I hate you có nghĩa là gì năm 2024

M: Bước vào năm mới, nhiều trang Web Trung Quốc đều tổng kết tốp 10 cụm từ thịnh hành trên mạng In-tơ-nét. Chúng tôi xin trích hai cụm từ để giới thiệu với các bạn. Cụm từ đầu tiên là "hâm mộ ghen tức."

N: Hâm mộ, ghen, tức?

M: Không đúng, Nam Dương phải đọc liền mới có thể thể hiện hiệu quả của cụm từ này. Cái hay của cụm từ này là gắn ba tính từ với nhau, đọc một mạch nhằm đạt hiệu quả lạ lùng, khoe khoang, đồng thời cũng thêm một cảm giác trêu trọc, thường dùng vào lúc nói đùa.

N: Vậy tôi có thể nói "Ngôi nhà mà Mẫn Linh vừa mới mua rộng 200 m2, thật là hâm mộ ghen tức".

M: Được, cụm từ này xuất hiện rất nhiều trên các trang Web Trung Quốc. Nhưng Mẫn Linh phải đính chính lại, Nam Dương vừa đặt câu ví dụ thôi chứ Mẫn Linh đâu có nhà rộng như vậy.

N: ...ồ ồ, Nam Dương nói đùa đấy mà.

M: Cụm từ "hâm mộ ghen tức" lần đầu tiên được biết đến rộng rãi là do nhiều người phê bình bộ phim hài của đạo diễn Trương Nghệ Mưu công chiếu đầu năm 2009 là bộ phim này tục tĩu, chỉ "mua" lấy tiếng cười của khán giả qua những cú ngã. Nhà sản xuất phim giải thích rằng, sở dĩ có sự đánh giá như vậy là vì rất nhiều người đều "hâm mộ ghen tức" ông Trương Nghệ Mưu. Sau đó cụm từ này được một số MC sử dụng trong chương trình giải trí và nhanh chóng thịnh hành trong giới trẻ.

N: Vâng, Nam Dương xin giới thiệu với các bạn một cụm từ khác là "cha tôi là Lý Cương".

M: "Cha tôi là Lý Cương"?

N: Vâng, cụm từ này bắt nguồn từ tháng 10/2010, trong khuôn viên của một trường đại học Trung Quốc, một chiếc ô-tô đâm vào hai nữ sinh viên, làm một người chết và một người bị thương, nhưng người gây ra tai nạn không những không quan tâm tới người bị thương mà có thái độ rất thờ ơ và hung hăng, thậm chí còn hét to tại hiện trường: "Có giỏi thì đi mà kiện, cha tôi là Lý Cương." Có thể Lý Cương là lãnh đạo của một trường hoặc quan chức địa phương nào đó. Chuyện này vừa tung lên mạng lập tức trở thành tiêu điểm thảo luận của cư dân mạng và gây xôn xao dư luận. "Cha tôi là Lý Cương" cũng trở thành cụm từ thịnh hành nhất trên mạng In-tơ-nét. Cụm từ này dùng để hình dung những người hung hăng và có chỗ dựa, không lo ngại gì. Cư dân mạng thường mỉa mai rằng: Bạn ơi, hãy làm theo quy tắc nhé, cha bạn không phải là Lý Cương đâu.

M: Thực ra từ hai cụm từ nói trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, các cụm từ thịnh hành trên mạng In-tơ-nét Trung Quốc hiện nay chủ yếu chia thành hai loại, một loại như "hâm mộ ghen tức", trong Hán Ngữ không có cụm từ này, do cư dân mạng tự tạo ra; còn "cha tôi là Lý Cương" thì thuộc loại thứ hai, xuất hiện trên cơ sở một sự kiện nóng hổi đích thực, các loại cụm từ này, ngoài gây cười, diễu cợt ra, nhiều khi dùng để bày tỏ sự bất bình và trút bỏ bực bội trong lòng.

N: Vâng.

M: Thưa các bạn, thời đại hiện nay có thể nói là thời đại In-tơ-nét, không những ở Trung Quốc, mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới đều có cụm từ trên In-tơ-nét của nước mình, sau đây xin mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu các nước khác trên thế giới đang thịnh hành những cụm từ nào trên mạng In-tơ-nét nhé.

N: Vâng, ở Hàn Quốc, trong những cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên mạng In-tơ-nét, có một cụm từ rất thú vị, đó là "con trai của người bạn của mẹ". Cụm từ này bắt nguồn từ phim truyện Hàn Quốc, bởi vì trong nhiều phim truyện Hàn Quốc, con trai người bạn của mẹ nhân vật nam chính thường là người hoàn mỹ "vừa đẹp trai vừa có tài", gia đình giàu có và hầu như không có khuyết điểm nào. So với loại vai diễn này thì cuộc đời của vai chính có chút "bi thảm". Dần dần, cụm từ "con trai của người bạn của mẹ" thịnh hành trong các cư dân mạng Hàn Quốc, dùng để chỉ những người có sắc đẹp hơn người, xuất thân tốt và bản thân lại không thể vượt qua được.

M: Vâng. Trên các trang blog Hàn Quốc, các bạn thường có thể bắt gặp những lời phàn nàn như vậy: buổi phỏng vấn hôm nay lại thất bại, chắc chắn vì "con trai của người bạn của mẹ tôi" cũng đến tham gia phỏng vấn. Thực ra, người viết blog không phải quả thật đang nói có "con trai của người bạn của mẹ" tham gia cùng một cuộc phỏng vấn, mà "con trai của người bạn của mẹ" là chỉ những người bằng tuổi, ưu tú và bản thân mình không thể nào vượt qua được.

N: Thì ra những thanh niên ưu tú trong các phim truyện Hàn Quốc đã gây sức ép khá lớn cho người dân bình thường.

M: Vâng. Trang Web Netlingo Mỹ gần đây đã bình chọn "Tốp 10 cụm từ tiếng Anh thịnh hành trên mạng In-tơ-nét trong năm 2010", trong đó đại đa số là những cụm từ kỳ lạ, khó hiểu. Chẳng hạn như, hai chuỗi con số được sử dụng nhiều nhất là 143 và 1432. Nam Dương có biết nghĩa là gì không?

N: Câu hỏi này không khó, nhiều người đều biết 143 là chỉ "anh yêu em", 1432 là chỉ "em cũng yêu anh", nhưng nguyên nhân vì sao thì Nam Dương không rõ.

M: Để Mẫn Linh giải thích cho nhé. Thực ra là vì trong tiếng Anh, câu "I love you" gồm có ba từ, lần lượt gồm có 1, 4 và 3 chữ cái, cho nên gọi là "143". Còn số 2 trong tiếng Anh phát âm là "too", tức là cũng, cho nên "1432" là "I love you too", nghĩa là "Em cũng yêu anh". Vậy Nam Dương đã hiểu chưa?

N: À, thì ra vậy. Nam Dương cũng biết có một chuỗi con số là "182". Ba con số này phát âm bằng tiếng Anh là I, Eight và two, giống như "I hate you", ý của nó trái với "143", là chỉ Anh không thích em.

M: Vâng. Ngoài ra còn có "10Q", vì phát âm của nó là "ten Q", gần giống "Thanh you", tức cảm ơn. Sau này nếu các bạn truy cập các trang Web tiếng Anh, khi gặp những con số này thì sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ nữa.

N: Vâng.

N: Thưa các bạn, trên đây chúng tôi đã giới thiệu một số cụm từ thịnh hành trong giới In-tơ-nét, những cụm từ này không những đã thể hiện sức sáng tạo của các cư dân mạng, mà cũng nói lên tâm trạng của mọi người. Không biết sang năm sẽ có cụm từ nào trở thành từ nóng In-tơ-nét, chúng ta hãy cùng đợi chờ nhé.

M: Vâng, các bạn cũng có thể chia sẻ với Mẫn Linh và Nam Dương những cụm từ mới thịnh hành ở Việt Nam, thư điện tử xin gửi tới [email protected]. ...