Trong hội mở màn Olympic Bắc Kinh 2008

Trong hội mở màn Olympic Bắc Kinh 2008
Phóng to

3.000 diễn viên hóa thân thành các môn đồ Khổng giáo đọc sách Luận ngữ -Ảnh: Reuters

TT - Tối 8-8, sân vận động Tổ Chim ở thủ đô Bắc Kinh đã biến thành sân khấu khổng lồ, phô diễn những nét tinh hoa nhất của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm. Lồng trong những tiết mục biểu diễn đặc sắc, các thông điệp về hòa bình, sự hòa hợp và những ước mơ cho tương lai đã được truyền đi thật nhẹ nhàng và tinh tế.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Báo China Daily của Trung Quốc đã không quá lời khi rút tít "Tổ Chim biến thành lòng chảo của nền văn minh Trung Hoa". Phong vị cổ đại được "dọn" ra bàn tiệc ngay từ món khai vị. Cùng với những âm thanh hào hùng trong tiết mục biểu diễn với 2.008 chiếc trống fou, loại trống đồng cổ có từ thời nhà Hạ, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã đưa 4 tỉ người trên thế giới trở lại thời kỳ sơ khai của lịch sử Trung Hoa.

Câu chuyện văn hóa Trung Hoa đã được khéo léo kể lại bằng nhiều cung bậc cảm xúc và lần lượt bốn phát minh vĩ đại của Trung Quốc (giấy, thuốc súng, la bàn, in ấn) được đưa lên sàn diễn trung tâm, với 3.000 môn đệ Khổng giáo xếp thành hình vòng tròn bên ngoài, đọc vang lời dạy Khổng Tử: "Anh em bốn biển một nhà”.

Thông điệp hòa bình được gửi gắm theo cách rất Trung Hoa khi những khối Hán tự - tượng trưng cho kỹ thuật in ấn - xếp lại tạo thành hình chữ "Hòa", vừa có nghĩa hòa bình, vừa có nghĩa hòa hợp, thể hiện bằng nhiều cách viết khác nhau, từ kiểu chữ Triện cổ đến kiểu chữ Hán hiện đại.

Trương Nghệ Mưu: "Hồi hộp và căng thẳng suốt buổi diễn"

Điều ban tổ chức và khán giả lo ngại nhất là trời mưa đã không xảy ra. Đây là kết quả của sự may mắn và chính nỗ lực của chính phủ. Một chiến dịch kiểm soát thời tiết đã được huy động trước lễ khai mạc. Chính phủ Trung Quốc đã cho phun một loại hóa chất ngăn mưa lên trời. Nhờ đó mà 4 tỉ khán giả trên khắp hành tinh đã được chứng kiến một lễ khai mạc trọn vẹn.

Tâm sự với báo chí ngay sau khi buổi lễ hạ màn, đạo diễn Trương thú nhận ông đã hồi hộp và căng thẳng suốt buổi biểu diễn. "Đặc biệt là trước tiết mục thắp đuốc, tim tôi đập rất mạnh. Chỉ có một cơ hội duy nhất và không một sơ sót nào được phép xảy ra".

Đạo diễn cho biết buổi lễ khai mạc tập trung nhấn mạnh vào văn hóa cổ đại và truyền thống của Trung Quốc, kếp hợp với sự phát triển của quốc gia này trong thời đại mới. "Thế giới muốn biết những nhân tố Trung Hoa, nên chúng tôi đã tập trung vào những gì độc đáo và tiêu biểu, như bốn phát minh vĩ đại, thư pháp Trung Hoa, tranh thủy mặc, võ thuật và các tiết mục khác".

Để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, công nghệ cao đã bao trùm lễ khai mạc với ánh sáng và sắc màu rực rỡ, biến nó thành một buổi trình diễn hiện đại, trẻ trung và bừng sáng. Bên cạnh đó, tổ đạo diễn còn sử dụng kiểu trình diễn "square art", tức đổ hàng nghìn diễn viên vào sân vận động (14.000: số diễn viên tham gia các tiết mục biểu diễn, trong đó có 9.000 binh sĩ và 2.008 võ sĩ đến từ Thiếu Lâm tự). "Trên một mặt sân rộng như vậy, nếu đưa ít người vào sẽ rất tĩnh, do đó chúng tôi cần một lượng lớn diễn viên để khuấy động cảm xúc đam mê”.

Chuyện bây giờ mới kể

Lễ khai mạc tối 8-8 là kết quả của gần ba năm chuẩn bị. Ngay sau khi buổi lễ diễn ra, trang web Sohu đã tiết lộ những thông tin thú vị xoay quanh việc chuẩn bị và những người đứng đằng sau các ý tưởng đó.

* 29 dấu chân pháo hoa thể hiện 29 kỳ Olympic dọc theo trục giữa của thành phố Bắc Kinh, từng bước một tiến tới sân vận động quốc gia Trung Quốc đã mở đầu màn trình diễn của lễ khai mạc Olympic lần 29 tại Bắc Kinh. Đây là ý tưởng của nghệ sĩ Sái Quốc Cường. Ban đầu ông Sái có ý định làm đến... 205 dấu chân, đại diện 205 quốc gia và lãnh thổ tham dự Olympic tại Bắc Kinh.

Nhưng khi triển khai ý tưởng này, ban pháo hoa phát hiện nếu bắn 205 pháo hoa thì có vẻ quá dày đặc, ngoài ra cũng làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Vì vậy con số này đã được giảm đi nhiều lần và cuối cùng được giảm đến 29. Dù những bước chân đã được bắn lên trời thật sự, nhưng thật ra những gì khán giả trong sân vận động Tổ Chim và ngồi trước tivi nhìn thấy là một đoạn video được làm bằng máy tính. Chỉ dấu chân cuối cùng bước vào sân vận động là quay thật. Ban tổ chức giải thích vì khó khăn trong việc quay lại cảnh bắn pháo hoa và truyền về sân vận động nên đã quyết định "làm giả”.

* Chỉ sau khi các diễn viên mở nắp và chui ra khỏi các mẫu chữ Hán, khán giả mới vỡ lẽ những mẫu chữ cử động theo mô hình đồ họa một cách chính xác như máy tính là do người điều khiển. Để thực hiện màn trình diễn chỉ kéo dài mấy phút này, các diễn viên đã tập luyện trong mười tháng trời. Mỗi mẫu chữ nặng khoảng 20kg. Trong suốt màn trình diễn, mỗi diễn viên phải nâng lên hàng trăm lần. Có khi mỗi giây họ phải nâng mẫu chữ một lần, lúc nhiều nhất là mỗi hai giây họ phải nâng ba lần. Khi trình diễn, mỗi diễn viên đều hoàn toàn cách ly với bên ngoài, không nhìn thấy được người kế bên, họ phải nhớ được mình nên làm gì theo từng giây.

*Lý Ninh, "hoàng tử thể dục" của Trung Quốc, đã thắp sáng đuốc Olympic Bắc Kinh và đẩy lễ khai mạc đến tận cao điểm. Sau khi ngọn lửa Olympic cuối cùng được truyền đến tay Lý Ninh, ông được từ từ kéo lên không trung và di chuyển trên nền là một bức tranh cuốn đang dần mở ra. Tiết mục "chạy" trên không trung của Lý Ninh là một trong những tiết mục xúc động và ấn tượng nhất lễ khai mạc. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu tiết lộ: trên "bức tranh" có một đường ray hình vòng, trên đường ray treo hai sợi dây kết nối với người Lý Ninh. Sau khi nâng Lý Ninh đến một độ cao nhất định, máy sẽ điều chỉnh độ dài của hai sợi dây để làm cho người Lý Ninh nghiêng lại, và sau khi ông đã đến đích sẽ lại điều chỉnh lần nữa để ông được "đứng" thẳng trong không trung. Tất cả những điều này đều do máy tính điều khiển.