Đánh giá tình hình kinh tế nga

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/11 đã điều chỉnh đáng kể dự báo kinh tế của mình đối với Nga, dự đoán tăng trưởng trong những năm tới thay vì suy thoái như dự kiến ​​trước đó.

Sự thay đổi trong đánh giá này phản ánh những diễn biến trong động lực kinh tế toàn cầu và khả năng của Nga trong việc điều chỉnh các chiến lược xuất khẩu của mình.

Trong Dự báo kinh tế mùa Thu năm 2023, EC đã điều chỉnh dự báo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, hiện dự đoán mức tăng trưởng 2% vào năm 2023, tăng so với dự báo trước đó là giảm 0,9%.

Hơn nữa, nền kinh tế Nga dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 1,6% trong cả năm 2024 và 2025. Bản cập nhật này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với Dự báo được đưa ra vào tháng 5/2023 vốn dự đoán kinh tế sẽ suy thoái vào năm 2023 và tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2024.

Báo cáo ghi nhận thành công của Nga trong việc chuyển một phần lớn hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa, sang các thị trường mới như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện và những thách thức trong việc thay thế thị trường khí đốt châu Âu có thể sẽ hạn chế sự phục hồi xuất khẩu vào cuối năm nay.

Về xu hướng lạm phát và chính sách tài khóa, bất chấp dự báo tăng trưởng, EC dự đoán áp lực lạm phát dai dẳng ở Nga vào năm 2023, với lạm phát tiêu dùng dự kiến ​​sẽ đạt 6%. Báo cáo dự đoán lạm phát sẽ giảm dần xuống 4,6% vào năm 2024 và 4,0% vào năm 2025, do chính sách tiền tệ thắt chặt.

Lạm phát ở Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm là 2,3% trong tháng 4 vừa qua, chủ yếu do các hiệu ứng cơ bản. Tuy nhiên, nó bắt đầu tăng tốc trong những tháng tiếp theo, do mức tăng lương cao trong thị trường lao động eo hẹp và nhu cầu trong nước mạnh mẽ được thúc đẩy bởi việc mở rộng tài chính.

Về chi tiêu ngân sách và quốc phòng, các chuyên gia của EC dự báo thâm hụt ngân sách liên bang của Nga sẽ vượt quá 2% GDP vào năm 2023 và duy trì ở mức này vào năm 2024. Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 6% GDP vào năm 2024, chiếm một phần đáng kể trong tổng chi tiêu ngân sách quốc gia.

Mặc dù vậy, ngân sách dự kiến ​​vẫn nằm trong tầm kiểm soát, với việc Chính phủ Nga chứng tỏ khả năng giải quyết tình trạng thiếu hụt doanh thu thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả thuế thu nhập bất ngờ đối với các công ty năng lượng. Dự báo kinh tế sửa đổi của EC đối với Nga cho thấy hiệu quả kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến ​​trước đây, bất chấp những thách thức toàn cầu và căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.

Trong khi đó, Chính phủ Nga dự báo con số cao hơn. Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov hôm 10/11 cho biết tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ là khoảng 3%. Ông lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế đi kèm với sự gia tăng thu nhập thực tế của người dân, sự tăng trưởng của công nghiệp, đặc biệt là sản xuất và đầu tư.

Ông Reshetnikov nhấn mạnh nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bây giờ cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng trong điều kiện mới.

Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết trong đó nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt chống Nga, kêu gọi Hội đồng EU và Ủy ban châu Âu thay đổi tình trạng này càng sớm càng tốt.

Dự kiến, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 2,8% trong năm nay. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, kết quả này thậm chí vượt ngoài kỳ vọng của giới chức Nga. Mặc dù Nga vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nền kinh tế đã và đang dần thích nghi.

Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2023, GDP của Nga đã tăng 2,8%, trong đó riêng tháng 9 mức tăng trưởng là 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng GDP dự kiến 2,8% là một kết quả đáng khích lệ, nếu so với mức sụt giảm GDP 2,1% của Nga trong năm 2022.

Nga triển khai các biện pháp thúc đẩy kinh tế

Trước đó trong báo cáo cập nhật tăng trưởng tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm nay. Từ mức dự báo chỉ 0,7% hồi đầu năm, có thể thấy mức tăng GDP của Nga đã được điều chỉnh tăng gấp 3 lần.

IMF đánh giá, việc điều chỉnh tăng trưởng phản ánh thực tế các kích thích tài chính, đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ tại Nga đang phát huy tác dụng trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt.

Đánh giá tình hình kinh tế nga

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Nga. (Ảnh: Saint-Petersburg.com)

Theo báo chí Nga, Nga đã khắc phục được hậu quả của việc phương Tây đưa ra hàng hoạt biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vượt qua các loại hạn chế và biện pháp phân biệt đối xử có tính chất kinh tế. Đồng thời, quá trình chuyển đổi sang củng cố chủ quyền kinh tế Nga cho phép nước này thực hiện các mục tiêu phát triển của mình.

Theo tờ Luận chứng và sự kiện, đối với Nga, giành được chủ quyền kinh tế có nghĩa là trở nên độc lập với các nền kinh tế khác trên thế giới và độc lập xác định giá cả hàng hóa của mình và giao dịch bằng đồng Ruble. Các nhà phân tích cho biết, đối với người dân bình thường, điều này có nghĩa là sự xuất hiện của các doanh nghiệp chế biến, việc làm và đồng tiền quốc gia mạnh.

Trước áp lực của Phương Tây, trong năm qua Nga đã đẩy mạnh hệ thống thanh toán nội địa, thanh toán nợ bằng đồng Ruble và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong bối cảnh nhiều tài sản nước ngoài bị đóng băng. Tờ Tin tức Izvestia nhận định đó là những bước đi bắt buộc và là lối thoát kinh tế hiệu quả khi đối mặt với các hạn chế và phong tỏa từ bên ngoài.

Chính sách tiền tệ cũng được thắt chặt để kiềm chế lạm phát, hướng đến mức mục tiêu 4% vào năm 2024, sau khi Ngân hàng Trung ương nâng dự báo lạm phát năm 2023 lên 7,0 - 7,5%. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản từ 13 lên 15% và đây là lần tăng lãi suất cơ bản thứ 4 liên tiếp từ tháng 7 năm nay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương, năm 2022 - 2023 đã có sự chuyển đổi trong nền kinh tế Nga và sự thích ứng với thực tế mới. Sản lượng tập trung vào nhu cầu trong nước nhìn chung đã vượt mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2021. Ngoài các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài đối với hàng nhập khẩu, việc mở rộng sản lượng hơn nữa trong nền kinh tế còn bị hạn chế do tình hình trên thị trường lao động. Tình trạng thiếu lao động gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử.

Ba kịch bản phát triển nền kinh tế Nga trong năm tới và 2025 đã được Ngân hàng Nga đưa ra là "cơ bản", "tăng tốc thích ứng" và "khủng hoảng toàn cầu". Trong kịch bản "cơ bản" được cho là thực tế nhất, với giả định tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế Nga, Phương Tây duy trì các biện pháp trừng phạt, căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục kéo dài và tốc độ tăng trưởng GDP của Nga sẽ không vượt quá 1,5 - 2% trong những năm tới.

Dầu Nga cao hơn 35% giá trần của G7

Đóng góp khoảng 1/3 ngân sách Nga hiện nay là nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. Reuters dẫn số liệu cho thấy, doanh thu từ mặt hàng này đã tăng gấp 3 lần trong tháng 10, lên 18,5 tỷ USD.

Giá trung bình dầu Urals của nước này là 81,52 USD/thùng trong tháng 10, cao hơn 35% so với giá trần là 60 USD mà G7 và EU áp đặt, theo Bộ Tài chính Nga.

Công ty thông tin năng lượng Kpler dự báo Nga có thể sẽ tăng mạnh xuất khẩu dầu trong tháng 11. Tính riêng đường biển, sản lượng có thể tăng khoảng 200.000 thùng so với tháng 10, đạt tới 3,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 5.

Các chuyên gia Kpler cho rằng, một trong các lý do có thể khiến xuất khẩu dầu của Nga tăng là giá dầu thô toàn cầu lên cao. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Moskva.

Đánh giá tình hình kinh tế nga

Đóng góp khoảng 1/3 ngân sách Nga hiện nay là nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Nga đa dạng quan hệ kinh tế tại Trung Đông

Một điểm đáng chú ý nữa trong chiến lược phát triển kinh tế Nga đó là nước này đang xác định Trung Đông là "một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại". Khu vực này cũng là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Nga khi ngày càng có nhiều công ty Nga quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Trung Đông, từ các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến các sản phảm quốc phòng.

Để thúc đẩy hợp tác với khu vực, năm 2022, Nga và các nước Vùng Vịnh tổ chức tới hơn 170 cuộc thảo luận hợp tác, 146 sự kiện giới thiệu sản phẩm thực phẩm. Nga cũng thúc đẩy các cuộc đàm phán về thuế với các nước khu vực như Oman, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Bà Anna Borshchevskaya - Viện Washington về chính sách cận Đông cho biết: "Trung Đông đang đóng vai trò là huyết mạch kinh tế thực sự đối với Nga. Và đây là lý do tại sao nền kinh tế Nga không bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi lệnh trừng phạt của phương Tây".

Lượng du khách Nga tới các nước Vùng Vịnh cũng tăng 63% vào năm ngoài, biến khu vực này trở thành thị trường du lịch lớn thứ hai của Nga - góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai bên.

Dubai đang nổi lên là thị trường bất động sản ưa thích của giới siêu giàu Nga. Ngoài ra, tầm quan trọng then chốt đối với các tuyến đường xuất khẩu của Nga đến Trung Đông là Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (ITC), một tuyến hậu cần đa phương thức từ Iran đến Nga. Theo Ngân hàng Phát triển Á - Âu, lưu lượng hàng hóa dọc hành lang quốc tế này đến năm 2030 có thể đạt từ 15 đến 25 triệu tấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!