Xin lỗi em chỉ là con đĩ tiểu thuyết năm 2024

Có thể nói đây là bộ truyện đi đầu trong việc đưa ngôn tình vào Việt Nam, khi mà VN còn chưa biết ngôn tình là gì. Và đây cũng là một trong những cuốn ngôn tình đầu tiên mà mình đọc, vào lúc không biết trên thế giới này có khái niệm ngôn tình.

Truyện kể về cuộc tình của “tôi” – một người đàn ông – với một cô gái mà anh ta cho là “đĩ”.

Lần đầu tiên gặp nhau, khi anh ta đang ngồi chơi với bạn trong quán bar thì đột ngột một cô bé học sinh chạy tới nói với anh ta rằng: “Tôi muốn ngủ với anh.” Đêm đó, anh ta thầm thấy mỉa mai và giận dữ khi phát hiện ra cô bé có ngoại hình xinh đẹp và ngây thơ ấy đã là “đàn bà”.

Lần thứ hai gặp nhau, anh ta bắt gặp một lão già đang đưa tiền “bao nuôi” cô. Tuy đã mấy năm trôi qua kể từ đêm đó, nhưng chẳng hiểu sao, anh ta nhận ra cô ngay từ ánh nhìn thoáng qua. Anh ta khinh miệt, cứ thế đi qua, nhưng cũng chẳng hiểu sao, anh ta lại quay lại nói với cô rằng cô đừng theo lão già đó mà hãy để anh ta bao nuôi.

Rồi cô dọn vào nhà anh ta, chăm lo cho anh ta từng miếng ăn giấc ngủ, không được phát ra tiếng khi làm tình vì anh ta không thích… Cô sống như một con thú tăm tắp nghe lời của chủ nhân.

Thời gian dần trôi, anh ta nhận ra mình rất yêu cô, anh ta muốn mang lại hạnh phúc cho cô, và cả đứa con của họ. Nhưng ông trời trêu ngươi, trong lúc sự nghiệp của anh ta khởi sắc thì cô lại về bên vòng tay của lão già khốn nạn ấy.

Anh ta lao vào công việc và men rượu, và yêu một cô gái đối lập hoàn toàn với cô. Ấy thế mà trong cơn say, anh ta lại nghĩ cô gái ấy là cô. Sáng hôm sau tỉnh dậy, nhìn thấy vết máu đỏ trên giường, lòng anh ta đau nhói. Anh ta chửi mình vì đã khốn nạn cướp đi lần đầu tiên của cô gái ấy. Anh ta chửi mình vì sự khốn nạn của anh ta đã khiến chuyện giữa anh và cô chấm dứt. Hoàn toàn. Vì cô gái kia tự hào nói với anh “Vì em còn trinh”, còn cô để lại câu “Tôi chỉ là con đĩ” rồi bỏ mặc anh ta lao vào vòng tay của những thằng đàn ông khác.

Một năm sau, anh ta gặp lại cô. Tuy cô béo hơn ngày xưa, nhưng vẫn rất đẹp. Anh ta vui mừng trong khoảnh khắc gặp gỡ ấy, đến mức quên mất cô bạn gái hiện tại đang khoác tay mình. Anh ta chợt nhận ra khi có cô, người con gái bên cạnh anh lúc này cũng chỉ tầm thường như bao người phụ nữ khác. Với anh ta, cô là thiên thần. Nhưng thực tế lại đánh vào mặt anh ta một vố đau nữa. Anh ta đã có bạn gái, còn cô được những thằng đàn ông giàu có bao nuôi.

Anh ta nhớ mãi ngày hôm ấy. Đó là một buổi sáng thứ tư, cô gọi điện và hỏi “Anh sẽ đưa em đi chứ?”

Anh ta muốn có cô, anh ta không thể bỏ mất cơ hội để có cô. Nhưng rồi anh ta nghĩ đến cô bạn gái hiện tại của mình. “Vì em là trinh nữ.”

“Xin lỗi, em chỉ là con đĩ.” Nói xong, anh ta lao vào toilet khóc như chưa từng được khóc.

Anh ta không biết rằng đó là câu nói cuối cùng mà anh ta dành cho cô.

Anh ta không biết rằng trong lần đầu tiên gặp nhau, cô muốn ngủ với anh là vì bên cạnh anh không có người phụ nữ nào hết, và vì cô vừa bị chồng của mẹ mình cưỡng bức.

Anh ta không biết rằng để con đường sự nghiệp của anh không bị cản trở, cô đã phải lên giường với lão khốn ấy, và cô bỏ đi vì không biết đứa trẻ là con của ai.

Anh ta không biết rằng ngày bảo gọi điện cho anh ta, khi bảo rằng mình có 48.500 tệ trong tài khoản thì có đủ để anh cưới cô không là vì cô đang cố chứng minh rằng cô chưa bao giờ là đĩ.

Đến khi biết hết tất cả thì đã quá muộn. Thiên thần của anh ta đã bị vùi chôn dưới nắm cỏ hoang.

Thực sự mà nói thì nếu bây giờ mới đọc quyển này, chưa chắc mình đã thích (vì càng già thì càng không chịu nổi ngược), nhưng vào thời điểm đó, mình đã đọc quyển này 3 lần. Có thể bạn sẽ không hiểu nổi tại sao nữ chính lại hành động ngu ngốc như vậy, cũng không hiểu nữ chính nghĩ gì, có cảm xúc ra sao nhưng truyện đã thể hiện rất rõ nam chính là một thằng khốn nạn đúng chất đàn ông, dù anh ta cũng là một người đàn ông có trách nhiệm. Không ai là tốt hoàn toàn, không thằng đàn ông nào luôn là chính nhân quân tử. Ngòi bút của Tào Đình đã rất trần trụi khi phô bày chữ “trinh” trong truyện này.

Tóm lại, với mình, đây là một truyện đáng đọc vì nó đã đề cập đến những vấn đề xã hội vẫn còn dai dẳng cho tới bây giờ: ấu dâm, cưỡng hiếp, trọng nam khinh nữ.

Lý giải về sức hút của cuốn sách "hoàn toàn chìm lấp" ở Trung Quốc nhưng lại rất được yêu thích ở VN, dịch giả Trang Hạ cho biết: "Các xung đột giữa tình dục và tình yêu, tiền và đàn ông, quyền lực và sắc đẹp, tình mẫu tử và bi kịch đàn bà đẹp... thực ra không xa lạ với xã hội VN".

Tiểu thuyết Xin lỗi em chỉ là con đĩ của nhà văn Trung Quốc Tào Đình vừa được công ty V.Art mua bản quyền chuyển thể thành kịch. VnExpress.net có cuộc trao đổi với dịch giả, nhà văn Trang Hạ - người chuyển ngữ và góp phần khiến tác phẩm này trở nên nổi tiếng ở VN.

- "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" khi được dịch ra tiếng Việt đã chinh phục đông đảo độc giả VN. Nay, nó tiếp tục được chuyển thể thành kịch với một dự án sân khấu có kinh phí đầu tư lớn. Là dịch giả cuốn sách, theo chị, điều gì làm nên thành công của tác phẩm này?

- Đây là một cốt truyện khá ly kỳ và hấp dẫn, tới mức từng đánh lạc hướng nhiều độc giả khó tính, khiến họ bỏ qua vô số khiếm khuyết về mặt logic và tâm lý. Các bi kịch được đẩy tới cao trào trong Xin lỗi, em chỉ là con đĩ cùng ấn tượng tốt của người đọc VN với bản dịch 3 năm qua cũng góp phần khiến nhà đầu tư tự tin để mạnh tay chi cho vở diễn. Các xung đột giữa tình dục và tình yêu, tiền và đàn ông, quyền lực và sắc đẹp, tình mẫu tử và bi kịch đàn bà đẹp, cộng với các chi tiết sống động về những gã đàn ông bao gái thực ra không xa lạ với xã hội VN, một xã hội vẫn còn đang coi đàn ông là chúa tể.

Tôi cũng tin vở kịch sẽ thu hút người xem, y như từng thu hút 25 triệu lượt người đọc nó trên blog của tôi.

Xin lỗi em chỉ là con đĩ tiểu thuyết năm 2024

Dịch giả, nhà văn Trang Hạ. Ảnh nhân vật cung cấp.

- Điều gì khiến chị và tác giả quyết định trao tác quyền chuyển thể tác phẩm cho Công ty V.Art?

- Trong 3 năm qua, có 9 đoàn kịch và đạo diễn, nhóm viết kịch nhờ tôi liên hệ để mua bản quyền chuyển thể kịch từ Tào Đình. Thậm chí có đạo diễn từ Mỹ cũng về VN đòi mua. Tôi và Tào Đình cùng có quan điểm nhất quán về tác phẩm này: Chỉ bán bản quyền cho đơn vị có khả năng làm một tác phẩm tốt nhất. Nhưng không rõ vì sao mà hầu như mọi giao dịch đều không thành công. Có nơi như nhóm kịch ở Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi mời chào họ dựng kịch, và sẵn sàng biếu không bản quyền thì họ không thèm dựng. Sau đó khi tác phẩm nổi tiếng thì họ quay lại cạnh tranh với 5 đơn vị khác, nhưng chỉ trả giá bản quyền bằng khoảng 1 phần 10 nhóm khác. Có đoàn kịch lại tiền trảm hậu tấu, cứ dựng kịch trước rồi mua bản quyền, quảng cáo búa xua trên báo chí, tôi và Tào Đình đành viết chung một đơn kiện đòi chấm dứt việc vi phạm này.

Cũng có công ty rất sốt sắng nhưng tìm hiểu ra, họ chỉ là môi giới. Họ viết kịch bản xong mang đi bán cho các đơn vị khác làm. Càng về sau này, chúng tôi càng cảnh giác với những người đòi mua bản quyền chuyển thể, và nhận ra tính chất “chộp giật” của thị trường kịch bản. Điều này làm cho các công ty như V. Art khó khăn hơn khi muốn chứng minh họ làm nghệ thuật một cách nghiêm túc.

Ngoài ra, tôi là người duy tâm. Tôi quan sát thấy dường như chỉ những người có duyên với tác phẩm này mới có thể thành công trong công việc. Có lẽ gặp gỡ đạo diễn Hoàng Vũ và tham gia cùng V. Art cũng là một cái duyên của tôi chăng.

- Ở ngoài VN, tác giả Tào Đình đã bán bản quyền tác phẩm cho những đối tác nào (nếu có)?

- Tôi là người đầu tiên và cũng là người duy nhất đặt vấn đề chuyển nhượng bản quyền quốc tế của tiểu thuyết Xin lỗi, em chỉ là con đĩ. Cho đến nay, tác phẩm này cũng mới bán cho VN và chỉ nổi tiếng tại VN. Còn tại Trung Quốc, nó hoàn toàn chìm lấp. Cũng có thể là bởi, ở VN, khi xuất bản, tôi kiên quyết giữ lại được tên gốc Xin lỗi, em chỉ là con đĩ. Còn tại Trung Quốc, nhà xuất bản phải đổi tên khác là Em nấu tình yêu thành món canh. Nếu không thu hút được sự chú ý của công chúng thì tác phẩm hay ho cỡ mấy cũng lép vế trên thị trường. Thậm chí, theo thông báo của bên xuất bản tại Trung Quốc cho Tào Đình, thì số lượng phát hành của Em nấu tình yêu thành món canh khiêm tốn tới mức cả họ và Tào Đình đều… không tưởng tượng nổi. Họ bèn đổi tên khác là Ai là nỗi đau của ai nhưng cũng không được đón nhận, và họ đành chấm dứt tái bản tiểu thuyết này.

Tào Đình đã viết thư cho tôi, nói rằng, vô cùng cảm ơn những việc Trang Hạ làm để cho tác phẩm của cô tới VN, và điều đó làm cô thấy cô là một người may mắn.

Xin lỗi em chỉ là con đĩ tiểu thuyết năm 2024

Bìa bản tiếng Việt của cuốn sách.

- Kịch bản sân khấu có những điểm gì khác so với nguyên tác?

- Kịch chỉ giữ lại cốt truyện tối thiểu, còn toàn bộ các nhân vật, các tình tiết, các đường dây dẫn dắt tâm lý đã được sửa chữa rất nhiều. Trong truyện chỉ có hai nhân vật chính và một nhân vật phụ, thêm một vai đã không bao giờ xuất hiện, như Lưu Quang Đông. Các nhân vật chính chỉ có hơn chục lời thoại. Còn trong kịch, các vai diễn được bù đắp rất nhiều chất liệu sống, những lời đối thoại hoặc độc thoại của Hạ Âu hoặc Hà Niệm Bân đều được tôi chăm chút, các chi tiết vô lý của cốt truyện được xử lý và hóa giải, loại bỏ gần hết các tình tiết ngẫu nhiên phi lý hoặc tình cờ một cách áp đặt của truyện. Không nhân vật nào tự dưng từ trên trời rơi xuống, tự dưng yêu nhau, tự dưng đi hiến thân… Tôi và anh Hoàng Vũ đã trao đổi rất nhiều khi quyết định thay đổi các tình tiết vốn đã quen thuộc với bạn đọc VN.

Trong những thay đổi đó, tôi cố gắng để cho nhân vật “đời” nhất, nhân văn nhất, đa diện nhất. Ác như Lưu Quang Đông sẽ còn ác hơn trong kịch, ác tới nỗi làm người ta thấy… mủi lòng thương hại. Còn lương thiện như Hà Niệm Bân sẽ còn lương thiện hơn trong kịch, tới nỗi khiến người ta cảm thấy… căm thù. Diễn vai đời mà, hy vọng kịch xong người xem và người diễn vẫn còn muốn nán lại sân khấu, thế là đủ.

- Khó khăn với chị khi chuyển thể tác phẩm văn học này thành kịch bản sân khấu là gì?

- Tôi chưa bao giờ được đi xem kịch, tôi không biết sân khấu kịch trông ra sao, diễn viên cách khán giả bao xa. Khi nhận được lời mời viết kịch bản của anh Hoàng Vũ, tôi nghĩ hoặc anh ấy là người rất thông minh nhạy bén, biết tôi xử lý các chất liệu tác phẩm rất tốt; hoặc anh ấy là người rất ngốc, bắt một người như tôi viết xong vở kịch trong hai tuần là một sự hoang tưởng. Để làm được điều đó, anh Hoàng Vũ và nhà đầu tư đã dành cho tôi khá nhiều ưu ái, và cả thời gian thuyết phục, sau đó là thời gian chỉ dạy tôi về các yếu tố cần có của một vở kịch chuyển thể. Thật mừng là kịch bản 70 trang của tôi làm mọi người hài lòng và hầu như không bỏ đoạn nào.

Khó khăn thứ hai lớn hơn, sau khi khắc phục khoảng 20 điểm phi lý trong tiểu thuyết gốc, tôi phát hiện ra tôi chỉ viết được bi kịch, những đoạn thoại hài mà tôi viết đều là những đoạn hài ra nước mắt, cười mà chua xót. Vì thế, sẽ làm vở kịch nặng nề. Anh Hoàng Vũ đã rất vất vả khi phải tiếp tục viết tiếp trên kịch bản, để Xin lỗi, em chỉ là con đĩ sinh động hơn, trở thành một vở kịch hài hoà giữa bi và hài, có giới trẻ thời thượng, nhạc rock, có hiệu ứng hình ảnh cực kỳ độc đáo, những đoạn hài sảng khoái đúng chất “anh Hai Sài Gòn”. Có thể nói nếu không có anh Hoàng Vũ, tôi không bao giờ viết được kịch bản đầu tay này.

Sau vở kịch, có thể V.Art sẽ làm tiếp tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay của Trang Hạ Chuyện kể dưới ngọn đèn đường do Công ty sách Đinh Tị và NXB Phụ Nữ xuất bản tháng 1/2010. Lần đầu tiên, số phận những cô dâu VN tại Đài Loan được lên phim.