Giả mạo xuất xứ việt nam hàng hóa năm 2024

(HQ Online) - Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, trong năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp dự báo sẽ còn tiếp diễn phức tạp khi các quy định về phòng chống dịch được nới lỏng; lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh tăng mạnh.

Giả mạo xuất xứ việt nam hàng hóa năm 2024
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: T.D

Nhiều chiêu “lách” xuất xứ

Thời gian qua, lợi dụng các chính sách ưu đãi về đầu tư và tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi thương mại và kẽ hở của pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu, một số doanh nghiệp đã thực hiện hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Mới đây, qua kiểm tra sau thông quan đối với một số thành phẩm kệ các loại xuất khẩu của Công ty TNHH MTV PANGLORY (địa chỉ tại KCX – KCN Linh Trung III, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh), Cục Hải quan Tây Ninh đã phát hiện doanh nghiệp sử dụng tự chứng nhận xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và in trên nhãn hàng hóa, bao bì các thành phẩm dòng chữ “MADE IN VIETNAM” không đúng theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 05/2016/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa.

Với hành vi trên, Cục Hải quan Tây Ninh đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ vụ việc cho UBND tỉnh Tây Ninh xử lý theo quyền. Trên cơ sở đó, ngày 27/1/2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV PA. với số tiền phạt 140 triệu đồng và buộc công ty nộp lại số tiền trên 2,9 tỷ đồng thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời buộc công ty này cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa đối với hành vi vi phạm theo quy định.

Trước đó, tại địa bàn Tây Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài thuộc Cục Hải quan Tây Ninh đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến khai sai, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Điển hình như vụ phát hiện, bắt giữ lô hàng giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton của Công ty TNHH SH Logististic (trụ sở tại phường Đông Kinh, Lạng Sơn) quá cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài. Với hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và khai sai so với thực tế về số lượng, Công ty TNHH SH Logistics đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 93 triệu đồng.

Tại thị trường nội địa, kiểm tra cơ sở bán hàng online tại thành phố Tây Ninh, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cùng lực lượng chức năng phát hiện trên 2.352 đơn vị sản phẩm gồm các mặt hàng như: mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, đa phần các mặt hàng này được chào bán qua hình thức livestream, zalo, facebook…. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ có liên quan chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa nói trên.

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, trong năm 2022, tình hình gian lận xuất xứ sẽ còn tiếp diễn, chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn mác hàng hóa thể hiện "Made in Vietnam" hoặc trên bao bì, nhãn mác, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để xuất đi nước thứ 3 hoặc tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, có tình trạng nhập bán thành phẩm sau đó gia công đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam xuất sang các thị trường nước ngoài.

Siết chặt quản lý

Để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các vụ gian lận về xuất xứ hàng hóa, nhất là thời điểm tới khi quy định về phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đang gia tăng, Cục Hải quan Tây Ninh đã lên kế hoạch và tiếp tục triển khai áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác, như: quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan đối với các đối tượng trọng điểm và mặt hàng trọng điểm.

Theo đó, lực lượng Hải quan sẽ tăng cường các giải pháp kiểm tra, giám sát đối với các DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam. Công tác kiểm tra sau thông quan lưu ý các mặt hàng xuất khẩu nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới để có biện pháp kiểm tra, phát hiện vi phạm kịp thời...

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, Cục Hải quan Tây Ninh sẽ tiếp tục tổ chức xác minh và kiểm tra sau thông quan các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng hạt điều nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường gian lận xuất xứ hạt điều châu Phi với hạt điều Campuchia để hưởng ưu đãi thuế 5% sẽ báo cáo Tổng cục Hải quan để có hướng xử lý.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Đơn cử, khi phát hiện vi phạm, trên tờ khai hải quan của DN, DN này khai báo hàng có xuất xứ Việt Nam. Kết quả kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì nhãn mác hàng hóa thể hiện “Made in China to Vietnam”. Tuy nhiên, hành vi khai sai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của DN chưa được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nên cơ quan Hải quan không thể xử phạt được hành vi vi phạm này.

Đồng thời, qua công tác giám sát Cục Hải quan Tây Ninh cũng đã phát hiện một trường hợp DN xuất khẩu mặt hàng kệ sắt đi thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Hiện, việc xử phạt DN này cũng đang gặp khó khăn vì việc xác minh nguồn gốc hàng hóa thể hiện trên nhãn mác sản phẩm “Made in Vietnam” của DN này.

Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; hàng quá cảnh; hàng nhập lậu qua đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm để nhập lậu. Theo cơ quan Hải quan, Chính phủ cần có các quy định đảm bảo có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa.