Ket thuc che do bao cap viet nam năm nào

Quá trình 30 năm đổi mới (1986-2016) đã mang lại những đổi thay to lớn cho đất nước trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực với rất nhiều thành tựu và triển vọng, góp phần khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo.Bài viết này chúng ta sẽ làm rõ bối cảnh, những bước đột phá qua 30 năm đổi mới.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được chính thức bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986).

Bối cảnh trong nước

Thứ nhất, từ cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng bộc lộ nhiều khó khăn, yếu kém và lâm vào tình trạng khủng hoảng. Nguyên nhân của tình trạng đó là do những sai lầm, hạn chế trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, do đường lối, chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ sau năm 1954 ở miền Bắc và từ sau năm 1975 trên phạm vi cả nước. Mô hình kinh tế quan liêu bao cấp đã được duy trì hàng chục năm ở miền Bắc như chế độ công hữu về tư liệu sản xuất (nhất là đất đai), về lao động tập thể, độc quyền của nhà nước về thương nghiệp và giá cả; về kế hoạch hóa tập trung; về quan niệm rằng tư bản là bóc lột, là đối lập với chủ nghiã xã hội - mà kinh tế thị trường thì sản sinh ra chủ nghĩa tư bản v.v cùng với thói quen bao cấp đã hình thành lâu năm càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này đặt Đảng Cộng sản Việt Nam trước nhiệm vụ lịch sử hệ trọng và khó khăn đó là phải tạo được bước ngoặt sửa sai cơ bản từ đường lối chính sách, trước hết trên lĩnh vực kinh tế và cả với tổng thể đường lối, để đứng vững và phát triển.

Thứ hai, mô hình xã hội chủ nghĩa cũ của Liên Xô mà Việt Nam và nhiều nước khác đã áp dụng ngày càng bộc lộ nhiều sai lầm và khuyết tật, mà hậu quả của nó chính là sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội của Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Những nước như Trung Quốc đã sớm nhận thức được sai lầm của mô hình này và tiến hành sửa chữa bằng đường lối cải cách, mở cửa. Đến năm 1985, Liên Xô bắt đầu tiến hành công cuộc cải tổ để sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết tật của mô hình cũ. Do vậy, hơn lúc nào hết, yêu cầu đối với Việt Nam lúc này phải nghiên cứu một mô hình mới phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Thứ ba, sự xuất hiện các tư duy đổi mới, sáng tạo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến cuối thập niên 70, các ngành kinh tế và các cơ sở kinh tế đã có những hoạt động phá vỡ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Trong nông nghiệp có khoán chui, trong công nghiệp có xé rào, trong thương nghiệp có bán, thưởng hàng công nghiệp, hợp đồng hai chiều (hàng đổi hàng), giá thỏa thuận, giá thị trường. Các cơ sở sản xuất hoạt động theo cơ chế mới đã mang lại kết quả: sản xuất phát triển, đời sống người dân được nâng cao, lợi ích của Nhà nước, tập thể và người lao động đều được đảm bảo. Điều đó phù hợp với mục tiêu của CNXH, thực tiễn đó đã gợi mở hướng đi mới cho công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước : từ thực tiễn của khủng hoảng và những bước đột phá của các cơ sở sản xuất, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng trăn trở tìm tòi hướng giải quyết khủng hoảng. Hội nghị TW Đảng 6 khóa IV (tháng 8 năm 1979) là một mốc đánh dấu đổi mới trong tư duy của Đảng. Hội nghị đã có những quyết định quan trọng như thay đổi phương hướng xây dựng kinh tế: chuyển từ đường lối công nghiệp hóa ưu tiên phát triển công nghiệp nặng sang phát triển nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng; thừa nhận nền kinh tế có nhiều thành phần; chủ trương kết hợp kinh tế với thị trường, khẳng định sự cần thiết phải tồn tại thị trường tự do và các yếu tố của cơ chế thị trường như giá thỏa thuận, hợp đồng.

Ngày 19-10-1986, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội: “Trong những năm qua, chúng ta đã mắc sai lầm tả khuynh duy ý chí, làm trái quy luật khách quan. Sai lầm đó thể hiện trong việc ham phát triển công nghiệp nặng với quy mô lớn vượt quá khả năng, duy trì một kiến trúc thượng tầng đồ sộ vượt quá sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng, muốn nhanh chóng xóa bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa... Khi đã mắc sai lầm lại bảo thủ, không dũng cảm và quyết tâm sửa chữa”. Quan điểm này được khẳng định trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VI (cũng do ông đọc, ngày 15-12-1986): “Việc đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thiếu sót. Do đó, trong 10 năm qua đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”.

Một trường hợp khác là ông Đỗ Mười - người chỉ huy hai cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền bắc (1958 - 1960) và miền nam (1978) - khi ở cương vị Thủ tướng (từ tháng 6-1988) đã rất ủng hộ Đổi mới và góp phần tạo ra “bước ngoặt” quyết định ở Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI, 3-1989).

Bối cảnh quốc tế

Bối cảnh quốc tế cũng có những thay đổi to lớn và toàn diện, tác động mạnh mẽ và đặt ra yêu cầu đổi mới với Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân khách quan của công cuộc đổi mới.

Một là, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại trên thế giới phát triển như vũ bão kể từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 đã tạo ra thời cơ và thách thức lớn đối với tất cả các nước.

Hai là, cho đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX thì đổi mới, cải cách đã trở thành xu thế chung của thời đại. Các nước tư bản chủ nghĩa đã sớm tiến hành cải cách từ những năm 70, sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973. Trung Quốc là nước theo con đường xã hội chủ nghĩa cũng bắt đầu tiến hành cải cách, mở cửa về kinh tế từ năm 1978. Tiếp đến là Liên Xô tiến hành cải tổ từ năm 1985. Như vậy, đến giữa những năm 80 thì yêu cầu đổi mới, cải cách đặt ra đối với tất cả các nước, bao gồm các nước tư bản chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế chung đó. Những dấu hiệu đổi mới ở Việt Nam xuất hiện từ cuối những năm 70 và cho đến giữa những năm 80 vẫn tiếp tục được thể hiện ngày càng rõ nét hơn. Điều đó đã chứng tỏ đổi mới là một yêu cầu bức thiết và có tính tất yếu đặt ra đối với Việt Nam lúc này.

Ba là, đến giữa thập niên 80 quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi với những diễn biến mới (chuyển từ xu thế đối đầu sang đối thoại và hợp tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình). Đối với Trung Quốc, vào thời điểm quyết định tiến hành cải cách, mở cửa (1979), Trung Quốc đã cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây, thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập trên trường quốc tế. Còn với Liên Xô, kể từ khi Gorbachyov lên nắm quyền lãnh đạo và tiến hành cải tổ đất nước (1985), chính sách đối ngoại của Liên Xô đã có những thay đổi lớn. Liên Xô thực hiện chủ trương chuyển từ đối đầu sang đối thoại trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, nhu cầu cải thiện môi trường hòa bình ở khu vực Đông Nam Á để phát triển kinh tế lúc này trở thành nhu cầu chung của các nước thuộc cả hai khối ASEAN và Đông Dương.

Như vậy, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ở Việt Nam từ năm 1986 không phải được được tiến hành một cách ngẫu nhiên. Yêu cầu đổi mới ở Việt Nam xuất phát từ thực tiễn khách quan, là do yêu cầu của cách mạng Việt Nam và là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam. Các yếu tố tác động từ bối cảnh trong nước hay quốc tế là những nguyên nhân dẫn đến lý do vì sao Việt Nam phải tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986. Tuy nhiên, tác động từ bối cảnh trong nước có vai trò quyết định thực hiện công cuộc đổi mới ở Việt Nam năm 1986.

Qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều bước đột phá:

Bước đột phá lần thứ nhất, khai mở chấp nhận kinh tế tư hữu và thị trường tự do tồn tại bên cạnh và đồng hành với “thị trường có tổ chức” từ năm 1979 với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IV, 9-1979). Việt Nam đổi mới hệ thống chính trị từ chế độ tập trung quan liêu, với phương thức quản lý kinh tế hành chính mệnh lệnh sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện dân chủ gắn liền với tôn trọng luật pháp, kỷ cương xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ những lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, nảy sinh ra những nhân tố mới, động lực mới, thúc đẩy công cuộc đổi mới ở Việt Nam giành được nhiều thành quả.

Bước đột phá thứ hai, chuyển hẳn sang chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước và đổi mới tổng thể chính sách kinh tế từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986). Việt Nam chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung chỉ có hai thành phần kinh tế (nhà nước và tập thể) sang mô hình mới - kinh tế hàng hóa nhiều thành phần (nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Điều này góp phần giải phóng mọi tiềm năng xã hội, sức sản xuất.

Bước đột phá thứ ba, hòan thiện chính sách kinh tế mới, chấm dứt chế độ thống nhất quản lý thu mua phân phối cũ, chuyển nền kinh tế vào cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa VI, 3-1989). Từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đất nước đã có nhiều đổi thay: từ một nước kém phát triển, Việt Nam vươn lên là một nước phát triển trung bình thấp; từ một nước đói nghèo với tỉ lệ cao, trở thành một nước có tỉ lệ nghèo dưới 10% (theo chuẩn mới); từ một nước đóng cửa, có vị thế kinh tế, chính trị thấp, Việt nam đã mở cửa, có quan hệ rộng rãi với cộng đồng quốc tế và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, chính trị của khu vực và thế giới. Sự nghiệp đổi mới không thể dừng lại, trong bối cảnh mới, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa nếu chúng ta không muốn tụt hậu./.