Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2024

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2023, giá trị vốn hoá trên 3 sàn giao dịch chứng khoán là 5,48 triệu tỷ đồng, trong đó sàn HOSE đạt 4,25 triệu tỷ đồng, sàn HNX đạt 259.073 tỷ đồng và sàn UPCOM là 969.020 tỷ đồng.

Vốn hoá trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 1,85 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường chứng khoán là hơn 7,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,68% so với tháng trước và tăng 4,86% so với cuối năm 2022.

Vốn hoá của 10 mã cổ phiếu lớn nhất hiện là hơn 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 35% giá trị vốn hoá cổ phiếu cả 3 sàn. Trong đó, Vietcombank vẫn giữ nguyên vị trí đứng đầu với 421.194 tỷ đồng, tiếp sau là BID (226.116 tỷ đồng), VHM (215.848 tỷ đồng), VIC (197.078 tỷ đồng)....

HPG năm ngoái đứng thứ tư trong top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất, nhưng chuỗi điều chỉnh kéo dài đã kéo giảm giá trị vốn hoá của mã này xuống vị trí thứ 9.

Trong 3 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm 140 triệu tài khoản mở mới, tăng 2,03% so với cuối năm 2022. Tính đến 31/3, thị trường chứng khoán cả nước có tổng cộng 7,04 triệu tài khoản nhà đầu tư.

Trong đó, số tài khoản nhà đầu tư trong nước là 6,98 triệu tài khoản, chiếm 99% toàn thị trường. Số lượng nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tài khoản là 38.897 tài khoản, số tài khoản của các tổ chức nước ngoài 4.382 tài khoản.

Thực tế, tháng 1 năm nay trùng với thời gian nghỉ Tết Dương Lịch và Âm lịch, đây là một trong những yếu tố khiến số lượng tài khoản mở mới từ nhà đầu tư trong nước không tăng nhiều.

Sang tháng 2, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới bắt đầu tăng nhanh (có thêm 64.040 tài khoản mở mới, tăng 0,92% so với tháng 1), lên gần 7 triệu tài khoản nhà đầu tư và thêm khoảng 50.000 tài khoản mới trong tháng 3.

Như vậy, nếu tính mỗi cá nhân sở hữu một tài khoản đầu tư chứng khoán, Việt Nam có khoảng 7% dân số tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế, một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản đầu tư chứng khoán qua nhiều công ty môi giới chứng khoán khác nhau, nên tỷ lệ người dân Việt Nam tiếp xúc với thị trường vẫn chưa thật sự đạt như kỳ vọng.

Về chỉ số chứng khoán, VN-Index đóng cửa tháng 3 ở mức 1.064,64 điểm, tăng 3,9% so với phiên cuối cùng của tháng 2 và tăng 5,71% so với thời điểm cuối năm 2022.

Dù thị trường đang diễn biến trong điều chỉnh nhưng dự báo xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo, khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế đi vào thực tiễn.

Bạn có thể xem các khái niệm, thuật ngữ tài chính đầy đủ toàn diện, được tổ chức một cách khoa học, tiện lợi cho việc tra cứu.

Giá trị vốn hoá thị trường - Market capitalization

Giá trị vốn hoá thị trường là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, là tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp, được xác định bằng số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp này trong điều kiện hiện tại. Giá trị vốn hoá thị trường tương đương với giá thị trường của cổ phiếu nhân với số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Khi tính giá trị vốn hoá thị trường người ta chỉ tính đến các cổ phiếu phổ thông chứ không tính đến cổ phiếu ưu đãi, vì chỉ cổ phiếu phổ thông mới đem lại cho người sở hữu quyền tham gia điều hành doanh nghiệp. Không nên nhầm lẫn giữa giá trị vốn hoá thị trường với tổng giá trị vốn cổ phần của doanh nghiệp (equity value), vì trong tổng giá trị vốn cổ phần còn bao gồm cả các quyền mua cổ phiếu chưa thực hiện và trái phiếu, cổ phiếu chuyển đổi nữa.

Qui mô và tốc độ tăng của giá trị vốn hoá thị trường là thước đo vô cùng quan trọng để đánh giá thành công hay thất bại của một doanh nghiệp niêm yết công khai. Tuy vậy giá trị vốn hoá thị trường còn có thể tăng giảm do một số nguyên nhân ko liên quan gì đến kết quả hoạt động, ví dụ như việc mua lại một doanh nghiệp khác, bán bớt một số bộ phận của tập đoàn, hay mua lại chính cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán. Giá trị vốn hoá thị trường phản ánh giá cổ phiếu của một công ty, trong khi giá này có thể thay đổi theo kì vọng của các nhà đầu tư, vì vậy chỉ số này không phản ánh hoàn toàn chính xác giá trị thực sự của doanh nghiệp đó.Số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường của một doanh nghiệp thường nhỏ hơn tổng số cổ phiếu mà nó phát hành, bởi một phần không nhỏ số cổ phiếu này nằm trong tay các thành viên nội bộ của doanh nghiệp (insider), một phần khác thì được doanh nghiệp mua lại trở thành cổ phiếu quỹ (treasury stock). Thêm vào đó, một phần không nhỏ số lượng cổ phiếu lưu hành ít ỏi này lại do các tổ chức đầu tư nắm giữ lâu dài và ít khi đem ra giao dịch. Kết quả là chỉ có một tỉ lệ nhỏ cổ phiếu thực sự được đem ra mua bán trong ngày. Việc một lượng lớn hoặc toàn bộ cổ phiếu của một doanh nghiệp đột nhiên xuất hiện trên thị trường, khi doanh nghiệp và các thành viên nội bộ bán cổ phiếu của mình ra, có thể làm giá cổ phiếu đó tụt dốc ngay lập tức.

Chưa có một chuẩn mực nào cho việc phân loại

doanh nghiệp theo giá trị vốn hoá thị trường nhưng ở mức độ tương đối có thể phân ra thành 6 nhóm sau:

  • Mega Cap : trên 200 tỷ USD
  • Big/Large Cap : 10 đến 200 tỷ USD
  • Mid Cap : 2 đến 10 tỷ USD
  • Small Cap : 300 triệu đến 2 tỷ USD
  • Micro Cap : 50 triệu đến 300 triệu USD
  • Nano Cap : dưới 50 triệu USD

Blue chip thường được hiểu tương đương với các doanh nghiệp có qui mô từ Big/Large Cap trở lên, trong khi đó các nhà đầu tư luôn coi cổ phiếu của các doanh nghiệp micro-cap và nano-cap là penny stock, bất kể giá cổ phiếu của chúng như thế nào.Thuật ngữ giá trị vốn hoá thị trườngđôi khi được thay thế bằng thuật ngữ "mức vốn hoá" (capitalization), tuy nhiên thường thì mức vốn hoá thể hiện tổng lượng vốn được sử dụng để duy trì cân đối tài chính của doanh nghiệp, được tính bằng cách lấy giá trị vốn hoá thị trường cộng với các khoản nợ (tính trên sổ sách hoặc theo giá thị trường) cộng với giá trị cổ phiếu chuyển đổi.