Trái vải ở đâu ngon nhất

Vải thiều là loại trái cây phổ biến ở một số quốc gia nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay vùng trồng loại vải nổi tiếng nằm ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Theo ghi chép trong Nam Phương Thảo Mộc Trạng, năm 111 trước công nguyên, Hán Vũ Đế (Trung Quốc) đã sai đem 100 cây vải từ Giao Chỉ về trồng. Song không cây nào còn sống sót, từ đó, vua Hán bắt Giao Chỉ hàng năm phải cống nạp vải (quả lệ chi).

Dương Quý Phi thời nhà Đường thích ăn vải đến nỗi ưu ái đặt tên cho vải là "phi tử tiếu", tức "nụ cười Dương Phi". Đường Huyền Tông muốn chiều lòng ái phi, nên thường xuyên bắt cống nạp vải, sai phu trạ phi ngựa hỏa tốc để vận chuyển. Quả vải được ướp mật hoặc muối để tươi ngon suốt chặng đường dài.

Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn ca ngợi quả vải "mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh" và "nước Nam sản xuất trái lệ chi nhiều nhất, lệ chi ở xã An Nhơn (Yên Nhân) huyện Đường Hào ngon, ngọt, thơm không thể nào tả được".

Thời hiện đại

 

Cây vải Tổ 200 năm tuổi tại thôn Thúy Lâm xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Đến những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, ngoài giống vải bản địa, giống vải thiều Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam. Giống vải vùng Yên Nhân mà Lê Quý Đôn ca ngợi vẫn còn, nhưng quả to và chua hơn vải thiều ngày nay.

Cụ Hoàng Phúc Thành (sinh năm 1848 quê Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Thiều Châu ăn quả vải rồi vứt hạt đi, cụ Thành đã nhặt được 6 hạt, đem về quê ương giống và mọc được 3 cây. Khi dọn cỏ, cụ bà sơ ý làm chết mất 2 cây. Cây còn lại chính là cây vải thiều đầu tiên ở nước ta. Rồi từ đó, chiết cành ra để trồng thêm, số cây vải và số vườn vải càng ngày càng tăng thêm. Con cháu và họ hàng nhớ ơn cụ Thành nên đã xây dựng miếu thờ cụ bên cạnh cây vải tổ. Vì có nguồn gốc như thế nên nó có tên là vải thiều, nhưng chưa hẳn là nòi vải ở Thiều Châu.

Cây vải tổ này hiện nay vẫn còn và đang thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Văn Thu (cháu nội cụ Thành), sinh năm Canh ngọ 1930 ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trên tấm bia bằng bê tông trước cây vải tổ, ghi tên cụ là Hoàng Văn Cơm. Cụ Thu giải thích rằng, vì cụ Thành đem được giống vải thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên mọi người gọi cụ là cụ Cơm.[1]

Một trong những vùng trồng vải được ưa chuộng ở Việt Nam là vải thiều trồng tại khu vực huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Quả thu hoạch từ các cây vải trồng trong khu vực này thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây).[2]

Ngày nay, vải thiều được nhân giống tại nhiều nơi khác trên cả nước như Lục Ngạn (Bắc Giang), Chí Linh (Hải Dương) và nhiều địa phương khác.

Vải thiều có những đặc tính đặc biệt như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày làm nên thương hiệu vải thiều.

Vải thiều Thanh Hà

Năm 2022, tỉnh Hải Dương có 14.250 ha trồng vải thiều nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Hà (47%) và Chí Linh (43%), tổng sản lượng ước tính khoảng 60.000 tấn.

Nhận dạng chung về vải thiều Thanh Hà, Hải Dương: là giống có kích thước quả bé nhất trong tất cả các giống vải hiện nay, dạng quả hơi tròn. Chiều cao quả 3,3 – 3,4 cm, chiều rộng quả 3,4 – 3,5 cm, tỷ lệ cao quả/ rộng quả 0,94 – 0,98. Quả nhỏ, vỏ sần, chín màu đỏ, hạt rất nhỏ màu đen tuyền hoặc không hạt, cùi trắng dày ăn rất ngọt, hương vị thơm đặc biệt. Quả nặng 18 - 20g, tỷ lệ cùi 72 - 80% thịt hơi nhão, khi bóc vỏ dễ vỡ nước, mùi thơm. Hạt vải thiều gần như bị triệt tiêu, xun lại chứ không thành hạt như vải bình thường. Vải cho vào miệng sẽ cho cảm giác như tự tan ra, không cảm thấy vị se, vị chua, cứ ngọt dần, ngọt dần...

Vải thiều Thanh Hà hột nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày, trắng đục, ngọt lịm, đầy nước. Giữa cùi và hạt vải thiều không có lớp màng mỏng nâu nâu chan chát như vải trồng ở các nơi khác. Vải Thanh Hà chất lượng ngon, nên giá bán cao hơn các loại vải khác. Từ 10 tuổi trở lên, cây vải ra hoa đều và năng suất ổn định hơn. Trồng trên đất đồi vùng Trung du, nếu chăm bón tốt, nhất là bón thêm lân và phân hữu cơ, có thể cho năng suất cao. Vải ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6. Khoảng thời gian thu hoạch vải thiều thường ngắn, khoảng 2 tuần. Vì vậy nên với sản lượng lớn, người ta thường chế biến bằng cách sấy khô, sản phẩm sau đó gọi là vải khô.[3]

Vải thiều Lục Ngạn

Nhắc đến quả vải thì huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi trồng số 1 tại Việt Nam. Thập niên 1950-60, cây vải thiều theo chân ông Nguyễn Đức Trụ (quê xã Nam Dương, Hải Dương) lên Lục Ngạn lập nghiệp. Ban đầu ông Trụ chỉ trồng để lấy quả cho gia đình, sau đó hàng xóm bắt đầu lấy giống từ nhà ông. Theo thống kê thì năm 1986, toàn huyện Lục Ngạn mới chỉ có 42 ha vải thiều, sản lượng vải thiều ước đạt là 100 tấn.

Đến những năm 1990, vải thiều thực sự trở thành hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Đến nay Bắc Giang đã trở thành tỉnh trồng vải thiều lớn nhất cả nước với trên 28.000 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (năm 2022). Huyện Lục Ngạn là vùng trồng vải nhiều nhất cả nước, quả to hơn vải Thanh Hà, giá bán cũng đắt hơn.

Vải thiều Lục Ngạn được ưa chuộng trên cả nước, vì thế vào mùa vải, thương lái từ nhiều tỉnh như: Hà Nội, Quảng Ninh, Sài Gòn, Đà Nẵng... đến thu mua. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 80% sản lượng vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu. Những năm gần đây, trái vải Lục Ngạn đã tiếp cận và mở rộng sang nhiều nước khác như Australia, Malaysia, EU, Mỹ, Nhật Bản…

Năm 2018, Lục Ngạn có 11.423 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VIET GAP và 218 ha tiêu chuẩn Global GAP. Năm 2022, diện tích trồng vải theo Global GAP tăng lên 285 ha. Số vải tiêu chuẩn Global GAP sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu. Ngoài các thị trường cao cấp, vải thiều Lục Ngạn còn được dùng để sấy khô, đóng hộp xuất khẩu, phục vụ người tiêu dùng.

Năm 2021, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở Lục Ngạn đạt 15.500 ha. Tỉnh Bắc Giang có kế hoạch duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh vụ năm 2022 khoảng 28.100 ha; mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; mở rộng diện tích mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Bắc Giang tập trung trồng vải thiều tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. Các nhà vườn tại Giang được chuyên gia từ Nhật đến tư vấn để trồng theo đúng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật với giá thành rất cao từ 300 tới 400 nghìn đồng 1 kg.

Năm 2007 vải thiều Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận "Chỉ dẫn địa lý". Từ đó đến nay, vải thiều Thanh Hà được bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng; tăng giá trị; thuận lợi hơn trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt "Top 50 sản phảm uy tín chất lượng" do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 lọt "Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng" và là đặc sản "Tinh hoa đặc sản 03 miền". Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng "Thương hiệu vàng"; "Logo và Slogan ấn tượng". Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận "Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng".[4]

Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo vệ độc quyền sở hữu công nghệ đối với nhãn hiệu hàng hóa tập thể "Vải thiều Lục Ngạn”. Năm 2006, nhãn hiệu được bình chọn là thương hiệu nổi tiếng tại Hội chợ Quốc tế thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Tháng 6/2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Vải thiều Lục Ngạn có 35 mã số vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 11.423 ha và 237 cơ sở đóng gói; có 30 mã số vùng trồng được Nhật Bản chấp nhận với diện tích 224,5 ha và 1 cơ sở đóng gói.

  • Thị trường nội địa: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa thiên Huế, các tỉnh lân cận và một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
  • Thị trường xuất khẩu: Thị trường Trung Quốc (Chủ yếu), Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Pháp, Malaysia, Philipine, Thái Lan, Mỹ, Thuỵ Điển, Australia, Singapore, Canada, Liên bang Nga, Hàn Quốc và Anh, Úc, Nhật Bản. Từ năm 2015, vải thiều đã được xuất khẩu tới thị trường khó tính là Mỹ và Úc, hiện đang xúc tiến tìm kiến mở rộng ra các thị trường mới... hiện nay còn bao gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản[3] và Hà Lan[5]

  1. ^ Ngược dòng về cây vải Tổ khởi nguồn cho thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm
  2. ^ Hành trình vải thiều Thanh Hà chinh phục thị trường quốc tế
  3. ^ a b Thông tin về vải thiều Thanh Hà - Hải Dương
  4. ^ Vải thiều Thanh Hà đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
  5. ^ Vải thiều "sốt" tại Hà Lan, siêu thị Pháp, Đức, Na Uy đua nhau đặt hàng

  • Vải (cây)

Lấy từ “https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Vải_thiều&oldid=69077011”