Tại sao người mỹ phản đối chiến tranh việt nam

Là người Việt, chúng ta đã biết ít nhiều về cuộc chiến của người dân Việt Nam chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ ủng hộ đằng sau. Tuy nhiên ít người còn nhớ việc người dân Mỹ trong giai đoạn này cũng đã đấu tranh phản đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Bài viết này nhằm giúp chúng ta biết thêm một số khía cạnh về chủ đề này.

[Tham khảo lịch sử chính trị Hoa Kỳ qua cuốn sách được xuất bản trong năm 2020 Nước Mỹ chuyện chưa kể tại đây]

Các phong trào phản chiến ở Mỹ rất đa dạng.

Về đối tượng tham gia, phong trào thu hút từ cựu chiến binh, người trong diện nhập ngũ, sinh viên, các nhân vật nổi tiếng cho đến phụ nữ nội trợ, người chưa vị thành niên.

Về hình thức, hoạt động phản chiến bao gồm những bài giảng buổi tối, hoạt động hướng dẫn tránh nghĩa vụ quân sự, cho đến tuần hành bất bạo động, hoạt động kháng cự chính quyền, và thậm chí có một số nhóm tự cho mình đang thực hiện cách mạng.

Số người tham gia vào thời điểm đông nhất lên tới cả triệu người [ví dụ như hoạt động chống chiến tranh Việt Nam đồng loạt trên nhiều khuôn viên đại học khắp nước Mỹ], cùng với rất nhiều người ủng hộ nhưng không tham gia.

Càng về sau, các hoạt động phản chiến càng táo tợn, trực tiếp đối đầu với cảnh sát và lực lượng bảo vệ quốc gia [National Guard] gây ra cái chết của một số sinh viên.

Một điểm đặc biệt là hầu hết người Mỹ trong giai đoạn này bị hạn chế thông tin và biết rất ít về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam. Điều này đúng kể cả cho nhóm cựu chiến binh Mỹ và phóng viên Mỹ, hay nhóm trí thức từng sang bắc Việt Nam. Suy nghĩ của họ về chính quyền Bắc Việt Nam và mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam [National Liberation Front – NLF – Việt Cộng – VC] dựa theo phỏng đoán và ước vọng nhiều hơn là thực tế. Và rõ ràng một lượng không nhỏ số người tham gia phong trào này không thuộc diện phải tham chiến hoặc có người thân bị đe dọa tính mạng ở Việt Nam. Vậy vì sao họ lại phản chiến? Vì sao một số trong số họ vẫy cờ Việt Cộng, hát những bài ca ngợi Hồ Chí Minh? Vì sao họ dám đốt giấy triệu tập phục vụ quân đội và chấp nhận ngồi tù? Vì sao có người liều mạng vì hòa bình ở Việt Nam? Trong quá trình trả lời các câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu thêm về tâm lý con người Mỹ, về bối cảnh nước Mỹ thập niên 50 – 60, các vấn đề chính trị, văn hóa nước này.

Phương pháp nghiên cứu và trình bày

Tài liệu chính của buổi hôm nay là cuốn sách The Sixties: Years of Hope, Days of Rage của tác giả Todd Gitlin. Tác giả từng là một nhà hoạt động tích cực trong thập kỉ 1960, từng tham gia các phong trào bất bạo lực, cho đến phong trào kháng cự cảnh sát, bạo động trên phố, từng nhiều lần mạo hiểm tính mạng dưới hơi cay, dùi cui, nóng súng của cảnh sát. Ông đã viết nhiều bài báo về phong trào phản chiến Việt Nam từ khi còn học đại học. Giờ đây ông là giáo sư xã hội học ở Đại học California.

Nội dung cuốn sách cho thấy ông thường không phải người đề xuất, khởi xướng các hoạt động, nhưng là người tham gia tích cực, quan sát, lưu lại, bình luận những nhân vật quan trọng của phong trào và những hoạt động mà ông tham gia.

Thông qua cuốn sách, chúng ta hiểu thêm về những nhân vật đã định hình phong trào những năm 60 như Tom Hayden, Robert ‘Bob’ Moses, góc nhìn của nhóm cốt lõi trong phong trào đối với tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon, chính trị gia Eugene McCarthy, Robert Kennedy, cánh hoạt động của các tổ chức sinh viên cho xã hội dân chủ [Student for Democratic Society – SDS], Báo đen [Black Panther], Ủy ban Hợp tác Bất bạo động Sinh viên [Student Nonviolent Coordinating Committee – SNCC]…

Tôi tham khảo thêm các bài viết về hoạt động xã hội ở Mỹ thập niên 1960 trên Wikipedia và các trang báo như New York Times.

Các bài viết này được viết và trích nguồn khá tốt, và vì nó cũng đã lâu, các nhân vật đã già và bị công khai hoạt động, cả xấu lẫn tốt, nên tôi không lo lắm về mức tin cậy của chúng [nhân vật như lãnh đạo FBI, Edgar Hoover, hay hoạt động Counterintelligence của FBI đối với các tổ chức xã hội cũng đều bị công khai từ khá lâu]. Tôi tham khảo các bài viết của phe lề Phải để có cái nhìn về phong trào từ nhiều bên hơn.

Vì những tài liệu tôi sử dụng nghiêng nhiều về hoạt động của phong trào New Left, nên phần trình bày sẽ thiên về phân tích hoạt động phản chiến được tổ chức bởi các phong trào này. Các phong trào của các nhóm khác sẽ ít được nhắc đến, nhưng tôi không phủ nhận đóng góp của các phong trào đó. Việc phân tích có phần thiên vị này sẽ không đem tới bức tranh tổng quát nhất, nhưng hi vọng sẽ giúp các bạn quay về quá khứ và nhìn thập niên 60 ở Mỹ từ góc nhìn của một nhà hoạt động New Left.

Tiền đề cho các phong trào xã hội ở Mỹ thập niên 60 nói chung và cho phong trào phản chiến Việt Nam nói riêng

Trước thập niên 60 đầy sóng gió là những năm 50 rất phồn thịnh của nước Mỹ. Những người tự cho mình là Anti-Mỹ lại trải qua tuổi thơ trong giai đoạn giàu có này.

Những năm 50 phát triển

Bùng nổ dân số sau chiến tranh thế giới thứ 2: Đồ thị dưới đây cho thấy sau khi chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc vào 1945, tỉ lệ sinh tăng rõ rệt so với những năm trước. Những người sinh vào giai đoạn này trở thành nhóm hoạt động nhất trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.

Ảnh: Tỉ lệ sinh của Mỹ từ 1910 đến 2000. Nguồn: National Center for Health Statistics

Kinh tế phát triển: sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ có được lợi thế là các cơ sở sản xuất không bị phá hủy, lực lượng lao động nỗ lực cống hiến, nhiều nhà khoa học tham gia phát triển đất nước, nhiều sáng chế phục vụ cuộc sống. Các nước châu Âu bị tàn phá bởi bom đạn phải nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ để tái thiết đất nước. Vì thế kinh tế Mỹ phát triển mạnh sau chiến tranh [xem hình].

Ảnh: Tỉ lệ tăng GDP hàng năm của Mỹ từ 1940 – 2000. Nguồn: U.S. Bureau of Economic Analysis

Cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt so với trước chiến tranh. Các đôi vợ chồng trẻ có đủ thu nhập để không phải sống trong các căn hộ tập thể nữa. Họ có thể di chuyển ra khu ngoại ô giàu có, mua một căn nhà mới được xây dựng, trang bị cho căn nhà thiết bị như TV, tủ lạnh, đồ bếp…. Người vợ không phải đi làm mà có thể ở nhà chăm con, người chồng di chuyển vào thành phố làm việc mỗi ngày bằng ô tô riêng. Cuối tuần, họ tổ chức tiệc nướng trong khu vườn rộng rãi của gia đình, hoặc cùng ra bãi biển…. Đối với những người trải qua chiến tranh, cuộc sống mới là tất cả những gì họ từng mơ ước.

Ảnh: Gia đình Mỹ kiểu mẫu thập niên 1950. Nguồn: //daily.jstor.org/invention-family-room/

Nhiều tiện nghi trong thời này tạo điều kiện cho một giới trẻ hoạt động khắp đất nước:

Đường xá: Tổng thống Eisenhower cho xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang. Đây là dự án công rất lớn, thay đổi hoàn toàn nước Mỹ. Những con đường dài bất tận, không có điểm kết thúc nuôi dưỡng giấc mơ tự do của người trẻ. Đối với những người phản chiến, hệ thống đường này nghĩa là bạn có thể tham gia hoạt động ở mọi bang, và các nhóm trong các bang có thể tụ tập nhanh chóng để biểu dương lực lượng.

Liên lạc: Những phát minh trong hoạt động liên lạc được sử dụng trong thế chiến 2 giờ được áp dụng cho người dân, giúp mọi người có thể gọi điện cho nhau với chi phí rẻ.

Truyền thông: TV là một phát minh đã thay đổi hoàn toàn gia đình và đất nước. Với việc mỗi gia đình đều có TV, trẻ em được tiếp xúc với tin tức chính trị, các lối sống mới, các bộ phim của nhiều nước. Todd Gitlin từng kể lại từ khi học trung học, ông đã được xem các cuộc tranh luận về chính sách, và đã hình thành quan điểm về chính trị gia.

Phúc lợi: Xã hội giàu có hơn đồng nghĩa với việc thanh thiếu niên được cho thêm tiền để đi chơi với bạn bè, mua sách báo, tiếp cận nhiều xu hướng văn hóa. Lối sống Beat và Counterculture sẽ không thể tồn tại nếu những người thất nghiệp không nhận được một khoản trợ cấp nhất định.

Đại học: Các công ty, tổ chức chính phủ, quân đội… đều yêu cầu người lao động có trình độ cao hơn. Chính phủ và các bang chi tiêu rộng rãi để xây dựng nhiều trường đại học, tạo điều kiện giảm học phí cho sinh viên. Nhờ việc này mà số lượng sinh viên tăng mạnh. Trường đại học trở thành nơi tập trung nhiều sinh viên có hoàn cảnh khác nhau, tư tưởng khác nhau, là nơi thanh thiếu niên không còn chịu sự quản lý của bố mẹ, nơi tụ tập, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động xã hội.

Những điểm xấu xí của xã hội:

Với việc Liên Xô bành trướng Đông Âu, thử thành công bom nguyên tử, cài gián điệp vào nhiều vị trí trong chính phủ và xã hội Mỹ, Mao Trạch Đông chiến thắng ở Trung Quốc, người dân Mỹ rơi vào tâm lý Sợ Đỏ [Red Scare] lần 2. Các quy định mới của chính phủ, các hoạt động của ủy ban điều tra hoạt động phản Mỹ [House Un-American Activities Committee – HUAC], việc kết tội gián điệp hoặc phản quốc mà không cần bằng chứng [được khởi xướng bởi Thượng nghị sĩ McCarthy] khiến cho người dân sống trong nỗi sợ hãi, ngờ vực, bất an.

Điều ám ảnh giới trẻ trong thời này là các cuộc diễn tập bom nguyên tử. Khi còi báo động vang lên, tất cả trẻ em được hướng dẫn phải tìm đến hầm trú ẩn. Nếu người lớn nhớ đến cuộc chiến với hình ảnh nước Mỹ thuộc phe chính nghĩa và đã chiến thắng, thì trẻ em luôn cảm thấy cuộc chiến có thể đem lại thảm họa cho tất cả, không cần biết đúng sai.

Với sự tăng trưởng của nước Mỹ, thật dễ hiểu khi nhiều học giả đã phân tích lịch sử và cho rằng con đường của nước Mỹ là con đường số một, và mọi nước khác phải đi theo con đường này. Nhóm học giả và truyền thông sẽ hùa vào tấn công những ai bàn về điểm xấu của nước Mỹ, và thuyết phục người dân rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách tự nhiên, thông qua tăng trưởng. Điều này khiến tác giả và các thanh thiếu niên khác bị cuốn hút vào các dòng tư tưởng không chính thống, vì cảm thấy những người này có chính kiến.

Chủ nghĩa tiêu dùng: truyền thông liên tục nhồi nhét các hình ảnh về gia đình Mỹ kiểu mẫu: cống hiến cho đất nước, mua sắm thật nhiều, sống sung sướng, mua bảo hiểm, và tuân thủ pháp luật. Một số người trẻ tuổi cảm thấy không ưa lối sống này và đã tách ra, tạo thành thế hệ Beat. Số khác cảm thấy cuộc sống này vô nghĩa, và thầm ước vọng cuộc sống sóng gió, tự do hơn.

Phân biệt chủng tộc và chênh lệch giàu nghèo: Hai vấn đề này không hề suy giảm sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ở các bang miền Nam nước Mỹ [nơi trong quá khứ có nhiều đồn điền với nô lệ châu Phi], các xung đột giữa người da đen và da trắng diễn ra thường xuyên. Từ 1955 đến 1956, Martin Lurther King lãnh đạo cuộc tẩy chay các phương tiện công cộng ở Montgomery, Alabama nhằm chống lại chính sách phân biệt chủng tộc.

Việc phát triển văn hóa đưa ra định hướng lối sống phá cách cho thanh thiếu niên, khác biệt với bố mẹ chúng:

Phim ảnh: Các nhà làm phim đã nắm bắt xu thế nổi loạn của giới trẻ và cho ra những bộ phim về loại nhân vật chính mới. Dòng nhân vật chính này không phải người có mục tiêu rõ ràng mà là những người rong chơi, coi việc không có mục đích, làm những gì mình thấy hay mới là tự do. Ví dụ như bộ phim Rebel without a Cause [1955] kể về một thiếu niên chán ngán người cha giàu có nhưng không có ý chí, trở thành thanh niên nổi loạn, tìm tự do trên các con đường. Diễn viên chính của phim, James Dean, cũng sống giống như nhân vật mình đóng và chết trong tai nạn trên xa lộ. Giới trẻ thần tượng hóa anh do anh đã sống đúng như ước vọng của mình.

Nhạc rock cũng là một yếu tố tách biệt giới trẻ với bố mẹ chúng. Rock có giai điệu nổi loạn, lời lẽ táo bạo, thậm chí thô lỗ hoặc khó hiểu, phụ huynh thì rất ghét nhạc Rock, còn thiếu niên thì lại phát cuồng và cảm thấy tự do, sảng khoái khi nghe nhạc Rock.

Beat Generation được hình thành trong thập niên 50. Những người tham gia thường từ bỏ thành thị và chuyển ra sống trong cộng đồng riêng, xa lánh kinh tế và chính trị. Họ hút cần sa, tự do tình dục, sáng tác nghệ thuật. Giới truyền thông cho họ như là những người lập dị thú vị, và tổ chức tham quan các cộng đồng Beat. Giới trẻ thường ghé thăm cộng đồng vào cuối tuần, bị ảnh hưởng bởi họ, bàn tán về họ, thậm chí cho rằng phi chính trị chính là cách tham gia chính trị mới.

Nhóm đấu tranh thay đổi xã hội [Old Left và managerial liberals] chỉ còn là cái vỏ của chính nó: Nhóm Old Left bao gồm những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ đoàn kết người lao động thì bị kì thị gắt gao trong giai đoạn chiến tranh Lạnh này. Nhóm Liberal như liên đoàn dân chủ công nghiệp [League of Industrial Democracy – LID] ngày càng ít hoạt động có ý nghĩa. Vì thế nhóm trẻ tuổi có mong muốn thay đổi đất nước trưởng thành mà không có nhóm lãnh đạo xứng đáng, tạo điều kiện để họ tự đi theo con đường riêng.

Một số sự kiện trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam

Trước 1945, Việt Nam chưa có trong mắt nước Mỹ. Vùng đất này chỉ được coi như thuộc địa của một nước thuộc phe Đồng Minh – nước Pháp, mà Mỹ nửa muốn nó không thuộc Pháp nữa, nửa không muốn chọc tức nước Pháp. Việt Minh là tổ chức hoạt động tốt nhất ở khu vực này, nhưng lại có thiên hướng Cộng Sản, nên mặc dù Hồ Chí Minh ra sức đề xuất Mỹ công nhận Việt Minh là đại diện cho Việt Nam, Mỹ vẫn chỉ thị rằng không ủng hộ Pháp, không ủng hộ Việt Minh, và sử dụng Việt Minh để chống quân Nhật Bản.

Từ năm 1945 đến 1954, chiến tranh Pháp – VN diễn ra. Mỹ tham gia cố vấn cũng như tài trợ rất nhiều cho nước Pháp đã kiệt quệ sau thế chiến 2 nhằm giúp họ đánh bại Cộng sản. Mỹ xây dựng chính quyền ở SG, ủng hộ Ngô Đình Diệm. Thuyết Domino góp phần đưa Mỹ tới quyết định này: Nếu Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, sớm muộn các nước ở Đông Nam Á cũng sẽ theo phe này.

Từ 1954 đến 1964 Mỹ chủ yếu hỗ trợ Nam Việt Nam xây dựng quân đội và kinh tế đối chọi lại Bắc Việt Nam. Tổng thống Eisenhower và Kennedy đều tập trung phát triển đất nước và tránh việc gửi quân sang Việt Nam.

Tháng 8, 1964, sự kiện Vịnh Bắc Bộ diễn ra. Tổng thống mới của Mỹ, Lyndon Baines Johnson được quốc hội Mỹ cho phép tuyên chiến với Việt Nam. Từ đây Mỹ gửi thêm quân hỗ trợ Nam Việt Nam và ném bom trên toàn bộ Việt Nam. Đến năm 1967, số lượng lính Mỹ ở Việt Nam lên đến nửa triệu người.

Trong suốt giai đoạn 1965 đến 1967, chính phủ Mỹ liên tục trấn an người dân rằng họ đã tiêu diệt được rất nhiều Việt Cộng, rằng cuộc chiến đã gần thành công. Nhưng vào Tết 1968 [31/1], NLF và bắc Việt Nam mở cuộc tổng tấn công tại các thành phố lớn. Cuộc chiến gây shock cho người dân Mỹ đúng vào giai đoạn sự ủng hộ cho Johnson đang đi xuống. Johnson tuyên bố không tham gia tái tranh cử, dừng ném bom miền Bắc Việt Nam, chấp nhận đàm phán hòa bình, và dần rút quân khỏi Nam Việt Nam.

Nixon duy trì quyết định của Johnson nhưng không ngừng ném bom Nam Việt Nam và tấn công sang Lào, Campuchia. Trên mặt đất, Nixon rút dần quân Mỹ, góp phần làm tinh thần lính Mỹ đi xuống [không muốn làm người phải chết ngu ngốc khi sắp được về nước]. Nixon tài trợ vũ khí hạng nặng cho Việt Nam Cộng hòa, khiến lực lượng quân đội này trở thành lực lượng lớn thứ 4 thế giới [gần 1 triệu lính, chỉ đứng sau sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc], với nhiều vũ khí hiện đại thừa hưởng từ Mỹ. Trung Quốc và Liên Xô tài trợ cho bắc Việt Nam xây dựng lực lượng đứng thứ năm thế giới, nhưng số lượng vũ khí thì ít hơn nhiều.

Đàm phán hòa bình diễn ra cùng lúc với cuộc chiến. Vào tháng 12/1972, Nixon cho ném bom các thành phố lớn ở Bắc Việt Nam, nhưng không làm ảnh hưởng tới đàm phán. Vào 15/1, quân đội Mỹ được lệnh dừng mọi hoạt động tấn công. Vào 27/1/1973, hiệp định Paris được kí, Mỹ có 6 ngày để rút toàn bộ quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên Mỹ vẫn tiếp tục tài trợ quân đội nam VN.

Nixon vẫn chịu áp lực từ phe Dân Chủ và cộng đồng phản chiến, và dẫn đến bại lộ việc lạm dụng quyền lực [vụ Watergate]. Nixon từ chức, phó tổng thống Gerald Ford lên thay nhưng không đủ quyền lực để viện trợ mạnh tay cho Nam Việt Nam. Bắc Việt Nam giành chiến thắng vào đầu năm 1975, kết thúc cuộc chiến.

Nguyễn Phương Mạnh – Book Hunter

Video liên quan

Chủ Đề