Thuốc ức chế bơm proton cho phụ nữ mang thai

Biệt dược: Losec, Omegit, Ozaloc, Bestaprazole, Cadimezol, Omecid, Lomac 20.

Phân loại mức độ cho phụ nữ có thai: B3

* Phân loại mức độ an toàn B3 : thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy có bằng chứng thuốc làm tăng tổn thương thai nhi, nhưng chưa chắc chắn về mức độ ý nghĩa của bằng chứng này với người.

Nhóm thuốc: nhóm thuốc ức chế bơm proton, chống loét dạ dày tá tràng.

Hoạt chất: omeprazol.

Chỉ định: Khó tiêu do tăng tiết acid. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Bệnh loét dạ dày tá tràng. Hội chứng Zollinger – Ellison. Dự phòng loét do stress, loét do thuốc chống viêm không steroid.

Chống chỉ định: Quá mẫn bất cứ thành phần nào của thuốc.

Liều dùng và cách dùng:

Điều trị khó tiêu do acid: 10 hoặc 20 mg/ngày, từ 2 – 4 tuần.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: 20 mg/ngày, trong 4 tuần hoặc có thể kéo dài tới 8 hoặc 12 tuần nếu sau 4 tuần chưa lành hẳn

Điều trị loét dạ dày – tá tràng: 20 mg hoặc 40 mg/lần, trong 4 tuần với loét tá tràng và 8 tuần với loét dạ dày

Phối hợp với kháng sinh diệt H.pylori trong loét dạ dày tá tràng: 20 mg/lần, 2 lần/ngày hoặc 40 mg/lần, 1 lần/ngày trong 1 tuần, có thể kéo dài tới 4 tuần

Điều trị loét liên quan đến sử dụng thuốc NSAIDs: 20 mg/ngày.

Liều cần giảm trên bệnh nhân suy gan.

Chuyển hóa:

Thuốc chuyển hóa hầu như hoàn toàn ở gan tạo chất chuyển hóa không hoạt tính và đào thải qua nước tiểu và một phần qua phân.

Chưa biết thuốc có qua nhau thai không.

Ít có thông tin về việc bài tiết của omeprazol liều 20 mg hằng ngày qua sữa mẹ, nhưng thông tin hạn chế cho thấy thuốc bài tiết ít qua sữa mẹ.

Độc tính:

Ở PNCT: Nghiên cứu trên động vật không cho thấy omeprazol có khả năng gây dị dạng và độc cho bào thai. Nghiên cứu trên người cho tới nay cũng không cho thấy độc hại cho thai. Một bằng chứng đơn lẻ chưa chắc chắn khác lại cho thấy sử dụng thuốc ức chế bơm proton nói chung có thể liên quan đến tình trạng sinh non, và tình trạng hen thời thơ ấu, tuy nhiên vẫn chưa được xác nhận. Trong các nghiên cứu, thời gian theo dõi chưa đủ và các bằng chứng cũng chưa đầy đủ để loại trừ nguy cơ.

Ở PNCCB: Thuốc bài tiết ít qua sữa mẹ vì vậy ít có khả năng ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.

Sử dụng  cho phụ nữ có thai và cho con bú

Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai:

Các thuốc ức chế bơm proton nói chung có thể dùng được trong thời kỳ này tuy nhiên chỉ dùng chỉ khi thật cần thiết. Trong nhóm, omeprazol cũng là thuốc được ưu tiên lựa chọn do có nhiều bằng chứng an toàn nhất.

Sử dụng thuốc cho phụ nữ cho con bú:

Thuốc chỉ nên dùng khi thật cần thiết. Trong nhóm thuốc ức chế bơm proton này, pantoprazol và omeprazol là thuốc được ưu tiên lựa chọn hơn cả trong thời kỳ này.

Một số tác dụng phụ: Thuốc nói chung dung nạp tốt, ít tác dụng phụ, thường lành tính và hồi phục, bao gồm: nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, ỉa chảy, buồn nôn, nôn, trướng bụng. Ít gặp mất ngủ, mệt mỏi, mày đay.

Chú ý (nếu có): Thuốc phải uống lúc đói (trước khi ăn 1 giờ) và phải nuốt nguyên viên, không được mở, nhai hoặc nghiền.

Nếu thay đổi lối sống không làm giảm triệu chứng ợ nóng, có thể phải dùng thuốc.

Sau đây là thông tin về một số thuốc kháng acid và thuốc có thể mua dễ dàng không cần kê đơn để điều trị ợ nóng.

Tuy nhiên, tốt nhất là hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt trong thời kỳ mang thai.

  • Tums: Còn được gọi là calcium carbonate. Thuốc an toàn đối với phụ nữ có thai. Calcium carbonate trung hòa acid trong dạ dày vì vậy làm giảm ảnh hưởng của acid khi trào ngược lên thực quản. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên chai về liều dùng an toàn khi có thai.
  • Kháng thụ thể H2: Cũng dùng được khi mang thai. Chúng bao gồm các thuốc: famotidine, cimetidine và ranitidine. Chúng có thể mua được tự do hoặc bằng đơn thuốc của bác sĩ. Những thuốc này ức chế sự bài tiết acid của dạ dày.
  • Ức chế bơm proton: Ức chế bơm proton (PPI) ngăn ngừa sự bài tiết của acid dạ dày, giúp điều trị ợ nóng có hiệu quả hơn. Thuốc PPI bao gồm: pantoprazole và lansoprazole. Chúng có thể mua tự do hoặc bằng đơn thuốc.

Hầu hết các thuốc ức chế bơm proton an toàn trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên một loại thuốc PPI có tên là omeprazole không được khuyến cáo sử dụng vì có quá ít nghiên cứu cho thấy thuốc an toàn đối với thai kỳ.

Cần nói với bác sĩ về tất cả thuốc và thảo dược khi dùng trong lúc mang thai.

Thuốc ức chế bơm proton cho phụ nữ mang thai

Trào ngược dạ dày (GERD)

Ợ nóng, trào ngược acid và trào ngược dạ dày (GERD) thường được coi lẫn lộn như nhau, tuy nhiên chúng không hoàn toàn giống nhau.

Trào ngược acid là acid trong dạ dày trào ngược lên ống thực quản, gây ra triệu chứng ợ nóng. GERD là dạng nặng hơn của trào ngược acid và ợ nóng.

Các triệu chứng khác của GERD bao gồm:

  • Ho mạn tính
  • Thở khò khè
  • Đau ngực
  • Nuốt khó
  • Nôn ra thức ăn hoặc dịch dạ dày

Điều trị GERD tương tự như điều trị trào ngược acid hoặc ợ nóng.

Tránh xa các tác nhân kích thích, thay đổi lối sống hiện tại và dùng thuốc có thể có hiệu quả với triệu chứng. Tuy nhiên, với các trường hợp GERD nặng, cần dùng thuốc theo đơn hoặc phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh.

Khi nào cần tới gặp bác sĩ

Sự chăm sóc của bác sĩ đóng vai trò rất quan trọng để có thai kỳ khỏe mạnh. Nếu ợ nóng không giảm bớt khi thay đổi lối sống và chế độ ăn thì cần thông báo cho bác sĩ khi khám thai. Nếu dùng thuốc, cần nói rõ thuốc có hay không làm giảm triệu chứng.

Mặc dù ợ nóng là triệu chứng thường gặp khi mang thai, nhưng cũng cần chú ý nếu nó nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.


Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong thực hành lâm sàng. PPI có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị và nhìn chung được dung nạp khá tốt. Tuy nhiên, không nên kê đơn PPI vô thời hạn mà không đánh giá lại người bệnh. PPI nên được dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể. Việc sử dụng “khi cần” có thể phù hợp hơn việc dùng hàng ngày với một số bệnh nhân. Bệnh nhân nên được cảnh báo về hiện tượng tăng tiết acid hồi ứng thường xuất hiện thậm chí trong vòng 4 tuần sau khi ngừng điều trị. Nhiều bệnh nhân có thể kiểm soát các triệu chứng sau khi ngừng thuốc này bằng các thuốc thay thế khác như antacid.

Sử dụng PPI

Việc điều trị các triệu chứng liên quan đến tăng tiết acid dịch vị đã bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại với việc sử dụng bột san hô (calci carbonat) để làm giảm chứng khó tiêu. Trong những năm 1970 và 1980, các thuốc đối kháng thụ thể H2, như ranitindin đã ra đời, tiếp đó là các thuốc ức chế bơm proton (PPI) có hiệu quả cao hơn trong giảm tiết acid dịch vị. Hiện PPI đã thay thế phần lớn các thuốc đối kháng thụ thể H2 trong thực hành, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân. Lợi ích này là nguyên nhân khiến PPI được dùng rộng rãi hơn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu so với các nhóm thuốc khác trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tăng tiết acid dịch vị.

Các PPI chính sử dụng trong thực hành lâm sàng

Ở New Zealand, có 3 thuốc PPI được bảo hiểm xã hội chi trả hoàn toàn trong Danh mục thuốc: omeprazol, lansoprazol và pantoprazol. 3 thuốc này cũng có thể mua với số lượng hạn chế, không cần kê đơn tại các hiệu thuốc. Rabeprazol hiện chưa được bảo hiểm chi trả và cần được kê đơn.

Tại Việt Nam, hiện có đầy đủ cả 6 loại PPI được dùng rộng rãi trong thực hành là omeprazole, lansoprazole, dexlansoprazol, pantoprazole, rabeprazole và esomeprazole.

Chỉ định của các PPI

- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GORD), bao gồm cả bệnh thực quản Barrett.

- Dự phòng loét dạ dày - tá tràng liên quan đến NSAIDs.

- Điều trị loét dạ dày - tá tràng lành tính.

- Diệt Helicobacter pylori (phối hợp với kháng sinh).

- Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison.

Tính an toàn của PPI

Tỷ lệ gặp tác dụng bất lợi liên quan đến PPI tương đối thấp. Tất cả các PPI đều có thể gây đau đầu và các biến cố bất lợi trên tiêu hóa, như buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Các biến cố bất lợi trên tiêu hóa của PPI đôi khi có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của GORD, làm cho bác sĩ điều trị tăng liều PPI đang dùng cho bệnh nhân vì cho rằng thuốc chưa đạt hiệu quả mong đợi. Ở mức độ ít gặp hơn, dùng PPI có thể gây khô miệng, phù ngoại vi, hoa mắt, rối loạn giấc ngủ, mệt, rối loạn cảm giác, đau khớp, đau cơ, phát ban, ngứa và viêm thận kẽ. Chưa phát hiện mối liên quan giữa PPI và tăng tỷ lệ dị tật thai nhi trên người. Do đó, PPI được coi là an toàn trong thai kỳ. Có thể cân nhắc đến các liệu pháp khác phù hợp cho phụ nữ mang thai cần thuốc ức chế acid bao gồm antacid (calci carbonat, alginat) hoặc ranitidin trước. Nếu những thuốc này không đạt hiệu quả mong muốn thì cân nhắc sử dụng PPI. Nên tránh dùng PPI liều cao hơn ở bệnh nhân có bệnh gan mức độ trung bình hoặc nặng, do giảm chuyển hóa ở gan có thể gây tích lũy thuốc.

Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tác dụng ức chế tiết acid dịch vị của PPI làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ các căn nguyên ở đường tiêu hóa hay hô hấp, dù nguy cơ khá thấp. Nguy cơ cao hơn được cho là do giảm tác dụng bảo vệ dạ dày của “bức tường acid”, khiến các mầm bệnh sống có thể di chuyển lên hoặc xuống trong đường tiêu hóa và xâm lấn đường hô hấp dưới. Nếu có thể, cân nhắc trì hoãn sử

dụng PPI cho bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng tăng, như bệnh nhân cao tuổi có người nhà bị cúm, bệnh nhân đang dùng kháng sinh.

Kém hấp thu các chất dinh dưỡng

Acid dịch vị làm tăng độ tan của các chất ở dạng muối không tan (như calci, sắt) và giúp hấp thu các vitamin liên kết với protein (như vitamin B12). Do đó, việc giảm tiết acid dịch vị có thể làm giảm hấp thu một số chất dinh dưỡng, dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh liên quan đến kém hấp thu. Tuy nhiên, mối liên quan này hiện vẫn còn đang tranh cãi. Ở đa số trường hợp, bệnh nhân có thể yên tâm rằng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ, chứa các chất thiết yếu và chất khoáng (như calci, sắt, folat, magnesi) là đủ để loại trừ nguy cơ này.

Dùng PPI kéo dài liên quan đến tăng nhẹ nguy cơ gãy xương. Tăng nguy cơ loãng xương nên được cân nhắc ở phụ nữ sau mãn kinh sử dụng PPI kéo dài, đặc biệt nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác, như tiền sử gia đình có người bị loãng xương hoặc sử dụng corticoid kéo dài. Khi đó, có thể làm giảm nguy cơ này bằng cách dùng PPI ở liều thấp nhất có hiệu quả, hoặc dùng “khi cần” nếu phù hợp.

Hạ magnesi máu nặng liên quan đến việc sử dụng PPI trên một số ít bệnh nhân, có thể cải thiện khi ngừng PPI. Bệnh nhân đang sử dụng PPI, có tiền sử nghiện rượu, có nguy cơ hạ magnesi máu tăng lên do tác dụng hiệp đồng của sử dụng ethanol mạn tính đến chức năng chuyển hóa. Sử dụng thuốc lợi tiểu, ciclosporin hoặc kháng sinh aminoglycosid đồng thời với PPI làm tăng nguy cơ hạ magnesi máu. Các triệu chứng của hạ magnesi máu thường không rõ ràng, có thể bao gồm chuột rút, yếu cơ, dễ bị kích thích hoặc lú lẫn. Không khuyến cáo xét nghiệm magnesi định kỳ ở bệnh nhân dùng PPI. Trong trường hợp bệnh nhân đang sử dụng PPI kéo dài và có các triệu chứng không rõ nguyên nhân, tương tự các triệu chứng của hạ magnesi máu thì nên cân nhắc xét nghiệm magnesi máu. Tăng sử dụng đồ ăn giàu magnesi, ví dụ các loại hạt, rau mồng tơi, lúa mì, hoặc thực phẩm bổ sung có chứa magnesi có thể giúp cải thiện nồng độ magnesi máu trong quá trình điều trị bằng PPI.

Thiếu hụt vitamin B12 liên quan đến sử dụng PPI ở bệnh nhân cao tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy PPI làm giảm hấp thu vitamin B12 trong thức ăn. Ở bệnh nhân cao tuổi có chế độ dinh dưỡng kém, đang dùng PPI kéo dài, cần cân nhắc xét nghiệm vitamin B12 định kỳ.

Giảm natri máu liên quan đến việc sử dụng PPI gặp ở rất ít bệnh nhân, và thường gặp hơn ở người cao tuổi.

Viêm thận kẽ cấp tính liên quan đến PPI

Viêm thận kẽ có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn. Các triệu chứng và dấu hiệu gợi ý viêm thận kẽ bao gồm: sốt, nổi ban, tăng bạch cầu ái toan, khó chịu, đau cơ, đau khớp, giảm cân, thay đổi lượng nước tiểu, đái ra máu hoặc mủ có kèm hoặc không kèm theo tăng huyết áp. NSAID cũng được biết đến khá rõ về nguy cơ gây độc thận, do đó, nên chú ý nghi ngờ hơn khả năng viêm thận kẽ ở bệnh nhân đang sử dụng NSAID có xuất hiện các triệu chứng này. Các yếu tố nguy cơ gây viêm thận kẽ khác bao gồm kháng sinh beta lactam (penicilin, cephalosporin), sulfonamid, thuốc lợi tiểu, bệnh lý nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch hoặc ung thư. Trong trường hợp nghi ngờ viêm thận kẽ, cần soi nước tiểu và kiểm tra chức năng thận. Bệnh nhân cũng nên được gửi khám chuyên khoa thận. Để chẩn đoán xác định viêm thận kẽ, bắt buộc phải sinh thiết thận.

Tương tác thuốc

Quan ngại về khả năng tương tác giữa omeprazol và clopidogrel không chắc chắn có ý nghĩa lâm sàng. Do đó, không cần thiết phải thay đổi chế độ điều trị cho bệnh nhân đang sử dụng đồng thời một thuốc PPI và clopidogrel. Tuy nhiên, nếu bác sĩ đang cân nhắc kê đơn PPI và clopidogrel, thì khuyến cáo nên chọn pantoprazol do ít có tác dụng ức chế enzym CYP2C19 hơn so với omeprazol và lansoprazol. PPI có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của warfarin hoặc giảm tác dụng này khi ngừng PPI. Bệnh nhân đang dùng warfarin nên được đánh giá trị số INR thường xuyên hơn khi bắt đầu dùng, hoặc ngừng PPI để đảm bảo không gặp tương tác có ý nghĩa lâm sàng.

Nguồn: http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/133

Khoa Dược