Bị ghẻ là như thế nào

Bệnh ghẻ là một trong những bệnh da liễu thường gặp - Ảnh: Đời sống & Pháp luật

Bệnh ghẻ là một trong những bệnh ngoài da thường gặp. Những người thường sống ở khu dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém hoặc những nơi thường hay ngập lụt vào mùa mưa lũ có nguy cơ bị ghẻ rất cao.

Bệnh ghẻ có thể lây từ người này sang người khác, vì vậy việc sớm điều trị bệnh ghẻ là vô cùng cần thiết để tránh việc lây lan rộng rãi trong cộng đồng.

Ghẻ là bệnh gì? Nguyên nhân bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh da liễu thường gặp vào thời điểm xuân hè. Nguyên nhân chính gây bệnh ghẻ là ký sinh trùng ghẻ với tên khoa học đầy đủ là Sarcoptes scabiei hominis (thường gọi là cái ghẻ).

Bệnh chủ yếu do ghẻ cái gây nên vì thông thường ghẻ đực sẽ chết sau khi giao hợp. Trong đó có nhiều loại ghẻ cái, một số loại ghẻ cái có thể gây bệnh ở người và cũng có những loại ghẻ cái gây bệnh ở động vật như chó, mèo, ngựa, thỏ, chuột,…

Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông dân cư như thành thị, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, các khu vực dễ bị ngập lụt vào mùa mưa như Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh miền Trung cũng có tỉ lệ mắc bệnh ghẻ cao.

Bệnh ghẻ lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp, quan hệ tình dục hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.

Ghẻ sinh sôi rất nhanh. Ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực vào ban đêm gây ra hiện tượng ngứa ngáy. Người bệnh gãi khiến ghẻ có thể rơi ra quần áo, chăn gối. Tuy nhiên, cái ghẻ lại rất nhỏ nên khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.

Dấu hiệu bị ghẻ

Sau 6-8 tuần kể từ lần đầu tiếp xúc với cái ghẻ, người bệnh sẽ thấy triệu chứng ngứa rát xuất hiện. Khi đã tiếp xúc trước đó với cái ghẻ, các triệu chứng xuất hiện sớm hơn, trong vòng vài ngày do có sự mẫn cảm trước đó với cái ghẻ. 

Khi bị ghẻ, bệnh nhân có thể thấy xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm do ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực
  • Tổn thương da đỏ rải rác khắp thân mình, bong vảy, đôi lúc có các nốt và sẩn đóng vảy xuất hiện ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nấp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, nách, bìu, dương vật, môi lớn, quầng vú ở nữ
  • Các luống ghẻ có cấu trúc dạng sợi chỉ, mảnh, thẳng, dài 1-10 mm, hình thành do sự di chuyển của cái ghẻ trong lớp sừng
  • Sẩn cục ngứa, màu đỏ tới tím
  • Mụn nước, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân
  • Xuất hiện những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hóa, mụn mủ
  • Ghẻ vảy có mảng dày sừng, dày lên và loạn dưỡng móng, khô các vùng da còn lại

Các thể bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ chia thành nhiều thể khác nhau như:

  • Ghẻ giản đơn: chỉ có đường hầm và mụn nước, ít có tổn thương thứ phát.
  • Ghẻ nhiễm khuẩn: có tổn thương của ghẻ và mụn mủ, do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể gặp biến chứng viêm cầu thận cấp.
  • Ghẻ biến chứng viêm da, eczema hoá: Gãi lâu ngày gây ra tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, chàm hóa khiến việc chẩn đoán bệnh ghẻ khó khăn hơn.
  • Ghẻ nhiễm khuẩn có biến chứng viêm cầu thận cấp.
  • Thể đặc biệt: Ghẻ Nauy rất hiếm gặp và chỉ thấy ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. hiếm gặp và chỉ thấy ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Bị ghẻ là như thế nào
Bệnh ghẻ có nhiều thể khác nhau - Ảnh: twitter.com

Chẩn đoán bị ghẻ

Để chẩn đoán bệnh ghẻ thì cần tìm ra cái ghẻ bằng các phương pháp:

  • Soi tìm dưới kính hiển vi để thấy cái ghẻ, trứng ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ
  • Sử dụng dermoscopy
  • Sử dụng phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase trong đó DNA của ký sinh trùng ghẻ được tìm ra từ vảy da
  • Chẩn đoán dựa vào đặc điểm lâm sàng và tính chất dịch tễ

Bệnh ghẻ dễ nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác, vì vậy cần chẩn đoán phân biệt với: Tổ đỉa, sẩn ngứa nội giới/ngoại giới, sẩn ngứa trẻ em, viêm da dị ứng không lây lan, rận mu,...

Cách chữa trị khi bị ghẻ

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ghẻ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giá cả, mức độ nặng của người bệnh. Khi điều trị ghẻ, cần chú ý:

  • Bôi thuốc kết hợp sử dụng các loại xà phòng tắm theo chỉ định của bác sĩ Da liễu sau khi thăm khám.
  • Nếu bị ghẻ nặng, viêm da , bội nhiễm , viêm da , chàm hoá thì cần điều trị viêm da, bội nhiễm chàm hoá trước sau đó mới bôi các thuốc ghẻ hoặc đồng thời vừa điều trị ghẻ vừa điều trị viêm da
  • Sử dụng thuốc uống điều trị toàn thân nếu có bội nhiễm,...

Trong quá trình điều trị bệnh ghẻ, cần lưu ý:

  • Điều trị càng sớm càng tốt
  • Điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ, lớp học
  • Không gãi mạnh để tránh làm tổn thương da, gây viêm da và nhiễm khuẩn
  • Bôi thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tránh bỏ dở khi đang điều trị
  • Không tự ý mua thuốc bôi ghẻ vì có thể mua nhầm các loại thuốc có hại cho da hoặc không đúng thuốc trị bệnh
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác và không dùng chung đồ vật để tránh lây lan

Phòng tránh bệnh ghẻ

"Ghẻ lở hắc lào" không chỉ khiến cho bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu mà còn khiến bệnh nhân mất tự tin, bị xa lánh trong cộng đồng và rất dễ gây ra biến chứng nếu không được điều trị sớm.

Để tránh bệnh ghẻ, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng
  • Vệ sinh cá nhân hằng ngày
  • Giặt đồ riêng, phơi khô sạch sẽ
  • Không tiếp xúc trực tiếp với da hoặc đồ dùng của những người bị ghẻ
  • Thăm khám ngay với bác sĩ Da liễu khi nghi ngờ bị ghẻ

Trong trường hợp bị ghẻ nhẹ hoặc nghi ngờ ghẻ nhưng chưa sắp xếp được thời gian hoặc có điều kiện thuận lợi để đi khám trực tiếp tại bệnh viện, bệnh nhân có thể lựa chọn thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa để thuận tiện hơn việc điều trị bệnh.

BookingCare - Nền tảng y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hiện đang hỗ trợ bệnh nhân kết nối với các bác sĩ Da liễu từ xa qua Video, bệnh nhân có thể cân nhắc lựa chọn khi có nhu cầu thăm khám bệnh ghẻ.