Chân lí khác với triết lí ở chỗ nào năm 2024

Các bạn thích triết lý thì rất rành câu hỏi này. Hầu như mọi triết gia kim cổ đều cố gắng trả lời câu hỏi: “Chân lý là gì?”

Đây là câu hỏi “có chửa” số một của loài người. (“Có chửa” là mình dùng cho vui, dịch từ tiếng Anh “pregnant”. A pregnant question là một câu hỏi chứa đựng trong nó rất nhiều câu hỏi khác, như là mẹ có chửa với một đàn con trong bụng).

“Chân lý” có nghĩa là một sự thật vĩnh cửu, không thay đổi. Và mỗi khi nói tới chân lý, người ta thường nói tới những điều hầu như chẳng trả lời được như là: Thượng đế là người tạo ra vũ trụ? Vậy ai tạo ra Thượng đế? Vũ trụ có bao giờ biến mất hoàn toàn không? Nếu có, thì cái gì còn tồn tại nơi vũ trụ đã có mặt? Con người có linh hồn không? Nếu có thì linh hồn đi đâu sau khi chết? Vũ trụ này có giới hạn không? Nếu có, thì cái gì ở bên ngoài giới hạn của vũ trụ? Thời gian có khởi đầu và có chấm dứt không? Nếu có, thì cái gì ở phía trước và phía sau thời gian?…

Đương nhiên là mỗi trường phái triết lý hay tôn giáo có một loạt câu trả lời cho các câu hỏi này. Nhưng chỉ có các tín đồ của mỗi tôn giáo hay triết lý tin vào các câu trả lời của tôn giáo hay triết lý của họ. Đối với mọi người ngoài tôn giáo hay triết lý đó, thì những câu trả lời đó chỉ là truyện Tề Thiên.

Chính vì vậy mà mình chẳng muốn tốn thời gian cho những chân lý đó. Ai thích thì “yes”, không thích thì “no”. Chẳng có một điều gì để chứng minh là chân lý nào đúng.

Ngay cả mặt trời mọc mỗi sáng cũng chỉ là một chân lý rất tương đối – nó đúng, cho tới khi không còn đúng nữa; tức là cho tới khi mặt trời không còn mọc nữa vì lý do nào đó, như là đã cháy hết nhiên liệu để cháy. Một chân lý tương đối như thế thì chẳng thể gọi là chân lý, vì chân lý, theo định nghĩa, là tuyệt đối – luôn luôn đúng trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi thời gian, mọi nơi chốn, không giới hạn.

Bên trên mình nói vòng vòng cho vui, để các bạn làm quen dần với những khái niệm căn bản nhất của triết học – chân lý, tuyệt đối, tương đối… Đây là những khái niệm căn bản nhất cho mọi nền triết học. Các bạn quen thuộc với những khái niệm này thì khi đọc sách triết đỡ rối rắm hơn. (Thế có nghĩa là mình nghĩ sẽ có lúc các bạn muốn đọc sách triết. Mình đã từng thích đọc sách triết và sau đó đã biết chúng rất là vô bổ, chẳng được tích sự gì, ngoài việc nói phét. Nhưng vẫn thích đọc, vì nó thường bắt người ta vận dụng đầu óc. Coi như là exercise cho bộ não).

Vậy, hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn một điều các thi sĩ thường ca tụng, và mình rất thích, và có thể nói đó là chân lý.

Đó là: “Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu tồn tại – All shall pass, only love remains.”

Mình chẳng biết câu này do ai sáng tác, hay là chính mình sáng tác, vì lâu quá rồi cũng chẳng nhớ. Mình nhớ là lần đầu tiên mình viết câu này, mình có cảm tưởng là “chính mình nghĩ ra lời viết, nhưng có lẽ tư tưởng thì đã có ở đâu đó mà mình học được.” Dĩ nhiên, tư tưởng chính của Thánh kinh là “Thiên Chúa/Thượng đế là đấng tự có, luôn có, vĩnh cữu, không có khởi đầu và không có chấm dứt”, tức là Thượng đế là tuyệt đối, và “Thượng đế là tình yêu” (1John 4:8). Cho nên, nếu từ các tư duy đó mà mình tạo ra “Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có Tình yêu tồn tại”, thì cũng có thể rất đúng.

“Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu tồn tại”, thì có vẻ là đúng trường kỳ, ít ra là cho đến khi trái đất và loài người còn tồn tại. Tức là, đây có thể là một “chân lý tương đối” – chỉ đúng được khi loài người còn tồn tại. Tức là, không là chân lý thật 100%, nên tạm gọi là chân lý tương đối.

Bố mẹ ta qua đời, người đã qua đi, và tất cả những gì liên hệ với người – nhà cửa, xe cộ, tài sản, danh tiếng — cũng có thể qua đi, nhưng tình yêu ta với bố mẹ, hay tình yêu bố mẹ để lại cho ta, vẫn vĩnh cửu trong lòng ta (ít nhất là đến khi chết).

Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và bao nhiêu anh hùng thuở xa xưa. Trong lòng chúng ta, ngoài việc học sử để thi cử chỉ có giá trị thi cử, thì điều sống động nhất trong lòng ta có lẽ là tình yêu cho các vị, không chỉ là thuần túy biết ơn như biết ơn người xây cho ta một căn nhà.

Liên kết giữa chúng ta và Thượng đế thường là vượt không gian và thời gian. Không gian và thời gian sẽ qua đi nhưng ta vẫn yêu Thượng đế. Không vì Thượng đế là kẻ thưởng phạt để ta sợ, người thủ kho để ta xin cho, mà là người bạn chí thân có thể nghe những điều ta tâm sự nhỏ nhoi nhất và thầm kín nhất. Đó là tình yêu luôn tồn tại.

Mình có rất nhiều kinh nghiệm nhỏ nhưng mạnh về điều này. Đó là những “cuộc tình” trẻ con thời học trung học và đại học, những “cuộc tình” có ngoặc kép vì chẳng biết gọi nó là gì, ngoài là một mối tình cảm mạnh giữa mình và một cô bé. Chỉ có vậy thôi, và chẳng có gì hấp dẫn hơn vậy để viết thành tiểu thuyết, nhưng đến nay trời đất đã qua đi, và người cũng đã qua đi, nhưng những “cuộc tình” đó vẫn rất sống động trong trái tim mình. Hình như chúng nằm đó, lâu lâu đánh thức mình dậy, chẳng để làm gì cả, mà có lẽ để nhắc mình: “Tình yêu của cậu luôn tồn tại, dù trời đất đã qua đi.”

Có lẽ là sự sống động của những “cuộc tình” trẻ con trong lòng mình giúp cho mình hiểu biết hơn về tính cách vĩnh cửu, sâu thẳm và siêu việt của tình yêu – tình yêu vượt qua mọi biên giới của không gian, thời gian, trời, và đất. Và có lẽ cũng nhờ vậy mà lần Đầu Tiên mình đọc được câu “Thượng đế là tình yêu” trong Thánh Kinh, năm mình khoảng 40 tuổi, mình chới với: “Wow, đây là một chân lý tâm linh cực kì lớn, và rất make sense với những người có trái tim nhạy cảm (là những người nhạy về tâm linh). Tại sao đến giờ này mình mới đọc được câu này nhỉ?”

Các bạn thấy, mình học triết và đọc đủ thứ triết Đông và triết Tây. Nhưng những điều tạo nên đời sống của trái tim mình không phải là triết lý, mà là những trải nghiệm của trái tim, và những chân lý trái tim mình (chẳng phải đầu óc) nhận ra.

Nói dài dòng thế để các bạn biết: Trái tim của các bạn có nhiều chuyện tình và cuộc tình nhỏ nhoi nhưng mạnh mẽ, sống động trong đó. Đó là ngưỡng cửa để các bạn có thể đến với những tình yêu lớn hơn với mọi người quanh bạn, đồng bào, đất nước, thế giới, Thượng đế, Chúa, Phật…

Trong chúng ta luôn có những mầm hiểu biết về mọi sự trên đời. Chẳng cần đọc sách đọc kinh gì cả cũng có thể biết được, nếu chúng ta biết quý trái tim mình và những tia sáng trong đó.