Thông tư hướng dẫn thực hiện an toàn bức xạ

Một số nội dung cơ bản của Thông tư 02/2022/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định 142/2020/NĐ-CP

Ngày 25/02/2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 09/12/2020 của Chính phủ quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (Thông tư số 02/2022/TT-BKHCN).

Thông tư gồm 6 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2022, hướng dẫn chi tiết việc thi hành các quy định của Nghị định số 142/2020/NĐ-CP về:

- Thẩm quyền cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sau đây viết tắt là Giấy phép), Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (sau đây viết tắt là Giấy đăng ký), Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (sau đây viết tắt là Chứng chỉ hành nghề);

- Lập và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề;

- Sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

Đây là các nội dung cần thiết phải hướng dẫn theo yêu cầu thực tế từ phía các cơ quan quản lý, các đối tướng quản lý để việc thi hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP được thống nhất, chính xác, hiệu quả. Sau đây sẽ làm rõ các nội dung chính của Thông tư số 02/2022/TT-BKKHCN.

· Thẩm quyền cấp Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề (Điều 2)

Khoản 1 Điều 28 và Điều 58 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, Giấy đăng ký và Chứng chỉ hành nghề là của Bộ KH&CN (trừ Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên trên thực tế, Cục ATBX&HN đang cấp hầu hết các loại giấy tờ trên (trừ Giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với một số cơ sở bức xạ lớn, có độ nguy hiểm cao thuộc thẩm quyền cấp của Bộ KH&CN). Sở KH&CN đang cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

Đáp ứng thực tiễn và bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-BKHCN đã quy định cụ thể nội dung phân cấp. Quy định này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ KH&CN và phù hợp với quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (Luật số 76/2015/QH13 ngày 19/6/2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019). Trong đó Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Khoản 2 Điều này quy định Bộ trưởng quyết định theo thẩm quyền các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ mà mình là người đứng đầu. Khoản 6 Điều này quy định Bộ trưởng quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo phạm vi lãnh thổ; phân cấp, ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN ngày 01/3/2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó Điều 1 quy định rõ Sở KH&CN là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân; Điểm d khoản 11 Điều 2 (Nhiệm vụ, quyền hạn về bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân) quy định Sở KH&CN quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

Quy định về phân cấp tại Thông tư số 02/2022/TT-BKHCN cũng phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

· Lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ (Điều 3)

Điều này hướng dẫn về:

- Lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề (hồ sơ).

- Thẩm định hồ sơ, bao gồm kiểm tra tại cơ sở.

Về thành phần hồ sơ trong trường hợp nộp trực tuyến. Nghị định số 142/2020/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về bản sao trong thành phần hồ sơ trong trường hợp nộp trực tuyến. Vì vậy hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ trực tuyến cũng như các cơ quan tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Bản sao là bản sao điện tử, bản gốc là bản sao điện tử có giá trị pháp lý quy định tại Điều 3 và Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Về thẩm định hồ sơ, khoản 2 Điều 3 Thông tư quy định:

“2. Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề bao gồm các công việc sau:

  1. Rà soát, đánh giá nội dung thông tin của các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử và Nghị định số 142/2020/NĐ-CP;
  1. Kiểm tra tại cơ sở trong trường hợp cần thiết để:

- Xác minh tính chính xác của thông tin của các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ;

- Đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người phụ trách an toàn, nhân viên bức xạ; việc triển khai công tác bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, chuẩn bị ứng phó sự cố bức xạ, chất lượng dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.”

· Sửa đổi, bổ sung Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (Điều 4)

Thực hiện thủ tục sửa đổi Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (Giấy phép) đối với trường hợp hợp nhất nhiều Giấy phép thành một Giấy phép tại Nghị định số 142/2020/NĐ-CP là một quy định nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho cơ sở bức xạ cũng như thuận lợi cho việc quản lý hồ sơ của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vì đây là một quy định mới chưa có tiền lệ nên đã gây ra lúng túng trong khi thực hiện. Hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư nhằm mục đích giải quyết vấn đề này.

Thực hiện bổ sung giấy phép đối với trường hợp bổ sung nguồn phóng xạ vào thiết bị bức xạ: Khoản 2 Điều 4 Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thi hành khoản 1 Điều 32 Nghị định số 142/2020/NĐ-CP.

Đối với trường hợp không áp dụng bổ sung Giấy phép: Giấy phép tiến hành công việc bức xạ được cấp cho loại hình công việc bức xạ là vận hành thiết bị chiếu xạ hoặc sử dụng thiết bị bức xạ, chứ không phải cho việc sử dụng nguồn phóng xạ. Tuy nhiên đây là hai loại hình thiết bị có chứa nguồn phóng xạ. Trong thời hạn hiệu lực của Giấy phép (5 năm đối với thiết bị chiếu xạ, 3 năm đối với thiết bị bức xạ), các thiết bị này phải được bổ sung hoặc thay thế nguồn phóng xạ để bảo đảm đủ hoạt độ cho hiệu quả hoạt động của công việc bức xạ (Ví dụ: Tổng hoạt độ các nguồn phóng xạ Co-60 của thiết bị chiếu xạ công nghiệp sẽ giảm một nửa sau hơn 5 năm, trong thời gian này cần được bổ sung các nguồn phóng xạ mới). Đối với trường hợp này, điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư quy định:

“Đối với trường hợp bổ sung nguồn phóng xạ cho thiết bị chiếu xạ, thiết bị chụp ảnh phóng xạ sử dụng trong công nghiệp thì tổ chức, cá nhân chỉ cần khai báo nguồn phóng xạ cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.”

Các quy định tại Thông tư không làm phát sinh thêm yêu cầu, điều kiện và chi phí để thi hành. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã có kinh nghiệm nhiều năm cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ. Nguồn nhân lực của Cục ATBXHN (bao gồm Phòng Cấp phép, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực và hạ tầng về công nghệ thông tin) hoàn toàn đáp ứng về trình độ chuyên môn kỹ thuật và bảo đảm trang thiết bị để thực hiện các thủ tục hành chính này.

Từ khi Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực (01/01/2009), được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Cục ATBXHN, đến nay nhìn chung các Sở KH&CN đủ nguồn lực để thực hiện việc cấp giấy phép thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, cụ thể: các cán bộ Sở KH&CN thường xuyên được đào tạo kiến thức, cập nhật văn bản quản lý về an toàn bức xạ; nhiều Sở KH&CN đã trang bị các thiết bị kiểm xạ để phục vụ cho công tác thẩm định, cấp giấy phép cho thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế./.