Manager là người như thế nào


I. Manager là gì? Các cấp bậc Manager

Manager hay có nghĩa là người quản lý - một từ được dùng để nói đến vị trí trưởng phòng, trưởng bộ phận hay quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Hiện nay, với các công ty hay tổ chức, Manager được xem là chức danh của vị trí quản lý. Nhiệm vụ của Manager là sẽ đảm nhận một bộ phận chuyên môn nào đó của doanh nghiệp.

Công việc mà Manager phụ trách còn tùy thuộc vào quy mô và đặc điểm của doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiệm vụ chính của Manager là theo dõi, đánh giá hiệu quả và hiệu suất công việc của nhân viên thuộc quyền quản lý của mình. Đồng thời, Manager còn chịu trách nhiệm giám sát, xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình làm việc và thực hiện những công việc khác theo sự phân công, sắp xếp của cấp trên.


Ngoài ra, vị trí của một Manager được phân cấp theo các bậc sau:

- Top Managers: Là các nhà quản lý hàng đầu phụ trách chiến lược của công ty. Nói cách khác, họ là những người quản lý tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp.

- Functional Managers: Là các nhà quản lý chức năng, chịu trách nhiệm về hiệu lực và hiệu quả của các lĩnh vực cụ thể trong công ty, chẳng hạn như tiếp thị. Họ cũng phụ trách nhân sự và tài khoản.

- Team Managers/Supervisory Managers: Là người quản lý nhóm hay người quản lý giám sát phụ trách các nhóm nhỏ của một bộ phận cụ thể. Họ cũng có thể phụ trách một nhóm thành viên từ các bộ phận khác nhau của công ty.

- Line Managers: Là quản lý tuyến, phụ trách đầu ra của một số sản phẩm hay dịch vụ. Họ nắm quyền trong một chuỗi sản phẩm hoặc trên một dòng sản phẩm cụ thể.

Tuyển dụng có thể bạn quan tâm, việc làm Kế toán:

- Nhân viên Kế Toán Chi Nhánh TGDĐ

- Nhân viên Kế Toán Nghiệp Vụ

II. Sự khác nhau giữa Leader và Manager


Manager là người có khả năng phân chia và giao công việc phù hợp cho cấp dưới, đưa ra được những ý tưởng mới, cũng như chịu trách nhiệm với những gì họ làm và những người mà họ đang quản lý. Manager còn phải hiểu rõ và ra quyết định ai sẽ là Leader trong một nhóm làm việc chung. Mặt khác, Leader là chỉ người đứng đầu trong một nhóm và đảm bảo các thành viên có thể phát huy hết khả năng làm việc nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Manager còn là người sẽ duy trì và vận hành để đảm bảo kế hoạch đã được hoạch định diễn ra một cách thuận lợi. Còn Leader sẽ là người chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể, quan sát đến các thành viên để theo dõi việc thực hiện theo đúng nhiệm vụ của mình. Và điều quan trọng nhất chính là, muốn hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao thì cần phải có sự phối hợp ăn ý giữa Manager và Leader.

III. Công việc của một Manager trong tổ chức


Thông thường, mỗi người sẽ đảm nhận một công việc cụ thể về một mảng nhỏ nào đó trong bộ phận của mình. Tuy nhiên là một Manager, bạn sẽ bị buộc phải đảm đương rất nhiều công việc khác nhau. Đặc biệt khi xảy ra các vấn đề hay sự cố trong quá trình thực hiện công việc của nhân viên trong phòng ban, thì Manager sẽ chính là người giải quyết chúng.

Những công việc của một manager sẽ chịu trách nhiệm thực hiện, bao gồm:

- Kiểm tra công việc của phòng ban: Mỗi thành viên trong phòng đều sẽ có những công việc cụ thể phù hợp với vị trí làm việc của mình. Tuy nhiên để đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ và hiệu quả thì sẽ cần có người để giám sát quá trình họ làm việc. Đồng thời cũng có thể nhanh chóng hỗ trợ kịp thời khi gặp các vấn đề hay sự cố trong công việc. 

- Theo dõi và giám sát: Tiến độ công việc, mức độ hoàn thành chỉ tiêu, doanh số đã đề ra. Nếu các chỉ số chưa đạt theo yêu cầu thì sẽ tiến hành lập kế hoạch, triển khai cho bộ phận thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục và cải thiện các chỉ số.

- Đánh giá chất lượng: Công việc và hiệu quả làm việc của nhân viên thuộc quyền quản lý của mình. Tổng hợp các dữ liệu để đánh giá thi đua, khen thưởng cho các thành viên, cá nhân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vào mỗi cuối kỳ, cuối năm.

Ngoài ra, Manager còn phụ trách về vấn đề đào tạo nhân sự mới, hướng dẫn các công việc chi tiết cụ thể cho từng vị trí nhân viên mới của bộ phận mình quản lý. Đây được xem là những công việc cơ bản mà một Manager thường làm. Tuy nhiên khối lượng công việc nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tính chất công việc và sự sắp xếp của công ty.

IV. Để trở thành một Manager chuyên nghiệp

1. Tố chất quyết định


- Có tầm nhìn xa: Với vai trò là một Manager, bạn cần nhận thức rõ ràng những mục tiêu, kế hoạch của công ty trong tương lai để có thể đưa ra những định hướng đúng đắn cho bộ phận mình quản lý. Do đó, việc Manager có tầm nhìn xa không chỉ giúp bộ phận có thể hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, mà còn giúp bạn nhận thấy được những vấn đề có thể phát sinh nhằm đưa ra hướng xử lý đúng đắn và kịp thời

- Công bằng, không thiên vị: Trong bất kỳ công việc nào cũng đòi hỏi rất cao sự công bằng. Vì vậy ở vị trí Manager, bạn phải luôn đảm bảo được sự công bằng đối với các nhân viên thuộc quản lý của mình. Đảm bảo thưởng phạt công minh và không thiên vị cho bất kỳ đối tượng nào trong các cuộc tranh chấp hay công việc chung.

- Chân thành, tôn trọng người khác: Để có thể vận hành và xử lý các công việc một cách ổn thỏa và hiệu quả, Manager nên thể hiện được sự chân thành và sự tôn trọng của mình với mọi người, kể cả là cấp dưới. Bởi vì mọi quyết định đưa ra đều cần tham khảo ý kiến, cũng như sự đồng thuận của tất cả mọi người. Mặc khác, khi bạn làm việc ở một môi trường có sự tôn trọng lẫn nhau vẫn tốt hơn là môi trường chỉ bằng mặt nhưng không bằng lòng.

- Biết cách quan sát và học hỏi: Ở bất kỳ vị trí nào cũng cần sự quan sát và trau dồi học hỏi, đặc biệt với những vị trí ở cấp quản lý như manager càng cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Không chỉ đơn giản là học những kiến thức mới, trau dồi thêm nhiều kỹ năng nghiệp vụ mà bạn còn phải biết cách quan sát và có cái nhìn nhạy bén khi nhìn vào vấn đề công việc hay đánh giá một con người. Khi có được kiến thức cũng như khả năng quan sát, bạn sẽ nhanh chóng nhận biết được khó khăn trong công việc và tìm cách giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó với sự quan sát tốt bạn còn có thể nhìn ra những nhân sự tài năng cùng những điểm mạnh, yếu của mỗi nhân viên, khi đó việc phân chia công việc sẽ trở nên dễ dàng và hợp lý hơn, giúp thúc đẩy sự hợp tác trong công việc của các thành viên trong phòng ban.

- Chịu được áp lực công việc: Làm việc ở vị trí manager, đồng nghĩa bạn sẽ phải luôn đứng giữa một bên là cấp trên và một bên là nhân viên cấp dưới. Khi này, bạn vừa phải nhận các công việc được giao bởi cấp trên, vừa phải xử lý các các vấn đề phát sinh trong bộ phận của mình, điều đó càng làm cho khối lượng công việc ngày một nhiều hơn. Bên cạnh đó, đôi khi trong công việc bạn cũng sẽ gặp phải một số khó khăn, vì vậy rất dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng và áp lực trong việc. Do đó khi làm việc ở vị trí manager, bạn cần rèn luyện cho chính mình một tinh thần thép, chịu được áp lực công việc và có thể làm việc ở cường độ cao thì mới có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cũng như có thể đưa ra được những hướng giải quyết vấn đề thích hợp, hiệu quả. 

2. Kỹ năng cần có

 

- Kỹ năng chuyên môn: Đây là một trong những kỹ năng rất cần thiết cho vị trí manager, bởi vì nó không chỉ giúp bạn có thể điều phối các công việc hiệu quả, mà nó còn giúp bạn nhận được sự tín nhiệm từ mọi người. Bằng những kỹ năng chuyên môn, cũng như những kinh nghiệm làm việc của mình, bạn có thể dễ dàng hoạch định các mục tiêu phù hợp cho bộ phận, lên kế hoạch làm việc, phân công và giám sát nhân viên cấp dưới hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất.

- Kỹ năng lãnh đạo: Để có thể nhận được sự tôn trọng, tin tưởng từ cấp dưới cũng như sự tín nhiệm của cấp trên, manager cần trau dồi thật tốt kỹ năng lãnh đạo của bản thân. Bởi thông qua kỹ năng này, bạn có thể hiểu và nắm rõ được năng lực làm việc của mỗi thành viên trong phòng ban, từ đó phân chia các công việc hợp lý hơn. Bên cạnh đó khi vận dụng tốt kỹ năng lãnh đạo, bạn cũng sẽ biết cách xây dựng một môi trường làm việc thân thiện nhưng vẫn có sự nghiêm túc và chuyên nghiệp, thậm chí bạn còn có thể biết cách kết nối với những thành viên khác để có thể tăng mức độ hiệu quả của công việc hơn. Mặc khác, manager có kỹ năng lãnh đạo tốt sẽ biết cách lắng nghe, quan tâm và đối xử công bằng với các thành viên trong bộ phận, điều đó sẽ giúp mọi người có sự tin tưởng đối với bạn và không ngừng cố gắng làm việc hết mình cho doanh nghiệp.

- Kỹ năng giao tiếp: Để có thể trình bày ý kiến hay giải thích các vấn đề một cách rõ ràng, dễ hiểu mà vẫn đủ ý, đòi hỏi bạn phải có một kỹ năng giao tiếp tốt. Với một manager kỹ năng này là không thể thiếu, vì thông qua nó bạn sẽ có thể giao tiếp hiệu quả với cấp trên và các đồng nghiệp của mình, hay thậm chí là các khách hàng, đối tác của công ty.

- Kỹ năng phân tích: Đôi khi trong công việc sẽ xuất hiện các sự cố không mong muốn, dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng vẫn có thể xảy ra sai sót. Khi này nhiệm vụ của manager là phải quan sát và phân tích tình hình khách quan, toàn diện nhất để tìm ra các vấn đề dẫn đến sự cố, sai sót. Từ đó đề xuất những phương án xử lý phù hợp để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như mục tiêu đã đề ra.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Với vai trò là một nhà quản lý, manager phải biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh một cách ổn thỏa và có hiệu quả nhất. Vì vậy, khi phát sinh các công việc hay vấn đề ngoài dự đoán, manager cần phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, phán đoán và phân tích tình hình để có thể tìm ra hướng xử lý phù hợp và tối ưu nhất.

V. Mức lương và cơ hội phát triển của Manager


Khi xã hội ngày một phát triển kéo theo nền kinh tế cũng có phần tăng trưởng rõ rệt. Điều này đã dẫn tới việc hình thành nên rất nhiều các công ty, doanh nghiệp và tổ chức thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hiển nhiên trong bộ máy điều hành của các doanh nghiệp không thể nào thiếu đi những người quản lý, lãnh đạo giúp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các bộ phận trong công ty. Vì vậy, đây được xem là cơ hội rất lớn cho những ai đang muốn trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc trong tương lai.

Khi làm việc ở vị trí manager trong bất kỳ công ty hay tổ chức nào, bạn đều sẽ có cơ hội được phát huy hết những kiến thức, khả năng vốn có của mình. Bên cạnh đó, bạn còn có thêm cơ hội học hỏi, được làm việc trong môi trường nghiêm túc, chuyên nghiệp. Từ đó giúp bạn có thể ngày một cải thiện và tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Với vị trí manager, bạn cũng sẽ có cơ hội được đi công tác, có thể là trong nước hay ở nước ngoài, điều đó còn tùy thuộc vào tính chất công việc của mỗi doanh nghiệp.

Ở mỗi một công việc thuộc các ngành nghề khác nhau thì sẽ có những mức thu nhập khác nhau. Với một manager mức lương sẽ có phần cao hơn các vị trí nhân viên thông thường. Tuy nhiên việc định mức lương cũng cần phải xét trên nhiều yếu tố khác nhau như quy mô công ty, tính chất công việc,... thì mới có thể biết được con số cụ thể là bao nhiêu. Ngoài ra, ứng viên có thể dựa vào năng lực, kinh nghiệm làm việc của mình, dựa vào vị trí quản lý mà mình ứng tuyển, dựa vào tính chất hoạt động và quy mô của công ty để biết được mức lương bạn nhận được là bao nhiêu.

Xem thêm:

- SWOT là gì? Phân tích và xây dựng mô hình SWOT hiệu quả

- Cách rèn luyện kỹ năng ra quyết định đúng đắn và hiệu quả

Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về khái niệm, vị trí công việc của một manager và biết thêm về những tố chất cũng như kỹ năng cần có để trở thành một manager chuyên nghiệp. Chúc bạn thành công hơn nữa trong công việc, và đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy bài viết này hay nhé!

Video liên quan

Chủ Đề