Vì sao phải giúp trẻ nói đúng ngữ pháp

Trường Mầm non Yên Sở: Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi nói câu đơn tại trường mầm non

PHẦN A. ĐẶT VẤN ĐỀ

     I.  LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:                                 

     Ông bà ta xưa có câu “ Trẻ lên 3 cả nhà học nói”

     Thật đúng như thế dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ 3 tuổi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngôn ngữ là phương tiện để phát triển tư duy, là công cụ hoạt động trí tuệ và là phương tiện để giáo dục tình cảm, thẩm mỹ cho trẻ.  Ngôn ngữ là chìa khóa vàng giúp trẻ mở ra cánh cửa của trí tuệ. Từ khi lọt lòng mẹ đến lúc chập chững tập đi, tập nói, đến lúc trẻ biết viết, biết đọc thì ngôn ngữ là chiếc cầu nối, là phương tiện dẫn dắt trẻ đi vào thế giới xung quanh. Với trẻ đó chính là 1 phương tiện để giao tiếp với mọi người xung quanh. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, đó là phương tiện giúp trẻ giao lưu cảm xúc với những người xung quanh hình thành những cảm xúc tích cực. Chính vì vậy, phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình giáo dục toàn diện. Chương trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ đã được nhà giáo dục mầm non Liên Xô nổi tiếng: Eiti - Khê va, xem là khâu chủ yếu nhất của hoạt động trong trường mầm non, là tiền đề thành công của các hoạt động khác.

     Khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ học được nhiều từ mới và cải tiến đáng kể trong phát âm. Trẻ giao tiếp bằng những câu đơn giản. Trẻ 3 tuổi cũng có thể lắng nghe và hiểu được các cuộc trò chuyện, câu chuyện, bài hát và thơ. Hiểu rõ về đặc điểm ngôn ngữ của trẻ thời điểm này sẽ giúp cha mẹ, giáo viên có những định hướng phát triển tư duy ngôn ngữ đúng đắn cho trẻ. Vì vậy việc rèn trẻ nói và sử dụng câu đơn là hết sức cần thiết. Chúng ta nên tạo môi trường cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với các từ ngữ thông qua việc rèn luyện , nói và sử dụng câu đơn trong mọi tình huống. Qua đó giúp trẻ phong phú, đa dạng hơn về vốn từ, khả năng nói đủ câu. Từ đó trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

     Năm học 2018- 2019, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội triển khai chuyên đề “Đổi mới hình thức giáo dục lĩnh vực phát triển ngôn ngữ”. Chính vì thế, tôi mạnh dạn chọn đề tài “Một số biện pháp giúp trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi nói câu đơn tại trường mầm non” nhằm góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ, giúp trẻ nói đúng và đủ câu.

     II . MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

     - Giúp trẻ 3-4 tuổi phát triển hết khả năng ngôn ngữ lứa tuổi, nói đủ câu, nói câu đủ thành phần

     - Làm phong phú thêm ngân hàng đề tài truyện để dạy trẻ mẫu giáo bé.

     - Phát hiện khả năng về ngôn ngữ của trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.

     III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

     Đối tượng nghiên cứu là trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi.

     IV. ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT THỰC NGHIỆM

     Đối tượng khảo sát thực nghiệm là trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi quận Hoàng Mai.

     V. PHƯƠNG PHÁP VÀ KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU

     - Những phương pháp nghiên cứu được sử dụng: Phương pháp quan sát, phương pháp thực hành, phương pháp thống kê, phương pháp nghiên cứu tài liệu...

     - Thời gian nghiên cứu  diễn ra trong vòng 1 năm học, bắt đầu từ 1/8/2018 đến hết tháng 5/2019.

PHẦN B: NỘI DUNG

     I. CƠ SỞ LÍ LUẬN:

     Trong tâm lý học, ngôn ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của con người và nó là nguồn động lực mạnh mẽ kích thích con người hoạt động ham hiểu biết tìm tòi, khám phá chân lý.

     Khoa học đã nghiên cứu về đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, trẻ 3 - 4 tuổi ngôn ngữ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trẻ bắt đầu biết những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Trẻ muốn được nói chuyện một cách liên tục. Trẻ đã có thể hiểu được 1000 từ trở lên. Hàng ngày, trẻ có thể hiểu thêm trung bình 4 đến 6 từ mới và bộ nhớ cho phép tiếp nhận các từ mới thông qua các trải nghiệm của trẻ. Trẻ tiếp tục học các từ khi người lớn gọi tên các sự vật, tăng khả năng suy luận nghĩa của từ qua ngữ cảnh. Nhiều từ mới cũng đạt được thông qua các trải nghiệm mới mẻ hay việc cha mẹ, cô giáo đọc to những cuốn sách mỗi ngày. Trẻ 3 tuổi đã có thể phát âm khá rõ ràng. Trẻ có thể sử dụng lời nói để trao đổi với mọi người xung quanh. Nhưng đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ 3-4 tuổi là những câu từ đơn lẻ, chưa mạch lạc. Những câu giao tiếp của trẻ đã có thể sử dụng cấu trúc ngữ pháp đơn giản. Trẻ sẽ kết nối ý muốn truyền đạt của mình bằng một loạt các câu ngắn. Trẻ bắt đầu biết kể về những trải nghiệm của mình tuy nhiên chỉ đưa ra những thông tin chính, bỏ qua rất nhiều các chi tiết nên người không tham gia ngữ cảnh không thế hiểu toàn bộ. Chính vì vậy, giáo viên chính là người mẹ thứ hai hàng ngày chăm sóc, dạy dỗ trẻ sẽ cần phải hiểu được ngôn ngữ của trẻ. Nhưng thực tế giáo viên mầm non có đầu tư vào giáo án, hình thức, biện pháp để truyền đạt kiến thức cho trẻ nhưng việc chú trọng cho trẻ thể hiện được những câu đơn thì chưa nhiều. Khi tổ chức các hoạt động , giáo viên đa phần mới chỉ chú ý đến việc giúp trẻ hiểu nội dung câu chuyện, bài thơ… Ngược lại, nếu giáo viên chú trọng tới việc tạo cơ hội, điều kiện cho trẻ phát triển câu đơn một cách cụ thể, dễ hiểu thì  ngôn ngữ của trẻ sẽ phong phú và đa dạng hơn rất nhiều.

      II. CƠ SỞ THỰC TIỄN:

     1. Thuận lợi:

- Về phía nhà trường và tổ chuyên môn: Thường xuyên quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.

- Về cơ sở vật chất: Lớp được trang bị máy vi tính có kết nối Internet để truy cập thông tin trên mạng, có điều kiện tìm hiểu, tham khảo các hình thức mới, lạ giúp trẻ nói câu đơn từ các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi.

- Về giáo viên:

+ Luôn tham gia đầy đủ các buối tập huấn chuyên đề đổi mới hình thức giáo dục lĩnh vực phát triển ngôn ngữ do Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội, PGD và tổ chuyên môn trường tổ chức trong năm học 2018-2019.

+ Bản thân cũng có con nhỏ ở độ tuổi 3 - 4 tuổi, điều đó giúp tôi hiểu kỹ hơn về tâm sinh lý, đặc điểm ngôn ngữ của trẻ ở lớp cũng như ở nhà.

- Về phía trẻ: Trẻ nhanh nhẹn, tích cực tham gia hoạt động.

- Về phía phụ huynh: luôn quan tâm, ủng hộ đến việc giáo dục trẻ.

     2. Khó khăn:

- Giáo viên:

+ Thời gian cho việc tổ chức triển khai, hướng dẫn, rèn luyện , kiểm tra vốn từ của trẻ còn hạn chế.

+ Số lượng truyện phù hợp với trẻ trong chương trình học còn ít.

+ Khả năng truyền đạt của các giáo viên trong lớp khác nhau.

- Về phía trẻ:

+ Sĩ số lớp đông : 50 trẻ nên việc theo dõi để ý, hướng dẫn trẻ ,cũng như bao quát,  kiểm tra chất lượng nắm bắt kiến thức của trẻ bị hạn chế nhiều.  

+ Nhiều trẻ nhút nhát khi giao tiếp với cô, với bạn, một số trẻ chậm về ngôn ngữ: Nguyễn Yên Chi ; Trần Minh Anh, Linh Trang,..

+ Nhiều trẻ nói trống không, nói không đủ câu, nói ngọng n - l.  Khả năng diễn đạt còn kém. 

- Phụ huynh:

+ Sự không đồng nhất giữa giáo viên và phụ huynh trong việc rèn nói câu đơn cho trẻ.

+ Phần lớn phụ huynh chưa kiên nhẫn khi cùng phối hợp với giáo viên rèn câu đơn cho con.

Thời gian đầu năm học, trẻ lớp tôi khả năng giao tiếp của trẻ còn nhiều hạn chế, ngôn ngữ của trẻ chưa phong phú và đa dạng. Qua tiếp xúc với trẻ tôi nhận thấy trẻ hay có thói quen nói trống không, nói không đủ câu. Tôi đã tiến hành khảo sát thực tế về khả năng nói câu đơn của trẻ trong lớp tôi phụ trách. Thời gian khảo sát diễn ra khi tiết học kết thúc, trong khi trẻ hoạt động góc, hoạt động chiều.

Kết quả khảo sát đầu năm như sau:

Tiêu chí

đánh giá

Đầu năm

Đạt

Chưa đạt

Số lượng

Tỉ lệ [%]

Số lượng

Tỉ lệ [%]

Phát âm rõ ràng.

10 trẻ

20%

40 trẻ

80%

Nói câu đơn đủ thành phần.

11 trẻ

22%

39 trẻ

78%

Khả năng chủ động nói câu đơn.

12 trẻ

24%

38 trẻ

76%

     Từ những thuận lợi và khó khăn trên, tôi đã suy nghĩ, tìm ra những biện pháp giáo dục nhằm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ đặc biệt là giúp trẻ nói câu đơn đủ thành phần.

     III. CÁC BIỆN PHÁP:

     1. Biện pháp 1: Xây dựng ngân hàng các dạng câu hỏi giúp trẻ nói câu đơn:

    Với đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ 3-4 tuổi là những câu đơn lẻ, chưa mạch lạc. Vì vậy việc dạy trẻ nói những câu đơn ngắn trọn vẹn là vô cùng cần thiết. Thế nhưng làm sao để nói cho trẻ hiểu thế nào là câu đơn. Chúng ta không thể giải thích với trẻ 3-4 tuổi câu đơn là câu có đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ hay bắt trẻ phải nói thế này, thế kia theo ý người lớn. Hoặc nếu có chỉ là trẻ nói theo mẫu chứ không hề xuất phát từ ngôn ngữ của chính trẻ. Chính vì vậy tôi đã đặt câu hỏi cho trẻ theo những mẫu câu hỏi đơn giản để trẻ trả lời bằng những câu đơn trọn vẹn:

+ Ai [ cái gì] ….. ở đâu?

                     ….. đang làm gì?                 

                     ….. như thế nào?                  

+ Hãy đoán xem ...?

Với các mẫu câu hỏi này tôi đã xây dựng hệ thống các dạng câu hỏi đặt ra cho trẻ theo các sự kiện trong tháng và yêu cầu trẻ trả lời bằng các câu đơn trọn vẹn. Tất cả các đối tượng, sự kiện đều có thể áp dụng các mẫu câu hỏi này.

Ví dụ một số sự kiện như sau:

Tháng

Sự kiện

Câu hỏi

Dạy trẻ nói câu đơn

9

Trung thu

- Bánh trung thu như thế nào?

- Đèn ngôi sao như thế nào?

- Bánh dẻo màu trắng

- Bánh nướng màu vàng.

- Đèn ngôi sao có 5 cánh.

- Đèn ngôi sao có nhiều màu.

11

Ngày hội của cô giáo 20- 11

- Ngày 20- 11 là ngày hội của ai?

- Con [ bạn] đang làm gì?

- Con thích làm gì tặng cô giáo?...

- Ngày 20-11 là ngày hội của cô giáo.

- Con đang học bài [ múa hát]

- Con thích làm bưu thiếp.

1

Chào năm mới 2019

- Ngày Tết có bánh gì?

- Bánh chưng như thế nào?

- Hãy đoán xem loại hoa nào chỉ có trong ngày Tết?

- Hoa đào [ hoa mai] như thế nào

- Ngày Tết có bánh chưng.

- Bánh chưng hình vuông, màu xanh.

- Ngày Tết có hoa đào, hoa mai.

- Hoa đào màu hồng.

- Hoa mai màu vàng.

3

Ngày hội của bà, mẹ 8- 3

- Ngày 8- 3 là ngày hội của ai?

- Các bạn đang làm gì để chào mừng ngày 8- 3?

- Ngày 8- 3 là ngày hội của bà, mẹ,...

- Bạn đang múa hát.

- Bạn tặng quà cho bà [mẹ].

5

Ngày sinh nhật Bác Hồ 19- 5

- Ngày 19- 5 là ngày gì?

- Bác Hồ đang yên nghỉ ở đâu?

- Ngày 19- 5 là ngày sinh nhật Bác Hồ.

- Bác Hồ đang ở lăng Bác Hồ.

=> Kết quả: Khi được đặt câu hỏi cụ thể theo những mẫu câu hỏi này trẻ lớp tôi đã dễ dàng trả lời câu hỏi mà cô đặt ra. Không những vậy dựa vào câu hỏi trẻ có thể trả lời bằng những câu đơn trọn vẹn theo ý hiểu của chính trẻ.

      2. Biện pháp 2: Dạy trẻ nói câu đơn thông qua các hoạt động tại trường mầm non:

     2.1: Thông qua hoạt động học:

     Trong tất cả các hoạt động trong ngày của trẻ tại trường mầm non đều có thể lồng rèn trẻ nói đủ câu. Tuy nhiên hoạt động học vẫn luôn là hoạt động quan trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên có thể truyền đạt mọi kiến thức tới trẻ cũng như rèn luyện các kỹ năng cho trẻ. Đặc biệt là dạy cho trẻ nói câu đơn trọn vẹn. Chính bởi vậy tôi đã dạy trẻ nói câu đơn trọn vẹn thông qua hoạt động học. Một tuần trẻ được học các hoạt động khác nhau như hoạt động làm quen văn học , hoạt động làm quen với toán, hoạt động tạo hình. Nhưng hoạt động làm quen văn học là hoạt động mà giáo viên có thể dạy trẻ, rèn trẻ nói câu đơn trọn vẹn với nhiều hình thức đa dạng nhất. Sau đây là một số cách tôi dạy trẻ nói câu đơn trọn vẹn thông qua các hoạt động học.

     2.1.1: Hoạt động làm quen văn học:

     a. Lựa chọn truyện phù hợp dạy trẻ nói câu đơn:

     Hoạt động làm quen văn học bao gồm “Thơ, truyện, đồng dao, ca dao, tục ngữ”. Nhưng hoạt động kể chuyện cho trẻ nghe là một hoạt động mà qua đó giáo viên có thể sử dụng chính những câu trong truyện để dạy trẻ nói câu đơn một cách hiệu quả nhất. Với các câu đơn giản được lặp lại nhiều lần trong truyện sẽ giúp trẻ dễ nhớ và nhắc lại một cách dễ dáng khi cô yêu cầu, qua đó ngôn ngữ của trẻ được phát triển, đặc biệt là nói câu đơn đủ thành phần. Truyện kể cho trẻ nghe phải có nội dung đơn giản, có nhiều câu đơn được lặp lại nhiều lần để trẻ nghe nhiều dễ khắc sâu, ấn tượng câu đơn có trong truyện.Tuy nhiên không phải truyện nào trong chương trình cũng có nội dung đơn giản, ngắn gọn, có nhiều câu đơn lặp lại mà có những câu chuyện khá dài, nội dung khó hiểu, nhiều từ khó đối với trẻ. Chính vì thế, bản thân tôi đã sưu tầm, chỉnh sửa nội dung câu từ trong truyện sao cho phù hợp với trẻ và mục đích dạy trẻ nói câu đơn của mình.

          Ví dụ một số câu chuyện mà tôi đã tự sáng tác, sưu tầm có nội dung phù hợp đưa vào dạy trẻ:

Truyện : “ Thức dậy đi nào ”

Trong một khu rừng nọ có rất nhiều những người bạn ngộ nghĩnh, đáng yêu. Bên dưới những chiếc lá xanh to lớn, một bạn Bọ dừa nằm trên lá thức dậy sau một giấc ngủ đông dài. Bọ dừa bay đi tìm các bạn.

Nhìn thấy một bạn Thỏ con ngủ trong hốc cây, Bọ dừa cất tiếng gọi:

-  Dậy thôi, dậy thôi Thỏ ơi !

Thỏ con vươn vai đứng dậy:  Ôi đã sáng rồi sao ?

Nhìn lên cây, thấy Chim con ngủ trong tổ ấm áp, Thỏ gọi:

- Dậy thôi, dậy thôi chim con ơi !

- Chip, chip,chíp, chip,chíp... chim con vươn cổ, nheo mắt nhìn ông mặt trời.

Thế là các bạn nhỏ cùng nhau đi gọi Bướm hồng ngủ trên vườn hoa gần đó:

-  Dậy thôi, dậy thôi bướm ơi ! Ông mặt trời đang tỏa nắng và những bông hoa đang nở kìa .

Bướm hồng xòe đôi cánh rực rỡ bay theo các bạn trên đồng cỏ xanh mướt. Tất cả cùng nhau hát vang bài ca tình bạn.

                                                                    Tác giả: Nancy Davis

                                                     Dịch giả: Linh Chi – Nhà xuất bản thế giới

Truyện “ Ba ngọn đèn giao thông”

Trong ngôi nhà nhỏ ở ngay ngã tư đường phố có ba ngọn đèn cùng chung sống với nhau. Đó là đèn đỏ, đèn vàng và đèn xanh. Công việc của chúng thật quan trọng. Khi đèn xanh bật sáng, xe cộ được đi! Còn khi đèn vàng bật lên là lúc nó muốn nhắc chúng ta rằng:

- Đèn vàng bật sáng, đi chậm lại thôi!

Cuối cùng là đèn đỏ sáng lên và nói:

- Đèn đỏ bật sáng, các xe dừng lại!

Nhưng một hôm đèn xanh cãi nhau với đèn đỏ và thậm chí đánh nhau nữa chứ! Kết cục là cả hai đều bị thương tích đầy mình nên chẳng còn bật sáng lên được nữa. Đường phố bị tắc.

Có một chú cảnh sát giao thông xuất hiện. Chú ân cần khuyên chúng:

- Này các cậu bé, đừng bao giờ cãi nhau nữa nhé!

Từ đó trở đi, trong ngôi nhà nhỏ tại ngã tư đường phố, ba ngọn đèn xanh, vàng, đỏ luôn sống chan hòa và đoàn kết với nhau.

[ Một số truyện khác xem thêm phần phụ lục trang 2- 4]

b. Đổi mới hình thức tổ chức hoạt động kể truyện dạy trẻ nói câu đơn:

    Sau khi đã lựa chọn được truyện có nội dung trong sáng, phù hợp lứa tuổi và có nhiều câu đơn phù hợp để dạy trẻ, tôi nghiên cứu tìm ra những hình thức khác nhau để tổ chức hoạt động kể truyện dạy trẻ nói câu đơn.

Trước đây khi kể truyện lần 1 giáo viên sẽ kể liền mạch nhưng giờ tôi đã áp dụng theo nội dung đổi mới là vừa kể vừa cho trẻ dự đoán tình tiết truyện. Bằng cách làm này trẻ không còn bị thụ động ngồi nghe cô kể mà được tư duy, suy nghĩ, phỏng đoán nội dung truyện. Từ đó dễ khắc sâu vào tâm trí trẻ cả về nội dung cũng như những tình tiết trong truyện. Phần đàm thoại tôi cũng thay đổi hình thức so với cách dạy thông thường trước đây. Tôi cho trẻ được tự lựa chọn nhân vật, tranh nền,.. có trong truyện. Tôi đàm thoại theo kiểu trò chuyện qua lại chứ không mang tính chất gò bó, cô hỏi – trẻ trả lời.

Sau đây là ví dụ một số hình thức đổi mới mà tôi đã lựa chọn và áp dụng hiệu quả trong việc rèn cho trẻ nói câu đơn trong hoạt động làm quen văn học:

- Với loại tiết trẻ chưa biết:

Đề tài: truyện “ Thức dậy đi nào”

[ loại tiết trẻ chưa biết]

Tôi rèn cho trẻ nói câu đơn trong các hoạt động sau:

+ Hoạt động 1: Cô kể truyện diễn cảm lần 1: [sử dụng Big book]Tôi cho trẻ dự đoán tình tiết truyện. Tôi đặt câu hỏi theo các mẫu câu  như ở biện pháp 1 tôi đã nêu

và cho trẻ trả lời [ ví dụ: Thỏ con đang ở đâu? Các con hãy đoán xem trên cây có

ai?...]

+ Hoạt động 2: Cô kể truyện lần 2: Tôi cho trẻ tự lựa chọn, tìm các nhân vật

có trong truyện. Khi trẻ đi tìm tôi gợi ý cho trẻ cùng nhắc lại tên nhân vật, nơi ở của chúng và gắn nhân vật trên nền tranh [khi gắn trẻ nói câu đơn trọn vẹn: Bọ dừa nằm trên lá, Thỏ ở trong hốc cây,... ]

+ Hình động 3: Đàm thoại giúp trẻ hiểu nội dung truyện: Tôi sử dụng rối Chim và Bướm, yêu cầu trẻ đoán nhân vật còn thiếu trong câu chuyện [2 cô phối hợp] và cùng trò chuyện với trẻ.

Ví dụ:  + Đầu tiên Bọ dừa thấy ai? Thỏ con đang ở đâu?... => Khuyến khích trẻ nói được câu đơn trọn vẹn: “Thỏ ở trong hốc cây”

- Với loại tiết trẻ đã biết:

Đề tài: truyện “ Ba ngọn đèn giao thông”

[ loại tiết trẻ đã biết – kể chuyện sáng tạo]

Tôi rèn cho trẻ nói câu đơn trong các hoạt động sau:

+ Hoạt động 1: Trẻ cùng cô kể trên tranh:

- Cô và trẻ cùng kể trên tranh: Tôi cho trẻ xem tranh, tôi đặt câu hỏi cho trẻ trả lời theo nội dung tranh. Ví dụ: + Cô có tranh gì đây? Con hãy nói về bức tranh con nhìn thấy? => Khuyến khích trẻ nói câu đơn theo ý hiểu: Đèn giao thông có màu xanh - đỏ- vàng.

+ Bức tranh này, đèn nào đang sáng?

+ Các phương tiện đang làm gì?

+ Con hãy nói về cho cô và các bạn cùng biết? => Khuyến khích trẻ nói câu đơn: Đèn đỏ thì xe phải dừng lại...

+ Hoạt động 2: Trẻ cùng cô kể và gắn, di chuyển nhân vật trên nền tranh:

Ví dụ: + Khi đèn đỏ bật sáng, các phương tiện giao thông phải làm gì?

Tôi cho trẻ di chuyển phương tiện giao thông để trẻ hứng thú.

+ Hoạt động 3: Cô kể truyện trên sách Bigbook

- Từ những bức tranh rời và các nhân vật rời tôi đã làm thành một quyển sách rất to gọi là Big book mang tên “ Ba ngọn đèn giao thông”. Tôi giới thiệu về quyển sách: Tên truyện, trang bìa, cho trẻ nhắc lại kỹ năng giở sách để xem [ lật từng trang, xem hết trang này rồi lật tiếp trang sau]

- Sau đó tôi giở sách và kể truyện trọn vẹn cho trẻ nghe dựa theo những câu đơn của trẻ. [ Giáo án cụ thể tại phần phụ lục trang 4-9]

=> Kết quả: Với việc lựa chọn truyện phù hợp kết hợp với những đổi mới trong hình thức giáo dục đã giúp giờ học không còn bị nhàm chán như trước. Hoạt động đàm thoại không không còn chỉ dừng lại ở việc cô đặt câu hỏi, trẻ trả lời như

trước mà trẻ hoàn toàn chủ động tư duy, phán đoán, thử và kiểm tra. Và kết quả đạt

được là trẻ lớp tôi đã tiến bộ rõ rệt trong khả năng nói câu đơn trọn vẹn.

     2.1.2: Hoạt động làm quen với toán:

Ngoài hoạt động làm quen văn học thì còn rất nhiều những hoạt động học khác mà tôi đều có thể lồng ghép rèn cho trẻ nói câu đơn trọn vẹn. Với hoạt động làm quen với toán, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mới, củng cố những kiến thức cũ về toán mà tôi còn thông qua hoạt động để rèn nói câu đơn cho trẻ rất hiệu quả. Thông qua những câu hỏi liên quan đến toán học, màu sắc, số lượng, tôi có thể kết hợp rèn trẻ nói đủ câu.

Chẳng hạn như trong hoạt động “nhận biết màu xanh – đỏ - vàng” trong sự kiện Trường mầm non vào tháng 9 đầu năm học. Tôi đặt câu hỏi lặp đi lặp lại về màu sắc của các đối tượng, cô phụ trả lời mẫu nói đủ câu để trẻ trả lời theo:

+ Cái mũ màu gì? Yêu cầu trẻ trả lời cả câu: Cái mũ màu xanh.

+ Lá cờ màu gì? Trẻ trả lời: Lá cờ màu đỏ.

+ Đồ chơi màu gì? Trẻ trả lời: Đồ chơi màu vàng.

Đến những tháng sau giáo viên không cần nói mẫu cho trẻ nữa mà chỉ cần đặt câu hỏi và yêu cầu trẻ trả lời. Trẻ trả lời, các trẻ khác tự nhận xét và kiểm tra. Ví dụ như trong hoạt động “ nhận biết, phân biệt cao hơn – thấp hơn” trong tháng 3. Tôi đặt câu hỏi về chiều dài các đối tượng yêu cầu trẻ trả lời, sau đó cho 2 trẻ tự hỏi nhau và nói đủ câu:

+ Cái cây màu nào cao hơn? Yêu cầu trẻ trả lời cả câu: Cái cây màu xanh cao hơn.

+ Cái cây màu nào thấp hơn? Yêu cầu trẻ trả lời cả câu: Cái cây màu vàng thấp hơn.

- Tôi còn cho trẻ tự đi tìm và so sánh chiều cao của các đồ dùng, đồ chơi cùng loại trong lớp sau đó diễn đạt bằng câu đơn đầy đủ:

+ Đây là búp bê.

+ Búp bê mặc váy đỏ cao hơn. Búp bê mặc váy hồng thấp hơn.

2.1.3: Hoạt động khám phá:

Đây là một hoạt động rất đa dạng, phong phú các câu hỏi mà giáo viên có thể đặt ra cho trẻ trả lời, diễn đạt theo ý hiểu của mình. Hoạt động khám phá là hoạt động mà trẻ được mở rộng kiến thức, trải nhiệm, thực nghiệm. Khi tham gia hoạt động không chỉ có mình giáo viên là người đặt câu hỏi để trẻ trả lời mà chính trẻ cũng có rất nhiều câu hỏi đặt cho cô nhờ cô giải đáp. Thông qua hoạt động khám phá, vốn từ và khả năng diễn đạt câu đủ ý, rõ ràng của trẻ được tiến bộ rất nhanh. Chính vì vậy nếu giáo viên chú trọng rèn trẻ nói đủ câu thì chắc chắn se đem lại hiệu quả rất tốt. Mỗi buổi hoạt động khám phá khi tôi tổ chức cho trẻ, tôi đều cung cấp kiến thức cho trẻ ngắn gọn, dễ hiểu và đặt các câu hỏi theo dạng mẫu câu như ở biện pháp 1 tôi đã trình bày: Ai [ cái gì] ở đâu ? như thế nào? Hãy đoán xem…? Vì sao…? cho trẻ trả lời. Trẻ rất hào hứng tham gia hoạt động khi được nói lên ý kiến của mình, được dự đoán, được trò chuyện. Từ những mẫu câu hỏi đơn giản này, trẻ lớp tôi hiện nay đã có thể đặt lại câu hỏi với cô và các bạn khi tham gia hoạt động.

Ví dụ như “Hoạt động khám phá con thỏ”, tôi đặt các câu hỏi với trẻ trước, sau đó trẻ tự hỏi nhau và nói chuyện với nhau như sau:

+ Đây là con gì? Ai biết gì về con thỏ? – Tôi để trẻ nói theo ý hiểu của trẻ.

+ Con thỏ trông như thế nào? – Trẻ trả lời: Con thỏ có 2 tai. Con thỏ có lông màu trắng….

+ Các con hãy đoán xem con thỏ thích ăn gì? Nhảy như thế nào? – Trẻ tra lời: Con thỏ thích ăn cà rốt.

+ Con thỏ sống ở đâu? – Trẻ trả lời: Thỏ sống trong rừng hoặc Nhà con nuôi con thỏ.

+ Trẻ có thể hỏi cô: Vì sao nhà bạn nuôi con thỏ ạ? – tôi giải đáp cho trẻ: Vì thỏ là con vật hiền lành nên có gia đình nuôi ở nhà.

     2.1.4: Hoạt động tạo hình:

Hoạt động tạo hình cũng là một hoạt động mà tôi có thể lồng ghép rèn trẻ nói câu đơn trọn vẹn. Từ những kiến thức trẻ đã biết, trẻ có thể vận dụng vào bài học. Cũng vẫn bằng những mẫu câu hỏi đơn giản như trên, khi tôi đặt câu hỏi trẻ lớp tôi có thể trả lời các câu hỏi của cô một cách dê dàng bằng những câu đơn trọn vẹn.

Ví dụ như: “ Hoạt động xé dán tóc cho bạn”. Tôi đặt các câu hỏi như:

+ Tóc bạn trai [ gái] như thế nào? – Trẻ trả lời được cả câu: Tóc bạn trai ngắn. Tóc bạn gái dài.

“ Hoạt động tô màu lá cờ Việt Nam”. Tôi cũng đặt các câu hỏi như:

+ Lá cờ trong như thế nào? – Trẻ trả lời theo ý hiểu của trẻ.

+ Lá cờ hình gì? – Trẻ tra lời đủ câu: Lá cờ hình chữ nhật.

+ Lá cờ màu gì? – Trẻ trả lời: Lá cờ màu đỏ

+ Ngôi sao màu gì? – Trẻ trả lời: Ngôi sao màu vàng.

+ Ngôi sao có mấy cánh? – Trẻ trả lời: Ngoi sao có 5 cánh.

     2.1.5: Hoạt động âm nhạc:

Tương tự như các hoạt động học khác, hoạt động âm nhạc cũng là một hoạt động khong thể thiếu trong chương trình dạy trẻ. Hoạt động âm nhạc là hoạt động mà trẻ rất hứng thú tham gia bởi lẽ trẻ được hát, múa, được nghe, được cảm thụ những bài hát, bản nhạc hay. Nhưng ngoài những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của

bộ môn tôi còn lồng ghép rèn nói đủ câu cho trẻ.

Ví dụ như: “Dạy vận động minh họa bài Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, khi trò

chuyện hỏi lại trẻ về nội dung bài hát tôi đặt các câu hỏi sau:

+ Bác Hồ trông như thế nào? – Trẻ trả lời theo ý hiểu của trẻ.

+ Râu Bác Hồ thế nào? – Trẻ trả lời: Râu Bác dài.

+ Tóc Bác thì sao? – Trẻ trả lời: Tóc Bác bạc phơ.

+ Các con sẽ làm gì để là cháu ngoan Bác Hồ? – Trẻ trả lời theo ý hiểu: Con se ngoan. Con không khóc nhè….

Sau đó tôi dạy trẻ làm các động tác minh họa theo lời bài hát Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ [ Ảnh minh họa hoạt động học tại phần phụ lục trang 15]

=> Kết quả: Thông qua hoạt động học với những lĩnh vực khác nhau tôi đều có thể lồng ghép rèn cho trẻ nói câu đơn trọn vẹn. Với việc tích cực rèn luyện kỹ năng nói đủ câu cho trẻ trong các hoạt động học đã giúp trẻ lớp tôi phát triển ngôn ngữ rất tốt. Đến thời điểm tháng 4 này, trẻ lớp tôi đã hoàn toàn chủ động trong giao tiếp và đặc biệt là số lượng trẻ nói trống không không còn nữa.

     2.2: Thông qua hoạt động các hoạt động khác trong ngày:

     2.2.1. Thông qua giờ đón trả trẻ:

     Muốn phát triển ngôn ngữ cho trẻ, đặc biệt muốn dạy trẻ nói được câu đơn đủ thành phần thì cũng giống như mưa dầm thấm lâu, hàng ngày, hàng giờ, mọi lúc, mọi nơi giáo viên phải luôn chú ý đến cách nói, cách hỏi của mình cũng phải theo một cấu trúc câu đơn giản đủ thành phần để khi trẻ trả lời theo mẫu câu hỏi trẻ đã nói được câu đúng có đủ thành phần. Chính vì thế, ngay từ khi đón, trả trẻ tôi đã quan tâm tới việc trò chuyện và rèn trẻ nói đủ câu. Tôi luôn đưa ra những câu hỏi có đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ , yêu cầu trẻ khi trả lời phải nhắc lại một phần câu hỏi của cô và thêm vào từ con muốn trả lời.

Ví dụ:

Câu hỏi của giáo viên

Câu trả lời của trẻ

Thông thường

Giáo viên dạy trẻ nói câu đơn

Ai đưa con đi học?

Bố [ mẹ,…]

Bố [ mẹ] đưa con đi học ạ.

Dép cất ở đâu?

Trên  giá [ ở đây]

Dép để trên giá dép ạ.

Balo con để ở đâu?

Ở tủ ạ!

Balo con để ở tủ ạ.

Cô chào con!

Con chào cô [ chào cô]

Con chào cô ạ.

Con chào ông [ bà, bố ,mẹ] thế nào?

Chào ông,…

Con chào ông… ạ.

     2.2.2. Thông qua giờ hoạt động góc:

     Chơi góc là một hoạt động mà qua đó trẻ được là chính mình, được tái hiện lại những gì trẻ nghe, thấy, học được. Đây là thời điểm tuyệt với để trẻ khắc sâu và luyện tập lại những gì trẻ học được. Chính vì thế, tại góc “Sách truyện” tôi đã tận dụng góc sách chuyện là môi trường để trẻ phát triển ngôn ngữ đặc biệt là tập nói câu đơn. Bằng việc trang trí đẹp, bố trí nhiều sách chuyện, đồ chơi, con rối hấp dẫn trẻ, tôi còn sử dụng thẻ hình cho trẻ ghép lại với nhau, dưới  mỗi hình có từ kèm theo, trẻ chỉ việc gọi tên hình và hành động của người trong hình là đã thành một câu đơn có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Tôi đã làm được các bộ thẻ từ như sau:

     Bên cạnh đó tại mỗi góc chơi tôi đều có thể tận dụng để rèn cho trẻ nói đủ câu. Chẳng hạn như khi đến chơi với trẻ tại góc “Gia đình” chỉ bằng những câu hỏi, những câu trò chuyện gợi ý đơn giản như: Con đang đóng ai thế? Mẹ đang làm việc gì đấy? Tắm cho em bé thế nào?... Trẻ sẽ trả lời lại tôi bằng những câu đơn đầy đủ như: Con đóng làm mẹ. Bạn A là con. Mẹ đang nấu cơm

     Tương tự như vậy, cũng với những mẫu câu hỏi đơn giản mà tôi đã hệ thống tôi áp dụng để đặt câu hỏi với trẻ ở những góc chơi khác. Ở góc khám phá, tôi hỏi trẻ: Đây là cái gì? Con cá sống ở đâu? Ô tô đi ở đâu?...

     Cứ thế giáo viên hỏi, trẻ trả lời. Trẻ hỏi , giáo viên đáp chỉ với những dạng câu hỏi đơn giản như vậy lặp đi lặp lại đã giúp kỹ năng nói đủ câu của trẻ lớp tôi ngày một tiến bộ hơn [ Xem thêm các mẫu thẻ từ khác tại phần phụ lục trang 12]

=> Kết quả: Vậy là thông qua hoạt động góc đã giúp tôi đạt được mong muốn rèn trẻ nói đủ câu. Không những vậy với cách làm này trẻ lớp tôi có thể chủ động chơi, nói chuyện với nhau trong quá trình chơi mà không cần sự trợ giúp của người lớn. Từ cách ghép và nói câu đơn hoàn chỉnh từ những thẻ từ, hình ảnh này đã giúp trẻ có kỹ năng nhìn hình ảnh nói theo ý hiểu. Từ đó mỗi khi nhìn thấy gì trẻ đều có thể diễn đạt về hình ảnh đó, sự việc đó theo ý hiểu của mình.

     2.2.3: Thông qua hoạt động ngoài trời [ tại phòng chức năng]

     Hoạt động ngoài trời là một trong những hoạt động vui chơi mà trẻ rất hứng thú , mang lại cho trẻ nhiều niềm vui và kiến thức cần thiết về thế giới xung quanh trẻ. Hoạt động ngoài trời tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và hứng thú với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống. Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời phải là một môi trường hấp dẫn và lôi cuốn trẻ. Chính vì thế, ngay từ đầu năm học này, tổ chuyên môn nhà trường đã cùng phối hợp xây dựng các khu vựa vui chơi khác nhau cho trẻ tham gia.Tại phòng thư viện và khu đọc sách tại góc cầu thang trong khu vực trường, chúng tôi đã trang trí đẹp, bố trí nhiều sách chuyện, đồ chơi, con rối hấp dẫn trẻ đã giúp tôi có thêm không gian, điều kiện giúp trẻ nói câu đơn hiệu quả. Mỗi buổi hoạt động ngoài trời theo lịch được phân công, lớp tôi có lịch vào hoạt động tại phòng thư viện, tôi luôn cho trẻ được hoạt động tích cực. Với những trẻ mạnh dạn, ngôn ngữ tốt tôi cho trẻ tự hoạt động cá nhân hoặc rủ bạn thành nhóm xem sách, diễn rối,... theo ý thích, sáng tạo của mình. Còn với những trẻ nhút nhát hơn, khả năng ngôn ngữ kém hơn tôi rủ các con về thành nhóm và chơi cùng trẻ.Tôi cho các con chọn sách, truyện, tranh ảnh,.. trẻ thích và cùng bạn, cùng cô xem sách. Tôi gợi ý cho trẻ khi xem, đặt câu hỏi trò chuyện cùng trẻ để khuyến khích trẻ mạnh dạn nói, diễn đạt theo ý hiểu của mình. Qua đó ngôn ngữ của trẻ tiến bộ rõ rệt đặc biệt là khả năng nói câu đơn trọn vẹn.

     2.2.4: Thông qua hoạt động chiều:

      Một ngày ở trường trẻ được tham gia rất nhiều hoạt động. Và sau một ngày trẻ có thể thu thập thêm rất nhiều kiến thức mới, trải nghiệm mới. Và hoạt động chiều chính là thời điểm để cô và trò ngồi lại với nhau ôn lại những kiến thức, những trải nghiệm mới đó. Chỉ bằng việc trò chuyện về một sự vật nào đó hay hình ảnh, clip nào đó cũng đã có thể tạo điều kiện cho ngôn ngữ của trẻ phát triển. Hoặc

ví dụ như vào hoạt động chiều tôi dành thời gian rèn trẻ kỹ năng đi tất. Trước khi thực hiện tôi cho trẻ nói lại cách đi tất. Trẻ nói theo ý hiểu, kinh nghiệm của bản thân trẻ. Tôi gợi ý cho trẻ bằng những câu hỏi như:

+ Đi tất như thế nào? – Trẻ nói theo ý hiểu của trẻ.

+ Mũi tất xỏ vào đâu? – Trẻ trả lời: Mũi tất xỏ vào mũi bàn chân.

+ Gót tất xỏ vào đâu? – Gót tất xỏ vào gót chân.

           => Kết quả: Việc rèn trẻ nói câu đơn trọn vẹn mọi lúc mọi nơi đã đem lại

hiệu quả rất cao. Mưa dầm thấm lâu, nói nhiều sẽ nhớ. Đó chính là phương châm học dành cho trẻ mẫu giáo lứa tuổi 3 – 4 này. Mọi lúc, mọi nơi trẻ được uốn nắn, dạy dỗ kỹ càng đã giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ mạch lạc một cách rất hiệu quả. Sự tiến bộ của trẻ chính là món quà ý nghĩa với giáo viên và gia đình.

     3. Biện pháp 3: Thiết kế một số trò chơi giúp trẻ luyện nói câu đơn:

     Đối với trẻ mẫu giáo trẻ “học bằng chơi,chơi mà học” . Thông qua trò chơi cô giáo có thể khơi gợi hứng thú cho trẻ, làm cho chúng chú ý, ghi nhớ những bài thơ, câu chuyện mà cô giáo cung cấp một cách nhanh nhất.Thông qua trò chơi, ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển hơn rất nhiều.         

     2.1. Trò chơi múa tay [ cá nhân]

     Với trẻ 3 tuổi, làm sao để khuyến khích trẻ nói đủ câu thì đó là một điều không phải dễ dàng. Trẻ thường hay trả lời bằng những từ ngắn, cộc lốc, không có đầu không có cuối. Cách tốt nhất để phát triển ngôn ngữ cho trẻ độ tuổi này là sử dụng các trò chơi kết hợp ngôn ngữ và vận động cơ thể. Một vũ khí bí mật trong việc thu hút trẻ em cũng như phát triển ngôn ngữ cho trẻ hiệu quả, đó là múa tay – hay các trò chơi kết hợp giữa ngôn ngữ và hát múa, vận động. Không chỉ là giáo dục ngôn ngữ, các hoạt động múa tay còn nuôi dưỡng nhạc cảm, phát triển cảm xúc, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và khả năng tự biểu hiện bản thân của trẻ. Kết hợp giữa ngôn ngữ và vận động cũng là điều dễ nhận thấy trong các bài hát tiếng Anh. Hầu như bài hát nào cũng đi kèm với vận động cơ thể, đây là cách khiến trẻ ghi nhớ từ ngữ rất tốt đồng thời hứng thú với bài hát như một trò chơi. Tôi đã sưu tầm được một số trò chơi kết hợp ngôn ngữ - vận động để áp dụng vào phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là việc dạy trẻ nói câu đơn dễ dàng hơn.

Ví dụ:

* Trò chơi 1:  5 chú thỏ con:

5 chú thỏ con [đưa 5 ngón tay phía trước và lắc qua lắc lại] Thỏ nhảy qua bên phải [đưa 2 tay lên lại làm tai thỏ và nhảy qua phải] Thỏ nhảy qua bên trái [đưa 2 tay lên lại làm tai thỏ và nhảy qua phải] Thỏ nhặt nhiều quả rụng [1 tay chống hông làm giỏ, tay còn lại làm động tác bỏ quả vào giỏ]

Nhiều quả thỏ thích quá[đọc 2 lần] [ trẻ vỗ tay]

* Trò chơi 2 : Cái ca: Con có cái ca [nắm 1 bàn tay đưa ra phía trước]
Cô cắt quả cà [2 bàn tay xòe ra và đánh lên đánh xuống]

Con cầm cái ca [2 tay nắm lại]
Chúng ta cùng cười [Trẻ đọc và cười]

     2.2: Trò chơi theo nhóm, tập thể:

     Ngoài trò chơi múa tay chơi cá nhân tôi còn thiết kế 1 số trò chơi giúp trẻ chơi theo nhóm, tập thể. Thông qua những trò chơi này sẽ giúp trẻ rèn luyện những câu đơn giản theo mẫu cô cung cấp. Đồng thời rèn cho trẻ cách hoạt động theo nhóm nhỏ, nhóm lớn. Tôi thiết kế và tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dễ trước, khó sau kèm giải thích cụ thể cách chơi, luật chơi để trẻ dễ hiểu.

Ví dụ:

* Trò chơi 1: Bạn có gì?

- Mục đích: Phát triển ngôn ngữ, mở rộng vốn từ cho trẻ. Củng cố kỹ năng nói câu đơn hoàn chỉnh cho trẻ.

- Chuẩn bị: Các đồ vật đồ chơi trong lớp trẻ cầm được.

- Cách chơi: Cô A cầm hoa [ đồ chơi,…] và nói mẫu: “ Cô có bông hoa”. Cô B cầm cờ và nói: “ Cô có lá cờ”. Trẻ chạy lên giơ đồ chơi và nói câu đơn theo mẫu cô hướng dẫn [ ví dụ: Con có cái ca.]

- Luật chơi: Trẻ nào nói được câu đơn trọn vẹn và phù hợp với đồ vật mình cầm là chiến thắng.Được thưởng hoa.

- Sử dụng: Tôi sử dụng trò chơi này khi tổ chức hoạt động học. Ngoài ra tôi còn sử dụng trò chơi này cho trẻ ôn luyện , củng cố kỹ năng nói câu đơn trong hoạt động góc, hoạt động chiểu.

* Trò chơi 2: Tôi thích gì?

- Mục đích: Phát triển ngôn ngữ, mở rộng vốn từ cho trẻ. Củng cố kỹ năng nói câu đơn hoàn chỉnh cho trẻ.

- Chuẩn bị: Bóng cao su 1 quả.

- Cách chơi: Mỗi trẻ nghĩ một việc mình thích hoặc một đồ vật mình thích. Cô lăn bóng , bóng chuyền đến trẻ nào thì trẻ đó nói mình thích gì cho cô và các bạn nghe [ ví dụ: Tớ thích bóng ]

- Luật chơi: Trẻ nào nói được câu đơn trọn vẹn là chiến thắng. Được khen.

- Sử dụng: Tôi sử dụng trò chơi này khi tổ chức hoạt động học. Ngoài ra tôi còn sử dụng trò chơi này cho trẻ ôn luyện , củng cố kỹ năng nói câu đơn trong hoạt động góc, hoạt động chiểu.

* Trò chơi 3: Nói theo mẫu câu:

- Mục đích: Phát triển ngôn ngữ, mở rộng vốn từ cho trẻ. Củng cố kỹ năng nói câu đơn hoàn chỉnh cho trẻ.

- Chuẩn bị: Tranh minh họa bài thơ [câu chuyện] theo chương trình.

- Cách chơi: Tôi treo một bức tranh minh họa bài thơ [ câu chuyện] lên bảng. Dựa vào nội dung của bức tranh, tôi nói 1 mẫu câu đơn giản cần luyện cho trẻ và cho trẻ nhăc lại câu đơn đó. Có thể cho trẻ chơi theo nhóm hoặc cá nhân.

- Luật chơi: Nhóm nào hoặc trẻ nào nói được câu đơn trọn vẹn và phù hợp nội dung tranh là chiến thắng. Được thưởng hoa.

- Sử dụng: Tôi sử dụng trò chơi này khi tổ chức hoạt động làm quen văn học. Ngoài ra tôi còn sử dụng trò chơi này cho trẻ ôn luyện , củng cố kỹ năng nói câu đơn trong hoạt động góc, hoạt động chiểu.

           => Kết quả : Qua những trò chơi này trẻ mở rộng và củng cố vốn từ rất tốt mà không cảm thấy bị gò bó. Hơn thế nữa trong khi chơi giáo viên đã phát huy được tính  tích cực, phát triển tư duy, sự nhanh nhẹn và tính tập thể đoàn kết của trẻ trong khi chơi.

     4. Biện pháp 4: Kết hợp với phụ huynh:

     5.1:  Kết hợp với phụ huynh rèn nói câu đơn qua họp phụ huynh:

Như chúng ta đã thấy môi trường tiếp xúc của trẻ chủ yếu là gia đình và nhà trường. Chính vì vậy việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường là một biện pháp không thể thiếu trong việc cùng phối hợp rèn trẻ nói câu đơn. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm tôi đã khảo sát qua phụ huynh về kỹ năng nói câu đơn trọn vẹn của trẻ tại gia đình. Đa số phụ huynh đều trả lời rằng con mình thường trả lời hoặc nói chuyện chưa đủ câu, hay nói trống không dù đã thường xuyên được nhắc nhở. Chính vì vậy tôi đã nêu tầm quan trọng của lĩnh vực phát triển ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt là việc diễn đạt câu đơn trọn vẹn với trẻ độ tuổi 3-4 tuổi tới 100% phụ huynh của lớp. 

Đến cuộc họp phụ huynh sơ kết học kỳ I tôi thông qua 100% phụ huynh kết quả khảo sát đầu năm về khả năng phát âm rõ ràng, nói đủ câu của trẻ do tôi cùng 2 giáo viên ở lớp thực hiện. Qua kết quả khảo sát đó, phụ huynh hiểu được khả năng phát âm, diễn đạt câu của con mình. Tiếp theo tôi cho phụ huynh xem hình ảnh các con hoạt động trong hoạt động học, hoạt động góc,…để phụ huynh thấy được tại lớp con mình được tham gia vào những hoạt động nào.Thông qua những hoạt động tiêu biểu trong học kỳ I như : chấm lớp Mẫu giáo đầu năm, thi hội giảng của 3 giáo viên, thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận tôi đã cho phụ huynh thấy được các cô đã làm những gì để giúp các con tiến bộ. Tôi nhận xét kỹ về sự tiến bộ của từng nhóm trẻ, đặc biệt là những trẻ có kỹ năng giao tiếp chưa tốt để phụ huynh nắm rõ khả năng của con mình khi ở ngoài gia đình. Từ đó giữa gia đình và giáo viên sẽ dễ dàng cùng nhau phối hợp dạy dỗ và rèn luyện kỹ năng giao tiếp đặc biệt là khả năng nói câu đơn cho con. Tôi nhận thấy rõ được niềm vui, sự yên tâm, tin tưởng của các bậc phụ huynh với các cô giáo.

Đến cuộc họp phụ huynh cuối năm tôi phát cho 100% phụ huynh bảng tổng hợp đánh giá trẻ theo các lĩnh vực để phụ huynh nắm rõ khả năng cũng như sự tiến bộ của con mình. Tôi thông qua cho phụ huynh biết kết quả khảo sát cuối năm về khả năng phát âm rõ ràng, nói đủ câu và khả năng diễn đạt của các trẻ tại lớp. Kết quả đã có sự thay đổi rõ rệt. Bên cạnh đó tôi cũng cho phu huynh xem những hình ảnh, video minh họa cụ thể về sự tiến bộ của con thông qua những hoạt động tại lớp hàng ngày như: hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động chiều, hoạt động thi của lớp. Đặc biệt là năm nay tôi rất vinh dự được lựa chọn thi giáo viên giỏi Thành phố với lĩnh vực phát triển ngôn ngữ. Tôi đã áp dụng những biện pháp mình ấp ủ, nghiên cứu giúp trẻ rèn luyện khả năng nói câu đơn trọn vẹn để thực hiện trong hoạt động thi của mình và đạt được kết quả rất tốt.

      5.2: Kết hợp với phụ huynh qua giờ đón, trả trẻ:

Tôi luôn trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của trẻ, nội dung chương trình học, những biện pháp để dạy trẻ, nói chuyện cùng trẻ: Bố mẹ cần nói những câu đơn giản, rõ ràng để cho trẻ nói theo. Giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ dịu dàng, tình cảm, yêu thương thì trẻ cũng sẽ có được ngôn ngữ như vậy. Hàng ngày, khi người lớn nói chuyện với nhau cần đúng mực, dùng câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, bố mẹ lễ phép với ông bà, tôn trọng và yêu thương nhau. Điều tối kị mà các nhà ngôn ngữ khuyến cáo là không được cãi nhau trước mặt trẻ.

Với những trẻ nói ngọng, tôi  trao đỏi để phụ huynh hiểu cần uốn nắn, nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng, kịp thời và kiên nhẫn. Không được mắng hay chế giễu trẻ làm trẻ mất tự tin, ngại giao tiếp, sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến tâm lí và tình cảm của trẻ, không đơn thuần là về ngôn ngữ . Khi trẻ nói bậy, nói tục cần làm cho trẻ thấy đó là ngôn ngữ không đúng để trẻ tránh, không kết luận rằng trẻ như vậy là láo, hư đốn.

Với những trẻ chậm về ngôn ngữ, nhút nhát tôi trao đổi để cha mẹ trẻ hiểu cha mẹ nhất thiết phải dành thời gian để trò chuyện với trẻ. Có thể tận dụng thời gian lúc tắm cho trẻ hay trên đường đón trẻ về nhà, hỏi thăm về công việc, nội dung mà trẻ đã học, làm trong ngày; hỏi trẻ về những người bạn, về tình cảm, cảm xúc của trẻ trong ngày hôm đó… Trẻ sẽ tất hào hứng “ôn lại” những hoạt động của mình trong suốt cả ngày, bạn đồng thời củng cố được mối liên hệ chặt chẽ và lòng tin cậy đối với trẻ.

     5.3: Kết hợp với phụ huynh thông qua phiếu liên lạc:

Đối với những trẻ có khả năng ngôn ngữ kém hơn thì vai trò của phụ huynh trong việc phối hợp với cô giáo trong việc trò chuyện nhiều với trẻ là rất cần thiết.

Tôi nghĩ rằng nếu chỉ trao đổi ở giờ trả trẻ hay đón trẻ thì cũng chưa mang lại hiệu quả, vậy nên mỗi tuần tôi đã thường xuyên gửi phiếu liên lạc về cho phụ huynh để trao đổi về vấn đề giúp trẻ mở rộng vốn từ, rèn nói câu đơn sau mỗi bài học. Tôi nhận thấy sau khi trao đổi qua phiếu liên lạ, vốn từ và khả năng nói câu đơn cuả trẻ phong phú hơn, trẻ nói đủ câu.

Ví dụ: Sau khi học xong câu chuyện : “ Thức dậy đi nào ” . Tôi đã làm phiếu liên lạc để phát cho phụ huynh vào buổi chiều.

PHIẾU LIÊN LẠC- Tháng 3

Hoạt động học: Làm quen với văn học

Đề tài: Kể truyện “ Thức dậy đi nào ” [ Loại tiết trẻ chưa biết]

1. Kiến thức:

-Trẻ nhớ tên truyện: “Thức dậy đi nào” , các nhân vật trong truyện : Bọ dừa, chim con, thỏ con, bướm hồng.

-Trẻ hiểu nội dung truyện: Các bạn gọi nhau thức dậy sau giấc ngủ đông, đón chào mùa xuân đến.

2. Kỹ năng:

- Trẻ nói được các câu đơn: Bọ dừa nằm trên lá, Bướm ở vườn hoa, Chim nằm trong tổ, Thỏ ở trong hốc cây.

- Trả lời được các câu hỏi của cô theo nội dung truyện và theo ý hiểu của mình.

- Rèn kĩ năng ghi nhớ có chủ đích.

3. Thái độ: Trẻ yêu quý các con vật đáng yêu.

                   Giáo dục trẻ đoàn kết, yêu thương nhau.

****Lời nhắn với cha mẹ bé:

Hôm nay cô kể truyện “ Thức dậy đi nào”

Để trẻ ghi nhớ nội dung truyện và rèn luyện kỹ năng nói câu đơn bố mẹ rèn luyện cho con các câu đơn có trong truyện sau: “Bọ dừa nằm trên lá, Bướm ở vườn hoa, Chim nằm trong tổ, Thỏ ở trong hốc cây”

Ngoài ra bố mẹ có thể tìm những hình ảnh minh họa giúp trẻ thể hiện câu đơn theo ý hiểu của con. Bố mẹ hãy lắng nghe, trò chuyện với con bằng câu đơn và cùng tập nói câu đơn với con nhé!

Giáo viên xin chân thành cảm ơn!

     IV.  KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

     Qua một năm học, việc tìm ra một số hình thức rèn trẻ nói câu đơn trong hoạt động làm quen văn học cho trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi đã đem lại những kết quả sau:

     1. Cơ sở vật chất:

- Tạo thêm được nguồn tài liệu về việc lựa chọn và cách rèn trẻ nói câu đơn trọn vẹn trong hoạt động làm quen văn học của khối mẫu giáo bé trong nhà trường.

- Xây dựng được bảng tuyên truyền đầy đủ, đa dạng nội dung thông tin trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh.

- Sưu tầm được thêm nhiều câu chuyện, bài thơ hay có nội dung phù hợp để rèn trẻ nói câu đơn.

- Tự tạo ra nhiều lại rối phong phú, đa dạng, tự tạo thêm được các đồ dùng, đồ chơi, tư liệu hình ảnh điện tử để rèn trẻ nói câu đơn như:

+ 1 bộ rối tay, rối ngón, rối que, rối khăn [ đủ các loại : động vật, thực vật, phương tiện giao thông, con người,…]

+ 10 bộ Giáo án điện tử [ powerpoint minh họa truyện, thơ, trò chơi,…]

+ 15 bộ tranh minh họa thơ, truyện tự tạo [ tranh rời linh hoạt cho cô và trẻ sử dụng xếp tranh, đàm thoại nói câu đơn]

+ 10 bộ tranh rời lật ,mở, gàim gắn cho trẻ chơi trò chơi rèn luyện nói câu đơn.

+ Thiết kế được nhiều mẫu trò chơi giúp trẻ ôn tập, rèn luyện kỹ năng nói câu đơn trọn vẹn.

+ Xây dựng được 25 mẫu phiếu liên lạc trao đổi với phụ huynh.

     2. Đối với giáo viên:

- Giáo viên có thêm kiến thức về ngôn ngữ,  tích lũy được nhiều kinh nghiệm thông qua việc rèn nói câu đơn cho trẻ.

- Các hoạt động làm quen văn học được trẻ hứng thú và tích cực tham gia.

- Cô và trẻ gần gũi và thân thiện hơn.

- Phát hiện được những trẻ yếu, gặp khó khăn về vốn từ, ngôn ngữ để có biện pháp bồi dưỡng góp phần phát triển toàn diện cho trẻ.

      3. Đối với trẻ:

- Trẻ biết nhiều trò chơi, chơi đúng cách qua đó ngôn ngữ được phát triển.

- 90% số trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

- Trẻ có tinh thần đoàn kết hơn, có ý thức phối hợp chơi trong nhóm.

- Một số trò chơi còn giúp trẻ trở nên khéo léo hơn, luyện kỹ năng vận động tinh cho trẻ giúp trẻ cứng tay hơn khi cầm bút vẽ.

- Trẻ đã có ý thức nói đủ câu, số trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp tăng lên; khả năng diễn đạt cũng tốt hơn nhiều trẻ không còn lắp bắp, lặp từ, các từ trong câu không còn lộn xộn như trước.

Kết quả khảo sát chất lượng ngôn ngữ của trẻ so với đầu năm đã tăng lên rõ rệt.

Cụ thể:

Tiêu chí đánh giá

Cuối năm

Đạt

Chưa đạt

Số lượng

Tỉ lệ [%]

Số lượng

Tỉ lệ [%]

Phát âm rõ ràng

42 trẻ

84%

8 trẻ

16%

Nói câu đơn đủ chủ vị

40 trẻ

80%

10 trẻ

20%

Khả năng chủ động nói câu đơn.

35 trẻ

70%

15 trẻ

30%

    4. Đối với phụ huynh:

- Phụ huynh rất phấn khởi khi trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp cũng như khả năng ngôn ngữ ngày càng tiến bộ

- Tin tưởng vào sự chăm sóc dạy dỗ của giáo viên.

- Ngôn ngữ, lời nói của phụ huynh cũng chuẩn mực hơn, luôn là khuôn mẫu để trẻ bắt chước theo.

     D: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Rèn nói câu đơn cho trẻ ở tr­ường mầm non là một trong những nội dung quan trọng đối với trẻ 3- 4 tuổi. Việc rèn trẻ nói câu đơn trọn vẹn đòi hỏi giáo viên mầm non phải có lượng kiến thức về từ vựng, vốn từ phong phú.  Sau một năm áp dụng các biện pháp trên tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau :

- Giáo viên cần lựa chọn chính xác câu đơn cần rèn cho trẻ sao cho phù hợp nội dung giáo dục và phù hợp với khả năng của trẻ.

- Giáo viên phải luôn tạo không khí vui tươi, thoải mái cho trẻ trong mọi hoạt động. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

- Tổ chức nhiều trò chơi sử dụng ngôn ngữ, mở rộng vốn từ, rèn luyện nói câu đơn trọn vẹn.

Với đề tài sáng kiến kinh nghiệm của mình tôi xin kiến nghị đến Ban giám hiệu nhà trường sẽ đầu tư thêm các bộ truyện tranh, thơ giúp giáo viên có thêm tài liệu tham khảo để lựa chọn những đề tài mới đưa vào chương trình giáo dục trẻ nhằm rèn kỹ năng nói câu đơn cho trẻ 3- 4 tuổi.

Quận Hoàng Mai

In bài viết
Gửi mail

Video liên quan

Chủ Đề