21 di tích lịch sử văn hoá tai phuc yên

Phúc Yên là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá. Nhân dân Phúc Yên cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong chiến đấu. Cũng bởi vậy mà mảnh đất này đã lưu giữ rất nhiều những di tích văn hóa quý giá. Trong đó có 5 đình chùa đền được công nhân là di tích cấp quốc gia. Đây đều là những di sản quý trong kho tàng văn hóa của nhân dân ta, góp phần tìm hiểu sự ̉ phát triển của lịch sử và nghệ thuật dân tộc, phục vụ đắc lực cho tham quan du lịch và giáo dục truyền thống.

1. Đền Ngô Tướng công

21 di tích lịch sử văn hoá tai phuc yên

Đền Ngô Miễn hay còn gọi là đến Ngô Tướng công nằm tại phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên tọa lạc trên một khoảng đất rộng, thoáng đãng, nằm trong khuôn viên khu di tích đền, chùa của địa phương. Năm 1991 đền Ngô Tướng công được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa. Hàng năm vào các ngày mùng 9, 10, 11 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức trọng thể lễ hội tại khu vực đền Ngô Tướng công với mục đích hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân. Ngô Miễn tự Minh Đức, sinh năm 1351, nguyên quán tại hương Xuân Hy, xứ Kinh Bắc, nay thuộc phường Phúc Thắng- Thành phố Phúc Yên- tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có tư chất thông minh, dung mạo tuấn tú và đức tính khoan hòa rộng rãi. Năm 1393 triều Trần Thuận Tông ông thi đỗ Thái Học Sinh. Trong thời gian ngắn từ năm 1392-1396 ông cùng nhân dân khai khẩn được trên 200 mẫu ruộng. Đem lại cuộc sống đầy đủ cho dân. Có thời gian ông cáo quan về quê dạy học, đồng thời đem tiền của, ruộng đất nhà mình chia cho một số hộ nghèo để cày cấy mưu sinh. Dưới triều nhà Hồ, ông làm quan chỉ huy quân triều đình. Sau 7 năm cầm quân giữ nước, lập được nhiều chiến công. Ngày 12/05/1407, khi được tin vua Hồ Hán Thương bị bắt, ông quyết không chịu đầu hàng nên nhảy xuống cửa bể tuẫn tiết khi mới 36 tuổi. Để ghi nhận công lao to lớn của Ngô Tướng Công, nhân dân 4 thôn thuộc phường Phúc Thắng- Phúc Yên – Vĩnh Phúc đã lập đền thờ và đều nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa.

2. Chùa Bảo Sơn

21 di tích lịch sử văn hoá tai phuc yên

Chùa Bảo Sơn nằm ở ven thôn Khả Do- xã Nam Viêm- thành phố Phúc Yên, trong một khuôn viên rộng rãi, địa thế đẹp, thoáng mát, hướng Tây Nam. Chùa Bảo Sơn được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 với ba tòa 13 gian, kiến trúc vững chãi, đây là ngôi chùa khá đồ sộ thời hậu Lê còn lại đến ngày nay. Trong chùa có 59 pho tượng tròn, 5 hoành phi, 8 đôi câu đối và nhiều di vật khác được tạo dựng và trang trí đẹp đẽ, đó là những tác phẩm quý về nghệ thuật cổ dân gian của nhân dân ta thời xưa. Chùa Bảo Sơn làm hì̀nh chữ công (I) gồm ba tòa: Tiền đường, Thiên hương và thượng Điện. Tiền Đường gồm 5 gian, Thiên Hương 3 gian và thượng Điện 5 gian. Với 56 chiếc cột được kết cấu với nhau theo kiểu chồng giường – giá chiêng kẻ chuyền, tạo nên một bộ khung kiến trúc khá bền chắc. Cùng với thờ phật, chùa còn thờ công chúa Hưng Nương con vua Trần Anh Tông, đã có công dẹp giặc , giữ gìn và xây dựng đất nước. Đồng thời bà cũng có công sáng lập và tu bổ chùa Bảo Sơn.

3. Đình Khả Do

21 di tích lịch sử văn hoá tai phuc yên

Đình Khả Do, xã Nam Viêm (Phúc Yên) được xây dựng thời Hậu Lê (Lê Cảnh Hưng – 1741) thờ Tam Giang Đại Vương – Danh tướng giúp Triệu Việt Vương đánh tan giặc nhà Lương; Minh Phi Hoàng Hậu – Thánh Mẫu sinh ra Đức Tam Giang; Tá Phụ Nương Tử – Em gái Đức Tam Giang đã có công trong việc phụ trách quân lương. Tương truyền, Đức Thánh Tam Giang được Triệu Việt Vương phong làm Thượng Tướng quân để chống giặc Lương (thế kỷ thứ VI). Ngài đã cùng 3 em trai của mình dùng chiến thuật đánh du kích để đánh tan quân xâm lược nhà Lương do Trần Bá Tiên cầm đầu. Triệu Việt Vương lên ngôi được một thời gian, do không nghe lời can gián của Ngài lên đã bị mất ngôi vương bởi Lý Phật Tử. Đình làng Khả Do là một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ được xây dựng theo kiểu kiến trúc thời Hậu Lê. Ngày nay, đình Khả Do có những ngày lễ tiết chính trong năm như: Mùng 1 và ngày rằm hàng tháng; mười lăm tháng Giêng và mùng 2 tháng 8 là tiệc chính; mùng 2 tháng 5 và 15 tháng 10 là tiệc phụ; ngày mùng 10 tháng 4 là ngày giỗ thành hoàng làng.

4. Đình Cao Quang

21 di tích lịch sử văn hoá tai phuc yên
Đình làng Cao Quang gắn liền với tên tuổi của vị Thành Hoàng làng – Đức Thánh Xa Lai, người có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Ngôi đình này là niềm tự hào của người dân Cao Quang . Ngọc phả cùng với người làng Cao Quang truyền đời kể lại Đức Thánh Xa Lai có công cùng Bà Trưng đánh giặc cứu nước, giặc tan ông trở lại quê nhà Trang Linh Cuông lập ấp, tu sửa miếu mạo, khai phá điền trang, vỗ về dân chúng làm ăn, xây đời thái bình no ấm. Thương nhớ và tỏ lòng biết ơn bậc tiên liệt có công lớn với đất nước, dân Cao Quang đã lập miếu thờ, nay là đình Cao Quang đời truyền đời nhang khói phụng thờ. Đình làng Cao Quang được xây dựng theo kiến trúc kiểu “tiền thần hậu phật” đây là lối xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ của đình chùa Việt Nam. Mở đầu là Tam quan, được dựng lại từ thế kỉ XIX. Tam quan được cấu trúc theo kiểu 4 cột trụ với một cổng chính và hai cổng phụ. Kiến trúc bên trong của ngôi đình bao gồm ba gian. Bộ khung của ngôi đình là các vì kèo bào trơn bóng theo kiểu kèo tuột (kèo quá giang), các khoảng hoành làm bằng thân gỗ tròn.

5.Đình Đạm Xuyên

21 di tích lịch sử văn hoá tai phuc yên
Tọa lạc ở xã Tiền Châu thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc, đình làng Đạm Xuyên không những là nơi giao lưu gặp gỡ của dân làng mà còn là nơi chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử cũng như tín ngưỡng của dân làng nơi đây. Đình thờ 3 vị thần là: Cao Bi Hùng Thánh Đại Vương; Dương Uy Phấn Vũ Đại Vương và Thuỷ tinh Thần nữ công chúa. Diện tích đình Đạm Xuyên rộng 220m2 trên một khu đất rộng khoảng 1.000m2, nhìn hướng về Tây Nam gồm 3 phần đại đình, hậu cung và hậu tế tạo thành hình chữ “Công”; đây là lối kiến trúc đình, chùa rất phổ biến ở nước ta thời xưa. Đình được xây bằng loại gạch vuông cổ, mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao đình được tạo dáng rồng cuốn. Hệ thống cửa bức bàn có chấn song con tiện nhằm tăng sự thoáng mát cho ngôi đình. Tòa Đại đình (tiền tế) có 5 gian, tòa hậu tế có 3 gian, tòa hậu cung có 2 gian. Tất cả các cột và vì kèo đều được làm bằng gỗ lim rất chắc chắn. Phần chạm trổ trên gỗ của đình rất công phu và tinh xảo, lấy đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Nổi bật là nét chạm theo kiểu chạm lộng tạo dáng rồng cuốn, nét chạm mềm mại, uyển chuyển, lột tả cái thần của con rồng đang cuộn mình bay lên. Một số nét chạm ở các bức thuận hoặc đầu kèo là cảnh “sư tử vờn cầu”, “tùng lộc mai điểu” hết sức sinh động, bay bổng. Hiện đình làng Đạm Xuyên còn giữ được 3 cỗ ngai thờ (1 ngai bà, 2 ngai ông) đều được sơn son thếp vàng; trong tòa đại đình còn lại 3 câu đối có niên đại hàng trăm năm. Đình còn có 2 cỗ kiệu bát cống, một cỗ có niên đại thời Lê và một cỗ thời Minh Mạng. Hiện vật bằng đá còn lưu giữ được là một tấm bia lập vào năm Tự Đức (1870). Ngoài bản thần tích còn có 8 đạo sắc phong hầu hết vào thời Nguyễn (1810- 1924). Trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhiều cuộc chiến tranh, giặc giã, bom đạn nhưng những di tích vẫn được người dân giữ gìn, bảo tồn chu đáo lưu truyền lại những giá trị lịch sử quý giá cho con cháu chiêm nghiệm, học tập. Với lợi thế là có vị trí địa lý rất thuận lợi gần với thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận tiện, 5 di tích quốc gia là nơi có thể kết hợp được nhiều tuyến điểm du lịch tâm linh từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc trên cung đường đến với Phật về với Mẫu.