đó là một chàng Tặm Tạch lao động hết mình xây dựng nhà Chu. Cây chu đồng bông thau quả thiếc là tượng trưng cho sự giàu có, sung túc, hạnh phúc, cho cả lao động phát minh, cả đấu tranh xây dựng. Kéo chu là một cuộc viễn chinh của người Việt cổ muốn xây dựng một cuộc sống mới khang trang tốt đẹp. Lịch sử thế giới chưa hề ghi tên ai đã ngã xuống khi xây Kim tự tháp hay Vạn lý trường thành. Nhưng “Đẻ đất đẻ nước” thì ghi tên chàng Tặm Tạch hy sinh để khẳng định một sự đóng góp trong lao động. Sự hy sinh của người anh hùng này đã khép lại đoạn đời nguyên thủy của thị tộc, đồng thời mở ra một giai đoạn mới. Dựng nhà Chu rồi lại đốt nhà Chu chính là hai mặt của một hình tượng thống nhất để ca ngợi sự sống. Sự sống phải tiếp tục, sức sống phải được giải phóng theo một quá trình đi lên. “Đẻ đất đẻ nước” đã dựng lại không phải chỉ một cuộc đời mà cả một chuỗi đời liên tiếp đo bằng thiên niên kỷ, bằng nhiều thế kỷ mà mỗi bước đi là một phấn đấu bền bỉ, dẻo dai, dạt dào sự sống và lòng ham sống. Một sử thi dân gian như “Đẻ đất đẻ nước” khiến người ta tin, yêu cuộc sống hơn. Từng chặng một người ta thấy rất rõ con người Việt Nam đã khắc phục như thế nào những sự rời rạc, lẻ tẻ, ngược chiều của thời bộ lạc, tập trung ý chí vào cuộc sống mới, cuộc sống tiến dần lên giai đoạn văn minh.

3. Nước ta có lịch sử mấy nghìn năm nhưng mãi đến thế kỷ XIII mới bắt đầu chép sử. 3.000 năm trước đã có bao nhiêu sự kiện xảy ra nhưng tiếc rằng ta không lưu giữ được những chi tiết nào (ngoài một số truyền thuyết và một số ít câu ca). Rồi trong thời kỳ trung đại, cận đại và cả hiện đại bây giờ cũng có bao nhiêu chuyện mà sách vở không thể chính thức ghi chép, nhưng người dân thì lại vẫn bằng cách này, cách kia truyền tụng trong dân gian.

Sự tồn tại những câu chuyện đẹp, chuyện hay ấy chính là khẳng định sức mạnh của văn hóa truyền thống Việt. Có những câu chuyện kể ra thì rất sơ lược nhưng phân tích kỹ thì lại hết sức sâu xa. Như chuyện danh y Tuệ Tĩnh thời Trần chỉ biết cụ là Thánh thuốc Nam, chữa bệnh cho vợ vua nhà Minh và bị giữ làm con tin rồi chết ở Trung Quốc. Những thông tin về cụ nhìn chung quá ít ỏi, nhưng nếu ta chú ý phân tích sẽ thấy ở nhân vật này có ba giá trị lớn làm nên nhân cách con người Việt Nam. Đó là Tuệ Tĩnh chủ trương dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Việt Nam, một chủ trương cực đúng đắn phù hợp với môi trường, điều kiện con người Việt. Tuệ Tĩnh là nhà văn Việt và hầu như các bài thuốc, phương thuốc của cụ đều được diễn đạt bằng thơ Nôm, bằng ngôn ngữ Việt Nam. Tuệ Tĩnh còn là người cho đến cuối đời vẫn đau đáu một khát vọng trở về với quê cha đất mẹ. Đó là gì, nếu không gọi là một giá trị của nhân cách người Việt, văn hóa Việt.

4. Nếu không thấm đẫm tinh thần của văn hóa Việt, liệu chúng ta có thể có những điều thần kỳ gắn kết con người Việt Nam như thế không? Cho nên có thể nói, chính những giá trị của văn hóa Việt đã làm nên bản sắc Việt, đã vinh danh con người Việt Nam. Có một điều mà đến nay nhiều người Việt Nam vẫn rất khao khát là chúng ta chưa thể xây dựng một nền lý luận đầy đủ, chặt chẽ khẳng định Bản sắc của văn hóa Việt Nam. Nếu có một hệ thống lý luận về nội dung này chắc chắn chúng ta sẽ thấy rõ hơn, sâu sắc, đầy đủ hơn những phẩm chất của văn hóa Việt. Nhớ lại cách nay 80 năm, năm 1943 bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, đưa ra ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa để làm cơ sở tìm hiểu, đánh giá và phát huy các giá trị Văn hóa Việt Nam. Bản đề cương đã nêu ra ba giá trị quan trọng. Nghĩ về truyền thống của văn hóa Việt, nhân dịp này chúng ta nên xem đây là một yêu cầu cần được sớm hoàn thiện để phát huy, xây dựng nền tảng lý luận mang tính định hướng.

Gần đây, hơn chút xin được nhắc đến chuyện về học giả Hoàng Xuân Hãn. Chắc không mấy ai nghĩ rằng những thuật ngữ toán học mà ta dùng hàng ngày như số học, đại số, tích phân… là những thuật ngữ do Hoàng Xuân Hãn đã nghĩ ra một cách chính xác, khoa học và mang rất rõ bản sắc Việt đã được giới khoa học Việt Nam và thế giới hoàn toàn công nhận.

Giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam là gì?

Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam là sự chắt lọc và kết tinh tất cả những gì ưu tú, tinh túy, tốt đẹp nhất trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nó được lưu truyền cho các thế hệ sau, được các thế hệ gìn giữ, kế thừa, phát huy để trở thành nguồn lực nội sinh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Truyền thống dân tộc Việt Nam có giá trị gì?

Trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, yêu nước là giá trị nổi bật và cơ bản nhất, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhìn lại lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Giá trị văn hóa con người Việt Nam là gì?

Giá trị văn hóa con người Việt Nam là yếu tố cấu thành bản sắc tộc người bao gồm: tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, nghệ thuật, luật pháp, tập quán, sinh hoạt... là sự thể hiện bản chất năng lực con người với tính cách là thành viên của cộng đồng xã hội.

Giá trị truyền thống gồm những gì?

Giá trị truyền thống là những yếu tố thuộc về vật chất, tinh thần đại diện cho cộng đồng, xã hội qua mỗi thời kỳ lịch sử, trở thành bản sắc riêng được sử dụng, gìn giữ theo thời gian: hiện vật, tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, phong tục, tập quán…