Xét nghiệm máu aptt là gì

Đông máu được hiểu là sự thay đổi trạng thái của máu từ dạng lỏng sang dạng rắn khối, quá trình này diễn ra khi có tổn thương thành mạch nhằm giúp hạn chế chảy máu ra ngoài mạch. Trong cơ thể người cần tồn tại sự cân bằng giữa yếu tố đông máu và chống đông máu để đảm bảo duy trì máu lỏng lưu thông tại lòng mạch và hình thành máu đông khi cần thiết.

Đông máu là quá trình sinh lý diễn ra trong cơ thể người, khi có thành mạch bị tổn thương nhưng cũng có thể là bất thường (không phải sinh lý) khi có tác động (nhiễm trùng, ung thư, hay các bệnh rối loạn đông cầm máu ...) gây mất cân bằng hệ thống đông máu - chống đông máu.

Xét nghiệm APTT (activated partial thromboplastin time) hay còn gọi là xét nghiệm thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa được dùng trong y học nhằm đánh giá quá trình đông máu huyết tương. Xét nghiệm APTT là một trong những xét nghiệm quan trọng biểu hiện hoạt tính đông máu của các yếu tố ở con đường đông máu nội sinh.

APTT có nguyên lý là khảo sát thời gian hồi phục calci của huyết tương citrat sau khi ủ với lượng vừa kaolin (hoạt hóa yếu tố tiếp xúc) và cephalin (thay thế yếu tố 3 tiểu cầu) giúp đánh giá chính xác các yếu tố của con đường đông máu nội sinh. Với xét nghiệm APTT, điều kiện hoạt hoá yếu tố tiếp xúc cũng như số lượng, chất lượng tiểu cầu trong mẫu kiểm tra đều không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Xét nghiệm APTT có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công, bằng thiết bị bán tự động hoặc tự động. Hiện nay, các thế hệ thiết bị tự động được sử dụng khá phổ biến. Tại Bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng có 02 hệ thống thiết bị tự động để thực hiện xét nghiệm này với nguyên lý đo quang và điện từ, có khả năng xét nghiệm nhanh, công suất lớn, kết quả chính xác với cả mẫu máu tăng độ đục huyết tương do bệnh lý như tăng mỡ máu, tăng bilirubin máu; huyết tương đục do lấy máu sau ăn, tán huyết.

Xét nghiệm máu aptt là gì

Máy đông máu tự đông STA Compact Max

Xét nghiệm APTTlà xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện ra những bất thường đông máu ở giai đoạn huyết tương, con đường đông máu nội sinh. Vậy khi nào thì bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu này? Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm này ra sao?

1. Khi nào cần làm xét nghiệm APTT?

  • Dự phòng: Xét nghiệm APTT được thực hiện trước khi phẫu thuật, thủ thuật để sàng lọc bất thường về đông máu nhằm đảm bảo an toàn phẫu thuật, thủ thuật.
  • Chẩn đoán bệnh: Xét nghiệm APTT được chỉ định khi có nguy cơ, báo hiệu chỉ điểm rối loạn giảm đông máu (Bầm tím, chảy máu dưới da, chảy máu niêm mạc, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc số lượng kinh nhiều, đi tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu, viêm khớp do chảy máu vào khớp, thiếu máu mạn tính, bệnh gan, ...) hoặc có nguy, biểu hiện tăng đông, tắc mạch.
  • Theo dõi điều trị thuốc chống đông : Heparin tiêu chuẩn

2. Ý nghĩa lâm sàng xét nghiệm APTT

Đối chiếu với khoảng tham chiếu sinh học, có thể biết kết quả xét nghiệm APTT bình thường hay bất thường. Tuy nhiên, để biện luận chẩn đoán hay đánh giá mức độ nguy cơ do APTT bất thường thì cần bác sĩ căn cứ vào kết quả xét nghiệm , kết hợp với các thông tin khi khám lâm sàng người bệnh để phiên giải kết quả xét nghiệm.

  • APTT của huyết tương trẻ bình thường thay đổi từ 25- 40 giây tùy vào loại cephalin-kaolin, kỹ thuật mà phòng xét nghiệm sử dụng và lứa tuối
  • Kết quả của xét nghiệm biểu thị bằng tỷ lệ bệnh/chứng: rAPTT = APTT bệnh/APTT chứng rAPTT bình thường nằm trong khoảng 0,85-1,2. Nếu APTT kéo dài nghĩa là mẫu bệnh kéo dài hơn mẫu chứng trên 8 giây hoặc rAPTT >1,2 thì bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu nội sinh (giảm đông) do:
  • Thiếu hụt yếu tố có thể bẩm sinh (Bệnh Hemophilia A, B,...)
  • Do yếu tố đông máu đã bị tiêu thụ nằm trong hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch, tiêu sợi huyết
  • Do suy gan nặng không tổng hợp được các yếu tố đông máu
  • Do trong máu có chất ức chế đông máu nội sinh
  • Bệnh nhân điều trị bằng heparin tiêu chuẩn.

Để xác định chính xác APTT kéo dài do bệnh lý nào, cần các xét nghiệm đông máu chuyên sâu cùng kỹ thuật chẩn đoán khác như định lượng các yếu tố đông máu( nguy hiểm nhất ở trẻ là bệnh Hemophilia do thiếu yếu tố VIII hoặc yếu tố IX). Tuy nhiên, xét nghiệm APTT vẫn thường chỉ định đầu tiên để kiểm tra tổng quát tình trạng rối loạn đông máu.

Đông máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến phác đồ điều trị của nhiều loại bệnh khác, đặc biệt là những trường hợp cần phẫu thuật. Để sớm phát hiện ra những bất thường về đông máu, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.

Ý nghĩa xét nghiệm APTT là rất lớn trong chẩn đoán các bệnh liên quan đến rối loạn đông máu. Xét nghiệm này cũng được thực hiện tại khoa Huyết học bệnh viện Trẻ Em Hải Phòng với những trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm nên kết quả xét nghiệm luôn được đảm bảo chính xác và trả trong thời gian sớm nhất.

APTT bao nhiêu là bình thường?

APTT của huyết tương bình thường thay đổi từ 25-35 giây tùy vào loại cephalin-kaolin và kỹ thuật mà phòng xét nghiệm sử dụng. Kết quả của xét nghiệm biểu thị bằng tỷ lệ bệnh/chứng: rAPTT = APTT bệnh/APTT chứng. rAPTT bình thường nằm trong khoảng 0,85-1,2.

Xét nghiệm APTT bao nhiêu tiền?

Giá tham khảo Xét nghiệm APTT: 182.000 VNĐ. Xét nghiệm PT: 195.000 VNĐ. Xét nghiệm định lượng Fibrinogen: 321.000 VNĐ.

Chỉ số máu đông bao nhiêu là bình thường?

Thời gian PT được biểu thị theo hai cách là theo giây hoặc theo tỉ lệ % của prothrombin. Hai giá trị này tỉ lệ nghịch với nhau. Giá trị thời gian PT bình thường < 13 giây (8,8 – 11,6 giây) hoặc > 70% (60-140%). Giá trị này có thể thay đổi tùy theo cách thử nghiệm của từng phòng xét nghiệm.

Tại sao APTT tăng?

+ APTT kéo dài là rối loạn đông máu nội sinh (giảm đông) gặp trong trường hợp bệnh hemophilia (do thiếu các yếu tố đông máu nội sinh) hay trong hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch, tiêu sợi huyết (do yếu tố đông máu bị tiêu thụ) hoặc gặp trong bệnh nhân suy gan, sử dụng heparin.