Tư tưởng hồ chí minh về công an nhân dân là gì

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 11 năm 2021

Thượng tá, Thạc sĩ Phạm Văn Thừa

Giảng viên Khoa LLCT và KHXHNV

Từ sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác đào tạo của lực lượng Công an nhân dân [CAND] mà một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là 08 lần Người đến thăm Học viện An ninh nhân dân, ngôi trường đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an cách mạng; từ nội dung các bài nói, bài viết của Người, có thể khái quát quan điểm của Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ Công an như sau:

Thứ nhất, cán bộ Công an phải được huấn luyện toàn diện, không chỉ vững về tinh thần, tư tưởng chính trị, lý luận mà còn phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn kỹ thuật.

Huấn luyện Công an là sự nghiệp lâu dài của ngành Công an. Người làm công tác Công an phải được huấn luyện toàn diện từ tinh thần, tư tưởng chính trị, lý luận đến chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Bác trong công tác xây dựng lực lượng Công an cách mạng.

Bản lĩnh chính trị của người cán bộ Công an thể hiện ở chỗ luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ trong mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh. Trong Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Người chỉ rõ: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”: làm công tác Công an là phải phục tùng sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng từ trên xuống dưới, mỗi người cán bộ Công an phải luôn nhận thức rõ còn đảng, còn mình, “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng thì chuyên môn mới đúng” [1]. Người cán bộ Công an phải luôn giữ vững lập trường tư tưởng cách mạng, đó là tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Để củng cố tư tưởng, Bác cho rằng phải tăng cường sự học tập quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Bản thân những luận điểm sáng tạo của Người về nhiều vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc đã minh chứng rõ vấn đề này.

Bên cạnh lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, người cán bộ, chiến sĩ Công an còn phải rèn luyện cho mình tinh thần vượt khó, không ngại chông gai, bởi lẽ công tác của ngành thường xuyên phải đối diện với những hiểm nguy, gian nan, mất mát, hy sinh thầm lặng… Tất cả những phẩm chất, năng lực đó đều được rèn luyện, bồi dưỡng trong nhiều môi trường, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, trong đó công tác đào tạo của nhà trường Công an có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, những kiến thức về chính trị, tư tưởng luôn cần phải được truyền thụ đầu tiên, coi đó là nền tảng, cơ sở để mỗi học viên tiếp thu những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ một cách đúng đắn, bài bản; luôn nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề theo tinh thần quán triệt tuyệt đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của ngành. Cùng với đó, công tác huấn luyện cũng cần được chú trọng nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt, rèn luyện để người cán bộ, chiến sĩ có ý chí bền bỉ, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, linh hoạt và tinh thần chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Do tính chất và nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc nên trong những dịp gặp mặt, huấn thị cho lực lượng Công an, bên cạnh phẩm chất chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt nhấn mạnh việc giáo dục, nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi người. Trong chuyến viếng thăm học viên Trường Công an Trung cấp [khóa II - 1951], Người dạy: “Làm Công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân” [2]. Muốn vậy, công tác đào tạo trong các nhà trường cần chú trọng các môn học nghiệp vụ, phải làm sao để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải nắm chắc các kiến thức về tính chất, nhiệm vụ, đối tượng của công tác Công an; các nguyên tắc đấu tranh, biện pháp nghiệp vụ cơ bản, các chiến thuật… và biết vận dụng các biện pháp, chiến thuật đó trong những tình huống đấu tranh thực tế.

Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra rằng, đào tạo cán bộ chỉ tinh thông về nghiệp vụ Công an là chưa đủ mà còn cần phải trang bị cho họ những hiểu biết về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật…Nắm chắc và biết vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình chiến đấu là rất tốt, song có hiểu biết về xã hội, về địa phương, về phong tục tập quán… để hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ cũng không kém phần quan trọng. Bởi lẽ, công tác Công an liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt là những vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo… Theo Bác, cán bộ Công an cần có kiến thức sâu rộng, “phải nắm vững chính sách đối với đồng bào thiểu số, điều đó rất cần thiết” [3].

Như vậy, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đào tạo trong CAND cần phải được tiến hành đồng thời trên tất cả các mặt, từ chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ đến thể chất và các phẩm chất, năng lực cần thiết để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị tại lớp Công an Trung cấp khóa 1, tháng 5/1950. Ảnh tư liệu

Thứ hai, cán bộ Công an phải được đào tạo, bồi dưỡng thành người cán bộ có đức, có tài, có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực công tác chuyên môn.

Trong công tác đào tạo lực lượng CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu phải đào tạo họ thành những cán bộ kiểu mẫu, hội tụ đầy đủ cả đức và tài. Người nhấn mạnh: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” nói chung và người cán bộ Công an nói riêng. Tài thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn của người cán bộ đủ đức đủ tài còn được thể hiện ở Sáu lời dạy của Bác đối với CAND trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, năm 1948 và bốn chữ “Cần, kiệm, liêm, chính” mà Người tặng Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ XV, năm 1950. Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất, khái quát những yêu cầu rất cao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND về tất cả các mặt. Trong cấu thành nhân cách của người Công an cách mạng bao gồm những mối quan hệ trọng yếu, cơ bản nhất, đó là quan hệ với bản thân, đồng sự, với Đảng, Chính phủ, với nhân dân, với công việc và với địch. Các quan hệ đó được cấu trúc trong một chỉnh thể cân đối, hoàn chỉnh, lấy hoạt động làm nền tảng. Giải quyết hiệu quả các quan hệ đó sẽ tạo nên giá trị đạo đức, dẫn tới xây dựng và phát triển các phẩm chất xã hội cho mỗi người. Như vậy, Sáu điều dạy của Bác là những định hướng cơ bản, có tính nguyên tắc trong chỉ đạo công tác giáo dục - đào tạo CAND trong suốt chiều dài lịch sử.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô [14/2/1961]. Ảnh tư liệu

Thứ ba, cán bộ Công an phải luôn học tập, thực hiện đường lối quần chúng của Đảng, phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Một nét lớn xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tính nhân dân sâu sắc. Mục tiêu của cách mạng nói chung, của công tác Công an nói riêng đều là hướng đến nhân dân, vì nhân dân, “lấy dân làm gốc”. Từ đó, Người yêu cầu công tác đào tạo Công an phải giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ mục tiêu ấy. Quan điểm của Bác xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; chính quyền cách mạng là chính quyền nhân dân: “…Làm công tác chính quyền, ở Công an hay Quân đội, đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ” [4]. Nhân dân vừa là động lực, vừa là lực lượng tham gia cách mạng và cũng đồng thời là mục tiêu bảo vệ quan trọng của cách mạng. Nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an phải thấm nhuần quan điểm, đường lối quần chúng, tinh thần và ý thức phục vụ nhân dân. Người khẳng định: Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít và giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Tuy nhiên, dựa vào dân theo Hồ Chí Minh không phải là trông chờ, ỷ lại ở nhân dân mà cần chủ động khai thác sức mạnh của dân: phải đi sâu và hoạt động thiết thực trong phong trào quần chúng; làm việc phải có điều tra, nghiên cứu; phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; phải đi đúng đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu và giúp Công an thành công được: “Công an phải có tác phong quần chúng, phải chịu khó giúp dân, qua đó mà biết được dân đang nghĩ gì, cần gì, lo gì, muốn gì… trên cơ sở đó mới tìm mọi cách để thực hành những công việc nên làm, những công việc do Chính phủ và đoàn thể đã giao cho” [5]. Bên cạnh đó, Công an cũng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình thân ái trên lập trường cách mạng, khuyến khích nhân dân phê bình Công an để nhân dân hiểu, yêu và giúp đỡ Công an. Đây chính là những định hướng quan trọng cho việc hình thành nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với lực lượng Công an.

Bên cạnh tư tưởng và tác phong quần chúng, đào tạo cán bộ Công an phải chú trọng kết hợp giữa đường lối quần chúng của Đảng với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành. Cần làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc rằng có thực hiện tốt đường lối quần chúng, dựa vào sức mạnh quần chúng thì mới phát huy tối đa và đem lại hiệu quả cao cho quá trình áp dụng các biện pháp nghiệp vụ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ một đơn vị Cảnh sát nhân dân thủ đô, mùng 1 Tết Quý Mão [1963]. Ảnh : TTXVN

Thứ tư, công tác giáo dục, huấn luyện cán bộ Công an phải có nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp; tổ chức đào tạo gắn với sử dụng cán bộ hiệu quả.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học; phải chú trọng cả ba mặt: Nội dung; hình thức giáo dục, huấn luyện, học tập; tổ chức đào tạo gắn với sử dụng cán bộ hiệu quả.

Về nội dung công tác giáo dục, huấn luyện, Người nhấn mạnh học tập phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, không phô trương, hình thức; phải cặn kẽ, thấu đáo, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất vấn đề; phải bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Để đào tạo những cán bộ, chiến sĩ Công an đáp ứng tốt các đòi hỏi ấy thì cần phải thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung giáo dục. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo còn cần sát hợp với vai trò, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải thực hành khẩu hiệu: Làm việc gì học việc ấy. Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, Công an…, cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy” [6]. Huấn luyện Công an là huấn luyện những người làm nghiệp vụ, vì vậy nội dung giảng dạy cần đặc biệt chú ý đến các môn nghiệp vụ, trang bị cho người học những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về các biện pháp nghiệp vụ Công an, đồng thời quan tâm rèn luyện thể chất và kỹ năng chiến đấu. Một yếu tố cũng được coi là không thể thiếu trong nội dung đào tạo, huấn luyện là giúp người học tôi luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân lao động; những hiểu biết, đánh giá sâu sắc về thực tiễn cách mạng, tình hình thế giới; phải tích cực nghiên cứu, nắm bắt âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch để có những đối sách phù hợp.

Để đạt mục tiêu đề ra, biến nội dung giáo dục trở thành hiện thực, cần có phương châm, phương pháp giáo dục đúng đắn, giúp cho người cán bộ Công an học tập, rèn luyện một cách tự giác và tích cực, dần chuyển hóa nội dung giáo dục thành những phẩm chất tốt đẹp của nhân cách. Phương pháp giáo dục được Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh là gắn lý luận với thực tiễn, kiên quyết chống tình trạng lý luận suông và thực hành mù quáng. Người chỉ rõ: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” [7] và “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế, lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông” [8]. Ngược lại, hệ thống lý luận phải được hoàn thiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Xuất phát từ mối quan hệ mật thiết giữa lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu công tác giảng dạy, học tập trong CAND phải đồng thời chú trọng phương pháp giảng dạy trên lớp kết hợp với nghiên cứu thực tế và nghe báo cáo thời sự. Những minh chứng, kinh nghiệm từ thực tiễn chiến đấu chính là nguồn tài liệu quan trọng giúp học viên hiểu sâu sắc và kiểm nghiệm được tri thức lý luận, từ đó biết vận dụng khéo léo, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ trong thực tiễn công tác sau này. Bác còn nhấn mạnh mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải tự học tập, nghiên cứu để trau dồi kiến thức cho bản thân.


Cán bộ chiến sĩ Cục Cảnh vệ đến thăm và chúc tết Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1969. Ảnh tư liệu

Bên cạnh việc đổi mới nội dung và hoàn thiện phương pháp giảng dạy, học tập, công tác giáo dục trong CAND còn cần chú trọng đến việc gắn tổ chức đào tạo với sử dụng cán bộ hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện “vừa hồng, vừa chuyên” nhưng nếu không phát huy được năng lực trong công tác, chiến đấu thì sẽ dẫn đến lãng phí cán bộ, theo đó, công tác đào tạo cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Dụng nhân như dụng mộc”, tức là phải dùng cán bộ đúng khả năng, chuyên môn, chống việc sử dụng lung tung như bảo thợ rèn đi đóng tủ, thợ mộc đi rèn dao.. Với việc sử dụng cán bộ, chiến sĩ Công an, Người cho rằng cần có chính sách quan tâm cán bộ, chiến sĩ đúng đắn, phù hợp, tùy hoàn cảnh, môi trường, địa bàn mà có cách thức sử dụng hợp lý… Điều này có liên hệ mật thiết với nội dung đào tạo, huấn luyện Công an, đòi hỏi phải xác định chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng và thực tiễn đời sống xã hội…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND nói chung. Theo Người, con người là nhân tố quan trọng nhất, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, để có những cán bộ, chiến sĩ Công an “vừa hồng, vừa chuyên”, công tác đào tạo, huấn luyện phải thường xuyên được coi trọng. Mục đích cuối cùng là xây dựng đội ngũ những con người có đức, có tài, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Công an đã trở thành nền tảng, định hướng cho hoạt động giảng dạy, học tập trong các trường CAND, góp phần xây dựng lực lượng Công an “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” [9]; đồng thời “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” [10]./.

------------------------------------ 

CHÚ THÍCH

* Tổng hợp từ sách: “Bác Hồ với Học viện An ninh nhân dân, Học viện An ninh nhân dân với Bác Hồ” [2016].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh [2011], Toàn tập - tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.153

2. Sđd, tập 7, tr.269

3. Sđd, tập 12, tr.155

4. Sđd, tập.7, tr.269.

5. Sđd, tập.9, tr.29.

6. Sđd, tập.5, tr.309.

7. Sđd, tập.5, tr.273.

8. Sđd, tập.5, tr.274.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam [2021], Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập.1, tr.158.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam [2011], Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.88.

Video liên quan

Chủ Đề