Trai nghệ an như thế nào

Tính cách người Nghệ theo học giả Đặng Thai Mai viết: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến cá gỗ”. Còn theo học giả Vũ Ngọc khánh, một người Nghệ chính gốc thì tâm tính người Nghệ có thể tự trung trong mấy chữ sau: “Lý tưởng trong tâm hồn – Trung kiên trong bản chất - Khắc khổ trong sinh hoạt - Cứng cỏi trong giao lưu”. Địa linh nhân kiệt của xứ Nghệ (xin nhấn mạnh là bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh), nếu không nói là số một thì ít nhất cũng là một trong vài địa phương có địa linh kỳ tuyệt bậc nhất của cả nước. Nơi đã sản sinh ra cam Xã Đoài, mít Thanh Chương, tương Nam Đàn, bưởi Phúc Trạch, hồng ngâm Hà Tĩnh thì không thể là vùng đất bình thường. Đó là chưa nói đến những thứ khác. Tôi đã uống chè xanh Long Tĩnh ở Hàng Châu, nghe đồn là ngon nhất Trung Hoa, không thể bằng cái vị thơm ngai ngái, nồng nàn, ấm ngọt của chè xanh xứ Nghệ. Tôi đã ăn mực tươi, mực khô, cá trích, cá nục… khắp cả nước nhưng chẳng có đâu ngọt thơm, đậm đà bằng hải sản quê tôi. Ngay cả cà pháo thôi, quả cà xứ Nghệ (cà với nghĩa đen hoàn toàn đó) cũng dày cùi, ít hạt hơn nơi khác. Kể ra thì sợ chuyện con hát mẹ khen nhưng một người đã dạy hàng chục năm môn học lịch sử văn minh thế giới, ít nhiều tôi cũng đủ khách quan để cảm và nhận ở mức độ ít chủ quan nhất, khi nghĩ và định chất “sòng phẳng” với quê hương.


Cái tốt chắc chắn là nhiều. Nếu đem lên cân hay dùng thước mét để mà đo thì chất Nghệ vẻ vang nhiều lắm. Nói ra thì người nơi khác khó tâm phục, khẩu phục nhưng sự thật thì đành phải chịu mất lòng.


Bắt đầu là chuyện từ thuở xa xưa. Không hề ngẫu nhiên khi An Dương Vương chọn cho mình cái chết ở ngay trên đất Nghệ. Có thể nói, đó là điểm tận cùng phía nam của nước Việt thuở ấy, nhưng cũng phải nên hiểu cái lẽ cuối cùng của thành ngữ “lá rụng về cội”. Ngựa quen đường cũ trong trường hợp này đau đáu nỗi diết da của cội nguồn sinh lạc, đắng cay của kiếp đời. Đền Cuông là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về cái nghĩa của hai chữ cái nôi của văn hoá Việt, tính cách Việt.


Tiếp đó là ngôn ngữ. Các GS như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Huy, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Cao Xuân Hạo (tôi luôn tin rằng Cao Xuân Hạo là GS)… đã không ít lần chứng dẫn rằng từ Việt cổ xa nhất nặng đằm trong tiếng Nghệ. Thế mới biết là cả nước trong hàng ngàn năm có hàng triệu thầy đồ nhưng Đồ Nghệ thực sự là một mỹ từ của cái nghĩa sắc sâu (và tai quái).


Bây giờ, mới tính điểm theo tiêu chí Olympique. Từ chính trị đến văn chương, từ y học đến bóng đá, từ các cây đa cây đề của mọi ngành khoa học đến số lượng… tù nhân gốc Nghệ trong khám Chí Hoà… khi nào cũng nhất. Một người con của châu Diễn là thẩm phán cao cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi rằng một phần tư tù nhân trong khám Chí Hoà là… Nghệ (!). Không phải ngẫu nhiên mà một cựu sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ đã nói với tôi rằng, ra trận nghe tiếng “của bầy choa” là chưa đánh đã muốn thua rồi. Nói để mà méo miệng nhưng đừng quá buồn bởi đó là sự thật. Nó cũng thật như chuyện Nghệ Tĩnh hoá Hà Nội rồi Hà Nội hoá Sài Gòn. Đã bao giờ bạn thử nuốt từng câu dân ca Nghệ Tĩnh hay chưa? Hãy một lần thử mà xem. Cái chất bồn chồn, nặng nhọc, khắc khoải, đớn đau, vất vả và xót xa không lẫn vào đâu được. Nó không lả lơi như dân ca Quan Họ, không gấp gáp như hò Sông Mã, không ủ ê như ca Huế, không cô đơn, da diết như Vọng Cổ. Vậy mà, nó giống với tiếng ngân của trái tim biết rỉ máu và kiêu hãnh, mỗi ngày.


Tôi muốn nói nhiều hơn về những thói xấu.


Người Nghệ Tĩnh có tiếng là hay mất đoàn kết. Không phải tự nhiên mà trong Di Chúc, Hồ Chủ tịch phải nhắc đi nhắc lại đến tám lần hai từ “đoàn kết”. Bác muốn nói đoàn kết là quan trọng nhưng đồng thời Bác cũng nhắn nhủ rằng mất đoàn kết hiện nay (lúc Bác còn sống và cả bây giờ) là nghiêm trọng. Điều này đã được tôi trình bày trong bài Tư tưởng Hồ Chí minh bàn về chiến lược đại đoàn kết, in trong Tạp chí Cộng sản, số 6.2006. Lịch sử chưa tiện nhắc đến nhưng ai cũng biết những người công kích Nguyễn Ái Quốc từ năm 1930 là ai? Chẳng phải tự nhiên mà Chính cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã gần như bị phủ định bởi Luận cương Cách mạng tư sản dân quyền. Để cuối cùng qua tháng năm, dần dần chúng ta đều thấy rõ Nguyễn Ái Quốc đúng trong tất cả mọi điều. Chẳng có ai, trong nhiều chục năm, hiểu được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; mà, nếu có dịp, tôi sẽ trình giải trong một dịp khác. Phải chăng cái tôi quá lớn đã lấn át tất cả chuyện đúng sai trên cõi đời này? Tôi đoan chắc một điều: Nếu dân Nghệ biết đoàn kết thì đã thăng hoa, thành công gấp hàng chục lần so với bây giờ rồi. Một dẫn chứng điển hình: Ở một trường đại học, một người Nghệ (Nghi Phú) được kết nạp Đảng nhưng ba bốn ông Nghệ khác không cho lên chính thức với lý do dùng từ không đúng (!). Anh ta nói “Tau căm bây lắm”. Căm là tức giận nhưng được diễn giải là căm thù (!).


Cộc cằn, thô bạo, coi trời bằng vung, ngạo mạn và thực dụng đến sững sờ là chất Nghệ. Bởi khổ quá, nghèo quá nên cái gì cũng phải tính, phải đong. Trong con mắt của đa số dân Nghệ, bầu trời nhỏ hơn cái lá rau má rất nhiều. Chẳng hạn, ngồi ở quán uống nước chè chát nhưng bàn về nhân sự của chính phủ Mỹ cứ như là chuyện ở trong nhà. Bạn đừng vội nhảy dựng lên. Hãy ngẫm mà xem nó đúng đến mức nào? Ngay cả tôi, mặc dù, biết mình sai nhưng cũng đã không ít lần qua cầu rút ván. Tôi đã từng kể một câu chuyện điển hình trên mục Chào buổi sáng của báo Thanh Niên tháng Sáu mới đây trong bài Mẹ, bố, con và mùa thi. Chuyện nói rằng tôi thi trượt tốt nghiệp, may nhờ có Thầy Nguyễn Tài Đại, Trưởng Ty Giáo dục Nghệ An xét khả năng học văn của tôi nên cho đỗ đặc cách. Ơn Thầy chẳng bao giờ tôi quên nhưng cho đến nay chưa một lần nói một câu cảm ơn thầy! Tất nhiên, sẽ có nhiều người Nghệ không tệ như tôi bởi ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu nhưng đây là tôi muốn nói đến cái đặc trưng, cái phổ biến nhiều hơn. Có những câu tục ngữ, thành ngữ biện giải cho tôi chuyện này (những câu Nghệ 100%). “Qua truông trật lọ cho khái”, “Nốt mưa đấy (đái) ra mấn”, “Khun như troi” (khôn như con giòi), “Béo như con trân mấn” (Béo như con rận trong cạp váy), “Cả tỷ”, “Phút mốt”, “Ngứt trôốc cho chó ăn chừ”…


Một trong những thói xấu điển hình của người Nghệ là bảo thủ đến mức hơn cả gàn. Cái hay của nó là đúng sai rõ ràng, chính kiến hay tà kiến, chính tâm hay tà tâm đều có quan điểm rạch ròi. Đã không thích, không ưng là “nói ngay trửa mặt” chứ không biết che dấu, vòng vo như người nơi khác. Cái cứng nhắc trong quan niệm đã làm cho người Nghệ bị thua thiệt khá nhiều trong cuộc đời. Điều lạ là mặc dù biết rất rõ nhưng chẳng ai thay đổi được. Tôi lấy ví dụ. Nước chấm để chấm bánh mướt của xứ Nghệ là ngon “nhất làng”. Bởi vì nó biết kết hợp giữa thái dương (ớt cay) với thái âm (chanh) trong cái hành thổ (nước mắm ngon) tạo nên vị ngọt đặc biệt đậm đà. Mọi cách pha chế như bỏ đường thêm vào như ở trong nam đều dở. Giá như người xứ Nghệ biết sống trên đời giống như làm nước chấm thì hay biết bao nhiêu!... 

Chuyện cái xấu và cái tốt là chuyện của muôn đời. Có lẽ mỗi dân tộc bên cạnh một cái tốt bao giờ cũng đi kèm một thói xấu. Có phải vì thế chăng mà bước chân Nghệ từ bao đời nay cứ luôn chống chếnh, nhọc nhằn. Quả là đáng lạ, đáng phải ngẫm suy nơi mảnh đất tài năng nhiều như thế, thiên linh, địa kiệt, nhân hùng như thế mà bao lâu rồi chưa thể thoát khỏi đói nghèo. Ước gì chúng ta đồng lòng hơn một chút, uyển chuyển thêm chút nữa và luôn nghĩ đến bản sắc đặc biệt của giống nòi để luôn tự tin hơn, sáng tạo và mạnh mẽ hơn thì chắc hẳn sẽ tuyệt vời hơn biết bao nhiêu…