Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là gì năm 2024

Chúng ta đã liên tục bổ sung, cập nhật, chủ trương hóa cách thức, biện pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước; mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

Những năm qua, CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm trong 10 năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Minh chứng rõ nhất cho kết quả này là quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng 3,1 lần so với năm 2010, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD, vượt mục tiêu của Chiến lược, đồng thời vượt mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (đặt ra ở mức khoảng 3.200 - 3.500 USD).

Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020; tỉ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động toàn xã hội giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 33,1% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế như: Dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu); giầy dép các loại (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu); điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới)…

Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 tất yếu phải tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH.

Nhờ CNH, HĐH mà chúng ta có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, không gian đô thị được mở rộng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn, chất lượng được nâng cao, tạo không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước kéo theo sự phát triển của hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng giáo dục…

Nhờ thế, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng Chỉ số phát triển con người HDI cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2011-2020, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,663 vào năm 2011 lên 0,706 vào năm 2020, bắt đầu thuộc nhóm các quốc gia có HDI ở mức cao (là nhóm quốc gia có chỉ số HDI từ 0,7 đến dưới 0,8)…

Nhưng, nếu nhìn thẳng thắn, quá trình thực hiện CNH, HĐH ở nước ta vẫn còn nhiều tiêu chí không đạt được như: GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp chế tạo và tỉ trọng nông nghiệp trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỉ lệ đô thị hóa, điện sản xuất bình quân đầu người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch…; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thay mặt cơ quan chủ trì tổng kết và xây dựng Nghị quyết cho biết: “Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm”.

Thực tiễn cho thấy: Giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 xuống còn 6,6%/năm, giai đoạn 2011-2020 trung bình chỉ đạt 6,17%/năm. Thu nhập bình quân đầu người vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa và không dễ thu hẹp cũng như thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập bình quân đầu người của thế giới (là hơn 10.000 USD).

Quan trọng hơn, nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Kết quả CNH, HĐH trong một số lĩnh vực còn hạn chế đặc biệt là trong nông nghiệp, nông thôn.

Trả lời báo chí, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã thẳng thắn thừa nhận, CNH, HĐH đất nước trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và vì thế, cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ như: tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trong khi, nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỉ trọng còn nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Đô thị hóa chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với CNH, HĐH. Các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, con người, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập…

Cũng vì lẽ đó, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về CNH, HĐH. Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng cụ thể hóa những nội dung trọng tâm làm cơ sở để định hướng đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, với một số nội dung cốt lõi. Từ chỗ làm rõ nhận thức về CNH, HĐH tới việc coi đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Đặt CNH, HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước. Đến xác định nội dung và yêu cầu then chốt “phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp.

Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Tiếp đến nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH, HĐH đất nước phải có trọng tâm, trọng điểm và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực.

Cuối cùng, CNH, HĐH đất nước, "phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa cả truyền thống và hiện đại, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và giai cấp công nhân hiện đại; vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ tri thức và doanh nhân Việt Nam".

Thời gian tới, để thực hiện tốt CNH, HĐH theo chủ trương của Đảng, các ngành các cấp chắc chắn phải thật sự nỗ lực, cùng nhau bàn bạc để chủ trương này đi vào đời sống càng nhanh, càng có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Công nghiệp hóa có nghĩa là gì?

Có thể khái quát, công nghiệp hóa là quá trình tạo sự chuyển biến từ nền kinh tế nông nghiệp với nền kinh tế lạc hậu, dựa trên lao động thủ công, năng suất thấp sang nền kinh tế công nghiệp với cơ cấu kinh tế hiện đại, dựa trên lao động sử dụng bằng máy móc, tạo ra năng suất lao động cao.

Mục tiêu của công nghiệp hóa hiện đại hóa là gì?

Mục tiêu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa là cải thiện chất lượng cuộc sống của con người bằng cách tăng cường sản xuất hàng hóa và dịch vụ thông qua sử dụng công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Công nghiệp hóa hiện đại hóa có tác dụng như thế nào?

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công nghiệp hiện đại là gì?

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự thay đổi căn bản và toàn diện trong hầu hết các hoạt động sản xuất từ sử dụng lao động thủ công ​​cơ bản sang sử dụng rộng rãi lao động phổ thông và ứng dụng những thành tựu công nghệ tân tiến, hiện đại để tăng năng suất lao động xã hội.