Tôi phải đi kiếm miếng cơm xứ người mong ngày mai sẽ sáng hơn đẹp hơn

TRÊN ĐỒI VỌNG CẢNH

   


Nguồn: Google

   

 “Du khách là người trong mắt nhìn và qua cảm nhận của chính người đó.”  Hình ảnh người du khách của Rosane Rose vẽ ra trong Bút Ký Du Lịch của bà ta đăng ở báo Travel Time có vẻ hơi khó hiểu đối với một người thích du lịch nhưng lười phân tích như kẻ viết bài nầy. Nếu như có một người du khách đứng ở hành lang của tháp Eiffel nhìn xuống dòng sông Seine đang chảy qua thành phố Paris ở dưới kia thì trong mắt nhìn của người đó là cảnh một góc nhỏ của thủ đô Pháp và cảm nhận là thích thú hay ngán ngẩm mà thôi.  Tại sao người đó lại biến thành “mắt nhìn và cảm nhận” của chính anh ta hay chị ta được kìa? Nếu đấy là hình ảnh tiêu biểu của một du khách đang thăm viếng Paris thì lại càng khó hiểu hơn.            Nếu không có một buổi chiều lộng gió tháng Năm vừa qua, đứng trên đồi Vọng Cảnh, nhìn xuống ngã ba sông Hương ẩn hiện trong khói sóng và cảm nhận có một Huế trầm lặng đang lẩn khuất miên man sau màn sương xa tắp dưới kia... thì có lẽ tôi chẳng còn cơ hội nhìn lại bóng dáng người du khách của Rose.   Đồi Vọng Cảnh Huế không bao giờ là “một” đối với tôi cả.  Hình ảnh và ý nghĩ về ngọn đồi quê hương ấy không ngừng thay đổi qua thời gian và hoàn cảnh tâm lý. Thuở học trò, được Thầy, Cô giáo dắt đi du ngoạn trên đồi Vọng Cảnh, tôi chỉ còn giữ kỷ niệm đã thuộc về ký ức qua đôi mắt tuổi thơ.  Ở đó, có một cái “lô cốt” thời Pháp thuộc nằm trên đỉnh đồi cỏ tranh hoang sơ.  Xa dưới kia là dòng sông Hương và cây xanh, xóm làng của Huế, chẳng có gì đặc biệt.  Giấc mơ và tầm nhìn tuổi thơ là hoa bướm năng động; là những tổ chim trên cây xoài, cây ổi trái chín mọng vàng.            Khi đến tuổi hẹn hò, hai đứa đạp xe đạp lén lên đồi Vọng Cảnh.  Đỉnh đồi đầy trái sim, trái móc đầu sông ấy mờ nhạt và trở thành một dấu ấn viễn tưởng, hứa hẹn cho những gì chỉ “hiện thực” trong ước mơ.            Tuổi sáu mươi, về lại Huế, đứng trên đồi Vọng Cảnh; cảnh và người mới thấy rõ nhau hơn.  Khi sự hoài tưởng so sánh gợi lại những vùng sông núi nổi tiếng của xứ người đã đi qua, tôi mới thấy lạnh mình cảm nhận vẻ đẹp đầu nguồn của điểm ngắm thu tóm tầm nhìn bao quát về một quê hương khói sương như huyền thoại trải dài trước mắt.  Ở đó có sông núi, xóm làng, ruộng vườn và con người lặng lẽ hòa quyện với thiên nhiên.  Trên đỉnh đồi thông xanh còn trẻ, đứng sát mé bờ sông, để tầm nhìn xuôi dòng về Huế, tôi có cảm tưởng mình nhỏ dần như con kiến cỏ, rồi tan loãng và rơi vãi xuống ba nhánh sông dưới mé đồi đang hợp lưu trôi về biển cả.  Trong mắt nhìn lúc đó, kẻ ngắm nhìn đang biến thành đối thể, phá hết rào dậu giữa Ta và Người  để cảm nhận trực tiếp Người cũng là Ta.  Vâng, tôi đã hiểu ý của Rosane Rose về sự trải nghiệm của tâm thức hòa quyện ngắm nhìn, về “điểm đạo” – là khi con người nhìn thiên nhiên, cảnh vật bằng đôi mắt của tâm hồn – tuyệt vời của văn hóa du lịch!            Từ trên đỉnh đồi Vọng Cảnh, tôi miên man nghĩ đến một “nghệ thuật du lịch” của Việt Nam và của Huế.            Có dịp đi đường bộ từ La Mã tới Luân Đôn mới thấy được những nét đặc trưng của vành nôi văn hóa châu Âu.  Đi từ Florida tới  Seatle để thấy vòng đai văn hóa di dân hợp chủng Mỹ; từ Cà Mau tới Quảng Ninh để thấy nét văn hóa làng xã và thiên nhiên Việt Nam.  Những điểm nóng du lịch trong khung cảnh thiên nhiên Âu Mỹ thường có bàn tay nhào nặn và sự can thiệp của con người về điểm ngắm, góc độ và giới hạn. Thiên nhiên du lịch Việt Nam tương đối còn nhiều khung cảnh “trinh nguyên” vì kỹ thuật du lịch của Việt Nam phần lớn đang ở giai đoạn định hình trong một quá trình hình thành các tụ điểm du lịch gồm 5 bước: Chọn lọc, định hình, xây dựng, quảng cáo – giới thiệu – và hoạt động.            Đồi Vọng Cảnh đáng lẽ phải là một tụ điểm du lịch thu hút độc đáo nhất ở Huế do vị trí thiên nhiên, sông nước hữu tình.  Vùng đỉnh đồi để ngắm cảnh nầy vẫn còn đang vắng bóng bàn tay khai phá và sự đầu tư du lịch của con người.  Thế nhưng, một sự đầu tư dễ dãi ở dạng dịch vụ [service] “gần đâu xâu đó” theo kiểu mì ăn liền và quán ăn nhanh, đìển hình cho thời đại máy móc thực dụng như khách sạn, hàng ăn, nhà khách... ở một vị trí kỳ tú như đồi Vọng Cảnh chắc chắn sẽ làm hỏng khung cảnh thiên nhiên có một không hai nầy của Huế.  Rất may cho Huế và cho những điểm nóng lịch sử của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai là đồi Vọng Cảnh vẫn còn đang dọn mình đứng đợi những công trình nghệ thuật du lịch xứng đáng với tầm vóc mỹ thuật, truyền thống con người và lịch sử của từng miền đất nước.            Từ trên đỉnh đồi Vọng Cảnh, tôi nhớ lại những quán trà, cà phê nghệ thuật nhiều nơi ở xứ người  thường được đặt trong những khung cảnh thiên nhiên làm cho du khách cảm thấy thú vị đến ngẩn ngơ.  Dòng tưởng tượng của tôi chưa trôi đi xa đã bắt gặp thực tế hình ảnh những chuyến thuyền du lịch đi ngược dòng Hương, hướng về đồi Vọng Cảnh.  Tôi tự hỏi bâng quơ rằng, làm sao sông nước thanh tú của Huế lại phải chịu đựng cưu mang những chiếc “thuyền rồng” thiết kế theo mô thức vàng mã và cách trang trí hội hè đình đám như những cô gái quê thon thả, đẹp mặn mà mà phải mặc áo diễn tuồng trong ngày hội.            Chính nghệ thuật đã nắm bắt được linh hồn của du lịch.  Tôi đã từng được nghe một du khách đồng hành người Bắc Âu nói rằng, trong suốt chuyến du lịch hai tuần lễ của ông ta ở Âu Châu, có thể ông ta sẽ quên hết.  Nhưng nếu ông còn nhớ được những đường gân trên tay của tượng David do thiên tài điêu khắc Michelangelo khắc họa từ thế kỷ 16 thì cũng đã thỏa mãn lắm rồi.

*Đền thờ Huyền Trân Công Chúa - Huế [photo: Nguyệt Thu]

           Từ đó, tôi ước mơ một viễn ảnh nghệ thuật trên đồi Vọng Cảnh.  Ước mơ rằng, ngoài nhà thờ công chúa Huyền Trân mới được xây dựng mang tính hương khói Huế xưa ở khu vực Chín Hầm sau vùng nghĩa trang thành phố Huế,  sẽ có một tượng đài công chúa Huyền Trân mang tính nghệ thuật.  Vóc dáng cuộc đời và lịch sử trĩu nặng tình tự núi sông của Huyền Trân xứng đáng một tượng đài có chiều cao của mỹ thuật và chiều sâu của nghệ thuật.  Huế cần một điểm đứng phong quang có hồn, có phách cho một bậc anh thư – bảy trăm năm trước đã đổi mình lấy Huế –  trên đỉnh đồi Vọng Cảnh.  Và, Huế ơi!  Thử tưởng tượng một ngày nào đó có những chiếc thuyền du lịch thiết kế riêng cho Huế – chỉ cần nhỏ nhắn, ít tốn kém như những chiếc thuyền gỗ “gondola” hình dáng thanh tú của Ý trong thành Venice mà thôi – sẽ chạy ngược dòng Hương từ cầu Trường Tiền ghé lên đồi Vọng Cảnh.  Thuyền cặp bến, khách sẽ lên đồi.  Nơi đó đã có sẵn một quán trà, cà phê nghệ thuật hợp bóng với tượng đài Huyền Trân.  Khách nhấm trà trong sương khói và nhìn về một Huế xa xa nằm cuối dòng sông, lặng lẽ dưới chân đồi.         Con người đã nói với nhau quá nhiều.  Du lịch tương lai sẽ để cho thiên nhiên và tượng đài, nghệ thuật chuyển tải những thông điệp trực tiếp qua đôi mắt và cảm nhận của con người trong im lặng.

Trần Kiêm Đoàn
                                                                                          Napa, đầu năm Tây 2008

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

Page 2

VỀ HUẾ

Trần Kiêm Đoàn - Chuyện khảo về Huế

            [Tiếp theo và hết]

[ Cầu Ngói Thanh Toàn - ảnh: Nguyệt Thu]

             Mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối, mỗi buổi chiều, trước giờ đi ngủ, mẹ đều có tôi trong tim khi mẹ lâm râm cầu khấn Phật, Trời cho thằng con trai út chân cứng đá mềm. Tôi cũng có mẹ trong cùng thẳm đáy lòng mình vào mỗi sáng, mỗi chiều trên biển tím Hải Nam sâu hơn 30 sải nước với sóng cuồng, gió giật, trong trại cấm Chimawan mỏi mòn, giữa núi rừng Bataan hiu hắt, trên những bước đường lưu lạc nơi đất Mỹ xa xôi... tôi ít khi quên cầu nguyện cho mẹ mình ở lại quê nhà thân tâm an lạc, còn sống cho đến lúc tôi trở về với mẹ. Mười năm xa mẹ nhưng ngày nào tôi cũng gặp mẹ trong tâm niệm của mình. Mười năm xa tôi nhưng trong lòng mẹ, tôi vẫn được che chở bằng lời nguyện cầu không rời nửa bước. Cái xa không gian chỉ là thước tấc, nhưng cái gần tâm lý đã làm cho trăng rơi trên tóc, nắng đậu trên vai, cho con chiên gần giáo chủ và cho những đứa con Việt Nam xa quê được cận kề bên mẹ.            Ngày trở về, tôi đếm lùi thời gian gần mẹ:  Bốn tuần, ba tuần, hai tuần, một tuần... rồi vài hôm nữa - con sẽ xa mạ, bỏ mạ mà đi rồi mạ ơi!            Cho đến khi máy bay tách vùng trời Huế, bỏ lại đàng sau khuôn mặt buồn hiu hắt của mẹ già không còn đếm thời gian bằng tuổi, những đôi mắt trông vời đẫm ướt, những đồng khô cỏ cháy dưới chân đèo, vút lên mây và bay về phía biển, tôi mới thấy hết niềm đau của hội ngộ và chia ly. Tôi linh cảm gặp mẹ lần nầy là vĩnh biệt, tự nhiên cái khóc oà đến, sướt mướt và dễ dàng như trẻ thơ. Máy bay nội địa ngày mồng một Tết vắng như chuyến đò ngang khuya khoắt, tôi không che dấu nỗi xúc động dâng trào cho đến khi cô chiêu đãi viên hàng không người Việt đứng đó, dường như ái ngại, đưa xấp giấy mịn lau nước mắt, nói nhỏ nhẹ bên tai tôi:            - Thưa ông, tôi xin lỗi! Tôi nghĩ là ông đang cần cái nầy.             Tôi gượng cười:            - Xin cám ơn cô. Không ai có lỗi hết. Chỉ có số phận chua cay có lỗi với con người lương thiện mà thôi.            Cô chiêu đãi viên không chắc đã hiểu ý tôi, nhưng cũng cười nụ lấy lòng:            - Tôi cũng nghĩ vậy.            Rồi cô ta quay đi.            Máy bay vẫn bay trên vùng trời quê hương, hướng về Nam, nhưng sao tôi nghe như sau tầng mây thấp dưới kia có tiếng gió gào và sóng giật; có tiếng vỗ cánh thật buồn như thanh âm tan tác của bầy chim xa xứ, xôn xao trở về, rồi lặng lẽ ra đi!

***@@***

                                  Đêm đầu tiên từ làng lên Huế ở lại, tôi ngủ nơi căn nhà cũ của chị Quyến ở đường Ô Hồ gần trường Nguyễn Du. Năm giờ sáng tôi ngỡ ngàng mở mắt với một cảm giác bàng hoàng tức thời vì bị đánh thức dậy bởi tiếng loa phát thanh đầu đường. Sự sợ hãi của một ngày lây lất tranh sống vất vả đã nằm trong vô thức. Từ nhạc đệm đến tiếng người xướng ngôn vẫn giống y hệt như cũ làm tôi quên mất mình đã xa tiếng loa sớm tối hơn 10 năm. Nhìn đứa cháu gái đang chong đèn học bài một mình, tôi cảm thấy xót xa và hỏi cháu:            - Tiếng loa ồn dữ rứa làm sao cháu tập trung học bài cho được?            Cháu trả lời dễ dãi:            - Dạ, lâu ngày con quen rồi. Mấy bữa loa hư con lại thấy vắng quá học không vô đó, thưa cậu.            Cháu làm tôi nhớ bé Na ở Mỹ vừa học vừa đeo headphone nghe nhạc bị la hoài mà vẫn chứng nào tật ấy. Phút đó tôi tự hỏi sự thanh tịnh ở ngay chính trong tâm mình hay từ ngoại cảnh? Tôi lại mắc bệnh bao đồng nên cứ mãi băn khoăn cho những người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy đời vui. Họ là những người đã ngồi trong tâm bão mà tôi thì vẫn còn cỡi gió lang thang.            Tôi lại đèo xe Honda với Đoàn Phạm Túy Linh đi lêu têu như ngày xưa hai thằng trốn học rủ nhau ra quán cà-phê. Nhóm bạn cũ đầu tiên không hẹn mà gặp trong quán cóc đằng sau Mô Ranh là những thằng nghệ sĩ Huế lang thang, cái lang thang đầy xót xa của những đứa có tài phải chịu “chung thân bất mãn”. Hình như một nghệ sĩ “Huế rặt” phải mang kiếp Sâm Thương: sao Hôm là con người và sao Mai là tác phẩm. Ngày nghệ sĩ tự mãn với chính mình và tác phẩm của mình thì trái đất sẽ ngừng quay và đêm ngày là một. Lúc đó, nghệ sĩ hay tác phẩm, một trong hai phải ra đi và con đường sáng tạo chỉ còn là một dãi thiên hà của ảo ảnh.          Giữa cuộc trần ai tân khổ nầy, dễ chi gặp lại đưọc những thằng khánh kiệt mà khẩu khí vẫn hào sãng như dân triệu phú mới ra lò. Những đứa con ruột hay con tinh thần của xứ Huế đã chọn làm người chân thật, nên vẫn làm văn nghệ như làm thơ trên đá, suốt một đời trung thực với chính mình. Tôi ngó quanh. Những đứa bạn nghèo xơ xác quanh cái bàn nhậu lỏng chỏng diã trống, chai không cũng là những tay kiện tướng đã từng sáng tác văn thơ làm rung rinh dư luận, nay đang “ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ” với lối nói chuyện bạc mạng kỳ hồ một cách thoải mái.            Thời gian thì có hạn mà bạn bè thì ở khắp phố phường ngõ ngách nên tôi phải chọn những đứa bạn thân và nghèo nhất để khỏi bị “xét nét”, cái xét nét của Huế thường rất cay co như một ngọn roi tình cảm. Linh và tôi ghé nhà Phan Hữu Lượng, thằng họa sĩ nổi tiếng về tranh chưa bằng nổi tiếng về giọng hát tuyệt vời. Dáng Lượng vẫn mảnh khảnh và cái gịọng vẫn ấm và đùa vui như nắng mới:           - Mụ cô mi, thằng Đoàn! Mi là thằng gà chết. Hơn mười năm mới vác xác về thăm.            Cái thằng dám cả gan chạy bổ ra khỏi túp nhà tranh muôn năm của hắn để đón một tên Việt Kiều có giấy chứng nhận như tôi bằng một câu chưởi hết sức thân thương “thiếu lập trường quan điểm” đầy Huế rặt như vậy. Hai đứa ôm nhau thật chặt, rồi nó buông tôi ra, nhìn từ đầu tới chân và nhận xét:            - Mi có khác chi mô nà! Ngó không giống Việt Kiều chi cả.            Tôi xách tai nó cười khoái chí:            - Việt Kiều cái con khỉ! Tao qua Mỹ mười năm xuôi ngược, chen chân vô xã hội Mỹ cực như làm cu li chứ có phải qua làm tổng thống Mỹ mô mà huy hoàng với thay đổi.Lý Văn Nghiên nghe nói lên chức ông ngoại rồi mà vẫn còn hỏi tò te như cậu ấm mới lớn:           - Nì, tao hỏi thiệt chớ ở Mỹ mi cũng ăn mặc giống “người thường” kiểu ni thôi à? Tụi Việt Kiều về đây nhuộm tóc, dắt chó, ôm mèo, ăn bận le lói giống như Michael Jackson; ra phố, vào tiệm có cả bầy trẻ đánh giày, ăn mày theo sau xin đô la lẻ.            Tôi không biết nói gì hơn là nhăn răng cười trừ. Có tiếng đứa nào đó, nghe rất quen, bình luận trước khi chuyển qua đề tài ca hát:            - Cái thằng! Việt Kiều “dỗm” như hắn mà tao lại khoái.            Tôi rất ngạc nhiên là đa số dân nhà giáo Huế trở thành nghệ sĩ, dịch lý sĩ và hầu như một số có “phép lạ” là sắm được xe Honda với đồng lương giáo sư đệ nhị cấp 55 ngàn [gần bằng 5 đô la] mỗi tháng và chiều chiều cũng rủ nhau nhâm nhi ra gì với núi sông, trong khi giá một chai bia Huda sản xuất tại Huế giá 5 ngàn và một gói thuốc thơm giá 10 ngàn đồng.            Chiều 23 tháng chạp, anh em rủ nhau làm đám giỗ Lê Hữu Nam, người bạn cùng nghề đã ngã gục trên bục giảng. Tôi là người khách không được mời đến muộn nên đã bị đám bạn bè đồng nghiệp quỷ sứ, toàn là “thày giáo - tháo giày” từ các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Thành Nội, Gia Hội... “cụng” lăn quay. Tôi đã lẹ chân dọt qua Mỹ nên đành mất đi một cơ hội làm nghệ sĩ thời thế như Chạy, Triệt, Hiệp... Tụi nó dạy Lý Hoá, tiếng Tây, Tiếng Mỹ mà còn làm thơ và đặt nhạc vi vu mỗi đứa cả mấy trăm bài huống chi là thứ dạy văn - đã văng - như tôi. Nghe tụi nó làm thơ, phổ nhạc hát lên, ngâm tràn chao ơi là mượt mà, hưng phấn. Tôi như hụt hẫng vì bị lạc giữa mê cung của vần điệu và âm thanh. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên sao mười mấy năm, ngày lại ngày sống cuộc đời dạy học giữa những bức tường vôi đơn điệu mà những rung cảm xôn xao, những ân tình diệu vợi, những mộng mơ hừng hực cuối trời vẫn không bị phôi pha. Trần Duy Tích đã “trả lời” một cách láu cá bằng cách ngâm lên bằng giọng ngâm gần “tri thiên mệnh”, nhưng lại có dáng dấp lãng tử thu hút lạ lùng, mấy câu thơ “Tạm biệt Huế” của Thu Bồn:

nhịp cầu cong và con đường thẳngmột đời anh đi mãi chẳng về đâucon sông giùng giằng con sông không chảy

sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

           Tôi lại đi kiếm hai thằng bạn thân nhất đã làm anh em “kết nghĩa vườn đào”. Tôi, tánh tình xốc nổi nhất nên được cho làm Trương Phi. Đoàn Tuyền Châu mềm dẻo và mưu lược được cho làm Quan Công và Trần Kiên Nhẫn rất chững chạc, trầm tĩnh được làm Lưu Bị. Ba chục năm trước, ba anh em Lưu Quan Trương chúng tôi đã trải qua bao nhiêu tháng ngày nóng lạnh trong cơn sốt triền miên của thời cuộc và trong những cơn bão táp dật dờ của đất nước. Tức cười nhất thời đó là hiền như Đoàn Tuyền Châu thì cho ra tập thơ Chuyển Mình bốc lửa, còn vỡ bờ như tôi lại làm tập thơ Hương Từ Bi đoan thục như lời kinh. Phút đầu tiên xe vừa ngừng lại nhà Ngoại ở Thành Nội Huế thì Đoàn Tuyền Châu đã đứng đó đợi tôi tự bao giờ. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao Châu biết tôi về thì anh chàng đã nói tỉnh bơ và chậm rãi:            - Mình biết phút nầy đã 6 năm rồi!            Tôi ôm Châu bồi hồi xúc động. Thằng “Châu gồng” ngày xưa giờ chỉ còn là da bọc xương theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nó chỉ còn lại dấu vết chưa phai là vầng trán rộng mênh mông và đôi mắt sâu vẫn chứa chan tình cảm. Châu bây giờ lặng lẽ rút vào bóng tối, âm thầm nghiên cứu dịch lý và chấm số tử vi. Con phượng hoàng ngày xưa chưa gãy cánh nhưng nó không nhìn thấy hướng đi giữa bầu trời đổi mới, nên đành nấp bóng giữa hang sâu trong chính tâm hồn của nó. Tôi và Châu lại đi tìm “Lưu Bị”. Chúng tôi gặp nó đang ngồi làm thuê tô xi măng trên nóc nhà của khu nhà mới trước Dòng Chúa Cứu Thế. Thấy mặt tôi, nó mừng quá, cười rạng rỡ, tay nắm cáy bay huơ huơ chào và nói vọng từ trên nóc nhà vang xuống:            - Đợi 5 phút, tau xuống liền. Tao phải ráng tô hết mảng xi măng ni cho khỏi chết đã.            Một lát nó bương bả nhảy xuống. Cái mặt nó còn trắng trẻo và sáng sủa quá để làm một anh thợ nề chuyên nghiệp. Tôi hỏi:            - Nghe nói mấy năm rồi mi toàn lên voi xuống chó. Chừ leo lên tận nóc nhà người ta mà ngồi là đang lên chó hay xuống voi rứa hè?Nhẫn cười hóm hỉnh:           - Thì tại quan nhất thời, dân vạn đại mà. Lên voi để bợ đít voi, chi bằng xuống chó mà coi đằng đầu.            Ba đứa lại kéo nhau vào quán cháo gà của thằng Diệm tại An Cựu. Chủ quán gặp bạn cũ khoái quá, giao hàng quán lại cho vợ con, nhập bọn đấu láo cho đến khi say ngây ngây “trăng tàn trên hè phố” mới chia tay.            Về Huế, được đi lại trên những con đường phố cũ, tôi nghe thân thương như bàn chân tôi và đất đá giữa đường cũng còn nhớ nhau mà trò chuyện. Trên khuôn mặt những người cũ thêm nét phong trần và có chút già đi, nhưng với tình cảm thì sự đứt đoạn của thời gian chẳng làm phai đi cái giao tình của Huế.            Thêm vài ba khách sạn mới, thêm năm ba sàn nhảy về đêm, thêm những con đường thay tên đổi chủ cũng chẳng làm cho Huế trẻ hơn hay già đi như từng phiến gạch trên thành. Huế vẫn nghèo như cái nghèo thanh bạch của “ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu ngày xưa. Âm thầm, đạm bạc, đơn sơ trong lòng thuyền nhỏ bé mà vẫn nghe hết cả tiếng đời xao động ngoài kia.            Cảnh Huế, người Huế và tình cảm Huế thường bị phủ rong rêu và lắng xuống bề sâu nên trên bề mặt vẫn thấy trôi chảy trong dáng điệu trầm trầm, chầm chậm như nước sông Hương. Giòng sông đó vốn hiền nhưng vẫn có những năm mưa nguồn rung chuyển cả dãi Trường Sơn; nước lũ sông Hương cuốn phăng cả núi Bãng Lãng; cuồng lưu xoáy sạch cả cửa Thuận An, cửa Tư Hiền, đổ phăng ra biển Đông với cả sức mạnh đại dương vũ bão và tiếng Hải Triều trầm hùng vang xa hàng trăm dặm. Nước sông Hương suốt bốn mùa sâu thăm thẳm. Núi Kim Phụng vững chãi như bắp vai Từ Hải, núi Vạn Niên cây xanh nước biếc, núi Truồi “ai đắp mà cao”, núi Bạch Mã sừng sững quanh năm mây phủ... trấn thủ một cõi trên dãy trường Sơn cao chất ngất, rộng ngút ngàn bao quanh phía Tây của Huế làm điểm khởi phát cho thượng nguồn sông Hương.            Bởi thế, trong cái yên nghỉ thâm cung của Huế, muôn đời vẫn có sự âm ỉ dâng trào. Chắc Huế sẽ không ngủ yên khi đất nước còn thao thức...            Tôi về Huế như đã nhiều lần về vùng Trung Mỹ. Tôi yêu tổ quốc Việt Nam thiêng liêng đã sinh tôi ra, nuôi tôi lớn; nhưng cũng trân trọng và biết ơn đất nước Hoa Kỳ đã dang tay ra đón và cưu mang tôi trong bước đường mệt mõi, khốn cùng. Thế nhưng tình mẹ ruột thường dễ chạnh lòng, tội nghiệp và đậm đà hơn mẹ nuôi, như quê mẹ của tôi đã gắn bó một đời không có gì thay thế được. Vậy mà cuối cùng, vì cuộc sống, tôi cũng phải từ giã mẹ ruột để về với mẹ nuôi. Xa mẹ, tôi đau buồn lắm, nhưng về với mẹ, làng cũ đã mất dáng xưa như cuộc đời của chính mẹ. Cánh tay mòn mõi của mẹ không ấp ủ nổi đàn con nên mẹ đành nuốt nước mắt vẫy tay cho tôi đi. Một đời mẹ hy sinh chấp nhận ở lại bên kia trời lận đận để cho con được sung sướng; cho bên ướt mẹ nằm,  bên ráo con lăn!            Huế ơi! Tôi không tin ra đi là hết, là xa mãi quê nghèo để xây dựng một cuộc đời mới nơi đất nầy mà quên đi tình cố xứ xa xăm bên kia. Tổ quốc tôi đã bao năm như mẹ hiền quen chịu đựng, sá chi những cuộc can qua của Tàu, của Tây, của Nhật... trên chuyến tàu lịch sử vè muộn, trễ tràng.

           Những lớp sóng hưng phế cũng chỉ là những lớp bụi phù du. Tôi tin là những đứa con của Huế, những đàn con Việt Nam vẫn là những con ngoan, vẫn tha thiết một đời vươn lên thắp sáng tương lai Quê Cha và giữ thơm Quê Mẹ.

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

Page 3

Diễn đàn » Các nội dung khác » Văn học, ngôn ngữ

Trang 123 trong tổng số 3 trang [30 bài viết]
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Cái gì mà mình không thể viết rõ hơn, hay hơn thì hãy để người khác làm hộ mình vậy. Đó là những suy nghĩ của Nguyệt Thu khi mở topic này...

Mở đầu, xin được giới thiệu vài nét về tác giả Trần Kiêm Đoàn...

* CHÂN DUNG TRẦN KIÊM ĐOÀN

* TIỂU SỬ

TRẦN KIÊM ĐOÀN Sinh ngày: 10-8-1946 tại Liễu Hạ, Hương Cần, Huế.Dạy học tại các trường Nguyễn Hoàng, Hải Lăng, Khai Trí [Quảng Trị], Phan Sào Nam, Bán Công, Nguyễn Tri Phương, Đồng Khánh [Huế]. Cosumnes River College, CSUS, Lutheran Pacific University [Mỹ]Sống ở Mỹ và làm việc tại Department of Health and Human Services, Sacramento.Liên đoàn trưởng GĐ Phật tử Liễu Hạ [62-68]Trưởng đoàn Thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị [72-75]Tổng thư ký đoàn Giáo chức CTXHQT phối hợp công tác từ thiện với ACS, VNCS [Tin Lành], CARITAS [Công giáo] [72-75]Chủ tịch hội Sinh Viên VN đại học Sac-State [86-88]Viết:- Hương Từ Bi [Huế, 1966]- The Impact of Relocation on the Vietnamese Refugees in the United States.[CSUS, 1988]- Chuyện Khảo Về Huế [Cali., 1997]- The Vietnam War and Its Psychological Aftermath [LA., 2000]Viết rải rác thơ, văn, bút ký, biên khảo, nhận định… trên các báo tiếng Việt, tiếng Anh trong và ngoài nước.Học:- Tốt nghiệp đại học sư phạm Việt Hán [Đại học Sư Phạm Huế, 1970]- Cử nhân Văn Khoa [Đại học Văn Khoa Huế, 1971]- Cao học Xã hội [Master in Social Works. đại học California State, Sacramento,1988]- Tiến sĩ Tâm lý học [Doctor of Clinical Psychology đại học Southern

California, 2000]

Nguồn: //www.art2all.net/van/van_tkd/ckvh_tieusu.htm

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

//www.trankiemdoan.n...hoiuc/dangphuonghong.htmlHuế đẹp.  Một vẻ đẹp "rưng rưng" vì vương mang nét buồn "tự tại" mà kẻ viết những dòng nầy chỉ có thể diễn đạt bằng... thơ [thẩn]!            Đồng Khánh ơi, Huyền Trân xưa đó            Lắm tang thương vùi dập Huế vô chừng            Sông, nước, biển, trời... nơi mô cũng có            Nhưng não nùng làm Huế đẹp rưng rưng

           Cái đẹp rưng rưng của Huế là một thực tế ảo xuất phát từ nét buồn "tự tại" rất thơ.  Rất thơ vì bản chất của thơ là buồn.  Vị buồn của thơ là hướng siêu thoát của một dòng đời đầy khổ lụy như khái niệm truyền thống của thơ là lời kinh khuya từ trong ngôi chùa cổ.

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

//www.trankiemdoan.n...van/kysu-hoiuc/benme.htmlEm vẫn thích cảm xúc này hơn cho dù hơi lệch chủ đề:

Viễn khách, kẻ tha hương thường liên tưởng quê hương với Mẹ.  Ngày còn Mẹ, mỗi lần về thăm quê có nghĩa là về thăm làng.  Ngày vắng Mẹ, đứa con phương xa về thăm đất nước; đâu cũng là tổ quốc, làng cũ vẫn như xưa nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như thiếu một chút chất men nồng đượm của quê nhà.  Có lẽ vì quê hương là quê mẹ.  Ngày vắng mẹ rồi, lòng mẹ trãi dài khắp mọi miền đất nước nên đâu cũng là…, mà cũng không là, trọn vẹn một quê hương!

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

//www.art2all.net/van/van_tkd/ckvh_vehue.htmMỗi lần nghĩ đến Huế, tôi không biết mình đang về với Huế hay Huế đang về trong tôi.

Những con nhà Huế khác, thường nhớ Huế với nguồn tình cảm miên man, sụt sùi và sướt mướt, nhưng Huế riêng tôi vừa là quê mẹ đi để mà nhớ, vừa là di lụy trong suốt cả một đời.  Khi tôi đi giữa Huế thì khơi vơi như đang lạc giữa quê người; khi tôi đi giữa xứ người lại ngỡ ngàng như đang xăm xăm bước vô Thành Nội. Khi tôi cố quên Huế thì Huế lại hiển hiện trong tôi, dịu dàng như một bà mẹ hiền và bâng khuâng như người tình cũ cười ngậm ngùi vì chợt nhớ về dĩ vãng. Khi tôi nhớ Huế thì Huế chỉ còn là một bóng dáng êm đềm mất hút rất xa xăm.

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

//www.art2all.net/va.../van_tkd/ckvh_mamruoc.htmThuở đó trên quê hương...

Tôi ăn mắm và thở quen hương mắm tự nhiên như ăn cơm gạo mới và thở không khí ruộng đồng ngây ngấy mùi rơm, mùi tót.

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

//www.art2all.net/van/van_tkd/ckvh_muahue.htm

Đừng nghe nói về Huế, cứ sống một giờ với Huế. Ngôn ngữ tuyệt vời nhất dành cho Huế là im lặng và cảm nhận

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

Ôi! Không biết, bắt đền! Rõ ràng là tỉ chưa bắt đầu mà, sao chưa chi đã phủ kín nhà của tỉ như thế này hở Tép Riu!

Để tỉ đưa bài giới thiệu Trần Kiêm Đoàn lên đã chứ!
Ý tỉ là phải giới thiệu từng bài cho "ra môn ra khoai" luôn chứ không chỉ là những tản mạn ngắn, những câu trích ngắn, em ạ! Có như vậy "chân dung" Huế mới hiện lên thật rõ nét.

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

Đôi Dòng Tự Bạch

      Lần đầu tiên trong đời tôi được làm chủ một đôi dép là năm tôi tám tuổi, học lớp Ba trường tiểu học  Hương Cần. Đôi dép vỏ xe thuở đó đã cho tôi cảm giác của nhà triệu phú trong đám trẻ cùng lứa tuổi ở làng quanh năm đi chân đất. Chỉ có những thằng bạn “tri kỷ” trong xóm nghèo mới có được cái hân hạnh xỏ chân vào đôi dép mới của tôi đi thử một vòng, sau khi chịu khó xuống bến Đình hay bến Dấu Hàn làng Liễu Hạ kỳ cọ hai chân sạch bóng như người đẹp rửa gót chân sen.      Nhưng rồi miền hạnh phúc phù du đó đã qua đi thật nhanh. Mẹ tôi vì không tin tưởng lắm vào bước chân quý phái của tôi khi mang dép, nên đã cẩn thận chọn một đôi dép dày nhất trong số các hàng dép ở Huế để tôi tha hồ hồ chạy nhảy cho lâu mòn.đôi dép nặng quá đã bắt tôi phải đi khoan thai như ông cai tổng mới vào nghề tập đi đôi giày hạ. Vì vậy, chỉ sau mấy ngày, đôi dép đã “lên cấp”đối với tôi. Để đuổi kịp theo đám bạn bè nhảy chân sáo với đôi chân trần thời tiền sử, tôi hiên ngang vác dép lên vai và hồn nhiên trở lại với cắp giò đã quen với phèn chua, bùn đất của mình. Đôi dép lủng lẳng trên vai mỗi ngày một vướng nên một buổi sớm, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi đã dấu của vướng bận – ngỡ như niềm hạnh phúc – của mình vào bụi dứa đầu làng. Chiều về, tôi khám phá ra rằng, đôi dép đã bị ai lấy mất. Tôi không dám về nhà và ngồi khóc sau đình làng cho đến tối. Mẹ tôi vác duốc con cúi đi tìm. Biết chuyện, mẹ tôi ôm tôi trong tay và nói giọng thật buồn : “Rứa là con đã làm mất của mạ hơn hai vuông lúa !” Tối hôm đó khi phủi chân lên phản ngủ, tôi quên rất nhanh những gì mình mất như chiếc thuyền về bến quên câu chuyện của dòng sông.      Đôi dép đầu đời mẹ tôi sắm bị lấy mất đi không bao giờ trả lại, nhưng lòng tôi lại mang đôi dép cũ mà đi cho hết một đời.     Tôi thuộc về thế hệ chiến tranh Việt Nam : Chào đời trên miệng hầm, lớn lên trong khói lửa, hát tình ca và đồng ca trong tiếng gào của bom đạn, và bỏ Huế mà đi với nỗi ưu tư dằng dặc của những ước mơ chưa thành hiện thực.     Rồi cũng như những nhánh cây đồng nội đơn sơ được mang lên trồng thành phố, tôi là một trong những đứa bé quê ít ỏi cùng thế hệ trong làng được lên thành phố Huế đi học.     Ngày từ giã làng quê “lên dinh”, ông trưởng họ Trần nhà tôi lại cho rằng, đã tới đất “Thần Kinh Văn Vật” rồi thì không thành công cũng thành nhân. Ông ân cần tiễn tôi ra bến xe đò như đưa chàng Kinh Kha xóm nghèo qua bên kia trời ánh sáng, dù thiệt tình là làng tôi chỉ cách Huế có mười cây số. Ông vuốt chòm râu bạc, nói chữ : “Sơn, hải, giang, điền vi đại chính ; thiếu niên hữu chí lưỡng biên  khai…”. Rồi ông giải thích rằng, Huế có đủ thế đất sông núi biển đồng cân đối dựa vào nhau, là đất dấy nghĩa, là nơi un đúc chí lớn cho những trang hào kiệt xưa nay. Như Cao Bá Quát vào Huế, bỗng muốn “Quyết ném thanh khâm sang cẩm tú ; quyết xây bạch ốc lại lâu đài”. Như Nguyễn Du muốn Từ Hải “Đội trời đạp đất ở đời…”. Như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân. . . hô hào dân Nam lên đường cứu nước.      Huế vào những năm 60 là hình ảnh của con rồng bao nhiêu năm ngũ yên “triều nguyệt” trên những thành quách rêu phong vừa thức dậy. Lớp học, sách vở êm đềm một thời không chứa hết những tâm hồn bão liệt, những tư tưởng dậy sóng cùng với đà cuộc chiến đang làm chao đảo những chân trời lộng gió ngoài kia.       Tôi vào y khoa nhưng lại “ra” sư phạm, vì trường “thầy” có được món tiền học bổng bé nhỏ đủ cho một gã kỹ sư tâm hồn bất đắc dĩ như tôi đủ sức sống còn trong bốn năm dùi mài kinh sử !      Ở Huế mà vào trường sư phạm thì cũng như ở trên dòng sông đời xuôi ngược mà chọn nghề đưa khách đò ngang : An phận trong nếp cũ và yên thân giữa nhịp đời trầm lặng, nhẹ nhàng trôi. Thế nhưng, tập làm thầy trong giai đoạn những cơn sốt lịch sử của Huế từ trong thâm cung của ý thức đã bùng lên “từ chợ Đông Ba, lan qua Gia Hội, tiến về Thành Nội, dội tới Bao Vinh…” lúc âm ỷ, lúc cháy bùng, thật khó.      Tôi muốn “làm được một cái gì” nhưng chỉ biết quay quắt, từ giảng đường đến thư viện ; từ làng lên Huế ; từ những ước mơ xa lắc đến cái bóng mình hiện thực trơ vơ đổ dài trên đường Thành Nội lổn chổn ổ gà.       Những lần sốt ruột vì tiếng bom chao đảo từ những vùng quê quanh Huế vọng về hay tin một thằng bạn cùng lớp vừa thoát ly lên núi, thằng khác ngã gục ở chiến trường, tôi lại cảm thấy xa lạ với cái không khí im ắng tạm bợ trong trường đại học Huế này. Đôi khi, tôi cố tình trốn học như chạy trốn cái bóng xa lạ của chính mình để lang thang tới mấy quán cà phê, như quán Lạc Sơn nhìn dòng người qua lại trên đường Trần Hưng Đạo, vô quán chị Lợi để nghe nhạc tiền chiến “chiều hôm qua lang thang trên đường…” hay tới quán cà phê Tổng Hội Sinh Viên trên đường Trương Định để nghe mấy chàng sinh viên khoa luật, khoa văn mới ra lò lên gân nói trạng!       Tôi đã từng bị cảnh cáo vì nói chuyện rầm rì trong thư viện, những mẫu chuyện chết chóc, đánh nhau, biểu tình, bãi khóa… có khi đầy hào khí nhưng cũng có lúc làm mũi lòng tuổi trẻ như nụ cười và nước mắt quê hương.       Quản thủ thư viện đại học Huế thời đó là cụ Bửu Kế, một học giả nghiêm túc trong cách viết, cũng như nghiêm khắc trong cách sống nên rất kỵ sinh viên vào thư viện để nói “chuyện khào”.      Theo cụ thì chuyện tầm phào xị đế, đầu rồng đuôi rắn là “chuyện khào” giống như “chat” trong tiếng Anh hay “bavardage” trong tiếng Pháp.       Chuyện kể có đầu có đuôi, vừa sáng tạo vừa dựa trên những dữ kiện thực tế, giáo khoa và sử liệu thì gọi là “Chuyện Khảo”, một hình thái chuyện kể như  “Creative non-fiction story” trong văn chương Anh Mỹ.       Đã có lần tôi dám cãi cụ vì tôi vẫn cho rằng nói chuyện quê hương dù đầu đuôi không trọn, chưa đủ tiêu chuẩn chuyện khảo chuyện khảo, nhưng đâu phải chuyện khào !       Khi cụ Bửu Kế trở thành Thầy tôi, phụ trách môn Lịch Sử Triều Nguyễn trong chứng chỉ Văn Minh Việt Nam thuộc Đại Học Văn Khoa Huế cùng với các giáo sư khác như Vĩnh Phối, Phan Văn Dật, Lê Văn Hảo… tôi càng có dịp gần gũi cụ hơn để thấy được rằng, sau vẻ nghiêm khắc gần như khô khan là kiến thức bao la và tinh thần “hài hước ngầm” của các Mệ, dù đó là “Mệ Thầy”. Một lần tôi gặp riêng cụ để hỏi thêm về lịch sử và số phận cái ấn bằng vàng ròng, nặng đến nỗi mỗi lần đóng triện phải cần hai người của Triều Nguyễn, cụ mở đầu bằng cách hỏi lại :- Chuyện khào hay chuyện khảo đây hè?Rồi cụ trầm giọng nói :- Tiếng mình phong phú lắm nhưng khổ nổi là mạnh ai nấy dùng. Ước chi đất nước mình sớm hết chiến tranh để Việt Nam ta có được một Hàn Lâm Viện.

o0o

    Một ước mơ và một thoáng “chuyện khào, chuyện khảo” mới đó mà đã hơn ba chục năm qua rồi !Đã có những chiều đứng trên bục giảng của trường đại học Cosumner River College, CSUS [Bắc Cali] nơi đất Mỹ bình yên như những hàng cây du, cây sồi vạm vở ngoài sân, bỗng như tôi bị lạc vì ngỡ như còn đang đứng trước tấm bảng đen của trường Nguyễn Hoàng, Hải Lăng [Quảng Trị], Nguyễn Tri Phương, Đồng Khánh [Huế]. . . khi nhìn những bụi phấn bay bay. Tôi nói tiếng Việt để thương và nói tiếng Anh để sống. Dù đang ở quê người, đối diện với đám sinh viên tóc vàng, nói líu lo tiếng Mỹ mà sao hình như văng vẳng trong tôi vẫn còn tiếng ai trên đường phố Huế, tiếng hát học trò đón Tết, tiếng guốc mộc của mẹ già và nỗi lòng vương mang đôi dép cũ.Ngồi viết mấy dòng này, những hoài niệm quá khứ lại trở về rõ ràng trước mắt như tôi có thể nhìn thấy sao chổi Hale-Bopp đang hiện ra giữ trời đêm tháng Tư Ca-li ngoài khung cửa sổ. Tự nhiên, tôi có ý nghĩ ngồ ngộ là ngôi sao này đang bay với tốc độ kinh hồn về quá khứ. Rồi biết đâu ngôi sao đó lại quay về khung trời cũ, để qua đó, tôi có thể nhắn với Thầy tôi và những người “muôn năm cũ”rằng :Bên phương trời nước Mỹ này, có một cái không tìm mà vẫn có, đó là nỗi nhớ quê nhà. Sau bức màn quá khứ là trùng trùng cảm xúc nhớ thương : Nhớ từ tiếng chửi mất gà của bà hàng xóm, đến chuyện đời xưa của Mệ vừa kể, vừa móm mém nhai trầu. Thương từ bó tót [rạ] trôi lềnh bềnh trong cơn lụt đầu mùa tới hàng sách gáy da mạ vàng trong thư viện. Giữa một xã hội đang chạy theo vận tốc chưa thấy kịp hiện tại đã trôi vào quá khứ này thì chuyện khào hay chuyện khảo của ngày xưa quê mẹ vẫn là chất keo gắn tâm tình những đứa con viễn xứ vào nỗi nhớ quê nhà. Nỗi nhớ cũng như tình yêu, mới hôm qua mà đã nghìn năm trước, mới một chút mơ ước mà đã nghìn năm sau: như “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”; như chuyện khảo là gốc, là cành mà chuyện khào là hoa, là lá. Thưa Thầy, vì vậy, dù mang dưới tên nào đi nữa thì những trang sau đây cũng là mảnh lòng gởi Huế qua những chuyện khảo lẫn chuyện khào về Huế.

[Chuyện khảo về Huế - Trần Kiêm Đoàn]

Nguồn: //www.art2all.net/van/van_tkd/ckvh.htm

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

Trời! Nhưng kệ, em ghét nhất cái kiểu "từ từ khoai sẽ nhừ". Nhưng đúng là phải cảm ơn tỷ về sự gợi mở đối với Trần Kiêm Đoàn. Và đúng là phải nhờ người khác nói hộ cảm xúc. Tuyệt vời!

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

À, mà tỉ quên chưa hỏi: Em đi đâu mà lâu thế mới về lại Thi viện?

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"

☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào

Chia sẻ trên Facebook

Trang 123 trong tổng số 3 trang [30 bài viết]
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Video liên quan

Chủ Đề