Di sản hóa và tính thiêng lễ hội năm 2024

Lễ hội là một hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể, “là một hình thức diễn xướng tâm linh tổng thể của lễ hội không phải là thực thể “chia đôi” như người ta quan niệm mà nó hình thành trên cơ sở một cốt lõi nghi lễ, tín ngưỡng nào đó (thường là tôn thờ một vị thần linh - lịch sử hay một thần linh nghề nghiệp nào đó) rồi từ đó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng văn hoá phái sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội cho nên trong lễ hội phần lễ là phần gốc rễ chủ đạo, phần hội là phần phát sinh tích hợp.

Di sản hóa và tính thiêng lễ hội năm 2024

Diễn tích Mẹ con nhà khó đánh hổ tại Lễ hội Đậu An (Hưng Yên) Ảnh Hoàng Linh

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tinh thần của cư dân sống trên dải đất Việt Nam hàng ngàn năm nay. Trong một năm, thường vào những thời khắc nhất định thuộc mùa xuân và mùa thu, khắp nơi tưng bừng không khí lễ hội. Dù ở miền núi cao, đồng bằng hay hải đảo xa xôi, mỗi khi cộng đồng tổ chức lễ hội là dịp người người nhà nhà náo nức đón chờ và hưởng ứng. Đồng bào các dân tộc thiểu số hay người Kinh, cũng đều có chung tâm trạng hưng phấn cộng đồng này. Lễ hội cũng có thể diễn ra ở những nơi cụ thể nào đó vào mùa hạ hoặc mùa đông. Tuy nhiên, những thời điểm đó không phổ biến bằng lễ hội mùa xuân, mùa thu. Cổ nhân đã tổng kết quy luật gắn với tứ thời bát tiết trong năm: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn, cũng cho ta những thông tin gần gũi với vòng quay mùa màng, chu trình sinh trưởng của cây trồng (và phần nào đúng với vật nuôi, vạn vật... ở lớp nghĩa khác). Hiểu theo nghĩa rộng, tổng kết trên cũng chẳng xa với vòng đời của mỗi người có sinh, trụ, dị, diệt hay sinh, lão, bệnh, tử. Và, thời gian trôi đi, không gian thay đổi, nhưng vòng tuần hoàn vũ trụ vẫn chuyển luân và mùa đến, mùa đi, kế nối dài vô cùng vô tận. Bởi thế, khát vọng trường sinh, sự tưng bừng náo nhiệt sẽ mãi mãi xoay vòng cùng con người và đất trời, để cho lễ hội cứ đến hẹn là gặp, cứ đến dịp là vui mừng náo nức y như ngày xửa ngày xưa cho tới tận bây giờ và mai sau.

Thời gian lễ hội là thời gian thư giãn nghỉ ngơi, nhịp dừng thú vị để chu kỳ mới được hình thành. Lễ hội, theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên là mùa Ning Nơng, được Ăn năm uống tháng. Người Việt cổ truyền cũng quan niệm rằng Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà... Lễ hội mùa xuân tuy trời vẫn còn chút se lạnh của mùa đông, nhưng đã tràn đầy cái nồng nàn ấm áp của một mùa mới, năm mới đầy hứa hẹn.

Tháng tám mùa Thu, gió heo may, cây trái cho thu hoạch, quả ngọt trĩu cành, nắng vàng óng ả, mùa cốm mới, trẻ em trông trăng đón Trung Thu, người già trông trăng nhìn thời tiết đoán kết quả thu hoạch mùa màng, trai gái vui đối đáp giao duyên... tất cả đều hòa chung với đất trời mênh mang rộng mở. Bởi thế chăng, mà mùa thu lễ hội cho ta không khí gần gũi, thấm đượm, hữu tình!

Lễ hội được đánh giá là hoạt động cộng đồng đa màu sắc, hấp dẫn lâu bền nhất trong tất cả các sinh hoạt chung của mọi người dân. Tính tổng hợp, đa diện, đa dạng của các sinh hoạt gồm chứa trong hoạt động lễ hội được các nhà nghiên cứu văn hóa gọi đó là tính nguyên hợp của văn hóa dân gian/văn hóa dân tộc Việt Nam. Ấy là bởi những tinh túy, tinh hoa của Đất và Người đều tụ hội về dịp lễ hội. Ấy là bởi vì lễ hội nào cũng chứa trong nó hạt nhân thiêng liêng với nhiều ước vọng con người muốn gửi gắm tới tầng trên cao xanh đầy huyền bí và gắn với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của các thế hệ con người Việt Nam. Tính thiêng trong lễ hội trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết cộng đồng thành một khối thống nhất cùng chung ước vọng.

Ngày địa phương mở hội là ngày quan trọng của cộng đồng, được gọi là vào đám, đóng đám. Về cơ bản lễ hội truyền thống bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở những nơi trang nghiêm như: trong hoặc trước cửa đình, đền miếu, chùa,... mục đích là để giao tiếp với thần linh sông núi, các vị thần tổ nghề, anh linh các vị anh hùng dân tộc, mời tổ tiên các dòng họ về dự hội với dân làng. Lễ hội làng hội tụ sức mạnh thiêng liêng của cả trời đất, non sông, tổ tiên và con cháu. Bởi thế, trong dịp lễ hội, thông qua các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo để ước mong nối sợi dây giao cảm giữa Thần - Người - Cộng đồng và thể hiện nguyện vọng của họ trong không gian và thời gian thiêng liêng.

Phần hội về cơ bản diễn ra nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí và sáng tạo văn hóa của con người thông qua các trò chơi dân gian, địa điểm diễn ra thường ở những bãi đất trống, vạt rừng, trên mặt nước ao, hồ, sông, những nơi rộng rãi,...

Lễ hội rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội. Thông qua lễ hội, các giá trị truyền thống của làng quê như ý thức về cội nguồn, tổ tiên dân tộc, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc,...; ý thức về đồng loại, cố kết con người trong cộng đồng, ý thức giữ gìn nét đẹp thuần phong mỹ tục của cộng đồng được gia tăng, củng cố. Con người trong thời điểm diễn ra lễ hội dường như hòa đồng, xích tại gần nhau hơn, giao lưu cởi mở chân thành hơn. Lễ hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo thu hút du khách gần xa.

Tóm lại, đối với người dân, tổ chức lễ hội hằng năm là nhu cầu thiết yếu, một đòi hỏi tinh thần nhằm đến đích:

- Tưởng nhớ công đức các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các liệt sĩ, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

- Đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu đa dạng chính đáng khác của nhân dân.

Tuy thế, lễ hội cũng có những hạn chế nhất định, đó là những hệ lụy phái sinh do chúng ta nhận thức chưa đúng về lễ hội khiến giá trị đích thực của lễ hội bị mất đi hoặc giảm sút, sai lệch, méo mó. Xu hướng thương mại hóa lễ hội, lãng phí, thậm chí dung tục hóa lễ hội đi cùng với tệ nạn bói toán, cờ bạc, hiện đại hóa lễ hội vô căn cứ, lợi dụng lễ hội để trục lợi diễn ra khá thường xuyên ở những mức độ khác nhau gây ra sự ô nhiễm môi trường nhân văn và môi trường sinh thái ở phạm vi rộng lớn.

Nguồn: Hướng dẫn quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống ở cơ sở, Phạm Lan Oanh - Nguyễn Hoàng, NXB CTQG - ST, Hà Nội, 2015