Trong biện pháp khắc phục hậu quả phòng tránh bom đạn tổ chức cứu thương được thực hiện như thế nào

QĐND - Vụ nổ đầu đạn xảy ra tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnhĐắc Nông ngày 16-4, làm 8 học sinh bị thương vong và vụ phát hiện, xử lý 114 quả bom, đạn sót lại sau chiến tranh tại thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị ngày 22-4 là những thông tin “nóng” những ngày qua. Yêu cầu cấp báchlà cầntăng cường giáo dục cảnh báo, phòng tránh; đẩy nhanh rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ, nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả đau lòng.

Lực lượng công binh thugom, xử lýbom mìn sót lại sau chiến tranh tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang,TP Đà Nẵng.

Bắt đầu từ tuyên truyền phòng tránh

Cả 8 em bị thương vong trong vụ nổ tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil đều là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, để lại nỗi đau thương mất mát và hậu quả lớn đối với các em và gia đình. Nguyên nhân vụ nổ và vật liệu gây nổ đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, nhưng đây thực sự là bài học và lời cảnh báo nghiêm túc về nguy cơ và hiểm họa mất an toàn về bom mìn, vật nổ luôn tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi, ở nhiều địa phương. Trước đó, vào đầu tháng 12-2012, tại ấp Hiếu Trung A, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cũng xảy ra vụ nổ đầu đạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 em nhỏ [từ 4 đến 11 tuổi tử vong], 4em khác bị thương nặng. Nguyên nhân do mấy năm trước, trong lúc đào kênh, ông Lê Văn Lợt nhặt được một quả đạn pháo, nghĩ làquả đạn đã gỉ sét, không nguy hiểm, nên ông bỏvào bụicây trước nhà. Đây là nơi các em nhỏ thường nô đùa và hôm đó, các em đã mang quả đạn ra nghịch, gây hậu quả tang thương.

Từ năm 1975 đến 2000, nước ta có hơn 42.000 người tử vong và hơn 62.000 người bị thương tật do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, trong đó trẻ em chiếm hơn 30% tổng số người bị nạn. Trung tá Trần Quang Lập, Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS tỉnh Bình Định cho biết: Hậu quả bom, mìn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh rất nặng nề. Từ năm 1975 đến 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 500 vụ tai nạn về bom mìn, vật nổ [khi khai hoang, sản xuất 289 vụ; do cưa đục, đào phế liệu 179 vụ; khi đào móng xây nhà, đào mương thủy lợi 7 vụ; trẻ em nghịch gây nổ 20 vụ…] làm chết 1.529 người, bị thương hơn 1.100 người. Điển hình là vụ nổ ở khu vực hồ Phú Hòa, xã Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, khi người dân cưa đạn gây nổ, làm chết 7 người, bị thương 3 người…

Để rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ ở nước ta cần nguồn kinh phí rất lớn và phải mất thời gian ước tính hàng trăm năm. Do vậy, để hạn chế tai nạn, thương tích, cả trước mắt và lâu dài, việc nâng cao nhận thức, kiến thức phòng tránh bom mìn, vật nổ cho người dân là hết sức quan trọng và cấp thiết. Chương trình 504 của Chính phủ đã xác định một trong các nội dung trọng tâm là công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn. Các địa phương như: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định… đã xây dựng các chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn, vật nổ, cùng nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, nhất là với trẻ em về hậu quả bom mìn, vật nổ. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền phòng tránh bom mìn ở các địa phương trên nhận được sự hỗ trợ, tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Tuy vậy, ở không ít địa phương, so với yêu cầu, công tác tuyên truyền còn “khoảng trống” khá lớn. Để giảm bớt tai nạn, thương tích nhất là ở các vùng bị ô nhiễm nặng, các ngành, địa phương cần tích cực, chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, nhất là qua hệ thống truyền thanh, thông tin cơ sở, đưa thông tin cảnh báo, phòng tránh đến từng gia đình, người dân, học sinh trong các trường học… Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, theo Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn [Binh chủng Công binh]: Ban Chỉ đạo Chương trình 504 cần sớm biên soạn, cấp phát cho các địa phương [ưu tiênnhững vùng bị ô nhiễm nặng] chương trình chuẩn về giáo dục phòng tránh bom mìn, vật nổ; tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên các báo đài, lực lượng tuyên truyền viên… về “mảng” đề tài này, đồng thời phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả.

“Phản ứng nhanh” khi có bom mìn, vật nổ

Để phòng tránh tai nạn, thương tích, giảm thiệt hại, việc phát hiện, báo tin, thu gom, quản lý và xử lý bom mìn, vật nổ có vai trò hết sức quan trọng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm trước đây, sự phối hợp trong kiểm tra, xác minh bom mìn, vật nổ ở một số địa phương của lực lượng công an và quân sự đôi khi chưa kịp thời; quy trình, thủ tục xử lý còn chậm, có khi từ khi phát hiện, kiểm tra, báo cáo các cấp theo quy định đến khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý kéo dài hàng tháng [một phần do chưa được địa phương duyệt kinh phí] gây khó khăn cho chính quyền, người dân, do phải cắt cử lực lượng canh giữ, bảo vệ trong thời gian dài, gây tốn kém, phức tạp tại địa bàn.

Ngày 5-4-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;Nghị định số 26/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tạo thuận lợi và phối hợp hiệu quả hơn trong công tác này.

Kinh nghiệm của một số địa phương làm tốt, xử lý nhanh, an toàn bom mìn, vật nổ là cần phát huy hiệu quả phối hợp các lực lượng, nhất là vai trò của các nhân viên quân khí ban CHQS cấp huyện, thị xã, thành phố khi nhân dân phát hiện và báo tin có vật liệu nổ tồn lưu sau chiến tranh để kịp thời đến hiện trường, kiểm tra xác minh. Trường hợp vật liệu nổ thông thường, không nguy hiểm và nhân viên quân khí nắm rõ tính năng thì thu gom, vận chuyển về khu cách ly của ban CHQS cấp huyện, thị, thành phố quản lý, sau đó báo bộ CHQS tỉnh xử lý theo đợt.

Trường hợp bom mìn, vật liệu nổ nguy hiểm, phức tạp, nhân viên quân khí không xử lý được thì phải khẩn trương tổ chức che đậy, rào chắn bom mìn, vật nổ, cắm biển khu vực có mìn nguy hiểm để mọi người biết không qua lại hoặc đến gần; đề xuất địa phương cử lực lượng dân quân tổ chức canh giữ không để mất bom mìn, vật nổ, không để trẻ em chơi nghịch, gây nổ gây thương vong; không để người dân đốt lửa gần khu vực có vật nổ; báo cáo cấp trên cử lực lượng chuyên môn [công binh, kỹ thuật thuộc bộ CHQS tỉnh] đến xử lý. Đối với các cơ quan chuyên môn của bộ CHQS tỉnh, khi nhận được báo cáo, thông tin thì cùng địa phương tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý số bom mìn, vật nổ theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Để bảo đảm an toàn khu vực thao trường, trường bắn, cùng với thực hiện các biện pháp cảnh báo, tuần tra, canh gác…, các đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập có bắn đạn thật phải thực hiện đúng quy định: Sau huấn luyện, diễn tập phải tổ chức kiểm tra thao trường, thu gom hết, không để sót, rơi vãi số đạn, vật liệu chưa nổ và xử lý sạch thao trường, bảo đảm an toàn.

Đội rà phá bom mìn lưu động là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả. Theo Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn lưu động, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị: Hằng ngày, đơn vị được người dân và các cơ quan, tổ chức cung cấp khoảng 10 đến 15 tin về phát hiện bom mìn, vật nổ. Sau khi xác minh thông tin, các tổ, nhóm cơ động của đội lập tức lên đường cơ động đến hiện trường tiến hành xử lý; trung bình, mỗi tháng đội xử lý an toàn khoảng 1000 quả bom mìn, vật nổ. Gần đây nhất, ngày 22-4, từ tin tức người dân thông báo, đội đã cơ động nhanh đến hiện trường, xử lý an toàn 114 quả bom, đạn tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, gồm các loại đạn pháo 155mm, 120mm, mìn M16, đạn B40, đạn cối 60mm… Bước đầu xác định, số bom, đạn trên do các đại lýthu mua phế liệu không bán được [vì còn nguyên ngòi nổ và kíp nổ] nên bỏ lại.

Qua vụ việc trên, lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, đại lý thu mua phế liệu chiến tranh phân loại, thu gom các loại bom mìn, vật nổ nguy hiểm lẫn trong phế liệu và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng xử lý. Đối với những hành vi thải loại bom mìn, vật nổ ra môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng cần phải được điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Nhóm phóng viên QP-AN

Video liên quan

Chủ Đề