So sánh switch cherry và gateron năm 2024

Cherry MX là một trong những lựa chọn phổ biến nhất khi đề cập đến switch bàn phím cơ. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có hàng tá lựa chọn ngoài thị trường, từ giá rẻ thấp cấp cho đến những chủng loại cao cấp đắt tiền. Dù bạn đang tìm kiếm các switch im lặng hay những switch phát ra tiếng click, hiện có rất nhiều thương hiệu sản xuất switch bàn phím cơ chất lượng cao.

Vì vậy, nếu đang muốn thử một thứ gì đó mới mẻ thì đây sẽ là các lựa chọn thay thế cho switch Cherry MX tốt nhất cho mục đích chơi game, đánh máy,…

Trong trường hợp bạn chưa biết, những switch phím cơ đề cập đến 1 loại bàn phím mà mỗi phím trong đó có 1 cơ chế riêng biệt đối với quá trình gửi phản hồi đến PC. Người dùng thường thấy các bàn phím cơ dễ sử dụng hơn, mang đến độ chính xác cao hơn và tốc độ phản hồi nhanh hơn so với nhiều bàn phím màng cao su truyền thống.

Cherry MX đã phát minh ra switch phím cơ đầu tiên vào năm 1983. Kể từ đó, Cherry MX thường được coi là tiêu chuẩn vàng trong các switch cơ. Cherry MX hiện sản xuất khoảng 13 loại switch khác nhau, mỗi loại lại có các đặc điểm khác nhau, phù hợp với nhiều mục đích và sở thích khác biệt của từng người dùng.

Tuy nhiên, thị trường switch phím cơ đã tăng mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua và có rất nhiều đối thủ cạnh tranh đang tìm cách chiếm lấy ngôi vị hàng đầu đó của Cherry MX. Dưới đây là một vài tùy chọn thay thế tuyệt vời cho Cherry MX.

Với rất nhiều biến thể, switch nào tuyệt vời nhất sẽ phụ thuộc phần lớn vào sở thích của bạn. Một số thương hiệu cung cấp các sản phẩm chất lượng cao hơn, nhưng sẽ không quá quan trọng nếu bạn không thích cảm giác mà những switch đó mang lại. Thế nên, khi muốn chọn 1 bộ phím cơ, tốt nhất, bạn nên thử sử dụng key tester. Dẫu sao đi chăng nữa, đây vẫn là những cái tên thay thế tuyệt vời nhất cho Cherry MX.

Các switch Gateron là một trong những switch "clone" Cherry MX sớm nhất và thường được coi là loại tiệm cận nhất với các phím Cherry MX về độ bền cũng như sự hài lòng.

Gateron cung cấp các switch linear (tuyến tính), tactile (xúc giác) và clicky (phát ra tiếng), do đó, tùy theo sở thích của bạn là gì, chúng sẽ có các lựa chọn phù hợp cho bạn. Các switch linear của Gateron thường được đón nhận rất nồng nhiệt, trong khi những switch tactile lại thiếu hụt đi điều gì đó.

Các bộ switch Gateron không hoàn toàn đạt được độ bền 100 triệu lần nhấn tương tự Cherry MX, nhưng về hành trình phím cũng như lực lò xo, các switch Gateron hoàn toàn tương đồng với những đối thủ Cherry MX.

Khác biệt chính của Gateron chính là mức giá của chúng rẻ hơn nhiều lần. Nếu không đủ tiền mua một bộ phím Cherry MX, Gateron có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn.

Kailh sản xuất ba loại switch chính: mặc định, tốc độ (Speed) và hộp (Box). Các switch mặc định thường là phiên bản học theo những switch Cherry MX và tất cả chúng đều tương đồng nhau. Các switch tốc độ là độc nhất của Kailh, cung cấp hành trình kích hoạt ngắn hơn. Cuối cùng, những switch hộp (thường được gọi là Kailh Box) bổ sung thêm một lớp bảo vệ cho chân phím (key stem).

Giống như các thương hiệu khác, Kailh cung cấp nhiều biển thể cho từng bộ switch. Các phím mặc định cung cấp những biến thể màu xanh lam (Blue), nâu (Brown) và đỏ (Red), tương ứng với các switch clicky, tactile và linear tương tự như Cherry MX. Các switch tốc độ và hộp cũng cung cấp nhiều biến thể về hành trình kích hoạt, lực cần thiết khi nhấn phím và tính “bump” khi phím được nhấn.

Khi nói đến chất lượng, các switch tốc độ và hộp của Kailh thường được đánh giá tốt hơn nhiều so với các phiên bản “sao chép” Cherry MX mặc định, vốn có cảm giác rẻ tiền và tiếng đanh hơn. Một bộ switch tốc độ/hộp của Kailh sẽ khiến bạn hiếm khi muốn quay trở lại Cherry MX, bởi chúng hi sinh rất ít về chất lượng.

Akko là một cái tên khá mới trong cuộc chơi này. Ban đầu, Akko thường nổi tiếng là công ty sản xuất keycap trá hình bởi những chiếc bàn phím của thương hiệu này không có gì quá đặc sắc ngoại trừ các bộ keycap đẹp.

Mãi đến sau này, công ty đã tự phát triển những switch của riêng mình. Các switch thế hệ đầu của Akko cũng không có gì quá nổi bật vì vẫn đi theo trào lưu “sao chép” Cherry MX với các loại switch clicky, tactile, linear.

Sau đó, công ty tiếp tục tung ra thế hệ switch Akko CS. Đây là những switch cải tiến mới nhất của Akko, chủ yếu tập trung vào tính chất tactile, linear. Akko CS được coi là bước đột phá lớn nhất của công ty và thu hút được nhiều người hâm mộ. Đặc biệt hơn, các switch Akko CS có giá rẻ mà không thua kém Cherry MX về chất lượng.

Glorious Panda được coi là một trong những loại switch cao cấp nhất, dành cho dân custom. Những switch này được cấu thành từ các vật liệu cao cấp, được đánh giá là có phản hồi nhanh nhất hiện nay cũng như mức độ phản hồi xúc giác cực kỳ tuyệt vời. Glorious Panda sử dụng lò xo nặng 67 gram. Khi gõ, chúng phát ra âm thanh thock đặc trưng và khá dễ chịu. Chúng cũng tương thích với những bàn phím cũng như keycap kiểu Cherry MX.

Holy Panda là một cái tên được tùy biến từ những người đam mê bàn phím với mong muốn có được trải nghiệm tốt nhất. Do tính chất đó, nó hiếm khi xuất hiện trên các bàn phím phổ thông. Holy Panda sử dụng lò xo nặng 67 gram. Với chất liệu sản xuất cao cấp, mang đến trải nghiệm tactile tuyệt vời, Holy Panda cũng nằm trong nhóm switch đắt đỏ. Chúng cũng tương thích với những bàn phím cũng như keycap kiểu Cherry MX.

Zealio cũng là loại switch được tùy biến từ những người đam mê bàn phím, mong muốn có được trải nghiệm hoàn hảo nhất. Thực tế, switch này là kết quả từ sự hợp tác giữa Gateron với Zeal PC (Canada). Đặc trưng của switch Zelio là phần chân stem màu tím, và có tính chất tactile. Zealio tương thích với những bàn phím cũng như keycap kiểu Cherry MX và có các tùy chọn lò xo 62 gram, 65 gram, 67 gram và 78 gram.

Là một thành viên mới trên thị trường, Gazzew đã tạo ra một sự thu hút mạnh mẽ khi phát hành Gazzew Boba U4, được phát triển song song với Outemu. Đây là các switch im lặng nhất trên thị trường dù có một cái “bump” xúc giác.

Gazzew Boba U4s có 2 tùy chọn lò xo 62 gram và 68 gram. Chúng tương thích với những bàn phím kiểu Cherry MX (nghĩa là bạn có thể mua chúng để thay thế nguyên bộ switch) và có giá thấp hơn Cherry MX.

Tương tự Glorious Panda, Holy Panda, Zealio, Gazzew Boba U4s được thiết kế chủ yếu hướng đến những người đam mê bàn phím cơ. Tất cả chúng đều có chất lượng cao và mức độ hài lòng tuyệt vời. Quan trọng hơn, chúng có khả năng sửa đổi và tùy biến cao. Nếu chúng không giống hoàn toàn với những gì bạn đang tìm kiếm, hãy thay đổi phần housing (lớp vỏ) của chúng, lube hay thậm chí là thay đổi lò xo. Bạn sẽ có được cảm giác thỏa mãn mà bạn đang tìm kiếm.

- Switch Outemu: Đây có lẽ là switch được sử dụng nhiều nhất trên những chiếc bàn phím cơ giá rẻ. Với mức giá rẻ và được sử dụng cho những sản phẩm thấp cấp, các switch Outemu chắc chắn không thể tốt bằng Cherry MX. Dù vậy, nó cũng sẽ phù hợp nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí hoặc vừa nhập môn. Outemu cung cấp 5 tùy chọn switch: Blue (clicky), Red (linear), Brown (tactile), Clear Ice (tactile cao cấp) và Black (linear, im lặng). Trong số này, switch Clear Ice được coi là một trong những lựa chọn switch giá rẻ nhất có trên thị trường hiện tại.

- Switch Royal Kludge (RK): Tương tự switch Outemu, các switch RK thường tập trung vào các phân khúc giá rẻ và được sử dụng nhiều trong những bàn phím thấp cấp của Royal Kludge (RK). Chúng có các tùy chọn RK Red (linear), RK Blue (clicky) và RK Brown (tactile), tương tự như những lựa chọn từ Cherry MX.

- Switch Logitech GX: Các switch Logitech GX cũng không xuất hiện quá phổ biến vì chỉ được sử dụng trên những chiếc bàn phím Logitech. Những switch này sử dụng cấu trúc chân stem hình chữ thập tương tự Cherry MX và cũng có các tùy chọn như GX Blue (clicky), GX Brown (tactile) và GX Red (linear). Dẫu cho không được sử dụng quá rộng rãi, các switch Logitech GX vẫn được đánh giá rất tốt, mang đến cảm giác gõ cũng như độ bền tương đương vời các switch Gateron hay Kailh. Logitech quảng cáo các switch GX có độ bền khoảng 70 triệu lần nhấn.

- Switch Razer: Razer là thương hiệu chơi game nổi tiếng nhất và bàn phím của họ cũng không ngoại lệ. Rắn Xanh cung cấp 3 biến thể switch bao gồm: Razer Green có tính chất tactile, clicky, Razer Orange có tính chất tactile, im lặng và Razer Yellow có tính chất linear và nhanh. Ban đầu, các phím Razer được sản xuất bởi Kailh và chất lượng của chúng không phải là tốt nhất. Tuy nhiên, từ năm 2016, Razer đã chuyển phần lớn sang Greetech và nhận được nhiều đánh giá trái chiều. Các switch Razer Green thường được đón nhận nồng nhiệt và được đánh giá là có chất lượng cũng như cảm giác tương tự như Cherry MX Blue. Trong khi đó, các switch Razer Orange và Razer Yellow lại nhận được những đánh giá kém tích cực hơn. Về độ bền, Razer quảng cáo những switch của mình có tuổi thọ khoảng 80 triệu lần nhấn phím.

Chắc chắn, sẽ có một dòng sản phẩm switch cơ tuyệt vời trên thị trường dành riêng cho bạn, miễn là bạn dành ra một chút thời gian tìm hiểu để tìm thấy những thứ hoàn hảo cho bản thân mình. Thế nên, cho dù bạn thích các phím im lặng và êm ái hay phản hồi xúc giác và phát ra tiếng kêu, bạn vẫn có rất nhiều lựa chọn phù hợp với bản thân mình.

Nếu là một người đam mê thực sự, tốt nhất là bạn nên mua 1 bộ key tester (bộ thử nghiệm phím) và thử nghiệm từng phím từ các thương hiệu cung cấp nó. Chắc chắn, bạn sẽ không hối tiếc và có ngay lựa chọn cho chính bản thân mình.