Hồng mao là lông con gì năm 2024

Trong cuộc khánh chiến đầu tiên ấy của dân tộc, cậu bé-tráng sĩ làng Gióng đã cưỡi một chiến mã đặc biệt ra trận đánh đuổi quân giặc. Đặc biệt vì chiến mã ấy không phải một chú ngựa bằng xương bằng thịt mà được rèn bằng sắt và có khả năng phun lửa thiêu đốt quân giặc. Sức mạnh của thiết mã còn được dân gian truyền lại rằng: Những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Lửa do ngựa thét ra còn thiêu cháy một làng, sau gọi là làng Cháy. Và sau khi phá tan giặc, thiết mã đã cùng chủ nhân lên đỉnh núi Sóc Sơn bay về trời, trở thành một trong “tứ bất tử” của dân tộc Việt.

Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ toàn thư, kỷ “Hồng Bàng thị”, ghi lại câu chuyện này như sau: Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng nghèo có tiếng là phúc đức nhưng mãi vẫn chưa có con. Một hôm bà ra đồng thấy 1 vết chân rất to liền ướm thử xem thua kém bao nhiêu, không ngờ về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh được cậu bé khôi ngô tuấn tú. Kì lạ thay, cậu bé ấy lên ba mà vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đấy. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai sứ giả đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một áp giáp sắt và một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chay. Giặc tan, tráng sĩ cởi áo giáp, phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương.

Ngựa chín hồng mao

Danh mã thứ hai xuất hiện trong lịch sử tộc Việt là “ngựa chín hồng mao” trong huyền tích Sơn Tinh-Thủy Tinh. Truyện lấy bối cảnh thời Hùng Vương thứ 18, kể lại cuộc kén rể đặc biệt của vua Hùng cho nàng Mỵ Nương con vua. Hai “ứng viên” Sơn Tinh và Thủy Tinh đều có tài năng phi thường. Vua Hùng rất khó xử nên đã ra quyết định ai dâng sính lễ sớm nhất thì sẽ được gả công chúa.

Sính lễ bao gồm một trăm ván cơm nếp, hai trăm đệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi. Kết quả Sơn Tinh trở thành rể quý của vua Hùng và khiến cho tình địch Thủy Tinh “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” bằng những trận lụt lớn hòng giành lại nàng công chúa xinh đẹp.

Về mức độ thực hư của giống ngựa chín hồng mao, chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi. Thực tế, đã không ít người lao tâm khổ tứ, bỏ công bỏ sức truy tìm gốc tích của loài ngựa chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong trong huyền tích. Nhưng phần nhiều ý kiến cho rằng ngựa chín hồng mao là con ngựa có đúng chín cái lông màu đỏ trong cả bộ lông cho dù bộ lông màu gì (trừ màu đỏ). Ở đây, con số 9 được diễn giải là hình tượng của Cửu trù Hồng phạm, một quan niệm triết học đại quy mô về vũ trụ và vạn vật trong thế giới cổ đại mà con người thời ấy mơ ước.

Thần Bạch Mã – Thành hoàng kinh thành Thăng Long

Ở Phố Hàng Buồm, Hà Nội, ngày nay vẫn còn một đền thờ được xem là “Đông Trấn từ” (Đền trấn giữ phía Đông kinh thành) của Thăng Long xưa. Đó là Đền Bạch Mã, được lập ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX. Sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên nhắc đến ngôi đền này như sau:

Vào đời Đường Hàm Thông, quan đô hộ ở nước ta là Cao Biền một hôm ra chơi ngoài cửa Đông thành Đại La, chợt thấy trong mây có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Vốn giỏi phong thủy, Cao Biền kinh sợ, lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong thần là Long Đỗ đại vương.

Đến đời Lý Thái Tổ (trị vì 1010-1028), dời kinh đô đến Đại La, đổi gọi là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân tại đó, và cuối cùng biến mất trong đền. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi tối linh thượng đẳng thần.

Các hoàng đế nước ta đa số đều cưỡi Bạch mã, một loại ngựa quý hiếm có sắc lông trắng như tuyết, cao lớn ôn hòa, có nghĩa mến chủ, biết bảo vệ chủ, không sợ tiếng gào thét, tiếng voi rống, ngựa hí, tiếng va chạm binh khí, tiếng súng. Ngựa phải chạy nhanh, đạt các tiêu chuẩn 4 nước đại, 3 đợt nhảy cao và có 9 đức tính tốt. Sách Đại Việt sử ký tiền biên trang 180 chép: "Năm Đinh Mùi (1006), châu Vị Long (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) dâng cho Khai Minh vương một con Bạch mã bốn vó đều có cựa.

Chiến mã Song Vĩ Hồng của Thái úy Lý Thường Kiệt

Song Vỹ Hồng là chiến mã Hồng Lão có bộ lông đỏ, đuôi dài chia ra hai màu: Hồng một bên và trắng một bên. Khi nó cất vó phi, trông như con thần mã có hai đuôi, nên được gọi là Song Vỹ Hồng, nghĩa là “ngựa hồng hai đuôi”. Nó là con ngựa chiến của Thái úy Lý Thường Kiệt (1019–1105), vị danh tướng Việt đã từng bình Chiêm, đánh Tống và để lại bài thơ Thần nổi tiếng, được xem như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tai thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Ngựa thời Trần

Tượng ngựa đá tại một lăng mộ cổ ở Bắc Giang - Ảnh: VGP/Xuân Hồng

Việt sử còn đề cập đến chuyện ngựa đá thời Trần (1225-1400). Sau đại thắng trên sông Bạch Đằng kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (1288), trong lúc làm lễ ở Chiêu Lăng, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) trông thấy những con ngựa đá ở trước lăng con nào con nấy chân cũng dính bùn. Nhà vua nghĩ rằng, trong khi chinh chiến chống xâm lăng, anh linh các bậc tiên đế cũng cưỡi ngựa đi giúp. Vua liền cảm khái đọc hai câu thơ bằng chữ Hán:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Ngoài ra, sách sử còn ghi lại một con ngựa đặc biệt của hoàng đế Trần Duệ Tông (1337-1377), đó là ngựa Nê Thông, một con tuấn mã cực kỳ hiếm hoi mà nhà vua đã cưỡi khi thân chinh tiễu phạt Chiêm Thành.

Đại Việt sử ký toàn thư quyển VII chép:

Tháng 12, năm Bính Thìn (1376) vua thân đi đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư... Trước đây, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hoá Châu. Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng vua. Tử Bình ỉm đi, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh.

Năm Đinh Tỵ (1377) mùa xuân tháng giêng, ngày 23 đại quân tiến cửa Thị Nại (cảng Quy Nhơn, Bình Định) rồi đóng quân ở động Ỷ Mang.

Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa Nê Thông, sai Ngự Câu vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kịp truyền lệnh tiến quân.

Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người trá hàng. Duệ Tông muốn tiến quân ngay, đại tướng Đỗ Lễ can ngăn mãi nhưng ông không nghe.

Vua thúc quân tiến vào thành. Quân Chiêm 4 phía phục binh đổ ra đánh, quân Đại Việt thua to. Duệ Tông bị hãm trong trận, cùng nhiều tướng đều tử trận.

Theo các chữ đặc thù dùng để chỉ màu sắc, hình dáng hay đặt tính của loài ngựa thời xưa thì Nê chỉ lông con ngựa có hai màu: Màu trắng và màu đen. Thông để tả sắc lông ngựa màu xanh... Như vậy con ngựa của Hoàng đế Duệ Tông là một tuấn mã cực kỳ hiếm, với bộ lông xanh đen ửng sắc kim ánh xám.