Tóm tắt phim Những đứa trẻ thiên đường

Bài viết này chỉ xin dựa vào bộ phim của đạo diễn Majid Majidi người Iran để cùng nhìn nhận thiên đường của trẻ em trong 2 bộ phim đã được xem, đó là phim Những đứa trẻ thiên đường và phim Kẻ cắp xe đạp. Tại sao người viết lại đi tìm thiên đường của trẻ em ở hai bộ phim không có nhiều điểm tương đồng cả về thời điểm sản xuất, bối cảnh văn hóa - xã hội, nội dung phim và thủ pháp sáng tạo này? Lý do rất đơn giản là cả 3 đứa trẻ trong 2 bộ phim trên đều thuộc tầng lớp đáy của xã hội, thiên đường (hay ước vọng) của chúng đều cực kỳ giản dị như nhau. Vì thế, trên nền tảng ấy, bài viết này xin được cảm nhận bộ phim của đạo diễn người Iran ở một mức độ rộng lớn hơn với cơ sở mẫu số chung vượt khỏi biên giới của một quốc gia.

Mark Taiwn đã nói “… viết cho trẻ em tức là viết cho cả những người đã từng là trẻ em”, ở góc độ này thì có thể coi làm phim cho trẻ em cũng phải đáp ứng cho cả nhiều thế hệ người lớn nữa. Vậy Majid Majidi đã làm được điều này đến đâu? Trước tiên, phải ghi nhận được bộ phim đã làm cho tất cả những ai xem đều tìm thấy một hình ảnh, một thời điểm, hay một sắc thái tình cảm nào đó của bản thân mình trong bộ phim, mẫu số chung đầu tiên đã được Majid Majidi tạo ra như vậy, câu chuyện về chiếc giày thật giản dị và gần gũi với tất vả những đứa trẻ trên hành tinh này dù nó mang màu da gì, thuộc quốc tịch Việt Nam, Mỹ hay Mêhicô; nó cũng gần gũi như niềm vui của chú bé Bruno trong phim Kẻ cắp xe đạp khi được ăn nhà hàng; và diễn biến hồi hộp của hai đứa nhỏ ở Iran cũng đem lại cảm giác nghẹt thở chả kém gì những khốn cùng mà Bruno ở tận trời Ý xa xôi phải trải qua cùng cha mình. Vậy là chưa cần cho những đứa trẻ đi đến được thiên đường của mình hay đơn giản là chỉ ra được thiên đường mà chúng mơ ước, Majid Majidi đã chạm đến trái tim và nỗi đồng cảm của một hành tinh thuộc về trẻ thơ mang tính nhân loại, và chỉ cần bước đi đầu tiên như vậy, nghệ thuật đã thực sự từ trái tim để đi đến trái tim, những bước đi tiếp theo của Majidi chỉ cần thể hiện tài năng dẫn dắt của ông mà thôi – tất nhiên đó cũng là một con đường không đơn giản nhưng cánh cửa khó khăn nhất dẫn đến thiên đường đã được ông tra đúng chìa khóa.

Giống như Kẻ cắp xe đạp, kết cấu của Những đứa trẻ thiên đường cũng khá trực tiếp và giản dị, câu chuyện giày dép ở một quốc gia Hồi giáo lúc bắt đầu vào phim hơi khiến một bộ phận người xem nhạy cảm có chút ngờ vực về một ẩn ý xa xôi(tục ném giày ở người Hồi giáo có ý nghĩa lăng mạ hoặc thách đố), tuy nhiên một câu chuyện hồn nhiên và tuần tự về cấu trúc thời gian đã làm tan biến ngay những nghi hoặc ấy. Cái thú vị của Những đứa trẻ thiên đường là đã đem lại phép so sánh với nhân vật Bruno của Kẻ cắp xe đạp, đó là niềm vui (hoặc cũng có thể coi là thiên đường) tìm thấy của các nhân vật lại xuất phát từ đáy của những thân phận (địa ngục chăng?) trong xã hội khác nhau. Liệu có phải chỉ có những tâm hồn thực sự khốn khó (thiếu tiền nhà của cha Ali và mất việc của cha Bruno) mới có những mơ ước, những khát khao tìm kiếm dù không chủ động về một thiên đường? Ở Những đứa trẻ thiên đường, Majid Majidi đã làm được hơn ở Kẻ cắp xe đạp, một phép so sánh tinh tế cho thấy dù thiên đường của đám trẻ đều giản đơn, nhưng ngay cái giản đơn ấy cũng có khác biệt. Ước vọng của anh em nhà Ali chỉ là mọt đôi giày cho bé gái trong khi ước vọng của chú bé nhà giàu (nhà thuê cha Ali làm vườn) lại chỉ là được chơi với Ali. Ở trường đoạn như vô tình này, Majidi thực sự tinh tế khi cho thấy sự cô đơn của đứa bé con nhà giàu đối lập với nối vất vả nhưng đầy đủ về tinh thần của Ali – cho dù sự đầy đủ ấy đôi lúc mang lại lo lắng cho cậu. Như vậy, ước vọng của thiên đường đối với đạo diễn người Iran rõ ràng bao hàm cả những số phận tưởng như được ưu đãi khác. Mong muốn có bạn để chơi cùng của cậu bé nhà giàu, mong muốn kiếm được đôi giày cho em gái của Ali chính là thiên đường còn thiếu trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ. Hẳn phải thế thì niềm khát khao của chúng mới thật sự da diết và đau đáu để bù đắp, hẳn phải thế thì Ali mới chả quan tâm đến việc đôi giày của mình tung hết đế mà không lấy được giày cho em gái, cho dù chức năng của hai đôi giày cũng đều như nhau. Người ta sẵn sàng đánh đổi cái thiên đường đang có (giày của Ali) để tìm đến cái thiên đường không đạt được (đôi giày giải thưởng) cho dù ở góc độ giá trị thì hai lĩnh vực ấy tương đương, cũng giống như cây bút mà Ali được thày giáo thưởng vì thành tích học tập, một cây bút mà mỗi đứa bé đều mê mẩn bởi nó có khi còn giá trị hơn đôi giày, thế nhưng cái bút ấy cũng chỉ được em gái Ali tô vào những dòng chữ nhắc nhở anh mình về đôi giày thôi. Hóa ra cái thiên đường của Majid Majidi thực sự gần biết bao đối lập với một thiên đường xa vời – một thiên đường không bao giờ có được.

Ở góc độ diễn xuất của 2 diễn viên nhí trong Những đứa trẻ thiên đường, khó có thể tìm thấy lỗi nào để bắt bẻ. Người ta thấy được hình bóng thiên sứ trong vắt và hồn nhiên nơi hai nhân vật này, người ta cũng không nhìn thấy sự “diễn” trong suốt bộ phim của hai diễn viên nhí. Cô bé em gái nhẫn nhục, chịu đựng và yêu mến ông anh mình đã bao che cho Ali về tội làm mất giày, cô bé phẫn nộ khi bạn học cùng trường bảo đã vứt đôi giày đi rồi chùng ngay lại khi nhận ra đôi giày đó đã quá cũ nát, cũng không có cách gì thể hiện tốt hơn ở trường đoạn cô thất vọng vì người anh đã không thể về thứ ba trong cuộc thi chạy. Còn Ali làm cho mỗi người – đã từng là trẻ em – quặn lòng khi cậu cúi mặt không dám trả lời em gái, khi nước mắt cậu lưng tròng xin thày giáo được đi thi chạy, khi cậu với vẻ thất vọng tận cùng vì đã về nhất. Cần phải cảm ơn hai thiên sứ của Majidi đã làm cho thiên đường trong ngôi nhà trọ nghèo nàn trở nên lung linh, đáng yêu hơn bao giờ.

Trong suốt bộ phim, các khuôn hình được quay phim đặt góc thấp ở những trường đoạn mô tả đời sống trong những con ngõ nhỏ nghèo nàn, góc máy hất cao chỉ được sử dụng khi mô tả trường đoạn hai cha con nhà Ali đạp xe đến những khu phố nhà giàu để xin việc. Đặc biệt là cảnh quay ở trường đoạn kết, máy quay đặt dưới nước cố định mô tả đàn cá vàng nhẹ nhàng như những vị thánh vuốt ve đôi bàn chân của Ali – bàn chân của Thiên sứ, lúc đó Ali thực sự được tôn vinh như là một thiên thần – một nhân vật thực sự thuộc về thiên đường.