Chính sách chuẩn hóa đội ngũ giáo viên hiện nay

Hiện nay đội ngũ giáo viên dạy nghề rất đa dạng, phong phú cả về quy mô lẫn số lượng. Ngoài việc tham gia giảng dạy chính trong các trung tâm dạy nghề và các trường trung cấp, cao đẳng nghề, họ còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung tâm kỹ thuật - tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở giáo dục khác có dạy nghề.

Do tính đặc thù, đội ngũ giáo viên dạy nghề được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau [tốt nghiệp từ các trường sư phạm kỹ thuật, các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề được giữ lại làm giáo viên, được tuyển chọn từ công nhân có tay nghề cao, nghệ nhân...] nên trình độ, năng lực cũng rất khác nhau.

Trong những năm qua, do làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nên trình độ, năng lực của đội ngũ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển toàn diện sự nghiệp dạy nghề trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo nghề theo ba cấp trình độ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng thì đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện còn nhiều bất cập.

Về số lượng, so với tốc độ tăng quy mô đào tạo nghề thì tốc độ tăng số giáo viên dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ học sinh học nghề dài hạn/giáo viên ở  các  trường dạy nghề năm học 2004 - 2005 bình quân là 28 học sinh/giáo viên. Ðể tỷ lệ này đạt 20 học sinh/giáo viên thì đội ngũ giáo viên trong các trường nghề mới chỉ bảo đảm được khoảng 70%.

Về chất lượng, kỹ năng sư phạm của một bộ phận giáo viên dạy nghề còn hạn chế, nhất là ở khối các trường địa phương, các trường mới thành lập, các  trung tâm dạy nghề và các trường ngoài công lập.

Trước đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới, giai đoạn chuyển từ dạy nghề theo chương trình dài hạn và ngắn hạn sang hệ thống dạy nghề với ba cấp trình độ, đội ngũ giáo viên dạy nghề phải được chuẩn hóa, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.

Chỉ như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp dạy nghề cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện mục tiêu trên, trong kế hoạch từ nay đến 2010, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề đang tập trung vào một số nhóm giải pháp cơ bản từ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đến hoàn thiện các chế độ chính sánh đối với đội ngũ giáo viên.

Trước hết là đào tạo. Xây dựng và nâng cao năng lực các trường, các khoa sư phạm kỹ thuật đào tạo giáo viên dạy nghề; nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật thành các trường đại học sư phạm kỹ thuật để tăng cường đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ cao đẳng nghề.

Mở rộng ngành nghề đào tạo, đặc biệt tập trung vào đào tạo giáo viên các ngành, nghề đang cần phát triển, như xây dựng, khai thác mỏ, công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm, hải sản; đa dạng hóa phương thức đào tạo giáo viên dạy nghề; ngoài việc đào tạo chính quy theo chuẩn như hiện nay, các trường sư phạm kỹ thuật cần đào tạo theo phương thức liên kết trường sư phạm kỹ thuật - trường cao đẳng, đại học chuyên ngành, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở dạy nghề có trang thiết bị hiện đại, tiên tiến và đào tạo sư phạm dạy nghề cho các đối tượng đã có chuyên môn kỹ thuật để làm giáo viên dạy nghề.

Ðổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề thông qua việc đào tạo trình độ trên đại học.

Cùng với đào tạo, công tác bồi dưỡng cần nâng lên một cấp độ mới, nhất là khâu đào tạo lại và bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ về chính trị, phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ mới cũng như ngoại ngữ và tin học nhằm không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng giảng dạy.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2010, xây dựng ba trung tâm bồi dưỡng giáo viên dạy nghề thuộc các trường sư phạm kỹ thuật ở ba miền bắc, trung, nam làm nhiệm vụ bồi dưỡng hằng năm cho giáo viên dạy nghề.

Nâng cao chất lượng quản lý và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên cũng là một nội dung hết sức quan trọng. Những nội dung này sẽ được kiện toàn theo hướng phân cấp trách nhiệm, quyền hạn; bảo đảm sự phân công hợp lý giữa các cấp quản lý.

Cùng đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các thể chế, chính sách về xây dựng, quản lý đội ngũ giáo viên nhằm đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tinh thần trách nhiệm. Xây dựng tiêu chuẩn các chức danh giáo viên dạy nghề, chức danh công chức, viên chức quản lý dạy nghề các cấp; cụ thể hóa các tiêu chuẩn về nghiệp vụ công chức, viên chức làm công tác quản lý dạy nghề.

Xây dựng và hoàn thiện một số chế độ, chính sách cơ bản về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đội ngũ giáo viên một cách phù hợp đồng thời có chính sánh thu hút nghệ nhân, những người có kinh nghiệm và tay nghề cao trong sản xuất làm giáo viên dạy nghề.

Cuối cùng là giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực. Thực hiện từng bước hiện đại hoá trang thiết bị các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề [phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, mạng máy tính, thiết bị dạy và học hiện đại, thư viện, ký túc xá...].

Bên cạnh đó, huy động mọi năng lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề; quan tâm hơn đến việc tuyển giáo viên dạy nghề đi đào tạo và thực tập nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài, nhất là các ngành nghề mũi nhọn, các ngành nghề mà Việt Nam chưa có điều kiện để đào tạo giáo viên. 

CAO VĂN SÂM

[TG] - Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng việc nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là công việc khó và lớn, đòi hỏi sự quyết tâm cao, “vào cuộc” tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời cần có lộ trình cụ thể, khoa học trong quá trình thực hiện.

KHÔNG CÓ THẦY GIÁO THÌ KHÔNG CÓ GIÁO DỤC

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Theo Người, mỗi thầy giáo, cô giáo là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Bởi, nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn-hóa”[1]; Nhiệm vụ của nền giáo dục là phải phục vụ đường li chính trị của Đảng, Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân...[2]. Giáo dục góp phần đào tạo ra “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”, có lòng yêu nước nồng nàn, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước...

Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định giáo dục là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu;đặc biệt coi trọng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục [cán bộ QLGD] đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo [GD-ĐT], góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiều nội dung liên quan đến GD-ĐT, trong đó có nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD như: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD là khâu then chốt; ; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD; sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD”...

Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD phát triển nhanh về số lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bố khá toàn diện trong các cấp bậc học với gần 1,5 triệu người[3], góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD từng bước được bổ sung, hoàn thiện, góp phần hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD yên tâm, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT nước nhà.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình GD-ĐT. Hầu hết đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ, viên chức giáo dục các cấp học, bậc học có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đổi mới sáng tạo, vận dụng các phương pháp giảng dạy mới theo hướng chuẩn hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng thiết thực, hiệu quả. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo đã nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ QLGD phần lớn là những nhà giáo có trình độ, năng lực quản lý tốt. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có chuyển biến tốt, hoạt động tại các cơ sở GD-ĐT đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD .

Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp học, bậc học được đặc biệt quan tâm, đổi mới từ nội dung, chương trình, phương thức tổ chức. Công tác xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT hợp lý hơn, gắn với giải pháp về biên chế sự nghiệp giáo dục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc bố trí, sử dụng đội ngũ ở các cấp học[4], cơ bản đáp ứng nhu cầu, yêu cầu về đội ngũ của địa phương, vùng miền.

Trong bối cảnh GD-ĐT chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp đã chủ động, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến nhằm duy trì các hoạt động GD-ĐT được xã hội, phụ huynh ghi nhận. Một số chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo gặp khó khăn, đặc biệt là giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do dịch COVID-19 đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chưa gắn với với quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT; chưa gắn với quy hoạch nhân lực vùng, miền, địa phương và đất nước. Một số bộ, ngành, địa phương, cơ sở GD-ĐT chưa tập trung ưu tiên và bố trí nguồn lực để kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp. Hệ thống văn bản liên quan đến đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD chưa đồng bộ, kịp thời. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp học, bậc học còn bất cập về số lượng, cơ cấu. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông[5] vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở nhiều nơi chưa đạt theo quy định để bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chất lượng, cơ cấu đội ngũ không đồng đều, chưa hợp lý giữa các cấp học, các môn học và ngành nghề đào tạo. Năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị, ngoại ngữ, tin học của nhiều cán bộ QLGD còn thấp. Một bộ phận nhà giáo còn yếu về năng lực sư phạm, chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp theo quy định; thiếu tâm huyết, thậm chí có biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ý thức tự bồi dưỡng, tự học tập để chuẩn hóa trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp học, bậc học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chưa thật tốt. Công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp có nơi chưa thực chất, chưa phản ánh đúng năng lực gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ theo vị trí việc làm.

Đội ngũ giảng viên cốt cán, đầu ngành và cán bộ quản lý của một số cơ sở đào tạo giáo viên chưa đủ mạnh. Học hàm, học vị của đội ngũ giảng viên sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của giáo đại học cả nước và thế giới[6]. Nhiều cơ sở đào tạo giáo viên còn kém về chất lượng, hiệu quả. Sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với các địa phương, cơ sở giáo dục chưa được như mong muốn, nhất là trong việc xác định nhu cầu đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sự phạm đối với giáo viên phổ thông, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chưa xuất phát từ nhu cầu xã hội, chưa gắn với nhu cầu đào tạo theo từng cấp học, môn học, vùng, miền và địa phương. Một số địa phương chưa có giải pháp giải quyết chế độ, chính sách cho nhà giáo và cán bộ QLGD, nhân viên dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập mạng lưới cơ sở trường, lớp. Chính sách đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, chưa có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy trong các sở dân tộc nội trú, bán trú, trường cao đẳng, trung cấp.

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp yêu cầu phải thay đổi, thích ứng với phương thức tổ chức giáo dục mới, một bộ phận nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp chưa sử dụng thành thạo giải pháp giảng dạy mới kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác nguồn học liệu, quản lý nhà trường, quản lý lớp học và tổ chức các hoạt động GD-ĐT cho phù hợp, hiệu quả. Ngành Giáo dục chưa chủ động tập huấn, bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học trực tuyến cho đội ngũ nhà giáo để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

Các điều kiện bảo đảm để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD cả nước còn thiếu đồng bộ, hạn chế nguồn lực triển khai. Việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí đội ngũ ở nhiều địa phương chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài đã tác động không nhỏ đến tiến độ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới[7], nội dung có nhiều thay đổi đang “mâu thuẫn” với ý thức và trách nhiệm thấp, ngại thay đổi của một bộ phận nhà giáo và cán bộ QLGD trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng và Nhà nước[8], xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp học, bậc học bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD, xây dựng tiêu chí về phẩm chất, năng lực của nhà giáo đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ QLGD là người dân tộc thiểu số, đảm bảo đúng số lượng, cơ cấu, trình độ, chức danh, đáp ứng yêu cầu công tác. Thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực giáo dục gắn với quy hoạch nhân lực địa phương, vùng, miền. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trường học, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD.

Đổi mới công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng, then chốt của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Đẩy mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng lực sư phạm và trình độ từ đại học trở lên; giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp. Đổi mới toàn diện, tinh gọn nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm, năng lực quản lý, quản trị hiện đại tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế; khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy; phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của nhà giáo. Đa dạng các phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD các cấp. Khuyến khích giáo viên cán bộ QLGD tự đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp GD-ĐT.

Đổi mới toàn diện, tinh gọn nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các cở sở đào tạo nhà giáo, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm, năng lực quản lý, quản trị hiện đại tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế; phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của nhà giáo. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong các cơ sở đào tạo theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất gắn với đổi mới giáo dục phổ thông.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, giảng viên với các nước có nền giáo dục tiên tiến, các cơ sở giáo dục có uy tín đã được xếp hạng trên thế giới. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở giáo dục đại học để thúc đẩy tự do học thuật và nghiên cứu khoa học. Tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo nhà giáo với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các địa phương gắn với việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu sử dụng, bố trí, sắp xếp, điều tiết đội ngũ theo từng trình độ, ngành học, cấp học bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Thực hiện xếp hạng và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Tập trung đầu tư phát triển một số trường đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới, làm nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chuẩn đầu ra ở trình độ đại học, sau đại học cho các lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo giáo viên, giảng viên. Phát triển hệ thống các trường phổ thông thực hành trong các cơ sở đào tạo giáo viên để rèn luyện, nâng cao k năng sư phạm cho giáo sinh.

Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo và cán bộ QLGD cũng như các điều kiện bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách được đồng bộ với các quy định chung của cán bộ, công chức, viên chức. Bổ sung một số quy định đặc thù nghề nghiệp đối với từng cấp học; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Có giải pháp chính sách phù hợp để giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu nhà giáo trong cùng một địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo.

, các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu, tham mưu với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ ban hành Chỉ thị mới về nhà giáo và cán bộ QLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới [thay thế Chỉ thị số 40/2004/CT-TW, ngày 16/6/2004 của Ban Bí thư về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”] vàban hànhLuật Nhà giáo để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.

TS.LÊ THỊ MAI HOA

_______________________

[1] Hồ Chí Minh: tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.10, tr.345.

[2] Hồ Chí Minh: , sđd, t.12, tr.647.

[3] Trong đó cán bộ QLGD chiếm 10%; 18% giáo dục mầm non; 65% giáo dục PT và thường xuyên; 6% giáo dục ĐH, CĐ và 11% tại các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

[4] Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước được giao bổ sung 94.714 biên chế, trong đó riêng năm 2021 bổ sung khoảng 30.000 biên chế [gồm 20.000 biên chế giáo viên [GV] cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT và 10.000 biên chế GV mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số [không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh/thành phố được bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non năm 2019].

[5] Cả nước thiếu 94.714 GV mầm non và PT. Riêng mầm non thiếu 48.718 giáo viên; tiểu học thiếu 29.210 GV [môn Tiếng Anh thiếu 9.589 GV, môn Tin học thiếu 3.684 GV]; THCS thiếu 14.653 GV; THPT thiếu 11.133 GV. Cả nước thừa 10.178 GV [Tiểu học thừa 5.175 GV; THCS thừa 4.688 GV; THPT thừa 315 GV].

[6] Tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS, có trình độ TS của các trường ĐH, CĐ sư phạm đều thấp hơn tỷ lệ bình quân chung các trường ĐH, CĐ trong toàn hệ thống cả nước và thấp hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến. Chuẩn trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn chưa tương xứng để giảng dạy ở các ngành nghề nhận chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài…

[7] Môn Tiếng Anh, Tin học và yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở Tiểu học; môn Nghệ thuật ở THPT và yêu cầu bố trí GV theo từng môn học ở cấp phổ thông.

[8] Nghị quyết số 29-NQ/TW; Chỉ thị số 40/2004/CT-TW; Kết luận số 50-KL/TW, Luật Giáo dục năm 2019; Quyết định số 33/QĐ-TTg; Quyết định số 732/QĐ-TTg; Quyết định số 89/QĐ-TTg; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ…

Video liên quan

Chủ Đề