Tự học marketing như thế nào

Cùng nhiều ngành nghề khác như lập trình hay thiết kế, marketing cũng là một nghề được xã hội đón nhận mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Với sự phát triển của công nghệ, những khái niệm mới về digital marketing, martech và tầm quan trọng của bộ phận marketing ở mỗi doanh nghiệp khiến marketing càng trở thành một từ khóa hot cho nhiều bạn trẻ bắt đầu sự nghiệp.

Marketing là một thế giới rất rộng lớn, nếu như không có bài bản thì những người mới bắt đầu sẽ cảm thấy rất mù mờ, thậm chí là có thể phát điên với ma trận kiến thức trong marketing. Bản thân mình không phải dân marketing mà là một kỹ sư công nghệ sinh học, mình sẽ chia sẻ cách mà mình tiếp cận với marketing từ con số 0.

Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ kèm bài viết Học Cách Để Bắt Đầu Với Marketing và Tự Học Digital Marketing Dành Cho Người Mới Bắt Đầu của Blogger Phạm Đình Quân (vì khi mới bắt đầu tiếp cận marketing, mình cũng đã vào blog của Quân để tham khảo và thấy bạn ý chia sẻ rất nhiều kiến thức hay dành cho người mới như mình).

Trước khi bắt đầu, bạn nên xem trước một số bài viết về cội nguồn của marketing để hiểu rõ nguồn gốc của nó, từ đó sẽ có cái nhìn tổng thể về ngành:

  • Sơ lược về sự hình thành của marketing.
  • Khái niệm marketing.
  • Các loại hình marketing hiện đại.

1. Bước 1: Tìm ra lý do thực sự khiến bạn muốn bắt đầu với marketing

Tôi sẽ mở đầu bằng việc giới thiệu cho bạn một lý thuyết mà tôi rất tâm đắc, khi áp dụng vào nhiều vấn đề khác nhau thì tôi thấy vẫn đúng.

Đó là thuyết “Vòng Tròn Vàng” (tiếng Anh: Golden Circle) do tác giả Simon Sinek giới thiệu tại TED Talks.

Về cơ bản, Vòng Tròn Vàng gồm có ba phần mà trong đó trọng tâm là Why (tại sao), tiếp đến là How (làm thế nào) và bên ngoài cùng là What (cái gì).

Tự học marketing như thế nào

Hình 1: Vòng tròn vàng (Golden Circle)

Tại sao tôi giới thiệu Golden Circle với bạn?

Bởi vì tôi biết bạn đang nghĩ đến việc bạn muốn làm gì đó trong marketing, có thể là SEO, social media marketing,… đại loại vậy. Nhưng bạn biết không, đó chỉ là kết quả – điều bạn muốn làm. Và, bạn đã (hoặc đang) tìm cách học các kỹ năng, cố gắng tiếp nhận càng nhiều càng tốt để làm được công việc chuyên môn như SEO để đưa website lên top Google.

Điều đó không sai nhưng tôi tin chắc rằng, chừng nào bạn chưa tìm ra lý do khiến bạn thực sự muốn làm, niềm tin của bạn, tầm nhìn của bạn với ngành nghề thì có lẽ bạn sẽ khó có thể trở thành một người làm marketing tài năng. Đôi khi tệ hơn, bạn sẽ nghĩ đến việc rời bỏ lĩnh vực này do tác động từ môi trường xung quanh như thiếu năng lực cạnh tranh hoặc áp lực công việc,…

Thuyết “Vòng Tròn Vàng” (tiếng Anh: Golden Circle) do tác giả Simon Sinek giới thiệu tại TED Talks.

2. Bước 2: Xác định phương pháp tiếp cận kiến thức

Thật không dễ dàng gì để nhận ra kiến thức về marketing là vô cùng đồ sộ nếu bạn chỉ biết đến và luôn quẩn quanh những kỹ năng công cụ đơn thuần. Trước đây, tôi không theo học chuyên ngành marketing nên tôi cũng không được dạy bài bản kiến thức nền tảng về ngành này. Tôi học mọi thứ về marketing từ sách, internet, những người xung quanh và trải nghiệm thực tế.

Có thể giống bạn, tôi bắt đầu với quảng cáo Facebook. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm content marketing, SEO, email marketing,… Với digital marketing, có khoảng 28 kỹ năng (hoặc nhiều hơn) để trở thành full-stack marketer. Và khi tôi tìm hiểu đến khoảng hơn mười kỹ năng thì tình cờ tôi phát hiện có điều gì đó chưa đúng.

Một câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: Mình đã thực sự biết và hiểu về bức tranh ngành marketing?

Câu trả lời là: Chưa.

Và khoảnh khắc đó giúp tôi biết rằng, trong những năm đầu tiên, tôi đã có một chút thiếu hiểu biết khi tiếp cận các kiến thức về marketing. Vì vậy hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn cách để tránh mắc phải sai lầm (như tôi trước đây); từ đó cải thiện kiến thức của bạn một cách rõ ràng và nhanh chóng hơn.

2.1 Giới thiệu phương pháp học Top-down và Bottom-up

Top-down (từ trên xuống) và Bottom-up (từ dưới lên) là hai thuật ngữ đã xuất hiện cách đây rất lâu, nhằm đề cập đến hai chiến lược xử lý thông tin và sắp xếp kiến ​​thức. Nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm quản lý và tổ chức, phát triển phần mềm, nghiên cứu khoa học, giảng dạy,…

Top-down learning refers to learning explicit knowledge first and then learning implicit knowledge on that basis. – DOI.

Tạm dịch: Học từ trên xuống đề cập đến việc học kiến ​​thức rõ ràng trước và sau đó tiếp thu kiến ​​thức tiềm ẩn trên cơ sở đó.

Bottom-up learning refers to learning implicit knowledge first and then learning explicit knowledge on that basis. – DOI.

Tạm dịch: Học từ dưới lên đề cập đến việc tiếp thu kiến ​​thức ngầm trước và sau đó học kiến ​​thức rõ ràng dựa trên cơ sở đó.

Kiến thức rõ ràng (explicit knowledge) là kiến ​​thức được khớp nối, mã hóa, lưu trữ và truy cập. Nó có thể dễ dàng truyền đạt cho người khác. Đó là kiến ​​thức được chúng ta biết đến nhiều nhất từ ​​sách giáo khoa, sách,…

Kiến thức ngầm (implicit knowledge) là kiến ​​thức đạt được thông qua các hoạt động tình cờ, hoặc không có nhận thức rằng việc học đang xảy ra. Nó khó có thể được xác định và truyền đạt cho người khác.

Mỗi nhóm kiến ​​thức mà bạn biết ngày nay chỉ là phần nổi của tảng băng, đó là kiến ​​thức rõ ràng mà bạn có thể tìm hiểu. Nhưng những gì không nhìn thấy là lượng kiến thức ngầm không thể giải thích ngay lập tức. Chỉ sau một thời gian với sự quan sát, tiếp thu và kiểm tra nhất định, nó mới có thể hiện ra khối kiến ​​thức ngắn gọn và dễ hiểu – còn gọi là kiến ​​thức ngầm.

Cách tiếp cận từ trên xuống (top-down) với việc học marketing:

Bạn sẽ bắt đầu với các khối kiến thức lớn, mang tính nền tảng bao gồm sự ra đời và phát triển của marketing, các khái niệm trong marketing, tìm hiểu mục tiêu và chức năng của marketing, tiến trình marketing, marketing mix, phân loại marketing, môi trường marketing, định vị, hành vi khách hàng, kế hoạch marketing,… Sau đó, bạn sẽ dần đi vào tìm hiểu các phần kiến thức chi tiết bên trong. Đây là cách học marketing phổ biến nhất nếu bạn được đào tạo qua trường lớp và sách giáo khoa.

Quá trình học từ trên xuống là khi bạn chủ động và cố ý để đạt được kiến thức, suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến cách bạn nhìn (hiểu/nhận thức) những thứ xung quanh.

Cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) với việc học marketing:

Bạn sẽ bắt đầu với những điểm chạm đầu tiên mà bạn nhận thấy thông qua sự tình cờ, cuộc sống, internet,… Sau một quá trình quan sát và tiếp thu, thông qua việc kiểm chứng và khớp nối/hệ thống hóa các phần kiến thức một cách có logic, bạn sẽ dần nắm được khối kiến thức lớn hơn, nền tảng hơn về marketing (tức là phần đỉnh / ngọn ở trên). Đây là cách học marketing phổ biến mà bạn sẽ thấy được ở những người tự học mà không qua trường lớp đào tạo.

Quá trình học từ dưới lên là khi những thứ xung quanh (kích thích) ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn; bạn hoàn toàn dựa vào bản năng và sự vô ý để đạt được kiến thức.

Mặc dù mỗi người sẽ có một cách học marketing khác nhau nhưng nếu bạn hiểu ưu nhược điểm của mỗi phương pháp và áp dụng phù hợp, bạn sẽ sớm nhận thấy tính hiệu quả bất ngờ của chúng.

Cơ sở để so sánhTiếp cận từ trên xuốngTiếp cận từ dưới lênCơ bảnPhân rã khối kiến thức lớn, vĩ mô thành các phần kiến thức nhỏ hơn.Tiếp thu kiến thức cấp thấp, chi tiết và hệ thống hóa chúng thành khối kiến thức lớn hơn, logic hơn.Hành viChủ động và cố ý để đạt được kiến thức.Dựa vào bản năng và sự vô ý để đạt được kiến thức.Dư thừaTìm hiểu bề rộng dẫn tới chứa một số thông tin dư thừa, không sử dụng đến.Tìm hiểu dựa trên sự cần thiết vì vậy thông tin dư thừa có thể được loại bỏ.

2.2. Tiếp cận theo phương pháp nào để bắt đầu học marketing?

Trong thời đại phát triển như ngày nay, tôi nghĩ rằng thật khó để bạn có thể lựa chọn một trong hai phương pháp. Nếu tiếp cận từ trên xuống, bạn sẽ cần một quá trình dài để có thể bắt đầu làm được những công việc thực tiễn mà nhu cầu xã hội đang kỳ vọng. Ngược lại, nếu tiếp cận từ dưới lên một cách mù quáng, bạn sẽ dễ dàng bị rơi vào cái bẫy chạy theo xu hướng của thị trường việc làm. Đó là khi bạn chỉ quanh quẩn với những kỹ năng đơn thuần, công cụ, nền tảng quảng cáo, thủ thuật,… mà không nắm được các phần kiến thức nền tảng giúp bạn hình thành lối suy nghĩ và tư duy đúng đắn về marketing.

Bởi vậy (theo tôi), bạn cần có một sự phối hợp linh hoạt của cả hai phương pháp này.

  • Từ trên xuống: Tìm hiểu các phần kiến thức nền tảng/nguyên tắc về marketing.
  • Từ dưới lên: Tập trung vào một kỹ năng, đào sâu về nó; tăng cường sự tò mò và sáng tạo. Sau đó mở rộng sang các mảng kiến thức khác và khớp nối / hệ thống hóa thông tin.

3. Bước 3: Học như thế nào để có kiến thức làm marketing?

3.1. Hiểu được bức tranh tổng thể về marketing

Bước đầu tiên trong chữ HOW trong thuyết Vòng Tròn Vàng nêu trên không phải là việc bạn tùy chọn một kỹ năng và học thật giỏi. Bạn nên tìm ra bức tranh tổng thể về marketing, tìm hiểu kiến thức nền tảng và biết về sự tồn tại của các yếu tố trong đó (tức là học từ trên xuống).

Tự học marketing như thế nào

Hình 2: Bức tranh tổng thể về marketing

Thật choáng ngợp với rất nhiều thuật ngữ và các mũi tên thể hiện mối liên quan phải không nào? Nếu bạn có thời gian và đủ kiên trì, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu về từng yếu tố (mặc dù có thể chỉ là khái niệm) trong bức tranh phía trên để biết tầm quan trọng của chúng. Thông qua đó, bạn cũng sẽ có được một góc nhìn tổng quan về marketing.

3.2. Nhận ra một số từ khóa trọng tâm

Nhìn vào bản đồ phía trên, bạn có thể thấy từ khóa “marketing mix” là nổi bật nhất. Nhưng tại sao?

Marketing mix (marketing hỗn hợp) là một khái niệm cơ bản và quan trọng trong marketing. Là tập hợp các công cụ tiếp thị được doanh nghiệp sử dụng để đạt được trọng tâm tiếp thị trong thị trường mục tiêu. Đó là về việc đưa đúng sản phẩm vào đúng nơi, vào đúng thời điểm và đúng mức giá cả.

Khái niệm 4P (Product – Promotion – Price – Place) được một nhà tiếp thị nổi tiếng, E. Jerome McCarthy, đề nghị phân loại vào năm 1960. Từ đó, thuật ngữ marketing mix thường gắn liền với 4P và được sử dụng rộng rãi.

  • Product (Sản phẩm): Đề cập đến những gì doanh nghiệp cung cấp để bán và có thể bao gồm các sản phẩm hoặc dịch vụ. Các quyết định sản phẩm bao gồm “chất lượng, tính năng, lợi ích, kiểu dáng, thiết kế, thương hiệu, bao bì, dịch vụ, bảo hành, bảo hành, vòng đời, đầu tư và lợi nhuận”.
  • Price (Giá cả): Là chi phí khách hàng phải bỏ ra để đổi lấy sản phẩm hay dịch vụ của nhà cung cấp. Nó được xác định bởi một số yếu tố trong đó có thị phần, cạnh tranh, chi phí nguyên liệu, nhận dạng sản phẩm và giá trị cảm nhận của khách hàng với sản phẩm.
  • Place (Phân phối): Đề cập đến vị trí thực tế nơi doanh nghiệp thực hiện kinh doanh hoặc các kênh phân phối được sử dụng để tiếp cận thị trường. Nó có thể bao gồm bất kỳ cửa hàng vật lý cũng như các cửa hàng ảo trên Internet.
  • Promotions (xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ bán hàng): Là tất cả các hoạt động nhằm đảm bảo rằng khách hàng nhận biết về sản phẩm hay dịch vụ của bạn, có ấn tượng tốt về chúng và thực hiện giao dịch mua bán thật sự.

Sau này, có thêm sự mở rộng từ 4P thành 7P. Việc mở rộng không có nghĩa mô hình marketing 4P không còn giá trị cốt lõi mà bởi mô hình 7P phù hợp hơn khi áp dụng vào một số ngành, nhất là các ngành dịch vụ.

Tự học marketing như thế nào

Hình 3: Mô hình Marketing mix – 7P

Khi tri thức ngày càng nâng cao, nhiều nghiên cứu và tính ứng dụng thực tế được thực hiện. Marketing mix có thêm nhiều biến thể khác như 4C—consumer wants and needs (mong muốn và nhu cầu của người tiêu dùng), cost (giá cả), convenience (tiện lợi), communication (giao tiếp).

Tự học marketing như thế nào

Hình 4: Mô hình 4C

Nhưng nhìn chung, mọi sự chuyển đổi hay mở rộng của các mô hình marketing đều được dựa trên giá trị cốt lõi của 4P.

3.3. Tiếp cận với digital marketing

Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể và những từ khóa mang tính học thuật nền tảng, khái quát,… thì bạn khó có thể làm được thứ gì thiết thực. Bởi vì ngày nay chẳng ai cho một người mới bước vào ngành, còn chưa biết một kỹ năng gì ngồi vạch chiến lược rồi lên kế hoạch triển khai các chiến dịch cả.

May mắn thay, digital marketing là một cánh cửa giúp bạn tiến sâu vào trong marketing hiện đại nói riêng và marketing nói chung. Digital marketing là một phần của marketing chứ không phải là một ngành riêng biệt, tách khỏi marketing.

Tiếp cận như thế nào cho đúng?

Trong mô hình 4P, bạn có thể thấy chữ P thứ tư là viết tắt của từ Promotion. Vậy, promotion trong mô hình marketing mix là gì?

Promotional mix là tập hợp các công cụ mà người làm marketing có thể sử dụng để truyền tải thông điệp hoặc tương tác với người dùng và tác động đến quyết định mua hàng của họ.

Tự học marketing như thế nào

Hình 5: Mô hình Promtional mix

Các hoạt động được xác định là promotional mix thường bao gồm các yếu tố sau:

  • Advertising (Quảng cáo): Là phương thức quảng cáo đại chúng, phủ nhiều loại đối tượng hoặc không phân biệt nhằm mục đích lan truyền thông điệp hoặc nhận diện thương hiệu trên diện rộng.
  • Direct marketing (Marketing trực tiếp): Là phương thức quảng cáo cũng có độ phủ nhưng có nhắm chọn đối tượng, không đại chúng như advertising.
  • Sales promotion: Là các hoạt động nhằm mục đích khuyến khích và kích thích người dùng mua sản phẩm bao gồm discount, vouchers, coupons, phối hợp trưng bày sản phẩm (dễ thấy nhất là ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị), hàng cho dùng thử, trả góp,…
  • Personal selling: Là phương thức tiếp cận người dùng trực tiếp thông qua các nhân viên bán hàng hoặc tư vấn viên.
  • Public relations (Quan hệ công chúng): Là các hoạt động nhằm mục đích xây dựng một hình ảnh đồng nhất của thương hiệu không chỉ đối với khách hàng mà còn với những nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.

Khi đã biết được những yếu tố bên trong promotional mix, bạn sẽ thấy rằng digital và traditional chỉ đóng vai trò là phương tiện để truyền tải thông điệp đến với người dùng, khách hàng. Và cho dù là với kênh kỹ thuật số hay truyền thống thì đều phải trải qua 3 bước như hình:

Tự học marketing như thế nào

Hình 6: Các bước thực hiện công việc trong digital marketing và traditional marketing

  • Creative: Tạo ra các nội dung phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Nội dung truyền tải cần dễ hiểu, xúc tích mang thông điệp rõ ràng.
  • Transmit: Quá trình sử dụng các công cụ, kỹ năng, lợi thế,… để truyền tải được nội dung thông điệp đến với đối tượng muốn hướng tới.
  • Audit: Đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng bá dựa vào các tiêu chí được đặt ra trong kế hoạch.

Tóm lại, học digital marketing là học cách làm một trong ba hoặc cả ba công việc: Sáng tạo nội dung (creative), phân phối nội dung (transmit) và đánh giá hiệu quả chiến dịch (audit).

Sau khi đã nắm được khái quát các mảng kiến thức và công việc trong digital marketing, bạn sẽ phân loại và lựa chọn kiến thức phù hợp với mình để tiếp tục theo đuổi. Các bước để bạn từ từ tiếp cận với digital marketing như sau:

3.3.1. Bước 1: Phân loại các nhóm kiến thức trong marketing

Để tránh bị lan man trong khi tìm kiếm thông tin, bạn cần nhận biết và phân loại các nội dung. Có 3 nhóm kiến thức chính mà bạn nên hiểu rõ gồm:

  • Kiến thức nền tảng (marketing foundations)
  • Kiến thức về kỹ năng (marketing skills)
  • Kiến thức về công cụ (marketing tools)
3.3.1.1. Nền tảng

Là những kiến thức căn bản bao gồm các nguyên tắc cơ bản của marketing. Hiểu về bản chất của marketing, các hệ thống thông tin marketing & nghiên cứu marketing, môi trường marketing (vĩ mô, vi mô), phân đoạn thị trường, thị trường mục tiêu, định vị sản phẩm; hành vi của khách hàng, mô hình marketing 4P (sản phẩm, giá cả, phân phối, quảng bá), kế hoạch marketing và nhiều hơn nữa.

Mặc dù mang tính lý thuyết hàn lâm với nhiều bạn mới bắt đầu nhưng phần kiến thức này là “chìa khóa” tạo nên lối tư duy và những quyết định đúng đắn khi bạn làm nghề.

3.3.1.2. Kỹ năng

Là khả năng của người làm marketing trong việc vận dụng kiến thức để thực hiện một nhiệm vụ marketing mang tính kỹ thuật, sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề của doanh nghiệp.  Khi nhiều người xung quanh nói về công cụ thì theo tôi, các bạn mới bước vào nghề nên bắt đầu bằng việc học cách tư duy (nghĩ) đúng từ kiến thức nền tảng và thông qua rèn luyện kỹ năng.

3.3.1.3. Công cụ

Là những công cụ hoặc phần mềm được người làm marketing sử dụng kết hợp với (hoặc bổ trợ cho) kỹ năng của họ, nhằm tối đa hóa hiệu quả công việc.

3.3.2. Bước 2: Tìm hiểu các kỹ năng đầy đủ trong marketing

Có nhiều tài liệu trên internet nói về việc tổng hợp các kỹ năng cần thiết để tạo thành một danh sách gọi là full-stack marketing skills. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào những danh sách đó có lẽ bạn sẽ khó biết tại sao nó lại được xếp vào. Từ đó, nhiều marketer luôn muốn hỏi rằng “Tại sao marketer nên cần biết design?”. Hay, “HTML/CSS thuộc về lập trình, marketing liên quan gì đâu nhỉ?”,… Điều đó không sai, nhưng chỉ đúng khi bạn làm về marketing truyền thống còn với digital marketing, điều này là chưa chắc.

Thực tế khi làm về digital marketing, bạn luôn cần sự hỗ trợ từ những “kỹ năng ngoại đạo” để mọi thứ diễn ra nhanh hơn:

  • Ví dụ 1: Bạn làm về social media. Bạn muốn thực hiện một chiến dịch quảng cáo trên Facebook. Và bạn cần chuẩn bị nội dung cho bài quảng cáo. Trong trường hợp này nếu bạn biết cơ bản về graphic design thì có lẽ bạn sẽ chẳng cần một người thiết kế để phải chờ họ, làm chậm quá trình đưa thông tin đến người dùng của bạn.
  • Ví dụ 2: Bạn làm về tracking & analytics. Bạn đang muốn gắn một đoạn code ngắn vào phần đầu (header) của website. Nếu bạn biết chút ít về HTML & CSS thì bạn cũng không cần sự xuất hiện của một người lập trình viên vào lúc đó.

Theo dõi bảng phía dưới được xây dựng bởi tôi để biết về tất cả kỹ năng cần thiết để trở thành một full-stack marketer. Không dễ dàng gì để học được tất cả nhưng nó sẽ giúp bạn biết phần bạn sắp muốn học đang nằm ở đâu.

Tự học marketing như thế nào

Hình 7: Full-Stack Digital Marketing Skills (Đề xuất bởi Phạm Đình Quân – © 2019)

Như tôi có chia sẻ ở phía trên, trong digital marketing có khoảng 28 kỹ năng quan trọng. Tôi không có ý định khuyên bạn chỉ học tốt một thứ và hãy quên 27 kỹ năng còn lại trong suốt quá trình làm nghề. Nếu tôi nói vậy, tức là tôi muốn hủy hoại bạn. Vấn đề ở đây là, bạn sẽ không thể nào học hết được tất cả các kỹ năng cùng một lúc và cùng giỏi. Điều đó dường như là không thể, trừ khi bạn là một thiên tài.

3.3.3. Bước 3: Lựa chọn kỹ năng và bắt đầu đi vào thực tiễn

3.3.3.1. Nên học kỹ năng và công cụ nào đầu tiên?

Không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này với từng cá nhân, nhất là trong hoàn cảnh mọi kỹ năng và công cụ đều trở nên quan trọng, tác động mạnh đến ngành marketing. Bằng cách trả lời một vài câu hỏi, bạn sẽ có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình: Dựa vào bảng danh sách full-stack marketing skills mà tôi đề cập phía trên, bạn tìm hiểu khái niệm của chúng trên công cụ tìm kiếm và câu hỏi là:

  • Bạn thích kỹ năng nào nhất?
  • Tại sao bạn thích kỹ năng đó?
  • Kỹ năng đó dễ làm “bàn đạp” để bạn học các kỹ năng khác hoặc nâng cao năng lực chuyên môn chứ?

Sau khi biết được kỹ năng bạn muốn học, bạn nên tìm hiểu thêm về các công cụ liên quan đến kỹ năng đó để trong lúc học và làm, bạn có thể phát huy được tối đa hiệu quả. Ví dụ: Bạn làm về web analytics & optimize, bạn có thể sử dụng thêm các công cụ như Crazy Egg, Hotjar,… để làm việc hiệu quả hơn.

3.3.3.2. Nên học như thế nào?

Sự phát triển của cuộc đời con người như một hình chữ T và áp dụng để học digital marketing cũng vậy. Và tôi có thêm một lời khuyên dành cho bạn:

Tự học marketing như thế nào

Hình 8: Ví dụ về cách phát triển kỹ năng digital marketing theo thời gian

Trước tiên, ít nhất một đến hai năm đầu (nếu nỗ lực cao thì có thể trong 6 tháng), bạn nên tập trung vào một loại kỹ năng duy nhất. Và mau chóng trở thành chuyên gia hoặc có chuyên môn vững vàng về kỹ năng đó (tức là học từ dưới lên). Ví dụ: Bạn thích Facebook Ads, bạn bắt đầu với nó thì trong một năm, bạn cần biết được mọi ngóc ngách, các vấn đề cần làm trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook.

Lý do đơn giản để giải thích điều này là bạn sẽ có được một nền tảng, năng lực tốt với kiến thức bạn học và kỹ năng bạn làm trong nhiều năm. Đó là tiền đề để bạn học tiếp kỹ năng khác nhằm phát triển bản thân. Hay chí ít, bạn không có duyên học được những kỹ năng khác thì bạn vẫn có thể tìm kiếm được một công việc ở mức lương khá với kỹ năng sẵn có.

Một lời khuyên là, kỹ năng bạn muốn học tiếp nên liên quan tới kỹ năng bạn đang có sẵn. Bởi điều đó sẽ giúp học được kỹ năng mới nhanh hơn.

Tự học marketing như thế nào

Hình 9: Sơ đồ ví dụ về một nhà tiếp thị hình chữ T

3.3.4. Bước 2: Xác định các kênh học tập

Chúng ta tự học trong hai môi trường là trực tuyến và ngoại tuyến. Tôi sẽ giúp bạn xác định các kênh học tập dựa theo điều này.

3.3.4.1. Ngoại tuyến

Ở môi trường ngoại tuyến, bạn có thể bắt đầu học với:

Sách

Kênh học tập này quen thuộc với tất cả mọi người. Sách đôi khi không giúp chúng ta hiểu được cặn kẽ những khó khăn liên quan tới kỹ thuật nhưng là một kênh thông tin quan trọng giúp bạn có được kiến thức nền tảng. Trên thị trường có rất nhiều tác giả viết sách liên quan tới marketing. Người viết hay cũng có, viết kiến thức lệch lạc cũng có và viết “chỉ để lấy danh” cũng không ít. Lựa chọn được cuốn sách phù hợp, có kiến thức đúng đôi khi cũng là một công việc không hề dễ dàng.

Lời khuyên tốt là nên hỏi những người đi trước, nhiều kinh nghiệm để họ giới thiệu cho bạn. Bạn có thể tham khảo một số cuốn sách nổi tiếng mà tôi đề cập phía dưới:

  • Nguyên Lý Tiếp Thị (tác giả Philip Kotler và Gary Armstrong).
  • 22 Quy Luật Bất Biến Trong Marketing (tác giả Jack Trout và Al Ries).
  • Tiếp thị 4.0 – Dịch Chuyển Từ Truyền Thống Sang Công Nghệ Số (tác giả Philip Kotler).
  • Định Vị (tác giả Al Ries và Jack Trout).
  • Điều Gì Khiến Khách Hàng Chi Tiền? (tác giả Martin Lindstrom).
  • Kế Hoạch Marketing Trên Một – Trang – Giấy (tác giả Allan Dib).

Sự kiện

Các sự kiện đem lại cho bạn ít nhất hai lợi ích.

  • Thứ nhất, giúp bạn bổ sung thêm kiến thức chưa biết, chưa hiểu sâu hoặc đôi khi là một góc nhìn khác về chuyên môn.
  • Thứ hai, giúp bạn có môi trường tốt để chủ động tạo mối quan hệ với đồng nghiệp trong ngành, xây dựng mạng lưới cho bản thân.

Có một số hình thức sự kiện ngoại tuyến là:

  • Coffee talk: là một buổi trò chuyện thân mật giữa một nhóm người về chuyên ngành, quy mô nhỏ hơn seminar và workshop.
  • Seminar (nói chuyện chuyên đề): là một buổi nói chuyện chuyên đề, thường chỉ tập trung vào một chủ đề cụ thể nào đó. Một seminar thường có khoảng từ vài chục người đến hàng trăm người. Hình thức thường là một diễn giả (có thể nhiều hơn) nói chuyện và sau đó thảo luận, hỏi đáp.
  • Workshop (hội thảo thực hành): là một cuộc họp nhỏ hơn và không quá chuyên sâu về kiến thức theo một chủ đề như seminar. Thông thường, một workshop có khoảng vài chục người trở xuống. Trong workshop có thực hành và bài tập, còn trong seminar thì không. Workshop có thể có chuyên gia hướng dẫn hoặc không, khi đó những người tham gia cùng nhau giải quyết một vấn đề.
  • Conference (hội nghị): là một cuộc họp lớn hơn seminar, số người tham dự từ vài trăm đến vài ngàn người. Hình thức thường là nhiều diễn giả nói chuyện, chia sẻ và sau đó thảo luận, hỏi đáp.
  • Symposium (hội nghị chuyên đề): là một cuộc họp mang tính chất nghiêm túc, với nhiều diễn giả trình bày về một hay nhiều chủ đề. Trừ các khách mời thì symposium chỉ gồm người trình bày, đều là chuyên gia, nghe lẫn nhau. Số người tham dự thường ít hơn conference, nhưng cũng có thể tương đương với seminar. Loại sự kiện này thường không xuất hiện trong cộng đồng marketing nói chung (ở Việt Nam).
  • Summit (hội nghị thượng đỉnh): là một cuộc họp của các chuyên gia hàng đầu hoặc lãnh đạo cấp cao.

Tùy vào mục đích và nhu cầu mà bạn lựa chọn sự kiện phù hợp để tham gia. Khi mới bắt đầu tìm hiểu về marketing, bạn nên tham gia coffee talk, seminar và workshop. Trước khi quyết định tham gia một sự kiện, bạn nên kiểm tra kỹ các thông tin, bởi ở Việt Nam, một số đơn vị tổ chức cũng chưa thực sự hiểu bản chất của loại sự kiện mà họ thực hiện.

3.3.4.2. Trực tuyến

Ở môi trường trực tuyến, bạn có thể bắt đầu học với:

Blog

Blog là kênh thông tin chủ yếu để bạn có thể tự học trực tuyến. Khi muốn chia sẻ các vấn đề, mọi người thường có xu hướng muốn viết nhiều hơn quay video hay ghi âm lại. Bởi vậy, blog trở nên phổ biến và cung cấp khối lượng kiến thức vô cùng lớn. Bên cạnh blog cá nhân thì website của các tổ chức / công ty hoạt động về marketing cũng là nguồn tài liệu học tập hữu ích.

Tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số blog và website mà tôi thường hay cập nhật kiến thức để bạn tham khảo:

Tin tức và kiến thức marketing tổng hợp:
  • Ad Week: Là nguồn hàng đầu về tin tức, insight và cộng đồng cho các nhà tiếp thị, truyền thông và agencies.
  • Ad Age: Là trang tin nên đọc hàng ngày dành cho những người làm quảng cáo và truyền thông.
  • Marketing Land: Là website tin tức và chia sẻ kiến thức tổng hợp, được khá nhiều người biết đến với lượng truy cập khoảng 1 triệu lượt mỗi tháng.
  • ClickZ: Được thành lập năm 1997, ClickZ đã trở thành một trong những cộng đồng Digital Marketing lớn nhất thế giới hiện nay.
  • Marketing Profs: Được tin cậy bởi hơn 600.000 chuyên gia marketing.
  • Smart Insights Blog: Khám phá các chủ đề liên quan tới marketing dựa trên insight về khách hàng.
  • Marketo Blog: Là trang blog của Marketo, nơi có những bài viết phong phú và thú vị về Branding, Digital Marketing, Content Marketing, Marketing Automation, Event Marketing, Lifecycle Marketing, Email Marketing,…
  • Hubspot Blog: Là một trong những blog thú vị nhất để bạn có thể học hỏi được nhiều kiến thức về content marketing, customer insight, design, email managenment, inbound marketing,…
  • Campaign Network (Asia Pacific | Japan | China | Andia): Các trang web cập nhật những thông tin và chủ đề hấp dẫn nhất của thị trường truyền thông trong khu vực bao gồm Advertising, Marketing, Media, Digital, PR và nhiều hơn nữa.
  • Marketing Oops: Bạn thích Thailand chứ, nơi có những video quảng cáo hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á?
  • Brands Vietnam: Là cổng thông tin hàng đầu cung cấp tin tức toàn diện về các thương hiệu, agency tại Việt Nam.
  • Advertising Vietnam: Là nơi chia sẻ và cập nhật thông tin, dành cho các bạn yêu thích quảng cáo, truyền thông, marketing.
Search Engine Optimization & Search Engine Marketing & Pay-Per-Click:
  • Search Engine Land: Là một trang web trong network của Marketing Land.
  • Moz: Khởi đầu của blog Moz là các chuyên mục về SEO.
  • The Ahrefs Blog: Ahrefs là website với nhiều công cụ giúp bạn tìm hiểu lý do tại sao đối thủ xếp hạng cao và bạn cần làm gì để vượt trội hơn họ.
  • Yoast SEO Blog: Yoast viết về một số chủ đề như Content SEO, Technical SEO, Analytics, eCommerce và WordPress.
  • Search Engine Journal: Ra mắt vào năm 2003, SEJ cung cấp những tin tức mới nhất và các cập nhật mới nhất thông qua những chuyên gia tốt nhất trong ngành.
  • Search Engine Watch: Là một trong những trang web hàng đầu về SEO, SEM/PPC & Analytics.
  • SE Roundtable: Là nơi cung cấp cho người đọc những chủ đề thú vị nhất về Google, Bing, Yahoo, PPC, SEO tại các diễn đàn Search Engine.
  • SEMrush Blog: Cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và có giá trị cao về SEO, SEM, PPC & Content Marketing.
  • Quicksprout: Là một blog khác của Neil Patel.
  • The SEM Post: Bắt đầu từ năm 2014, SEM Post là một góc nhìn mới về search marketing với những tin tức quan trọng nhất.
Copywriting & Content Marketing:
  • Content Marketing Institute: Nơi mà sứ mệnh của họ là giúp bạn thúc đẩy kỹ năng làm content marketing.
  • Scoop Blog: Làm thế nào để có được nhiều lợi ích hơn từ việc làm nội dung?
  • Content Standard: Là một phần trên website Skyword.
  • Copy Blogger: Được lập từ năm 2006, đến này với hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng (theo Similarweb), Copyblogger là một trong những website hàng đầu chia sẻ kiến thức về Copywriting và Blogging.
  • Copy Hackers: Đây là trang web về chủ đề Copywriting mà bạn không thể bỏ qua với những hướng dẫn cụ thể và nhiều lời khuyên quý giá.
  • Convince and Convert: Nếu bạn đang tìm kiếm cách sử dụng Social Media, Marketing, Content và chiến thuật kỹ thuật số (Digital Tactics) để giúp chuyển đổi khách hàng, Jay Baer và đội ngũ của ông sẽ có những lời khuyên tốt.
  • The Knowledge Bank: Là blog của công ty Influence & Co.
  • Marketing de Conteúdo: Là blog lớn nhất về digital marketing tại Brazil, được tạo bởi Rock Content.
Social Media Marketing
  • Social Media Examiner: Trang web ấn tượng bởi những chi tiết màu mè, hoạt hình.
  • Hootsuite Blog: Là nguồn cung cấp kiến thức trải rộng về mọi thứ của Social Media marketing.
  • Buffer Social Blog: Các hướng dẫn được nghiên cứu kỹ lưỡng và các thay đổi về Social Media mới nhất.
  • Agora Pulse Blog: Blog thường xuyên cung cấp nội dung vài lần một tuần, sử dụng ảnh chụp màn hình để hướng dẫn cho độc giả cách sử dụng Social Media.
  • Social Media Today: Là một cộng đồng và tài nguyên trực tuyến dành cho các marketer muốn tìm hiểu về Social Media, trải nghiệm khách hàng (Customer Experience), Content Marketing, Digital Strategy và nhiều hơn thế.
  • Amy Porterfield: Amy là một nhà chiến lược Social Media và đồng tác giả của cuốn sách “Facebook Marketing All-In-One for Dummies“.
Email Marketing
  • Mailchimp Blog: Tạo ra các sản phẩm e-commerce marketing và email marketing mạnh mẽ mà mọi người đều thích sử dụng là chưa đủ.
  • Return Path Blog: Là nhà cung cấp giải pháp dữ liệu email hàng đầu thế giới.
  • Vero Blog: Là nơi cung cấp những thông tin giá trị về cách thức hoạt động của email, phân tích kỹ thuật và lời khuyên.
  • Getresponse Blog: Với sự đa dạng cách trình bày nội dung kiến thức như infographics, bài viết & webinar, blog này là nơi tuyệt vời để bạn tham khảo những kiến thức chất lượng về Email Marketing & Automation Marketing.
  • Sendgrid Blog: Cung cấp lời khuyên và hướng dẫn cụ thể để giúp bạn tạo được những chiến dịch Email Marketing hấp dẫn.
Mobile Marketing
  • Mobile Marketer: Là nơi cung cấp tin tức hàng đầu trong lĩnh vực mobile marketing, media và thương mại (commerce).
  • Mobile Marketing Watch: Đây là nơi tốt nhất để bạn có được tất cả tin tức, tài nguyên, thông tin chi tiết và lời bình luận về Mobile Marketing.
  • Localytics Blog: Là nền tảng tương tác di động hàng đầu thế giới.
  • Leanplum Blog: Nếu bạn muốn theo kịp các xu hướng marketing trên thiết bị di động mới nhất thì blog là dành cho bạn.
  • Apptamin Blog: Blog này dành cho các nhà phát triển ứng dụng trên điện thoại di động hoặc ngay cả các nhà bán lẻ muốn tìm hiểu thêm về cách thúc đẩy ứng dụng của họ.
  • The TextMagic Blog: Nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn văn bản TextMagic mang đến cho bạn những tin tức mới nhất, xu hướng và những ý tưởng đầy cảm hứng về cách phát triển doanh nghiệp nhỏ của bạn thông qua tin nhắn.
Blogging
  • Pro Blogger: Được thành lập bởi Darren Rowse từ năm 2004.
  • WP Beginner Blog:  Là một trang web miễn phí về WordPress dành cho người mới bắt đầu. WPBeginner được thành lập từ năm 2009 bởi Syed Balkhi.
  • Shout Me Loud: Được thành lập bởi Harsh Agrawal, một blogger chuyên nghiệp từ New Delhi, Ấn Độ.
Analytics & Conversion Rate Optimization (CRO)
  • SAS: Là công ty hàng đầu về phân tích.
  • Google Analytics Blog: Là blog về chủ đề phân tích do chính Google lập ra, giúp mọi người có thêm nhiều kiến thức về phân tích (chủ yếu liên quan tới Google Analytics) thông qua chia sẻ của các chuyên gia.
  • Super Metrics Blog: Những bài viết tại trang blog của Super Metrics sẽ giúp bạn trở thành một chuyên gia về báo cáo, phân tích và PPC.
  • ConversionXL: Tối ưu hóa thông qua nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo tăng trưởng.
  • Unbounce Blog: Chủ đề chính của blog này là về Landing Page và Conversion Optimization.
  • The Daily Egg: Làm thế nào để giải quyết các vấn đề lớn nhất trong chuyển đổi (conversion)?
  • GT Metrix Blog: Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn các khái niệm về hiệu suất web (web performance) cũng như cách thức tối ưu hóa website thì blog là một nơi tuyệt vời để có thể học hỏi.
  • Annielytics Blog: Annie Cushing là một chuyên gia có tiếng trong giới phân tích dữ liệu.
  • Analytics Mania: Là một blog về phân tích của Julius Fed. Blog này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Google Analytics, Google Tag Manager và cách sử dụng chúng ra sao để đạt kết quả tốt nhất.
Marketing Technology (MarTech)
  • Martech Today: Là một trang web trong network của Marketing Land.
  • MarTech Zone: Trang web được phát triển bởi DK New Media, cung cấp thông tin về MarTech qua nhiều chủ đề như AdTech, Analytics, Content, Email Marketing, Big Data, Mobile Marketing, Search Engine, và nhiều hơn nữa.
  • Chief Marketing Technologist: Scott Brinker là một người có nhiều kinh nghiệm, ông là Phó chủ tịch Hệ sinh thái nền tảng (VP Platform Ecosystem) tại HubSpot, chủ tịch chương trình MarTech Conference.

Video

Video là cách mà những người muốn truyền tải kiến thức muốn chia sẻ trọn vẹn nhất. Bởi trong video, người chia sẻ sẽ giúp người xem hiểu được vấn đề nhanh chóng thông qua giọng nói và ngôn ngữ cơ thể. Hiện nay có rất nhiều nền tảng video giúp người muốn chia sẻ có thể đưa video của mình lên như Youtube, Facebook,… Những nơi đó chính là chỗ mà chúng ta khai thác và học kiến thức marketing từ video.

Một số kênh video mà bạn có thể học những điều tuyệt vời về marketing mỗi ngày:

  • Marketing by Vijay: Kênh Youtube của Giáo sư Vijay Prakash Anand nhằm mục đích đơn giản hóa lĩnh vực marketing.
  • Neil Patel: Hiện nay, Neil là một trong những digital marketer hàng đầu thế giới.
  • Noah Kagan: Từng là nhân viên số #30 tại Facebook, sau đó là nhân viên số #4 tại Mint.
  • HubSpot: Không chỉ tạo ra những công cụ và rất nhiều bài viết giá trị về inbound marketing, HubSpot còn có một kênh Youtube tuyệt vời để giúp mọi người dễ dàng tiếp cận kiến thức hơn.
  • Gary Vaynerchuk: Là nhà sáng lập & CEO của VaynerMedia, một digital agency với đầy đủ dịch vụ để phục vụ các khách hàng trong Fortune 500.
  • Derek Halpern: Là tác giả của kênh Youtube & trang web cùng tên Social Triggers.
  • Pat Flynn: Là chủ nhận của blog nổi tiếng Smart Passive Income, được mọi người yêu thích trong các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến và digital marketing.
  • Brian Dean: Nếu bạn có dịp làm về SEO thì chớ quên học hỏi từ người này nhé!

Podcast

Có nhiều người muốn chia sẻ kiến thức của họ nhưng lại không muốn làm video, không tự tin đứng trước máy quay hoặc không muốn đưa hình ảnh bản thân vào video. Hay đơn giản là họ giúp cho khán giả có thể theo dõi kiến thức mà chỉ cần nghe (không cần phải xem hay đọc). Họ xuất bản kiến thức bằng việc ghi âm lại rồi đưa lên internet dưới dạng âm thanh (Ví dụ: Podcast trên Pro Blogger). Một số nền tảng phổ biến mà mọi người thường sử dụng để đưa podcast lên đó là Spotify, Stitcher, Soundcloud, iTunes.

Tuy nhiên, tôi sẽ gợi ý cho bạn một vài kênh thú vị:

  • Social Media Marketing Podcast: Đây này là một phần nội dung thú vị của trang Social Media Examiner. Một kênh podcast về marketing hàng đầu trong 5 năm qua. Mỗi Social Media Marketing podcast kéo dài khoảng 45 phút và được cập nhật vào thứ 6 hàng tuần.
  • Marketing School Podcast: Là podcast do Neil Patel & Eric Siu lập ra với mục đích là mang lại cho mọi người các lời khuyên về marketing có giá trị, có thể thực hiện được mỗi ngày chỉ trong 10 phút hoặc ngắn hơn.

Khóa học trực tuyến

Nhiều khóa học trực tuyến hữu ích miễn phí/chi phí thấp cũng là một lựa chọn hợp lý nếu bạn muốn tự học nhưng chưa có thời gian để “làm phiền” Google hoặc chưa có định hướng cụ thể khi hệ thống và tìm kiếm thông tin.

Diễn đàn và mạng xã hội

Đây như một vùng đất quý chỉ sau Google. Nơi bạn có thể tương tác và học hỏi với hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người từ các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến. Khi “nằm vùng” trong các nhóm thảo luận này, bạn sẽ thấy vô số lối suy nghĩ khác nhau, nhiều kiến thức hữu ích và cả những tình huống thực tế mà mọi người chia sẻ. Điều quan trọng là bạn cần tìm và tham gia các nhóm thảo luận chất lượng. Gạt bỏ những nhóm ít/không giá trị để giúp bạn theo dõi được nhiều thông tin hay ho hơn từ các nhóm ưu tiên.

Quan sát thực tế

“Quan sát thực tế và hãy nói Why?” là cách học hỏi hiệu quả từ những thứ diễn ra hằng ngày, xung quanh chúng ta. Đôi khi bạn không có dịp để học được nhiều từ sách vở hay internet thì chính cuộc sống là nơi đem lại cho bạn vô vàn thông tin thú vị về marketing. Và bạn đừng chỉ nhìn, chấp nhận bị cuốn hút bởi những điều thú vị đó. Hãy luôn tự mình đặt ra những câu hỏi tại sao và tự mình trả lời. Khi bạn sở hữu càng nhiều case study trong đầu thì khả năng bạn phản ứng trước yêu cầu thực hiện một kế hoạch truyền thông càng nhanh, sáng tạo và hiệu quả.

4. Nguồn bài viết

Nội dung được viết dựa theo trải nghiệm Phạm Đình Quân. Cá nhân mình cũng đã đọc những bài này và nghiên cứu khá kĩ trước khi bước chân vào marketing, và hôm nay, trong chuyên mục marketing, mình xin chia sẻ lại để các bạn tham khảo.