Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024

Với những ứng viên muốn ứng tuyển vào các cơ quan Nhà nước, trình độ chính trị là một thông tin cần và bắt buộc phải ghi vào sơ yếu lý lịch. Vậy trình độ chính trị là gì? Tại sao cần ghi trình độ chính trị trong hồ sơ xin việc và cách ghi như thế nào cho đúng chuẩn? Hãy cùng TopCV giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây.

Trình độ chính trị là gì?

Trình độ chính trị hay còn gọi là trình độ lý luận chính trị được hiểu là tiêu chuẩn để xác định mức độ hiểu biết, kiến thức và nhận thức về mặt lý luận chính trị của một cá nhân.

Trình độ chính trị của một cá nhân sẽ thể hiện khả năng hiểu, thái độ và ý thức của cá nhân đó trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia.

Các nội dung liên quan đến trình độ lý luận chính trị đã được quy định tại Quy định số 256-QĐ/TW năm 2009 và Quy định số 57-QĐ/TW năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương.

Trong các mẫu sơ yếu lý lịch xin việc vào cơ quan nhà nước hoặc xin vào Đảng của các cán bộ, viên chức, công chức, trình độ lý luận chính trị sẽ là mục bắt buộc người kê khai phải điền đúng và đầy đủ.

Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
Trình độ chính trị là một nội dung bắt buộc phải kê khai trong hồ sơ xin việc vào cơ quan Nhà nước

Tại sao cần ghi trình độ lý luận chính trị trong hồ sơ xin việc?

Với những hồ sơ xin việc vào các doanh nghiệp/công ty tư nhân, công ty nước ngoài, ứng viên có thể bỏ qua thông tin về trình độ chính trị trong sơ yếu lý lịch, vì nó không có nhiều ảnh tưởng. Thậm chí sơ yếu lý lịch tự thuật mà mọi người thường dùng cũng không có mục lý luận chính trị.

Còn nếu bạn ứng tuyển hoặc có định hướng phát triển sự nghiệp trong các cơ quan Nhà nước thì cần phải xác định đúng trình độ lý luận chính trị của bản thân và ghi rõ cấp bậc vào trong hồ sơ xin việc. Đây là yêu cầu bắt buộc và quan trọng, có ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. Các lý do mà TopCV chia sẻ sau đây sẽ cho bạn thấy tầm quan trọng của việc ghi trình độ lý luận chính trị trong sơ yếu lý lịch:

  • Làm cơ sở đánh giá năng lực và trình độ của ứng viên: Thông tin về trình độ lý luận chính trị sẽ giúp cơ quan nhà Nước làm cơ sở để phân bổ vị trí công việc, đánh giá năng lực và trình độ của ứng viên ứng tuyển
  • Làm căn cứ để thực hiện kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng: Trình độ lý luận chính trị mà ứng viên kê khai trên sơ yếu lý lịch là căn cứ để cơ quan Nhà nước thực hiện kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho mỗi cá nhân. Qua đó giúp các cá nhân cập nhật kiến thức thực tiễn, nâng cao năng lực và hành vi, góp phần vào việc phát triển của cơ quan và quốc gia.
  • Làm căn cứ để công chức dự thi nâng ngạch: Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị sẽ là căn cứ để công chức đăng ký dự thi nâng ngạch. Điều này có ảnh hưởng khi mang lại cơ hội được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tại cơ quan Nhà nước, nhất là khi bạn đang làm việc ở cấp quản lý, lãnh đạo.

Bên cạnh việc trình bày sơ yếu lý lịch chuyên nghiệp bạn cũng cần tạo CV ấn tượng và đẹp mắt để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Truy cập ngay TopCV.vn để tạo CV miễn phí ngay:

Tạo CV ngay

Các cấp bậc trình độ chính trị được công nhận

Căn cứ theo Điều 3 Quy định số 57-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, có 3 cấp bậc trình độ chính trị được công nhận. Cụ thể như sau:

Sơ cấp lý luận chính trị

Sơ cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, v.vv.. ở cơ sở. Với cấp độ này bạn sẽ được trang bị những kiến thức về nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng vận dụng thực tiễn.

Đối với trình độ sơ cấp lý luận chính trị, theo quy định tại Điều 4 Quy định số 57-QĐ/TW, các đối tượng sau đây sẽ được đào tạo:

  • Đảng viên; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
  • Công chức cấp xã (trừ trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã).
  • Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung.

Tiêu chuẩn đào tạo: Người được đào tạo phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
Mẫu bằng sơ cấp lý luận chính trị

Trung cấp lý luận chính trị

Là cấp đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Khi tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị những đối tượng này sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản, có hệ thống, cập nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.

Đối tượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị theo Điều 5 Quy định số 57 sẽ bao gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức: Bao gồm cấp ủy viên cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; cấp trưởng, cấp phó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp phòng của cấp huyện, cấp tỉnh; phó ban trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Hoặc những đối tượng thuộc quy hoạch phó trưởng phòng ở Trung ương.
  • Cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã, chỉ huy cấp tiểu đoàn; phó chỉ huy trưởng, phó tham mưu trưởng, chính trị viên, phó ban chỉ huy quân sự cấp huyện; phó tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn; lãnh đạo phòng (ban) cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh (tương đương). Cán bộ thuộc quy hoạch những chức vụ trên.
  • Cán bộ công an: Đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng, phó đội trưởng, phó trưởng công an cấp xã, phó tiểu đoàn trưởng và tương đương; phó trưởng phòng, phó trưởng công an cấp huyện, phó trung đoàn trưởng và tương đương. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.
  • Cán bộ có đủ 6 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch trung cấp (tương đương).
  • Giảng viên lý luận chính trị ở trường, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

Tiêu chuẩn đào tạo: Để được đào tạo trung cấp lý luận chính trị, các đối tượng trên cần đạt các tiêu chuẩn sau đây:

  • Đảng viên dự bị hoặc chính thức.
  • Tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Riêng đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên
  • Cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 33 tuổi và nam từ 35 tuổi trở lên.
    Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
    Giảng viên lý luận chính trị là một trong những đối tượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị

Cao cấp lý luận chính trị

Cao cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị ở mức cao nhất cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp. Những đối tượng được công nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị sẽ được đào tạo, trang bị các kiến thức cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó nâng cao tầm nhìn, tư duy chiến lược; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.

Căn cứ theo Điều 6 Quy định số 57, đối tượng đào tạo cấp bậc cao cấp lý luận chính trị bao gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức:
    • Trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh; cấp ủy viên cấp huyện trở lên; cấp ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo cấp ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh.
    • Trưởng phòng trở lên của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cấp ủy viên, ban giám đốc, hội đồng thành viên (quản trị), trưởng ban (các đơn vị tương đương cấp ban) ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
    • Phó trưởng phòng ở Trung ương.
    • Phó trưởng phòng quy hoạch trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh.
  • Cán bộ quân đội: Chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp huyện; trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương; chỉ huy cấp lữ đoàn, sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh và tương đương; chỉ huy các cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược; ban giám đốc bệnh viện, viện nghiên cứu, chủ tịch, ban giám đốc công ty (tổng công ty) doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cán bộ quy hoạch những chức vụ trên.
  • Cán bộ công an: Trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng và tương đương trở lên; cán bộ quy hoạch những chức vụ trên. Cấp phó trưởng phòng (tương đương) của cục (tương đương) trực thuộc Bộ Công an.
  • Cán bộ có đủ 4 năm giữ ngạch, bậc chuyên viên chính và tương đương; chức danh, vị trí việc làm theo quy định phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trong dự nguồn ngạch cao cấp (tương đương).
  • Giảng viên có đủ 5 năm trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường có nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị.

Tiêu chuẩn đào tạo:

  • Đảng viên chính thức.
  • Tốt nghiệp đại học trở lên.
  • Với cán bộ học hệ không tập trung: Nữ từ 38 tuổi và nam từ 40 tuổi trở lên.

\>>> Khám phá những việc làm chất lượng cao, thu nhập hấp dẫn từ những doanh nghiệp hàng đầu trên TopCV:

Tìm việc ngay

Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
Một trong các tiêu chuẩn đào tạo cao cấp lý luận chính trị là tốt nghiệp đại học trở lên

Cách viết trình độ chính trị trong sơ yếu lý lịch

Trình độ chính trị nằm ở mục nào trong sơ yếu lý lịch?

Trình độ chính trị là phần nội dung chỉ có trong sơ yếu lý lịch dành riêng cho các cán bộ, công chức, viên chức. Còn trong sơ yếu lý lịch tự thuật (mẫu dùng chung cho tất cả các ứng viên khi đi xin việc) sẽ không có mục này.

Hiện nay sơ yếu lý lịch dùng cho cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng theo hai mẫu. Ở mỗi mẫu vị trí mục trình độ lý luận chính trị sẽ có sự khác nhau.

  • Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức mẫu 2c-BNV/2008 ban hành kèm Quyết định 02/2008/QĐ-BNV: Trong mẫu này phần trình độ lý luận chính trị là mục 15.3, thuộc vào phần thông tin ứng viên
  • Sơ yếu lý lịch sử dụng cho cán bộ, công chức, viên chức mẫu ban hành kèm Thông tư số 06/2023/TT-BNV: Tại mẫu này phần trình độ lý luận chính trị sẽ nằm ở mục quá trình đào tạo, bồi dưỡng của người kê khai.

Hướng dẫn viết trình độ chính trị trong sơ yếu lý lịch

Tùy theo từng mẫu sơ yếu lý lịch bạn sử dụng mà cách viết trình độ chính trị sẽ khác nhau. Bạn chỉ cần lưu ý kê khai chính xác và chuẩn xác nhất thông tin về trình độ chính trị của bản thân vào sơ yếu lý lịch.

Đối với sơ yếu lý lịch mẫu 2C

Nếu sử dụng sơ yếu lý lịch mẫu 2C thì tại mục “15.3 - Lý luận chính trị” bạn điền cấp bậc trình độ lý luận chính trị của bản thân là sơ cấp/trung cấp/cao cấp hoặc cấp bậc tương đương. Ứng viên hãy căn cứ vào bằng lý luận chính trị đã học để viết đúng.

Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
Phần lý luận chính trị trong sơ yếu lý lịch mẫu 2C thuộc mục 15.3

Ngoài ra, tại mục “27: Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học”, bạn cũng cần kê khai thêm các thông tin về lý luận chính trị. Cụ thể:

  • Tên trường: Bạn ghi rõ tên trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị mà bản thân được tham gia
  • Chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng: Bạn ghi rõ đào tạo/bồi dưỡng lý luận chính trị
  • Từ tháng, năm đến tháng, năm: Bạn ghi rõ mốc thời gian được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Ví dụ từ tháng 3/2023 đến tháng 9/2023
  • Hình thức đào tạo: Bạn ghi rõ chính thức/tại chức/chuyên tu/bồi dưỡng, v.vv..
  • Văn bằng, chứng chỉ, trình độ gì: Bạn ghi rõ trình độ lý luận chính trị đã được đào tạo/bồi dưỡng là sơ cấp/trung cấp/cao cấp lý luận chính trị

Đối với mẫu sơ yếu lý lịch ban hành theo Thông tư số 06/2023/TT-BNV

Với những người sử dụng mẫu sơ yếu lý lịch được ban hành theo Thông tư số 06/2023/TT-BNV thì phần kê khai thông tin lý luận chính trị cần điền các thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo, văn bằng được cấp. Cách viết cụ thể như sau:

  • Phần tháng/năm: Bạn điền đúng mốc thời gian được đào tạo/bồi dưỡng lý luận chính trị. Ví dụ từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023
  • Phần tên cơ sở đào tạo: Bạn ghi chính xác tên cơ sở đào tạo/bồi dưỡng lý luận chính trị. Ví dụ: Trường chính trị của Tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, v.vv..
  • Phần hình thức đào tạo: Bạn ghi rõ chính thức/tại chức/chuyên tu/bồi dưỡng, v.vv..
  • Phần văn bằng được cấp: Bạn ghi rõ cấp bậc trình độ lý luận chính trị đúng theo chứng chỉ văn bằng được cơ sở đào tạo cấp.
    Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
    Phần lý luận chính trị trong sơ yếu lý lịch theo Thông tư số 06/2023/TT-BNV

Những yêu cầu cơ bản khi viết trình độ chính trị trong sơ yếu lý lịch xin việc

Khi kê khai trình độ lý luận chính trị trong sơ yếu lý lịch xin việc, bạn cần chú ý những yêu cầu sau:

  • Xác định đúng trình độ chính trị: Bạn cần xác định đúng trình độ lý luận chính trị đang ở cấp độ nào, sơ cấp, trung cấp hay cao cấp lý luận chính trị, sau đó ghi cụ thể và chính xác cấp độ đó vào sơ yếu lý lịch.
  • Kê khai chính xác tuyệt đối thông tin: Thông tin trình độ chính trị ghi trong sơ yếu lý lịch phải đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, vì đây là thông tin có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nghề nghiệp và tương lai của bạn khi ứng tuyển vào các vị trí công việc trong cơ quan Nhà nước.
  • Ghi đúng vị trí: Hãy ghi thông tin đúng vị trí của mục lý luận chính trị trong sơ yếu lý lịch để thuận tiện cho công tác lọc hồ sơ ứng tuyển của cơ quan tuyển dụng.

Một số câu hỏi liên quan đến trình độ chính trị

Sau khi đã hiểu khái niệm trình độ chính trị là gì, TopCV sẽ giải đáp một số câu hỏi liên quan đến nội dung này để giúp bạn có các thông tin tổng quát nhất, hỗ trợ tốt cho quá trình xin việc vào các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Cần viết trình độ chính trị trong hồ sơ xin việc khi nào?

Khi bạn ứng tuyển vào bất kỳ vị trí công việc nào tại các cơ quan Nhà nước thì trong hồ sơ xin việc (thường là sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C) cần viết chính xác thông tin về trình độ lý luận chính trị.

Trong sơ yếu lý lịch phần trình độ chính trị sẽ được ghi dưới dạng là “Trình độ lý luận chính trị” hoặc “Lý luận chính trị”.

Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
Cần ghi chính xác trình độ chính trị trong sơ yếu lý lịch

Đảng viên thì trình độ chính trị là gì?

Cấp trình độ chính trị của đảng viên (người đã kết nạp vào Đảng) sẽ phụ thuộc vào việc đảng viên đó đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở cấp bậc nào. Theo đó:

  • Đã hoàn thành chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị thì thuộc trình độ sơ cấp
  • Đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị thì thuộc trình độ trung cấp.
  • Đã hoàn thành chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị thì trình độ là cao cấp.

Như vậy, việc bạn đã vào Đảng hay chưa sẽ không quyết định cấp bậc trình độ chính trị của bản thân. Nếu bạn đã là đảng viên nhưng chưa tham gia lớp đào tạo lý luận chính trị nào hoặc chưa tốt nghiệp các chuyên ngành tương đương được công nhận thì cũng không được xét theo phân cấp trình độ lý luận chính trị.

Tốt nghiệp đại học thì trình độ chính trị là gì?

Với những người tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Mác Lênin, cụ thể gồm: Triết học, lịch sử Đảng, kinh tế, v.vv.. hay các chuyên ngành về tư tưởng – văn hóa thì trình độ chính trị thuộc cấp cao cấp lý luận chính trị. Đây là trình độ lý luận chính trị cấp cao nhất trong 3 cấp bậc được công nhận.

Lý luận chính trị được đào tạo tại cơ sở nào?

Không phải tất cả các cơ sở giáo dục đều thực hiện nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị. Hiện nay theo quy định, các cơ sở sau đây sẽ được phân cấp nhiệm vụ đào tạo trình độ lý luận chính trị:

  • Đào tạo sơ cấp lý luận chính trị: Trung tâm chính trị cấp huyện
  • Đào tạo trung cấp lý luận chính trị:
    • Trường chính trị cấp tỉnh đào tạo cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn.
    • Học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo cho cán bộ lực lượng vũ trang.
  • Đào tạo cao cấp lý luận chính trị: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thời gian đào tạo lý luận chính trị trong bao lâu?

Thời gian đào tạo lý luận chính trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào cấp bậc trình độ chính trị và hệ tập trung hoặc không tập trung. Thông thường, thời gian đào tạo như sau:

  • Lớp sơ cấp lý luận chính trị: Thời gian đào tạo thường kéo dài 3 tháng
  • Lớp trung cấp lý luận chính trị: Thời gian đào tạo kéo dài 6 tháng đối với hệ tập trung, còn hệ không tập trung sẽ đào tạo 12 tháng
  • Lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung: Đào tạo 8 tháng

Còn nếu bạn học những chuyên ngành Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc chuyên ngành liên quan đến văn hóa - chính trị, thời gian đào tạo dựa vào thời gian đào tạo mà cơ sở giáo dục có chuyên ngành đó quy định, thông thường là 3 - 4 năm.

Trình độ văn bằng chứng chỉ ghi như thế nào năm 2024
Thời gian đào tạo lý luận chính trị sẽ khác nhau tùy vào cấp bậc trình độ

Như vậy, trình độ chính trị là một thông tin cực kỳ quan trọng trong bộ hồ sơ xin việc vào các cơ quan Nhà nước. Nếu bạn là ứng viên đang chuẩn bị sơ yếu lý lịch để ứng tuyển vào vị trí công việc tại các cơ quan Nhà nước thì cần đặc biệt lưu ý kê khai chính xác thông tin về trình độ chính trị. Thông tin này có ảnh hưởng đến việc cơ quan bạn ứng tuyển có chấp nhận hồ sơ xin việc của bạn hay không.

Hy vọng với những thông tin mà TopCV vừa cung cấp bạn đã hiểu trình độ chính trị là gì? Các cấp bậc của trình độ chính trị và cách viết trình độ lý luận chính trị trong sơ yếu lý lịch xin việc. Khi đi xin việc dù ở cơ quan nhà Nước hay tư nhân, điều tối thiểu mà bạn cần phải làm là đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ và kê khai thông tin một cách chính xác.

Một bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh thì sẽ bao gồm sơ yếu lý lịch đã công chứng, giấy khám sức khỏe xin việc, đơn xin việc, CV xin việc, giấy tờ liên quan khác. Bạn có thể tham khảo hàng trăm mẫu CV chuyên nghiệp trên TopCV để đưa ra lựa chọn. Với những mẫu CV này, TopCV cho phép bạn tải miễn phí và hiệu chỉnh theo nhu cầu để phù hợp với vị trí ứng tuyển. Từ đó giúp bạn hoàn thiện hồ sơ và nâng cao tỷ lệ xin việc thành công.