Thành nhân trước khi thành danh là gì

Phóng to
Các em học sinh phải được dạy lễ nghĩa, thành nhân trước khi thành tài
Nhiều năm nay, ngành giáo dục nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên ở mọi cấp. Những vấn đề tiêu cực trong ngành đang là nỗi bức xúc lớn của xã hội.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đặt mục tiêu phòng chống tiêu cực lên hàng đầu như chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích của bộ giáo dục.

Nhưng những hiện tượng tiêu cực chỉ là triệu chứng của những vấn đề lớn hơn. Giáo dục ở nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, thì phải có cái nhìn hệ thống để tìm ra cả những nguyên nhân gián tiếp dính dáng tới giáo dục. Vì vậy, đòi hỏi trước tiên là cần phân tích từ gốc để tìm ra những cái thiếu, những cái sai làm cho sản phẩm giáo dục của chúng ta èo uột… và phải xét từ hai góc độ tư duy và góc độ cơ cấu.

Trong giới hạn của bài này, chỉ xin đặt trọng tâm phân tích ở góc độ tư duy hệ thống. Khi xã hội đã định rõ được và đồng thuận về mục tiêu của giáo dục [nên là gì và tại sao] và xác định được một tư duy hệ thống chuẩn thì bài toán của vấn đề cấu trúc hệ thống sẽ tự nó được giải một cách dễ dàng và hợp lý. Cái đầu có đúng thì cái tay mới có thể làm đúng và có hiệu quả.

Mục tiêu của giáo dục xã hội nên là gì?

Là thành nhân, sau đó mới đến thành tài. Trong hai mục tiêu này, thành nhân phải là mục tiêu chính của phần lớn các công tác giáo dục của xã hội. Phải đặt trọng tâm ở trường phổ thông là giáo dục con người thành nhân với một số kỹ năng rất cơ bản: biết cách học, biết phân tích và phản biện, biết đặt ưu tiên và giá trị của việc học tùy theo khả năng, hoàn cảnh và sở thích của cá nhân.

Giáo dục để thành nhân

Chúng ta lớn lên với những chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chữ Nhân đứng đầu. Hiểu một cách thoáng thì Nghĩa, Lễ, Trí là kiến thức và nguyên tắc sống để thành nhân. Trí để biết sống thế nào là đúng. Lễ để biết cách sống thế nào để làm giàu cái tình, cái Nghĩa. Cái nghĩa tạo nên cái Tín. Cái tín là điều kiện cần để các mối quan hệ xã hội đạt hiệu quả tối ưu, từ tình cảm cá nhân đến kinh tế, chính trị.

Như vậy, biết sống đúng vai trò xã hội của mình để được chữ Tín thì mới có được nhân tính tốt. Mẫu số chung trong tất cả các điều kiện để sống đúng là tính trung thực. Sống trung thực là một giá trị đạo đức bất di bất dịch. Sống không trung thực, thì ở bất cứ văn hóa nào cũng đều không đúng lễ, sinh ra bất nghĩa, bất tín, bất nhân. Vậy chúng ta hãy cùng nhau thẳng thắn nhìn lại xem nền giáo dục nước ta có đào tạo được những sản phẩm biết và đang sống trung thực để thành nhân chưa?

Trước nhất, cần một cách nghiêm túc và sòng phẳng trong cách chúng ta đặt ưu tiên của giáo dục con em chúng ta qua sự đối xử với thầy cô. Chúng ta thờ ơ với sự vô cảm không thể chấp nhận được của xã hội đối với họ. Chúng ta giao cho họ một trách nhiệm cực kỳ lớn mà chỉ với một mức lương không đủ cho họ ăn sáng và đổ xăng đến trường.

Có qua thì có lại, đối xử với người thầy như vậy thì người thầy làm gì có cái nghĩa để làm đúng trách nhiệm của mình? Một khi người thầy không thể làm đúng, không thể sống đúng để làm gương tốt cho con em mình thành nhân thì bàn chi đến vấn đề hiệu quả của việc dạy và học? Người Mỹ có câu: “Đầu vào là rác thì đầu ra cũng rác” [Garbage in, garbage out].

Từ ghế nhà trường đến cuộc sống trong xã hội của chúng ta, chữ Tín đã bị biến dạng tới mức không còn nhận dạng được nữa. Trò không tin thầy [cháu bé mới tám tuổi đã biết không đi học thêm với thầy thì không làm bài được]; làm ăn không tin nhau [một khảo sát quốc tế mới đây cho biết hơn 70% doanh nghiệp trong nước tin tưởng làm ăn với đối tác nước ngoài hơn đối tác trong nước]; các tệ nạn xã hội, từ bán độ bóng đá đến tham nhũng, chính sách bất cập đầy rẫy.

Nhà tâm lý học B.F. Skinner đã nói: “Con người là sản phẩm của môi trường”. Giáo dục phải đóng vai trò chủ động tạo dựng môi trường xã hội vì giáo dục có cơ hội tiếp cận với sản phẩm “từ thuở lên ba”. Một chính sách giáo dục có trọng tâm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín sẽ có tác động cạnh tranh tích cực với môi trường xã hội tiêu cực và phải là điểm khởi động để cải thiện môi trường xã hội.

Cái đúng bao giờ cũng là điểm gặp nhau ở cấp độ cao nhất của mọi văn hóa, tư tưởng có giá trị. Tỷ phú Warren Buffett, người giàu thứ hai trên thế giới sau Bill Gates, đã cống hiến hầu hết gia tài của mình [trên 30 tỉ USD] cho công việc từ thiện, thường nhắc nhở các sinh viên tốt nghiệp đại học ngày họ ra trường rằng: “Các em cần tính trung thực, sự thông minh và ý chí để thành công. Nhưng nếu các em có tất cả các yếu tố sau mà thiếu yếu tố đầu [trung thực] thì các em sẽ trở thành những người rất nguy hiểm cho xã hội và các em sẽ có khả năng tự hủy diệt”.

Xã hội chúng ta mang nặng tư tưởng Khổng - Mạnh Quân, Sư, Phụ. Cái “Nghĩa” của nó là cha mẹ sinh con, cho con thể xác và tình thương để phát triển cái Nhân; vua cho một môi trường xã hội tốt để sống nên phải trung với vua; thầy cho cái đầu để biết sống phải đạo nên phải kính thầy. Lâu đời vì áp lực của nhu cầu chính trị, từ các thế lực cầm quyền, người dân dưới văn hóa Khổng Mạnh đã “bị” áp đặt hiểu cái trật tự xã hội theo nghĩa hủ nho: Chấp nhận xuôi tay trung với vua; bán tự cũng vi sư, mà đã là sư thì trò không dám phản biện, cho nên thầy đọc còn trò chỉ có biết chép và lặp lại khuôn mẫu để trúng ý thầy. Người ta quên cái vế kia của nền văn hóa là vua phải tốt, phải thương dân thì dân mới trung với vua. Dân có ý thức được giá trị và có khả năng phản biện thì vua mới được nghe từ dân.

Triết gia lớn của nền văn hóa phương Tây là Aristote đã nói: “Tôi rất yêu Plato [cùng là một triết gia lớn khác] là ông thầy của tôi, nhưng tôi còn yêu sự thật hơn tôi yêu ông ấy nữa”. Xã hội nào biết quý sự thật, biết đòi sự thật thì xã hội đó mới tiến hóa. Có sự thật [“Chân”] thì mới có cái hay cái tốt [“Thiện”] và cái đẹp [“Mỹ”]. Đòi sự thật là đòi quyền phản biện để cho ra lẽ. Phản biện tức là có sự tranh luận nhằm loại bỏ cái sai và giữ cái đúng, cái hay. Phản biện là làm giàu cho cái “động” tích cực, cần thiết cho mọi tiến hóa của con người, của xã hội. Cái “tĩnh” là cái bảo thủ làm xói mòn, giết chết tính năng động phát triển. Mối nguy hại của cái “tĩnh” là làm cho người ta có một cảm giác an bình giả tạo, phản lại nhu cầu của cái “động” cần thiết.

“Giá trị của giáo dục là người học còn nhớ được cái gì sau khi đã quên hết tất cả”. Giáo trình, cách dạy, cách ra đề thi và từ đó cách học nhồi sọ trong xã hội ta hiện nay không những phản khoa học, mà còn phản hiệu quả. Khi người học không có cơ hội phản biện, không được khuyến khích tìm hiểu đến nơi đến chốn thì sẽ không hiểu, không hiểu thì sẽ không biết, không biết thì sẽ không nhớ.

Giá trị cụ thể của một xã hội có nhân tố tốt là gì?

Là sự ổn định xã hội từ ý thức tự trọng và tương kính [nhờ mọi người có cái nghĩa và biết lễ], là sự kết hợp hài hòa giữa người với người, giữa người với hệ thống, giữa xã hội và môi trường thiên nhiên, đưa đến kết quả tối ưu trong tất cả các giao dịch xã hội, kinh tế, chính trị [nhờ mọi người có cái trí và cái tín].

Xã hội Nhật Bản là hình ảnh cụ thể của một nền giáo dục tốt. Người Nhật hiểu và hành Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nên dù họ không được đánh giá là dân tộc có tính sáng tạo cao, nhưng họ vẫn có thể đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội lớn lao và có một xã hội văn minh, có văn hóa hàng đầu thế giới.

Gíao dục để thành tài

Đó là vấn đề của cái tay. Khi một người đã có văn hóa, biết tôn trọng sự thật và muốn tìm sự thật thì người ấy đã có một tinh thần khoa học, biết nhìn nhận phân tích vấn đề, có một sự chuẩn bị tốt để phát triển bản thân. Phương tiện, khả năng chuyên môn để giải quyết vấn đề chỉ là phần giá trị phụ, vì nếu không có thì cũng có thể đi mua, đi thuê. Thành nhân là đã giải quyết được phần lớn mục đích thành tài.

Với những phương tiện hiện đại của thế giới ngày hôm nay, học để có tài không còn là một thử thách khó khăn, phức tạp như trước nữa. Nguồn thông tin cho bất cứ ngành nghề nào cũng cực kỳ đa dạng, phong phú và dễ dàng tiếp cận. Một sinh viên, kỹ sư có thể ngồi trước máy tính học để học làm được một trái bom nguyên tử mà không hề phải bước chân ra khỏi nhà. Điều kiện thành công của con người đã trở thành định tính nhiều hơn là định lượng. Mức độ thành công chỉ còn tùy thuộc vào hai yếu tố nữa [cũng định tính] là tư duy tổ chức tốt và tính kiên trì.

Vì vậy, tất cả các đại học hàng đầu thế giới hiện nay khi tuyển sinh chỉ dùng số điểm [học bạ, kỳ thi tuyển] với chỉ số 30-50%, phần còn lại là kinh nghiệm hoạt động xã hội [từ thiện, phi lợi nhuận…], thành tích chứng tỏ khả năng lãnh đạo, khả năng rèn luyện thể dục thể thao, nghệ thuật… Đó là họ tìm giá trị của cái Nhân trong tuyển sinh.

Ý thức tư duy đã rõ ràng như thế. Nếu xã hội đã có sự đồng thuận theo mục tiêu của giáo dục thì vấn đề còn lại là tổ chức cho được một hệ thống cấu trúc để đạt được mục tiêu đó. “Đổi mới” luôn là một quá trình đấu tranh nhọc nhằn để từ bỏ những thói quen, cách sống, cách suy nghĩ, cách làm việc chưa hợp lý. Nhưng xã hội cần phải có một sự lựa chọn dứt khoát để nắm bắt cơ hội thăng tiến, hội nhập thành công vào nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI.

Nguồn: TRẦN SĨ CHƯƠNG Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 

Muốn làm nên sự nghiệp thì trước hết phải biết làm người

Cổ ngữ có câu nói rằng: “Muốn làm nên sự nghiệp thì trước hết phải biết làm người”. Vậy làm người như thế nào? Con người cần phải có những tố chất nào để trở thành ‘Con Người’ chân chính, làm nền tảng cho thành công, thành tựu sự nghiệp? Người xưa đã đúc kết ra một số phép tắc cơ bản rất đáng để chúng ta tham khảo.

Khổng Tử có nói rằng: “Con người mà không có chữ Tín thì không biết anh ta làm thế nào mà lập thân xử thế, có chỗ đứng trong xã hội được. Như xe to không càng, xe nhỏ không đòn, làm sao mà đi được?”. [Nguyên văn: Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?]

Tăng Tử người nước Lỗ là học trò xuất sắc của Khổng Tử, có nhiều cống hiến hoằng dương Nho học. Một hôm vợ ông đi chợ, con trai nhỏ khóc đòi theo đi, thế là bà liền nói dỗ con: “Con ở nhà, đợi mẹ đi chợ về mổ lợn cho con ăn”. Khi bà đi chợ về, Tăng Tử bắt lợn thịt. Vợ ông thấy vậy vội ngăn lại: “Tôi chỉ nói đùa để dỗ dành con thôi, sao ông lại tưởng thật?”.

Chuyện Tăng Tử giết lợn. [Ảnh minh họa: Angie/EpochTimes]

Tăng Tử nói: “Không thể nói chơi với trẻ con được. Trẻ con chưa có khả năng suy xét phán đoán, do đó cha mẹ phải dạy bảo, và nghe theo cha mẹ dạy dỗ. Hôm nay bà nói dối lừa nó, chính là dạy nó lừa dối người khác. Mẹ lừa dối con thì con sẽ không tin vào mẹ nữa. Thế thì sao có thể dạy con thành chính nhân quân tử được”.

Trong Luận Ngữ có viết: “Người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính anh chị, mà lại thích phạm thượng, chống đối cấp trên, thì rất ít. Người không phạm thượng, chống đối cấp trên mà lại thích tạo phản thì xưa nay chưa từng có. Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân”.

Vua Thuấn khi còn nhỏ, cha ông vừa mù vừa điếc, lại vô cùng nóng nảy. Mẹ ông mất sớm, cha ông lấy vợ kế sinh được em trai kế là Tượng. Mẹ kế là người nhỏ nhen ích kỷ, thường nói xấu Thuấn với cha, nên Thuấn thường bị cha đánh mắng.

Lòng hiếu thảo của Ngu Thuấn làm cảm động trời đất. [Ảnh minh họa qua sohu.com] /p>

Nhưng Thuấn là người con đại hiếu, vẫn ân cần hiếu thuận với cha mẹ, nhường nhịn em. Tuy nhiên, mẹ kế vẫn sợ Thuấn được kế thừa một nửa gia nghiệp, nên nghĩ kế hãm hại Thuấn hết lần này đến lần khác.

Thuấn lớn lên trong mắng chửi đánh đập của cha, trong ghen ghét, hãm hại của mẹ kế và em trai, nhưng Thuấn vẫn không hề có chút tâm oán hận họ, cũng chẳng để tâm đến lời nói hành vi độc ác của họ đối với mình.

Đức hạnh hiếu thảo của Thuấn cuối cùng cũng đã khiến mẹ kế và em trai cảm động, cả nhà hòa hợp vui vẻ. Sau này Thuấn được vua Nghiêu nhường ngôi trị vì thiên hạ, và trở thành một Thánh đế nổi tiếng trong lịch sử, gây dựng thái bình thịnh trị đời Nghiêu – Thuấn.

Vua Trần Anh Tông trong bức “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”. [Ảnh: Wikipedia]

Khổng Tử nói: “Lỗi mà không sửa mới thực sự là lỗi vậy” [Nguyên văn: Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ]. Đã là con người, thì ai ai cũng sẽ liên tiếp mắc lỗi. Người thông minh là biết tiếp thu ý kiến người khác, thừa nhận cái sai của mình, như thế họ sẽ không ngừng thăng tiến về phẩm đức và trí tuệ.

Một vị vua anh minh trong lịch sử nước ta là Trần Anh Tông, ông tên là Trần Thuyên, là con cả của vua Trần Nhân Tông. Thuở thiếu thời ông buông thả, phóng túng, tụ tập bạn bè rượu chè tiệc tùng chơi bời. Được vua cha dạy bảo, ông hối lỗi, quyết tâm khắc kỷ phục lễ, tu sửa mình. Sau này ông được vua cha truyền ngôi, tự xưng là Anh Hoàng. Ông đã trở thành vị vua anh minh sáng suốt, biết trọng dụng người tài. Thời ông trị vì, nước Đại Việt đã phát triển rực rỡ, mở mang bờ cõi về phía nam. Ông cũng là người tôn sùng Phật giáo, và là một thi nhân tài hoa.

Mạnh Tử nói: “Nam nhi đại trượng phu dù sống trong cảnh giàu sang phú quý mà tâm trí không mê loạn, trong cảnh nghèo hèn cũng không làm tiết tháo thay đổi, bị người dùng vũ lực đe dọa uy hiếp nhưng không thể khuất phục được”.

Hoa Hùng là đại tướng của Đổng Trác liên tiếp trảm liền mấy viên tướng của liên quân, khi các tướng của các chư hầu đều run sợ thì Quan Vũ vươn mình bước ra, trảm Hoa Hùng khi chén rượu vẫn còn nóng. Trong trận chiến Tương thành, Phàn thành, Quan Vũ dẫn nước nhấn chìm 7 cánh quân, bắt sống Vu Cấm, trảm Bàng Đức, uy chấn Hoa Hạ. Sau này vì Đông Ngô đột kích, Ngô Ngụy giáp công, Quan Vũ bại trận chạy đến Mạch thành. Sau khi bị bắt, cha con Quan Vũ khảng khái chết vì nghĩa. Đây chính là “vũ lực đe dọa uy hiếp nhưng không thể khuất phục được” [Uy vũ bất năng khuất].

Quan Vũ trảm Hoa Hùng. [Ảnh minh hoạ: EpochTimes]

Có câu: “Người quân tử kết giao đạm bạc như nước”. Người bạn có phẩm chất như nước thì không nhiệt liệt, không sôi động, không phô trương, làm việc thiện mà không muốn người khác biết, cứ lặng lẽ âm thầm. Người bạn như nước khiến người ta có cảm giác không phụ thuộc nhưng lại không thể rời xa. Bằng hữu chân chính là người có thể vui buồn có nhau, đồng cam cộng khổ, cùng chung hoạn nạn. Nhưng lúc bình thường thì mối quan hệ giữa họ nhạt nhạt, nhẹ nhàng, thanh đạm như nước vậy.

Đó là tình bạn giống như mối quan hệ giữa Quan Vũ và Lưu Bị. Kết nghĩa vườn đào, thề cùng sinh tử, Quan Vũ là em, là trợ thủ đồng thời cũng là tri kỷ của Lưu Bị. Ở dưới trướng Tào Tháo, dù hưởng vinh hoa phú quý, bạc vàng mỹ nữ, được ấn phong hầu nhưng Quan Vũ trước sau vẫn một lòng hướng về Lưu Bị khi ấy cũng đang phiêu dạt bốn bể, tay trắng dựng nghiệp. Sau, nghe tin Lưu Bị đang ở chỗ Viên Thiệu, Quan Vũ cưỡi Xích Thố không quản ngày đêm vượt nghìn dặm tìm về.

Kết nghĩa vườn Đào, cùng thề sinh tử của ba anh em: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. [Ảnh qua kknews.cc]

Một người có tấm lòng khoan dung thì nội tâm tự nhiên sẽ yên tĩnh bình hòa. Khoan dung và tha thứ cho người khác thực ra cũng chính là bao dung cho bản thân mình.

Liêm Pha là một vị danh tướng của nước Triệu, đã từng lập rất nhiều công lao to lớn. Liêm Pha rất không phục, bất bình khi Lạn Tương Như được phong tước cao hơn mình và công khai thách thức Tương Như. Chính vì vậy mà Lạn Tương Như thường xuyên tránh mặt Liêm Pha, thậm chí ngay cả trong những buổi thiết triều.

Tùy tùng của Lạn Tương Như cho rằng ông nhu nhược và muốn rời bỏ ông. Lạn Tương Như biết chuyện bèn nói với họ: “Ta nghĩ rằng nước Tần hùng mạnh nhưng lại không đem binh đánh nước Triệu vì văn thần có ta, võ tướng có Liêm Pha. Nếu như hai hổ tranh đấu tất sẽ có một con bị thương, Tần quốc biết được sẽ nhân cơ hội này mà mang quân đến xâm lược. Quốc gia mất, nếu so với đắc thất của cá nhân ta thì còn quan trọng hơn nhiều, do đó ta không nhẫn không được”.

Liêm Pha khi nghe được chuyện này thì vô cùng xấu hổ, nên tự cầm theo roi đến quỳ tạ tội trước Lạn Tương Như. Hai người sau đó trở thành bạn tri âm tri kỷ, cùng nhau giúp vua nước Triệu giữ vững giang sơn xã tắc.

Liêm Pha tự cầm theo roi đến quỳ tạ tội trước Lạn Tương Như. [Ảnh minh hoạ: EpochTimes]

***

Người thời nay nôn nóng thành công, muốn làm giàu sau một đêm, muốn một bước lên trời nên đã đi những con ‘đường tắt’ như quan hệ ‘cửa sau’, mua quan bán chức, tham nhũng hối lộ, lừa đảo giả dối, thậm chí qua các con đường buôn gian bán lận, cờ bạc đỏ đen, buôn bán ma túy, cho vay nặng lãi. Nhiều trường hợp thậm tệ hơn còn đi trộm cắp cướp giật, cướp của giết người, thuê giết người giành giật mối làm ăn… Do đó đã hình thành tội phạm có tổ chức, xã hội đen, băng nhóm, thậm chí có cả những người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan công quyền.

Nhưng ‘dục tốc bất đạt’, những con ‘đường tắt’ đó có thể mau chóng giúp một số người ‘thành công’, nhưng ‘bất thành nhân’, không đủ tiêu chuẩn làm người. Chính vì thế mà bị hủy hoại sự nghiệp, thậm chí tù đày, mất mạng, để lại tiếng xấu muôn đời.

Nguyễn Thái Học, người khởi xướng Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 đã nói rằng: “Không thành công cũng thành nhân”. Do đó có thể thấy, làm người, thành nhân quan trọng như thế nào, dẫu không thành sự nghiệp thì cũng đã nên người, đã thành nhân, tiếng thơm lưu truyền sử sách.

Thế nên: Muốn thành đại sự hãy thành Nhân,Học cách làm người của cổ nhân.Thành công vốn chẳng con đường tắt,

Thượng sách dưỡng Đức với tu Tâm.

Một số người có tài ăn nói hùng biện, miệng lưỡi sắc sảo, tư duy nhạy bén, phong thái hoạt bát, lối ví von dí dỏm, kiến thức cũng khá rộng, có thể thao thao bất tuyệt về bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, cần phải xem hành động việc làm của họ thì mới đánh giá đúng con người họ.

Giữa triều đình bá quan văn võ Đông Ngô, nơi địa linh nhân kiệt, nhân tài vô số, Khổng Minh vẫn ung dung biện luận sắc bén, một mình đối địch quần hùng, khiến quân thần Đông Ngô phải tâm phục khẩu phục. Đó chính là người có tài ăn nói và cũng là người chân tài thực học.

Khi Tư Mã Ý dẫn quân đánh Thục, thế lực quân Ngụy lúc này rất mạnh mà Thục lại suy yếu, Gia Cát Lượng tìm mãi không thấy ai vừa ý để trấn giữ nơi xung yếu là Nhai Đình. Mã Tốc xin đi, Gia Cát Lượng vẫn băn khoăn chưa quyết, Tốc nói: “Tôi làu thuộc binh thư từ nhỏ lại cũng biết phép dùng binh, lẽ nào không giữ nổi một chỗ như Nhai Đình”.

Mã Tốc không nghe lời khuyên của Vương Bình dẫn đến bại trận sau đó bị chém đầu. [Ảnh minh hoạ]

Không còn người nào khác, Khổng Minh đành đồng ý, và cho Vương Bình đi theo, dặn Tốc rằng bất kỳ việc gì cũng phải bàn với Bình.

Đến Nhai Đình, Mã Tốc lệnh quân lính chặt cây đóng quân trên núi, Bình can rằng: “Đóng trại giữa đường đi, đào hào đắp lũy chấn ngang thì quân giặc dẫu có 10 vạn cũng không thoát qua lọt. Nhược bằng bỏ ngã năm xung yếu này mà lên núi đóng đồn, nếu quân Ngụy ào đến bủa vây bốn mặt thì chống đỡ làm sao?”

Mã Tốc cười ha hả rồi nói rằng: “Ngươi liệu tính không khác gì đàn bà! Binh pháp có dạy: “Từ trên cao nhìn xuống, đánh địch dễ như chẻ tre”. Nếu quân Ngụy đến đây, ta sẽ đánh cho không còn mảnh giáp”.

Cuối cùng quân Thục bị đánh tan tác, Mã Tốc được Vương Bình, Ngụy Diên ứng cứu mới chạy thoát. Cũng từ đây, nước Thục suy vi, mở đầu cho quá trình diệt vong.

Gia Cát Lượng gạt nước mắt khi xuống lệnh trảm Mã Tốc.

Quỷ Cốc Tử là một đạo sỹ ẩn cư, nhưng tài năng của ông thì được người đời mấy ngàn năm kính phục. Bốn đệ tử thế tục của ông là Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Trương Nghi, Tô Tần đã tung hoành khắp cõi Trung Hoa thời Chiến Quốc. Chỉ mấy câu trong thiên “Quyền biến” đã cho thấy trí tuệ siêu phàm của ông trong đối nhân xử thế:

Quỷ Cốc Tử. [Ảnh minh họa qua kknews.cc]

Khiêm hạ không tự cho mình là nhất, là cao thì mới có thể đặt mình vào vị trí người khác mà suy nghĩ vấn đề, từ đó có được lựa chọn sáng suốt.

George Bernard Shaw [26 tháng 7 năm 1856 – 2 tháng 11 năm 1950] là nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1925. [Ảnh: reddit.com]

George Bernard Shaw, nhà văn nổi tiếng người Anh, một hôm nhàn rỗi đã ra ngoài đi dạo. Ông tình cờ gặp một bé gái tên là Mary, hai người đã cùng nhau đi dạo, nói chuyện cả một buổi chiều cho đến khi trời tối mới quay về. Trước khi chia tay, nhà văn nổi tiếng nói với cô bé: “Khi về nhà, con hãy nói với mẹ rằng chiều nay con đã đi chơi với George Bernard Shaw”.

Thật bất ngờ, cô bé nghe xong bèn đáp lại: “Ngài về nhà cũng hãy nói với mẹ ngài rằng chiều nay đã đi chơi với Mary cả buổi nhé!”.

Câu nói của cô bé khiến ông giật mình, suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng cũng ngộ được ra chân lý ‘làm người dù thành đạt thế nào vẫn cần khiêm hạ’. Sau này George Bernard Shaw trong một buổi thuyết giảng đã nói rằng: “Làm người thì đừng bao giờ quá đề cao bản thân mình”.

[Nguyên văn: Đạo bất đồng bất tương vi mưu].

Mỗi người có chí hướng riêng, và chỉ người cùng chí hướng mới có thể hiểu, mới có thể cùng đàm đạo, mưu sự được. Người không cùng chí hướng, không cùng tầng thứ thì mãi mãi sẽ không thể nào hiểu nổi.

Lý Bạch. [Ảnh minh hoạ: Epoch Times]

Lý Bạch từng vào cung vua, làm thượng khách của Đường Minh Hoàng, lại được Dương Quý Phi vô cùng mến mộ. Thế nhưng cuộc sống cung đình thực là ngột ngạt, chốn gai góc cũng không phải là nơi chim loan, chim phượng đậu. Không lâu sau, Lý Bạch từ giã Đường Minh Hoàng. Vua tặng cho biết bao vàng bạc ông cũng không cầm một nén. Vậy là Lý Bạch lại tiếp tục chống kiếm lên đường, ngao du bốn biển như loài chim Bằng ngạo nghễ, khí phách:

“Chẳng bao lâu, con chim hiếm gặp Đại Bằng, nói: “Đại Bằng vĩ đại thay! Thật là thỏa chí. Cánh phải của tôi che kín cực Tây, cánh trái phủ kín cõi Đông, vượt qua đất lớn, bay lượn vòm trời, lấy mơ hồ làm tổ, lấy hư vô làm chỗ chơi. Tôi mời anh du ngoạn, tôi với anh cùng bay”. Đại Bằng đồng ý, vui vẻ đi cùng. Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu mà cười chê”.

Con người sống trong xã hội, chịu ước thúc của vô số mối quan hệ, thế nên ắt sẽ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp, thậm chí đối nghịch, đối đầu. Người hiểu đạo đối nhân xử thế là người khéo dung hòa các mối quan hệ, lợi ích, đạt đến trạng thái cân bằng. Nói theo cách hiện đại thì chính là người giỏi dùng năng lượng tích cực xử lý các mối quan hệ.

Mạnh Tử nói: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa.

Hòa thuận với chính mình, xem nhẹ danh lợi, được mất, tâm bình hòa, an định.

Hòa thuận với người, chân thành với nhau, tình cảm tự nhiên sâu đậm.

Vợ chồng hòa thuận với nhau, “tôn trọng nhau như khách”, gia đình êm ấm.

Cả nhà hòa thuận, trên dưới hưng vượng, phúc khí dồi dào, sự nghiệp hanh thông.

Người trong thiên hạ hòa thuận với nhau, phúc lành may mắn khắp đất trời.

Nhân gian hòa vi quý, đất đá biến thành vàng. Trong lòng một chữ Hòa, đi khắp thế gian không trở ngại, góc bể chân trời đều là người thân.

“Dĩ hòa vi quý”, trong lòng một chữ Hòa, đi khắp thế gian không trở ngại, góc bể chân trời đều là người thân… [Ảnh: thetupian.com]

Giữ tâm thái cân bằng, thủ trung để đạt được hòa hợp cao nhất

[Nguyên văn: Chấp trung chí hòa].

Đây chính là thái độ làm người trung dung. Tư tưởng “Trung dung” của Nho gia dạy con người giữ thái độ trong đối nhân xử thế như sau:

“Cho nên người quân tử thận trọng khi ở một mình.

Mừng, giận, sầu, vui chưa phát ra gọi là Trung

Phát ra có tiết chế, theo quy luật gọi là Hòa

Trung là cái gốc lớn trong thiên hạ

Hòa là chỗ đạt Đạo đến cùng cực của Trung

Hòa trời đất an định vạn vật được dưỡng nuôi”.

Khi Khổng Tử đi chu du liệt quốc, đến vùng đất giáp ranh giữa nước Trần và nước Thái thì gặp cảnh khó khăn không còn lương thực. Mấy thầy trò bị bỏ đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Thế nhưng ông vẫn điềm nhiên ngồi trước nhà gảy đàn ca hát.

Học trò của ông là Tử Lộ thấy vậy mới thưa: “Lúc này phu tử vẫn có thể ca hát, lẽ nào đây cũng là yêu cầu của lễ hay sao?”. Khổng Tử nghe vậy không trả lời ngay mà đợi sau khi chơi hết bản nhạc mới đáp: “Tử Lộ à! Trong tình cảnh này người quân tử gảy đàn chơi nhạc là để khiến cho tâm mình không kiêu ngạo phóng túng, còn tiểu nhân chơi nhạc là che giấu nỗi sợ hãi của mình. Con đi theo ta lẽ nào lại còn không hiểu tình cảnh của ta sao?”. Tử Lộ nghe nói xong mới bắt đầu bình tâm xuống.

Khổng Tử.

Vừa đúng lúc này gió nhè nhẹ đưa đến hương thơm thoang thoảng, Khổng Tử theo hướng hương thơm truyền lại mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi thâm sâu tịch cốc phát hiện một nhành lan rừng đang nở, hương thơm dịu mát, lặng lẽ lan toả khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Hoa lan trong tịch cốc, không phải vì không có người mà nó không đơm hoa toả hương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi bản chất của mình. Giống như người quân tử thanh tao, chính trực, kiên cường, họ là quân tử chân chính!”

***

Người lập nghiệp thì trước tiên cần phải nuôi dưỡng cho mình chí hướng, chí hướng cao xa đến đâu thì sự nghiệp lớn đến đó. Tuy nhiên cũng dễ rơi vào “bẫy” là ‘chí quá cao, mà tay quá thấp’: mục tiêu quá cao, đánh giá quá cao khả năng bản thân mình, mà kiêu căng không khiêm tốn học hỏi người khác, dẫn đến thất bại thảm hại, thậm chí mất mạng.

Có chí hướng rồi, có khả năng rồi vẫn còn phải rèn luyện một tâm thái bình tĩnh dung hòa, thì trước thiên biến vạn biến của thế cuộc mới không bị loạn động.

Sự nghiệp càng lớn càng cần nhiều người góp sức, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thế nên, có thể hài hòa với tất cả mọi người, hội tụ sức mạnh của mọi người thì chính là người đã nắm bí quyết thành công.

Trong cuộc sống và sự nghiệp khó tránh khỏi phải đối diện với những lời đồn thổi. Người có tầm nhìn thoáng đạt sẽ không để lời đồn thổi ảnh hưởng đến mình, nhưng nếu có tin đồn, thêu dệt ác ý cố tình hãm hại mình, hoặc làm tổn hại đến uy tín, sự nghiệp của mình thì xử trí thế nào? Nhất là lời nói dối trá đó lại được kẻ đại ác, đại xảo trá, lại giỏi hùng biện tạo ra thì quả là không dễ đường xử lý.

Khi gặp trường hợp này thì hãy tìm đến một bậc có trí tuệ uyên bác, có đức hạnh xử lý giúp, vì chỉ họ mới đủ khả năng đủ tài trí và đức độ để vạch rõ trắng đen, lập lại kỷ cương.

Khi Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão, Tử Cống không hài lòng chất vấn Khổng Tử: “Thiếu Chính Mão là người hiển đạt nước Lỗ, Phu tử mới bắt đầu làm chính trị đã giết ông ta, phải chăng là không được thỏa đáng?”

[Ảnh minh họa: sadibey.com]

Khổng Tử nói:

“Kẻ đại ác có 5 loại, những kẻ trộm cướp lớn nhỏ đều không nằm trong số ấy.

Thứ nhất là: Tâm thông đạt mà nham hiểm.

Thứ hai là: Hành sự quái dị lại ngoan cố.

Thứ ba là: Nói giả dối lại ngụy biện.

Thứ tư là: Ghi nhớ những cái xấu ác lại biết nhiều.

Thứ năm là: Tán đồng những sai trái và tô vẽ chúng lên.

Trong 5 loại đại ác này, chỉ cần có một loại trong đó là cần phải xử tử rồi, mà Thiếu Chính Mão lại có đủ 5 loại đại ác đó. Do đó ông ta đến đâu cũng có thể tụ tập bè cánh đông đảo, gieo rắc tà thuyết mê hoặc lòng người, bài xích chính Đạo, lấy tà làm chính, mà lại có thể biện giải được thuyết của hắn. Đây là kẻ kiệt hùng trong đám tiểu nhân, không thể không giết”.

Người mưu sự nghiệp thì đều lấy chữ tín làm đầu, nhất là đối với người kinh doanh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh thay đổi, hoặc do một phút hưng phấn, có thể có những quyết định không lý trí, đã nói ra rồi thì làm thế nào? Giữ chữ tín làm đến cùng bất chấp rủi ro cá nhân hay xin lỗi lỡ lời?

Năm 1898, ở một quán rượu bên sông Rohne nước Pháp, ông chủ Doland tình cờ gặp hai anh em du khách người Anh. Họ cùng nhau uống rượu vui vẻ. Rượu ngà ngà, họ có làm cam kết như sau: “Ông chủ Doland bỏ ra 1.000 franc giúp anh em nhà Gaino mở xưởng bánh mì, sau khi xưởng đi vào sản xuất, mỗi tuần anh em nhà Gaino phải cung cấp miễn phí cho ông chủ Doland 50 pound [khoảng 22 kg] các loại bánh ngọt”.

Mọi người ai cũng cho rằng ông chủ Doland do men rượu mới cam kết ‘lạ đời’ ‘vung tiền qua cửa sổ’ như thế này.

Thế nhưng đến tận ngày nay, sau hơn 100 năm trôi qua, công ty bánh mì anh em Gaino là một trong những nhà cung cấp bánh mì, sản xuất mấy trăm loại bánh mì, bánh ngọt lớn nhất miền nam nước Pháp. Mà hiện nay, công ty Gaino vẫn tuân thủ thỏa ước đã ký kết năm xưa, mỗi tuần đều cung cấp miễn phí bánh ngọt lên tới vạn pound [khoảng 4,5 tấn] cho một nhà cung cấp đồ ăn Tây do hậu duệ của ông chủ Doland kinh doanh.

Một cam kết lúc rượu hưng phấn, cũng chẳng có thời hạn, mà ông chủ Doland và con cháu 2 du khách người Anh kia đều nghiêm túc thực hiện hơn 100 năm nay. Đây là thương vụ kinh doanh mà cả 2 bên đều lãi lớn, tuy có vẻ như ‘bị thiệt’ nhưng họ lại giành được ‘chữ tín’ được giới thương nhân kính trọng nên kinh doanh rất phát đạt.

Một cam kết lúc rượu hưng phấn, mà con cháu 2 du khách người Anh và ông chủ Doland đều nghiêm túc thực hiện hơn 100 năm nay. [Ảnh minh họa: DKN]

Trong cuộc sống trăm công nghìn việc, xử lý công việc thế nào tốt hơn? Trước một sự việc thường có 2 cách làm: Một là dốc sức mau chóng làm xong việc này rồi còn làm việc khác, hoặc mau chóng thấy có được kết quả; Cách thứ 2 là cứ tuần tự theo trình tự làm bước nào chắc bước ấy, đến cuối mới thấy được kết quả. Vậy cách nào có hiệu quả hơn?

Có một lần, học trò của Khổng Tử là Tử Hạ được phái đến một địa phương của nước Lỗ để làm quan. Trước khi đi, Tử Hạ đến thăm hỏi Khổng Tử và thỉnh giáo ông về việc cai trị.

Tử Hạ hỏi: “Thưa thầy! Con xin hỏi thầy, làm thế nào để cai quản tốt một địa phương?”.

Khổng Tử trả lời: “Chớ muốn mau chóng, chớ nhìn cái lợi nhỏ. Muốn mau chóng thì không đạt, nhìn cái lợi nhỏ thì việc lớn không thành”.

Câu nói của Khổng Tử chính là, làm một việc gì đừng mong cầu mau chóng, đừng ham muốn cái lợi nhỏ. Làm việc mà cầu mau chóng thì sẽ không thành công, không đạt được mục tiêu. Người ham muốn cái lợi nhỏ thì sẽ không làm thành được sự nghiệp lớn.

Hiện nay nhiều người làm việc cho người khác, cho ông chủ, công ty thì chỉ làm vừa sức, vừa mức đạt được là được rồi, còn việc của mình thì mới dốc hết tâm sức. Cũng có người thì khi có người khác hoặc lãnh đạo có mặt thì toàn tâm toàn sức làm, nhưng khi không có ai thì lại làm qua quýt cho xong hoặc trốn việc.

Nghề nghiệp có thể tạo nên vị thế cho một người, nhưng thái độ đối với công việc, trách nhiệm đối với người khác mới tạo lên phẩm cách và giá trị của con người.

Tăng Tử nói rằng: “Mỗi ngày phải ba lần tự kiểm điểm bản thân, xem có hết sức mà làm những việc người ta giao phó hoặc nhờ cậy không? Có giữ được sự tín nghĩa với bạn bè hay không? Có ôn tập những gì mà thầy đã dạy không?”

[Nguyên văn: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?]

Nghề nghiệp có thể tạo nên vị thế cho một người, nhưng thái độ và trách nhiệm mới tạo lên phẩm cách và giá trị của con người. [Ảnh minh họa: Epoch Times]

Tấm gương lớn nhất có được sự nghiệp thành công vĩ đại nhờ sửa mình chính là vua Thuấn.

Mẹ Ngu Thuấn không may qua đời từ khi Thuấn còn nhỏ tuổi. Sau đó phụ thân tái hôn, mẹ kế là một người không có đức, sinh em trai là Tượng. Cha Thuấn không những chỉ yêu thương mẹ kế và em trai, ba người họ lại còn thường liên kết lại ức hiếp Thuấn.

Nhưng đối với cha mẹ, Thuấn vẫn luôn luôn vô cùng hiếu thuận. Mặc dù phụ thân, mẹ kế và em trai đều coi Thuấn như cái gai trong mắt, muốn trừ bỏ, nhưng Thuấn vẫn cung kính hiếu thuận cha mẹ, yêu thương em trai, dốc hết sức mình làm cho gia đình hòa thuận êm ấm, cùng hưởng niềm vui gia đình với họ.

Vua Thuấn. [Ảnh: Wikipedia]

Khi còn nhỏ, Thuấn bị cha mẹ mắng mỏ, suy nghĩ đầu tiên trong tâm là: “Nhất định là mình có chỗ nào làm không tốt mới khiến cha mẹ tức giận”. Thế là ông càng cẩn thận kiểm điểm lại lời nói việc làm của mình, nghĩ cách để cha mẹ vui. Khi bị em trai ức hiếp vô lý, Thuấn không những không vì thế mà phẫn nộ, trái lại ông cho rằng là do ông chưa làm được tấm gương tốt mới khiến đức hạnh em trai có những khiếm khuyết. Ông thường xuyên tự khiển trách mình sâu sắc, có lúc thậm chí còn chạy ra cánh đồng khóc lớn, tự hỏi tại sao mình không thể làm được tận thiện tận mỹ, để cha mẹ vui lòng. Mọi người thấy ông nhỏ tuổi đã có thể hiếu thuận hiểu biết như vậy, không ai không cảm động sâu sắc.

Nhờ khéo tự sửa mình, Thuấn đã trở thành người nổi tiếng hiền năng đức hạnh, được mọi người tiến cử với vua Nghiêu, sau còn được vua Nghiêu nhường ngôi cho.

Thế nên có câu thơ rằng:

Chữ tín đã nói là phải làm,Món lợi trước mắt chớ có ham.Làm việc cho người trung trên hết,

Sửa người trước hết hãy sửa mình.

Nam Phương
Nguồn: dkn.tv

Video liên quan

Chủ Đề