Thọ giới sa di là gì năm 2024

Mười giới Sa di là bản chất đích thực của một vị Sa di. Sống đúng theo mười giới này, vị Sa di chứng tỏ mình đã ly khai con đường trần lụy của thế gian và đang bước trên con đường thương yêu của các vị Bụt và Bồ Tát. Mười giới Sa di là biểu hiện cụ thể của nếp sống giải thoát và thương yêu ấy.

Giới thứ nhất là bảo vệ sinh mạng

Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.

Thực tập giới này vị Sa di phải học nhìn mọi loài bằng con mắt biết xót thương để nuôi dưỡng chất liệu từ bi và để chuyển hóa chất liệu bạo động và hận thù trong con người của mình. Thế giới hiện tại đầy dẫy bạo động và hận thù, và phần lớn khổ đau phát xuất từ những chất liệu ấy. Mỗi ngày trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, tiếp xử, ăn uống, vị Sa di phải thấy được nỗi khổ đau và sợ hãi của mọi loài. Bảo vệ sự sống là phận sự đầu của một người có lý tưởng Bồ Tát.

Giới thứ hai là tôn trọng quyền tư hữu

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ và năng lực của con với những kẻ thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm của riêng bất cứ một tài vật nào của thường trú hoặc của bất cứ ai. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, và cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Thực tập giới này, vị Sa di nuôi dưỡng chất liệu công bằng và liêm khiết trong lòng mình. Cái đẹp của nếp sống xuất gia một phần được nhận thấy trong nếp sống giản dị, ít ham muốn, ít tiêu thụ. Sống giản dị, người xuất gia sẽ có nhiều thì giờ và năng lượng hơn để có thể cứu giúp và đem lại niềm vui cho kẻ khác.

Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh

Ý thức được rằng lý tưởng của người xuất gia chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống phạm hạnh của con và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết hành động dâm dục sẽ làm tan vỡ cuộc đời xuất gia của con, làm hại đến cuộc đời của kẻ khác, và không cho con thực hiện được lý tưởng cứu độ chúng sanh của mình.

Thực tập giới này, vị Sa di bảo trì được tính cách tự do và thảnh thơi của đời mình. Động cơ giúp người xuất gia hành trì được giới này không phải là ý chí dồn ép hay đè nén mà là tình thương và lý tưởng của mình. Vì trân quý lý tưởng và vì thương yêu mọi người mà mình không nỡ phá hoại lý tưởng của mình và quyết tâm bảo vệ tiết hạnh của những người khác.

Giới thứ tư là thực tập chánh ngữ và lắng nghe

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo các hạnh chánh ngữ và lắng nghe để có thể dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể tạo thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện thực tập lắng nghe với tâm từ bi, để có thể hiểu được những khổ đau và khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể tu học của con, những điều có thể gây nên chia rẽ và làm tan vỡ đoàn thể tu học của con. Con nguyện không nói những lỗi lầm của bất cứ một vị xuất gia nào và bất cứ về một đạo tràng nào, dù có khi con nghĩ là những lỗi lầm này có thật, trừ khi con được yêu cầu làm việc này trong những buổi thực tập soi sáng có mặt đương sự.

Thực tập giới này, vị Sa di thực hiện được những phép khẩu hòa vô tránh, kiến hòa đồng giải và ý hòa đồng duyệt, ba trong sáu phép lục hòa, nuôi dưỡng được từ và bi, và hiến tặng cho người chung quanh được rất nhiều hạnh phúc.

Giới thứ năm là bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm, không sử dụng rượu, các chất ma túy và tiêu thụ những sản phẩm có độc tố

Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng rượu, các chất ma túy và các độc tố gây ra, con nguyện chỉ tiêu thụ những thức ăn thức uống không có độc tố và không có tác dụng gây nên sự say sưa, tình trạng mất tự chủ của thân tâm và tình trạng nặng nề và ốm đau của thân thể cũng như của tâm hồn. Con nguyện thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống và tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có cả những sản phẩm sách báo và phim ảnh có chứa đựng bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù.

Thực tập giới này, vị Sa di sống một đời sống an lành, tươi tắn, mạnh khỏe, về thân cũng như về tâm, và có nhiều điều kiện thuận lợi để hành đạo và độ đời. Theo tinh thần giới này, Sa di cũng không hút thuốc, không uống rượu vang và rượu bia.

Giới thứ sáu là không sử dụng mỹ phẩm và đồ trang sức

Ý thức được cái đẹp đích thực của người xuất gia là tính chất vững chãi và thảnh thơi, con nguyện mỗi ngày làm đẹp cho con và cho tăng thân con bằng sự thực tập chánh niệm, cụ thể qua sự hành trì giới luật và các uy nghi trong đời sống hằng ngày. Con biết các loại mỹ phẩm và trang sức mà người đời sử dụng chỉ có thể đem lại sự hào nhoáng giả tạo bên ngoài, và chỉ có tác dụng gây ra sự chìm đắm và vướng mắc, cho nên con nguyện sống giản dị, gọn gàng và sạch sẽ trong cách ăn mặc của con. Con nguyện không sử dụng các loại nước hoa, phấn, sáp, các loại mỹ phẩm và các thức trang sức khác.

Thực tập giới này, vị Sa di biết là bảo trì cơ sở và tài vật của thường trú là hành động kính yêu và phụng sự Tam Bảo chứ không phải là ước muốn làm giàu cho cá nhân mình. Tuy nhiên, vị Sa di cũng cần biết rằng mục đích của người xuất gia là tu học để được giải thoát và để độ đời, cho nên quá bận bịu lo cho tài chánh của chùa mà không có thì giờ tu học cũng là một tai nạn cần tránh.