Archimedes thân yêu sangs tác năm nào ngày nào năm 2024

Tôi chợt cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều, mà trên đời này nhiều truyện hay như vậy, làm sao để đọc hết được nhỉ?

Thật may vì đã đọc được truyện này. Ít ra bớt một phần tiếc nuối cho những câu chuyện rất hay khác mà có thể tôi sẽ không bao giờ biết đến. Cảm thấy thời gian bỏ ra cực kì, cực kì xứng đáng dành cho nó.

“Archimedes thân yêu”

—–

“Cô không thích hợp với màu xám, mang thật khó coi, trông giống một con bọ khô.”

“Trong thời gian cô phản ứng, Trái Đất đã quay 74.475 mét quanh Mặt Trời rồi!”

“Tốc độ phản ứng của cô đúng là chậm đến kinh thiên động địa.”

“Thấy không, tốc độ chân của cô còn nhanh hơn tốc độ suy nghĩ của cô. Sau này dùng chân suy nghĩ đi.”

“Lời tôi mới nói cũng chạy đến chân núi rồi, cô còn chưa phản ứng kịp.”

“Cô còn ngốc hơn chim bồ câu, vì chim bồ câu tuyệt đối sẽ không bay phịch phịch vào cái chảo mà con người đang xào thịt gà.”

“Chiều dài cung phản xạ thần kinh của cô nhất định có thể quấn năm vòng quanh Trái Đất.”

“Cô biết không, nếu thế vận hội mùa hè có môn thi đấu tốc độ phản ứng chậm nhất, cô nhất định có thể đạt huy chương vàng, hơn nữa còn là mười lần liên tiếp.”

“Còn chưa ăn thức ăn đã uống nhiều rượu như vậy… Chẳng lẽ cô là tác giả của quyển sách kia sao?”

“Quyển sách nào?”

“Bí quyết tuyệt vời để chết sớm.”

—–

“Ai, em chính là thà thiếu không ẩu của anh, dù cho cả đời cô độc.”

“Anh nguyện ý nắm tay em, dẫn em ra khỏi kí ức u tối, cũng nguyện ý để em nắm tay anh, dẫn anh ra khỏi thế giới cô độc.”

“Chính vì tha thiết yêu thương sinh mệnh, anh mới tha thiết yêu thương em.”

“Em không cần một mình nữa, anh sẽ đau lòng; anh cũng không cần một mình nữa, anh sẽ nhớ em.”

—–

Ôi, bỗng dưng cảm thấy từ ngữ của bản thân thật nghèo nàn, không đủ để viết một bài cảm nhận về câu chuyện này.

Mới đọc xong Truy tìm ký ức vài hôm trước rồi lại đọc truyện này, cảm giác giống như một phiên bản phóng đại của Truy tìm ký ức vậy. Rất giống, một cảnh sát thích suy luận phá án dựa trên logic biến thành một nhà logic học, một nữ chính thân phận mờ mịt từng nằm vùng trong tổ chức sát thủ biến thành một nữ chính thật sự là thành viên của tổ chức tội phạm, một nam phụ yêu nữ chính đến điên cuồng biến thành…double nam phụ yêu điên cuồng và cái sự điên cuồng đó còn gấp ba bốn lần. Và điểm giống nhất, cũng là điều bi thương nhất, ngay cả khi nam chính mất đi kí ức về người con gái anh từng yêu, thì tình yêu đó vẫn luôn đầy ắp trong trái tim và tâm hồn anh, một tình yêu ám ảnh đến từng ngóc ngách, khiến anh không ngừng lật tung thế giới tìm kiếm người con gái trong ảo ảnh đó.

Chỉ khác là đối với Hàn Trầm, sự tìm kiếm đó cuối cùng cũng có một kết thúc đẹp đẽ, còn với Ngôn Tố, tiếc là chúng ta chỉ có thể hy vọng. Hy vọng vào bản lĩnh của anh, hy vọng vào tình yêu của Chân Ái dành cho anh, cũng phải hy vọng vào cả tình yêu của “người đó” dành cho Chân Ái.

Đương nhiên còn cả hy vọng vào Ông Trời. Mặc dù nhà logic học vĩ đại Ngôn Tố không tin vào Ông Trời, vì thế hãy để những người ngoài cuộc như tôi cầu nguyện thay anh vậy.

Tuy chính văn kết thúc mở, nhưng vì ôm một niềm tin lớn lao vào tình yêu của họ, tôi nghĩ cuối cùng cũng sẽ có một kết thúc tốt đẹp cho tất cả, cho Chân Ái, Ngôn Tố và cả Arthur, thậm chí là mối quan hệ giữa ba người bọn họ. Chân Ái chắc chắn, nhiều năm sau đó, đã trở về bên Ngôn Tố, bởi đứa con trai không biết mặt mẹ từ khi lọt lòng không thể tự dưng thốt ra “Mẹ thích ăn bánh ngọt, bố liền cho phép mẹ ăn”. Tiểu Ái sẽ ở bên Arthur coi như cha con. Vì Chân Ái không thể yêu anh ta, không thể lấy anh ta, không thể sinh con cho anh ta, mà tình yêu của anh ta quá lớn, quá đẹp, quá đau lòng, một tình yêu không giống như “định mệnh thuộc về nhau” giữa Ngôn Tố và Chân Ái, mà là một tình yêu đâm chồi nảy nở, bám rễ sâu vào máu thịt của anh ta từ bé, lớn dần lên trở thành cây cổ thụ, không thể nhổ bỏ, cũng không thể dứt khoát chặt đi. Biết làm sao bây giờ?

Vì vậy tôi nghĩ Chân Ái để con gái nhận anh ta làm Bố cũng không có gì đáng trách. Thực ra lúc đầu tôi còn nghĩ Chân Ái thực sự sinh con cho anh ta, nhưng đọc đi đọc lại cảm thấy không thể nào. Cô ấy là người như thế nào chứ, nhất định sẽ không phản bội Ngôn Tố. Mà Arthur cũng nhất định không nỡ ép buộc cô. Và minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Tiểu Ái là con gái Ngôn Tố chính là đôi mắt màu trà – mà mỗi lần miêu tả Ngôn Tố tác giả đều tập trung miêu tả về nó. Còn cả chi tiết mái tóc của hai đứa trẻ – mái tóc quăn màu sợi đay – cùng một cách miêu tả, thậm chí cùng một cụm từ ngữ, khiến cho tôi không khỏi suy đoán, à không, khẳng định hai đứa trẻ đó, một cậu bé Ngôn Bảo Bảo ở bên Ngôn Tố, một cô bé Tiểu Ái ở bên Arthur là anh em sinh đôi.

Ầy, nếu bạn nào quá buồn cho số phận nam phụ Arthur thì cũng hoàn toàn có thể tự YY về một tình yêu đại thúc loli giữa chàng và con gái nàng vậy =)) Nghe đã thấy kích thích mà =)) Cho nên mới bảo đến cả quan hệ thù địch giữa ba nhân vật chính cũng có thể thay đổi, quay sang làm thông gia hơ hơ =))

Quay lại nói chuyện nghiêm túc.

Tôi rất rất thích nữ chính. Nói thế nào nhỉ, à đúng rồi, chính là dùng cách miêu tả hoa sen “gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn” để miêu tả cô ấy. Sinh ra, lớn lên trong tội ác, thế giới quan méo mó không trọn vẹn, tuổi thơ thiếu thốn, tối tăm và cay nghiệt, thậm chí bước ngoặt cuộc đời cũng đáng kinh hãi hơn phần lớn thế giới này. Nhưng tất cả những điều đó cũng không thể bôi đen tâm hồn lương thiện và chính nghĩa của cô. Ngược lại, càng đau thương cô càng kiên cường, càng muốn kéo cô về bùn lầy u tối cô càng vươn mình đón lấy ánh sáng ấm áp trong trẻo. Thật hiếm khi thấy một nữ chính giỏi giang như thế, rất giống Haibara. Nhiều khi thấy cô cứng rắn, dũng cảm, lý trí đến khó mà tưởng tượng nổi. Mà có lẽ cô vốn như thế, chỉ là đầu truyện bị nam chính châm biếm quá nhiều khiến chúng ta tưởng cô lúc nào cũng yên tĩnh vô hại. Nhưng cô không hề. Luôn luôn bình tĩnh đến đáng ngưỡng mộ, đôi khi thấy giống Lạc Tranh trong truyện Dụ Tình, đều làm phụ nữ cảm thấy đáng để noi gương. Cũng đủ tàn nhẫn để bảo vệ chính mình, bảo vệ nam chính. Tuy nhiên luôn luôn thua cuộc trước cặp sinh đôi Arthur và Bert. Tôi nghĩ có lẽ cô vẫn coi hai bọn họ là người thân, dù sợ hãi nhưng vẫn luôn không nỡ tổn thương bọn họ, dù sao bọn họ cũng chính là một tia sáng ấm áp trong tuổi thơ tăm tối của cô, làm cô vui vẻ, làm cô cảm thấy được bao bọc che chở. Chỉ có điều cô vẫn không được giáo dục một cách bình thường, khi các cô bé khác được đến trường vui đùa với bạn bè, cô phải nghiên cứu, khi các cô bé khác có thể kết bạn cùng chơi, cô phải nghiên cứu, khi các cô gái khác nhận biết được rung động và tình yêu, cô phải nghiên cứu và làm thí nghiệm. Cho nên khi mà Chân Ái còn chưa kịp học về tình yêu, chưa kịp dành cho Arthur thậm chí là Bert một tình cảm đặc biệt, thì bọn họ đã dạy cho cô cách hận.

Cứ như thế, đẩy họ xa nhau. Cứ như thế, người thân biến thành kẻ thù.

Cô nhào ra ngoài thế giới, bắt gặp Anh.

Ngôn Tố, nhà logic học, chuyên gia giải mã, chuyên gia phân tích hành vi, cố vấn đặc biệt của CIA và FBI, cộng thêm một đống chức vụ đếm không hết, và quan trọng nhất là – Người đàn ông đã được định sẵn dành cho cô.

Tôi không thể lột tả được sự yêu thích của bản thân đối với nhân vật này. Có lẽ tôi đã rung động trước người con trai này rồi cũng nên. Khi bạn đọc quá nhiều tiểu thuyết, sẽ đến một lúc nào đó bạn không còn cảm giác rung động trước các nhân vật nữa, thay vào đó chỉ là một thái độ đứng ngoài thờ ơ phán xét. Tôi tưởng tôi đã như vậy, cho đến khi “gặp” Ngôn Tố.

Xét về một khía cạnh nào đó, Ngôn Tố và Bạc Cận Ngôn có một số điểm chung nhất định. IQ cao, EQ thấp, thích châm biếm phũ phàng, thậm chí vô duyên, tính cách quái gở điên rồ, có cảm giác cấm dục. Nhưng không hiểu sao khi nghĩ đến Bạc Cận Ngôn tôi lại có cảm giác anh ấy có một phần nào đó u tối? Có lẽ bị ảnh hưởng từ Allen đấy nhỉ? Còn Ngôn Tố, anh ấy mang lại cảm giác cực kì sạch sẽ, thậm chí tinh khiết, ấm áp và dễ chịu giống như ánh nắng sắp lên của một buổi sớm. Mà cũng không hiểu sao khi đọc những dòng đầu tiên về con người này, đầu óc tôi tự động liên tưởng đến L trong The Death Note bản movie. Cũng cái bộ dạng không thích nói nhiều, không thích đụng chạm, không thích bẩn thỉu, lúc nào cũng mặc đồ trắng từ đầu đến chân, tính cách lập dị tách biệt cuộc đời. Vì trong đầu cứ tưởng tượng đó là L nên có một cảm giác thích thú không nên lời.

Tự dưng nghĩ đến, người như L đó, khi yêu sẽ thế nào nhỉ?

Ôi, lạc đề rồi. Xin lỗi.

Nhưng mà ở Ngôn Tố lại có cảm giác rất không an toàn. Một “chiến binh” thủ mạnh công yếu. Tức là chỉ cần anh đứng ngoài phân tích tóm hung thủ thì chắc chắn không việc gì, chứ còn cứ xông vào chiến địa đánh giáp lá cà là y như rằng bị thương thảm luôn. Có lẽ nếu về sau Chân Ái nghiên cứu thành công thuốc biến thành Spiderman Batman gì gì đó thì chích cho anh một mũi ngay và luôn đi cho nhanh… Tại vì đoạn cuối…haiz…thực sự không biết dùng từ ngữ gì để miêu tả sự đau lòng của tôi đối với Ngôn Tố. Cái cảm giác đau đến không thể khóc nổi, chỉ có thể bật ra khỏi miệng từng tiếng kêu khó chịu cố giải thoát thứ đáng đè nén trong lồng ngực, đến nỗi không dám đọc tiếp, không dám tưởng tượng ra; đến nỗi không nhịn được mà thực sự nhập tâm vào câu chuyện, thống hận Bert, hận cả Arthur thậm chí lây cả sang Chân Ái và bực mình cả tác giả, bực mình cả cái thế giới này.

Vì đã có một nam chính tuyệt vời như thế cho nên khác với khi đọc Truy tìm ký ức, tôi không dành nhiều tình cảm cho nam phụ, mặc dù cũng giống như S, tình cảm của Arthur rất đáng thương. Nhưng như tôi đã nói, đây là một phiên bản hoành tráng của Truy tìm ký ức, cho nên mọi thứ đều được phóng đại, cho nên tình yêu của Arthur dành cho Chân Ái trở nên điên cuồng và cực đoan, không hề sạch sẽ trong lành như tình cảm mà S dành cho Tô Miên. Mà có lẽ chính vì giữa Chân Ái và Ngôn Tố không có một cái kết viên mãn cho nên tôi mới không thể đau lòng cho Arthur như đối với S. Thật buồn cười và cũng thật đáng thương cho mọi nhân vật nam phụ, khi anh ta không có được nữ chính, mọi người đều đổ dồn vào thương xót, khi anh ta có được nữ chính, tất cả đều căm ghét thậm chí phỉ nhổ. Nam phụ là nhân vật được dựng nên không phải để yêu hay được yêu, mà vốn chỉ là công cụ để người ta cân đo đong đếm tình cảm dành cho đôi chính.

Và tất nhiên, nam phụ Arthur đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, khiến cho tôi càng yêu thích nam chính và tình yêu của nam nữ chính dành cho nhau hơn bao giờ hết. Thế nhưng dù sao tôi vẫn có chút đau lòng và cũng là không đành lòng cho nhân vật xấu số này. Phải chăng anh ta đừng yêu cực đoan đến thế thì có lẽ Chân Ái sẽ không trốn chạy khỏi anh, cô vẫn sẽ giữ lời hứa sau khi kết hôn sẽ cùng anh trở về toà lâu đài đẹp nhất đó, mặc dù cô còn chẳng hiểu cái gì là “kết hôn”.

—–

“Lúc trước Chace chết, hắn luôn giấu cô, nhưng cô vẫn biết, phát điên vừa đánh vừa đá hắn, la to từng câu: Tôi phải giết anh, tôi phải giết anh.

Hắn thực sự đưa dao găm cho cô, cô thực sự đâm vào lồng ngực hắn.”

—–

Về nhân vật Bert, từ chối cho ý kiến. Chỉ muốn nói đây vốn là một thằng điên. Trong thế giới của kẻ tâm thần bất bình thường thì tình yêu cũng dị hợm đến mức không thể lí giải nổi. Hắn trêu chọc cô, bắt nạt cô, bảo vệ cô, hành hạ cô, thích thú nhìn cô la hét, trả thù cho cô, che chở cho cô, đam mê cô… Thật không thể hiểu nổi thứ tình yêu đầy ắp mâu thuẫn như thế, vừa muốn cô hạnh phúc lại vừa thưởng thức nỗi đau đớn của người con gái ấy.

Cùng một tình yêu với cùng một cô gái, Arthur độc chiếm đến cực đoan, Bert điên cuồng đến dị hợm.

Chace, anh trai của Chân Ái, mặc dù không phải nhân vật chính nhưng lại là nhân vật quyết định tình tiết câu chuyện. Dường như Chace chính là “đầu mối” của tất cả, của nỗi thù hận mà Chân Ái dành cho cặp sinh đôi Arthur và Bert, của tình yêu cùng sự ràng buộc sống chết giữa Chân Ái và Ngôn Tố. “Trên đời này không có tình yêu vô duyên vô cớ, cũng chẳng có mối hận vô cớ vô duyên”. Chace, chính là cái “duyên” và cũng chính là cái “cớ” đó.

Tôi thích kiểu tình yêu giữa hai nhân vật chính, chẳng ai hiểu thế giới của họ trừ chính họ. Họ, những con người bị xã hội coi là nhàm chán lập dị, lại tìm được thú vui khi ở bên nhau, vừa tương hợp lại vừa bù đắp lẫn nhau, giống như nếu không tìm được nhau họ nhất định sẽ sống cô độc và tĩnh lặng suốt cuộc đời này.

Họ khiến cho tôi nhớ đến một câu rất hay: “Thế gian này thật không yên tĩnh, nhưng bên anh, em tìm thấy bình yên cho riêng mình.”

Thế giới cứ mãi đảo điên như thế, còn họ, vì đã tìm được nhau, lại trở nên bình an vui vẻ mãi mãi.

Đây là một câu chuyện hay, dù tác giả không gửi đến chúng ta một cái kết viên mãn, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp những “tín hiệu” hạnh phúc trong tương lai của bọn họ. Tôi nghĩ những câu chuyện giúp chúng ta hiểu biết hơn về thế giới này giống như “Archimedes thân yêu” không chỉ dừng lại ở mức “ngôn tình”. Nó khiến tôi yêu thích thứ logic học thần kì, cảm thấy hối hận khi đã không học hành tử tế; nó cũng mang đến những hiểu biết khác về đời sống, về những nhân vật vĩ đại có thật trên đời này. Chẳng hạn như chúng ta đều biết đến Edison, nhưng liệu có bao nhiêu người biết nhiều hơn về sự thật cuộc đời và tính cách của nhà phát minh vĩ đại đó? Tại sao người ta nói “Đàn ông đến từ sao Hoả, đàn bà đến từ sao Kim”? Anagram là gì, nó thú vị như thế nào?

Có những thứ chúng ta dường như chẳng quan tâm, cảm thấy sự tồn tại của chúng là điều đương nhiên trên đời này. Nhưng thực tế chẳng có gì là đương nhiên cả, tìm hiểu về nguồn gốc của chúng hoá ra lại hay ho đến thế.

Tôi không thường nói câu này, nhưng có lẽ sẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ “Archimedes thân yêu”. Thật đấy!