Sông bạch hạc ở đâu

Cứ đến dịp cuối năm, người dân khắp cả nước lại đổ về ngã ba sông Bạch Hạc (phường Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ) như trẩy hội. Họ về lấy cho bằng được "nước thiêng" để làm những công việc trọng đại của đời người. Thế nhưng tục lệ tốt đẹp ngàn đời nay đang có nguy cơ biến tướng thành loại hình dịch vụ, làm mất đi truyền thống tốt đẹp.

Một phong tục lâu đời

Theo truyền thuyết, từ thuở hồng hoang, Lạc Long Quân từ trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phương Nam nhận thấy ba con sông hợp lưu tạo thành bãi phù sa trù phú. Nơi ấy có cả bầy chim hạc đậu trắng một vùng đẹp tựa thiên nga, ngài quyết định gọi nơi ấy là Bạch Hạc.

Đó là ngã ba của con sông Hồng đỏ nặng phù sa, dòng sông Lô hùng vĩ và con sông Đà ngắt xanh. Vì là điểm giao nhau đặc biệt của tam giang mà nước ở đây có một màu rất đặc biệt, huyền bí.

Quan niệm từ xa xưa cho rằng, nơi ngã ba sông sẽ tạo thành một nguồn nước linh thiêng, sự kết hợp của âm - dương. "Nước thiêng" ở đây có đủ vị ngọt - mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào tạo nên thế "tụ nhân - tụ thủy".

Sông bạch hạc ở đâu
Rất nhiều quán bán nước, bán can mọc lên ở hai bên bờ sông.

Nước ở đây được người dân sử dụng vào những việc trọng đại như tắm rửa cho người đã chết khi khâm liệm, cải táng mồ mả, làm móng xây nhà, đền hoàn thổ công…

Người đến đây lấy nước phải dùng một chiếc thuyền nhỏ, nhẹ nhàng ra ngã ba sông để tránh làm kinh động đất trời, nước phải được lấy vào lúc nửa đêm, đó là thời khắc đất trời giao hòa mới linh nghiệm.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến ngã ba Bạch Hạc để mục sở thị nơi nổi tiếng đẹp, đầy màu sắc huyền bí này. Dù nhiều người từ khắp nơi đổ về xin nước nhưng bến đò Tam Giang lúc nào cũng đẹp.

Đêm xuống, ánh trăng khuyết tựa như con thuyền len lỏi vào những đám mây mờ đục đổ xuống dòng sông đen đặc càng làm nơi đây lung linh, huyền ảo. Những người trên thuyền bắt đầu nhỏ to, rầm rì những câu chuyện không đầu cuối để phá tan đi cái lạnh lúc nửa đêm.

Chỉ cần nghe thôi cũng biết họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, ai nấy cũng đóng góp một vài câu chuyện để minh chứng cho sự linh thiêng của ngã ba sông này. Chị Nguyễn thị Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) tỏ ra hào hứng khi nhắc đến nước thiêng.

Chị kể: "Ngày trước cô bạn cùng cơ quan chị làm nhà có lên đây xin nước thiêng, từ ngày đó làm ăn gặp lắm". Thế là mọi người truyền tai nhau, cứ như thông lệ hễ ai có công việc quan trọng là lên xin nước thiêng để làm lễ.

Chị Hồng thêm lời: "Lần này chị mang cả 10 can 20 lít lên xin các ngài về, nước này sẽ dùng để làm lễ đào móng, đổ trần, đổ mái rồi lễ tân gia, bằng này sợ còn chưa đủ". Chi phí cho một cuộc đi xin "nước thiêng" của chị Hồng cũng phải tốn ngót 10 triệu đồng.

Còn những người dân địa phương, lâu nay họ đã coi việc lấy "nước thiêng" là việc không thể thiếu. Khi gia đình có người quá cố, cải táng thì dù có nghèo khó đến đâu cũng phải lấy cho kỳ được nước ở ngã ba Bạch Hạc. Dùng nước này đun sôi, cho thêm hồi quế để tắm rửa cho người đã mất thì linh hồn mới được mát mẻ và siêu thoát. Khi đó, con cháu mới tròn được đạo hiếu.

Ông Minh (Phù Ninh, Phú Thọ), người cũng đi xin "nước thiêng" tâm sự: "Tôi cũng đi xin nước về để dự trữ, thực là bố tôi ở nhà cũng đã yếu quá rồi. Lấy về để đó, phòng khi ông mất, nhỡ đâu ông mất vào đúng những ngày Tết thì còn có nước mà dùng. Chắc chắn tôi cũng phải ra đây thêm 1 lần nữa, đó là khi cải táng ông. Dùng nước này để tắm rửa hài cốt lúc đó con cái mới gọi là hoàn thành trách nhiệm với cha mẹ. "Nước thiêng sẽ tẩy rửa bụi trần để người đã mất mát mẻ, con cái mới ăn nên làm ra".

Sông bạch hạc ở đâu
Truyền thống tốt đẹp sẽ bị biến tướng bởi các dịch vụ phát sinh.

"Nước thiêng" ở ngã ba Bạch Hạc không chỉ dùng vào những việc đại sự, mà người ta tin là khi dùng sẽ tốt cho sức khỏe.

Bác Ngô Đức Mạn (60 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình) nói với giọng đầy thành kính: "Cứ mỗi khi trái gió trở trời, người tôi đau mỏi khủng khiếp. Uống thuốc gì cũng không đỡ, từ ngày đi xin nước ở đây về uống thấy người nhẹ nhõm, thanh thản hơn nhiều. Lần này tôi lên đây xin vài chục lít về uống dần".

Nói đến đây ông lái đò tên Thắng thêm lời: "Tôi mới chở một ông tận Hà Tĩnh lên đây xin nước về sang cát cho mẹ. Ông ấy cẩn thận lắm, lên trước từ mấy hôm, chọn ngày tốt, giờ đẹp mới ra xin. Ông ấy bảo làm thế mới linh nghiệm".

Thuyền đã đậu nơi ngã ba sông, giờ cũng đã điểm. Sau khi làm lễ, ai nấy dùng can múc cho kỳ được nước thiêng, nét mặt mọi người tỏ ra thành kính nhưng cũng không giấu được vẻ hỉ hả.

Có nguy cơ biến tướng

Khi mà dòng người đổ về đây xin "nước thiêng" ngày một đông, nhiều người đã lo ngại về phong tục đẹp này sẽ bị lợi dụng, mai một chẳng phải không có lý.

Cụ Trần Văn Thân, 75 tuổi thủ từ đền Tam Giang trải lòng: "Đó là phong tục tốt đẹp của địa phương chúng tôi. Nước thiêng hay không là ở lòng người thôi. Sống trên đời phải có nhân có nghĩa, phải sống cho có ích với xã hội. Chứ đừng có để khi nhắm mắt xuôi tay mới lo lấy "nước thiêng" về gột rửa, dù có thiêng cũng chẳng có tác dụng gì cả".

Sông bạch hạc ở đâu
"Nước Thiêng" được dự trữ trong chùa để ban lộc.

 Theo những vị cao niên ở làng Bạch Hạc, tục lấy nước ở ngã ba sông thường chỉ gắn với lễ hội đền Tam Giang vào dịp 25 tháng 9 và mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, còn đền Mẫu Tam Giang thì vào ngày 22 tháng 2 âm lịch. Đây là một nghi thức hết sức tốt đẹp, có từ xa xưa của người Bạch Hạc.

Nghi thức lấy nước rất cầu kỳ, phải có đầy đủ đội tế nam, nữ. Người ta đi thuyền ra ngã ba sông để lấy nước cầu may. Tục xưa là vậy, nhưng ngày nay nước được lấy bất cứ ngày nào, người lấy nước từ khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Cụ Thân lôi cuốn sổ tay ghi họ tên, địa chỉ cụ thể những người từng làm lễ xin nước, cụ nói: "Tín chủ đến đây lấy nước về thờ thì phải có tâm trong sáng, không màng đến vụ lợi, thiêng hay không là ở lòng người mà thôi. Cốt lõi là làm con người được thanh thản sống. Đây này, có rất nhiều người khắp mọi miền về đây xin nước, từ Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Tĩnh… Mỗi người một tâm nguyện".

Chẳng phải kể, từ ngày các nơi đổ về xin nước, đời sống dân vạn chài khấm khá trông thấy. Mỗi chuyến đò đưa khách ra xin nước cũng thu về 4-5 trăm nghìn đồng, có ngày họ đi cả vài chuyến.

Có tháng cao điểm họ đi ngót cả chục chuyến. Chính vì lợi nhuận khủng khiếp mà người dân chuyển dần sang nghề chở khách ra ngã ba sông, cộng với những dịch vụ khác trên bờ.

Dọc hai bên đường dẫn vào đền Tam Giang rất nhiều quán sá mọc lên như nấm. Dịch vụ cho thuê phòng trọ, bán can đựng nước, hương hoa trở nên thịnh vượng. Can nhựa chai lọ được bán với giá gấp đôi thị trường.

Sông bạch hạc ở đâu
Ông Thân cho hay, nước có thiêng hay không là do cách sống của mỗi người.

Đặc biệt hơn nữa, quán nào ở đây cũng có sẵn "nước thiêng" để bán cho khách với giá cắt cổ. Giá cho mỗi can 20 lít không dưới 300 nghìn đồng. Điều lạ là chẳng ai mặc cả, cũng không ai hỏi đó có phải nước lấy chính giữa ngã ba sông hay không?

Một điều đáng lo ngại nữa là việc chở khách đi lại trên sông bằng thuyền nhỏ vào đêm khuya, rạng sáng, trên thuyền lại không có phương tiện cứu sinh. Người lái đò chủ yếu bằng kinh nghiệm, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Rõ ràng ở ngã ba sông, hợp lưu của ba con sông lớn tạo thành những xoáy nước vô cùng nguy hiểm.

Ông Hoàng Anh - Phó Trưởng Công an phường Bạch Hạc, TP Việt Trì cho biết: "Tôi được biết ở ngã ba sông này nhiều năm nay chưa xảy ra tai nạn đường thủy. Các chủ thuyền là người bản địa, có kinh nghiệm sông nước. Trước đây họ đều làm nghề đánh cá, hút cát hoặc vận tải nhỏ đường sông nên rất thông thạo. Tuy nhiên, do lượng người đổ về đây rất nhiền nên lực lượng công an phường đã thường xuyên cắt cử trực liên tục để đảm bảo tình hình an ninh trật tự".

Phong Anh


Ông Nguyễn Mạnh Hà – phó bí thư Đảng ủy phường giới thiệu về phong tục độc đáo của địa phương: “Theo các cụ bô lão trong làng Bạch Hạc xưa kể lại, từ hồi Lạc Long Quân lập nước, trong một lần đi thị sát vùng hợp lưu của 3 con sông, nhìn thấy cảnh trời nước linh thiêng như ngưng tụ nơi này, thỉnh thoảng lại có những đàn chim trắng lớn bay lên, vô cùng thanh bình yên ấm. Người đã gọi vùng này là Bạch Hạc, và cái tên cổ xưa đó được lưu truyền cho tận tới ngày nay…

Ông Hà cũng cho biết thêm, xưa kia theo tục lệ, dân làng ở vùng Bạch Hạc chỉ lấy nước ở ngã ba sông mỗi năm 2 lần vào ngày 25.9 (là ngày hội của đền Tam Giang), và mùng 10.3 âm lịch vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Tục lấy nước theo nghi lễ truyền thống thì người dân sẽ tổ chức bơi chải ra đó, đội lấy nước phải có đồng nam, đồng nữ và làm lễ tế Thổ công, Hà Bá, xin phép được xin nước về dùng vào việc lớn của làng.

Bây giờ tiếng lành về nước thiêng vang xa, và suy nghĩ của đồng bào ta đã hiện đại nhưng vẫn rất coi trọng đời sống tâm linh, nên nhiều gia đình có việc lớn, như dựng nhà, xây mồ mả hay cúng lễ... đã tìm tới ngã ba sông xin nước thiêng về làm lễ, mong được phù hộ độ trì.

Điểm khởi đầu của cuộc hành trình lấy nước là từ phía trước đền Tam Giang, để đến được nơi 3 con sông Hồng, sông Đà, sông Lô hòa quyện vào nhau phải ngược dòng chừng 4 - 5 cây số nữa. Đây chính là điểm “giang sơn quy về một mối” của vùng đất Tổ. Nước thiêng ở đây có đủ vị ngọt - mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào tạo nên thế đất “tụ nhân - tụ thủy”. Và tất nhiên muốn lấy được “nước linh thiêng” thì phải chịu khó đi vào lúc nửa đêm, nhất là vào thời khắc chuyển giao của ngày cũ và ngày mới.

Là thủ từ đền Tam Giang, cụ Trần Văn Thân cho biết: Người đến xin nước thiêng tại ngã ba sông ngày một đông. Ngoài người dân địa phương còn có người dân ở các tỉnh khác như: Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội… thậm chí còn có người ở tận Sài Gòn. Lý do lấy nước thì mỗi người có một câu chuyện, nhưng tựu chung lại họ cho rằng nước nơi 3 con sông hợp nhất có thể kết nối âm dương, làm cho linh hồn siêu thoát và cũng là dòng nước tinh khiết của đất trời tụ lại. Mỗi lần du khách thập phương đến đền Tam Giang ngỏ ý muốn xin một chút nước thiêng mang về. Việc thành tâm thế nào thì tùy vào thí chủ có khi là 10 nghìn hoặc 20 nghìn. Sau khi lấy được nước thiêng phải trở về đền Tam Giang lễ tạ thì nước thiêng mang về mới linh ứng.

Tuy nhiên cũng theo cụ Thân: “Thiêng hay không là ở lòng người, sống ở đời phải có nhân có nghĩa, phải sống sao cho có ích cho xã hội, giữ được tấm lòng trong như nước kia, chứ đừng để đến lúc nhắm mắt, xuôi tay mới mong gột rửa thì dù là nước thiêng cũng chẳng làm được”.

Từ khi ngày càng có nhiều người từ các nơi đổ xô về lấy nước thiêng, đời sống người dân ở đây khấm khá rõ rệt. Trung bình mỗi chuyến đò đưa khách ra lấy nước thu về 4-5 trăm nghìn đồng. Vì vậy, nhiều gia đình ở phường Bạch Hạc trước đây sống chủ yếu bằng nghề chài lưới hoặc buôn bán nhỏ, còn bây giờ nghề chính lại là chở khách ra ngã ba sông lấy nước thiêng và làm các dịch vụ khác trên bờ. Dọc theo hai bên đường dẫn vào ngã ba Bạch Hạc được bày bán đủ các loại can nhựa. Giá mỗi chiếc cũng đắt hơn gấp rưỡi hoặc thậm chí gấp đôi bình thường. Thế nhưng, hình như do việc lấy nước thiêng thuộc về tâm linh nên không ai mặc cả, kỳ kèo, chủ quán nói bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu.

Để gìn giữ, tránh nguy cơ làm biến tướng một phong tục đẹp trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, thiết nghĩ cần đưa vào quản lý những dịch vụ liên quan đến phong tục "lấy nước cầu may" ở ngã ba Bạch Hạc. Vì không được hướng dẫn, thông tin; không được quản lý nên dịch vụ tự phát này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đường thủy…

Tục lấy nước từ ngã ba sông có ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may nhưng theo tín ngưỡng của người dân địa phương, đến nay đã trở thành phong tục độc đáo, chỉ có ở ngã ba sông Bạch Hạc. Dù ra đời tự phát và hình thành do nhu cầu của người dân nhưng có thể khẳng định đây là một phong tục đẹp và còn ẩn chứa nhiều điều linh thiêng huyền thoại trên vùng đất Việt Trì - kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng.