Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay

[HNM] - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, giới âm nhạc Việt Nam đã chủ động xoay chuyển, đều đặn ra mắt các sản phẩm đa dạng về phong cách, hình thức, nội dung, bắt kịp xu thế quốc tế, đóng góp vào đời sống tinh thần của nhân dân. Những tác phẩm âm nhạc ghi dấu ấn với công chúng vừa thêm chất nhân văn nhưng cũng bắt nhịp với thời đại. Đây cũng được dự báo là hướng phát triển của âm nhạc Việt Nam năm 2021.

Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam được kết hợp giữa nhạc dân gian và điện tử [tháng 1-2021].

Những dấu ấn sáng tạo

Hơn hai tháng kể từ khi ra mắt [từ cuối tháng 12-2020], đến nay, MV [video ca nhạc] rap “Đi về nhà” của nghệ sĩ Đen và JustaTee, phát hành trên kênh YouTube, đã có trên 85 triệu lượt xem, 1,2 triệu lượt yêu thích, gần 51 nghìn bình luận tích cực, trở thành hiện tượng của âm nhạc Việt Nam ngay đầu năm 2021. Ca khúc mang giai điệu sâu lắng, ấm áp, ca từ dung dị gợi nhớ về gia đình và kỷ niệm ấu thơ, đã chạm đến trái tim người nghe. Không chỉ giới trẻ, nhiều đối tượng khán giả khác cũng hào hứng đón nhận ca khúc.

Năm 2020 là năm bùng nổ của nhạc rap và hiện loại nhạc này tiếp tục thu hút được đông đảo khán giả bởi đề cập đến nhiều góc cạnh của xã hội, lứa tuổi, quan điểm sống, hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài các nghệ sĩ kỳ cựu, hai sân chơi đình đám King of Rap và Rap Việt đã góp phần đưa nhạc rap lan tỏa. Trong khi đó, dòng nhạc R&B cũng được các nghệ sĩ thử sức và có sản phẩm nổi bật chinh phục công chúng. Ca sĩ Mỹ Tâm với bản nhạc “Đúng cũng thành sai” ra mắt cuối tháng 9-2020 và hiện vẫn giữ được sức hút. Sáng tạo trên dòng nhạc này còn có ca sĩ Tóc Tiên, Soobin, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ Mỹ Anh - con gái của nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh. Với những sáng tạo của mình, MV “Lời cảm ơn” của nghệ sĩ trẻ Mỹ Anh gửi thông điệp đến các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, tiếp tục ghi dấu ấn với công chúng. Nghệ sĩ trẻ Mỹ Anh cho biết, đã xác định nghiêm túc theo con đường âm nhạc và thời gian tới sẽ có những sản phẩm âm nhạc ý nghĩa hơn.

Hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại cũng là xu thế được các nghệ sĩ Việt Nam phát triển thành công. Như nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang với MV “Giấc mơ trên lưng” kết hợp âm hưởng dân ca Tây Bắc với tiết tấu hiện đại. Ca sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Hà [Hà Myo] với “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh” kết hợp xẩm với nhạc rap và nhạc điện tử, được công chúng đón nhận nồng nhiệt dịp Tết Nguyên đán...

Thể loại âm nhạc giao hưởng, thính phòng cũng chinh phục nhiều đối tượng khán giả hơn từ các chương trình “Rock Symphony”, “Dân gian trên jazz - Dân gian trên dây”… Ca sĩ Tùng Dương với dự án âm nhạc “Con người” chiến thắng ở 3 hạng mục tại Giải thưởng Âm nhạc cống hiến lần thứ 16-2021 cũng cho thấy sự kết hợp hiệu quả giữa âm nhạc giao hưởng và nhạc điện tử. Đặc biệt, tối nay, 7-3, tại Viện Pháp Hà Nội, nữ ca sĩ Hiền Nguyễn Soprano hứa hẹn tạo dấu ấn mới, khi kết hợp giọng hát thính phòng với các nghệ sĩ nhạc pop và jazz...

Chị Đinh Thu Hà [phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội] chia sẻ: “Âm nhạc Việt Nam hiện nay rất hiện đại, giàu ý nghĩa và hợp xu thế. Tôi ấn tượng với nhạc rap và dần thay đổi suy nghĩ về thể loại này. Cả nhà tôi đều nghe nhạc rap. Con trai tôi còn mày mò sáng tác và biểu diễn nhạc rap với đàn piano”.

Ca khúc “Xẩm Hà Nội” kết hợp giữa âm nhạc dân gian và hiện đại được công chúng đánh giá cao.

Hướng đến những giá trị tốt đẹp

Nhiều nghệ sĩ tham gia sân chơi King of Rap hay Rap Việt khá quen thuộc trong giới, nhưng còn xa lạ với đại chúng, song đã tạo bước chuyển ngoạn mục thời gian qua. Theo lý giải của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Giám đốc Âm nhạc chương trình King of Rap, thay vì phản ánh những câu chuyện cá nhân, họ đã biết mở rộng điểm nhìn về cuộc sống, hướng vào những thông điệp nhân văn, ý nghĩa tích cực trong sáng tác và biểu diễn, từ đó dần chinh phục khán giả. Còn nghệ sĩ Rhymastic, giám khảo chương trình Rap Việt cho rằng: "Thể loại rap về tình yêu và cuộc sống dễ lan tỏa, tạo được sự đồng cảm của khán giả đại chúng. Lao động nghiêm túc, hướng đến những giá trị tốt đẹp, các nghệ sĩ rap sẽ tiếp tục được yêu mến, tạo lập được một dòng chảy vững chắc, giàu bản sắc trong âm nhạc Việt Nam".

Cùng với đó, những thể loại âm nhạc khác cũng hứa hẹn sẽ tạo bước phát triển mới. Ca sĩ Hiền Nguyễn Soprano sau hàng chục năm trau dồi kiến thức, rèn giũa tài năng ở Italia đã quyết định trở về nước cống hiến, với mong muốn đưa âm nhạc hàn lâm đến gần khán giả đại chúng. “Ban đầu tôi chinh phục khán giả với dòng nhạc bán cổ điển, sau đó là thử nghiệm kết hợp với các dòng nhạc jazz, latin, điện tử và các dòng nhạc mang tính thời đại được khán giả trẻ yêu thích. Như thế tôi vừa được thử sức sáng tạo, vừa mở rộng đối tượng khán giả”, nghệ sĩ Hiền Nguyễn Soprano cho biết.

Về xu hướng phát triển của âm nhạc Việt hiện nay, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, có sự đa dạng, phong phú, hướng đến những giá trị tốt đẹp và theo nhịp phát triển của thời đại. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ, để âm nhạc Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, phải kiên định phát triển đồng đều ba dòng nhạc: Dân gian dân tộc, hàn lâm và đại chúng; đồng thời, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ có tài năng, trách nhiệm với cộng đồng. Bên cạnh đó, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là người trẻ cần được chú trọng, để mọi đối tượng được thưởng thức các thể loại âm nhạc lành mạnh, bổ ích.

Thị trường sáng tác âm nhạc: Nỗi lo tăng lượng, giảm chất

Minh Quân

07:16 17/08/2020

Trong những năm gần đây thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam ghi nhận sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là từ những người trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các tác phẩm âm nhạc đứng trước nguy cơ “tăng lượng nhưng giảm chất”.

Thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam đang bị chi phối, chạy theo các xu thế hiện đại.

Còn nhiều khoảng trống

Sáng tác ca khúc luôn là thế mạnh của âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh các nhạc sĩ lão thành thế hệ chống Pháp, lớp nhạc sĩ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ, đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã khẳng định vị trí của mình.

Tiếp theo các thế hệ đàn anh, một lực lượng sáng tác trẻ đã xuất hiện và trở thành tiếng nói mới góp phần vào đời sống ca nhạc, chiếm được cảm tình của công chúng và có tác dụng tích cực với xã hội. Hàng năm các nhạc sĩ đã sáng tác hàng trăm tác phẩm, thể loại phong phú, từ đơn ca, song ca, tốp ca, hợp xướng. Chủ đề đa dạng, phản ánh mọi mặt của con người và cuộc sống, ngôn ngữ âm nhạc từng bước có sự tìm tòi, phối khí dàn dựng được nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, nhìn vào thị trường âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây rất dễ nhận thấy một xu thế là đa phần các nhạc sĩ trẻ chỉ chú ý viết các ca khúc thị trường dòng nhạc Pop, không biết đến dòng âm nhạc chính thống, kinh điển bác học, và dòng âm nhạc cổ truyền. Nguyên nhân là trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc, xuất hiện các sân chơi ca nhạc, vô hình trung biến âm nhạc thành những sản phẩm giải trí đơn thuần, hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ. Tình trạng này tác động đến các chủ thể sáng tạo từ nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng buông lỏng chất lượng, nghiệp dư hóa và lệch chuẩn.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Đây là một lĩnh vực phức tạp, cần có sự đánh giá tỉnh táo và công minh trước những hiện tượng lệch lạc, lai căng của một số bài hát mang tính thị hiếu tầm thường, chạy theo đám đông; ca từ dễ dãi, thậm chí thô tục, phản cảm.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, đây còn là một hiện tượng xã hội khách quan, một trào lưu có tính chất thời sự, dẫn đến khuynh hướng coi nhẹ nội dung chủ đề, chuộng hình thức bên ngoài. Chúng ta không thể ngăn cấm mà cần đi sâu vào giới trẻ để hiểu và hướng dẫn họ trong việc sáng tác và biểu diễn.

Bên cạnh đó, mảng sáng tác cho thiếu niên, nhi đồng một thời gian dài bị buông lơi, ít nhạc sĩ chú trọng đến đối tượng này, nên ít có những bài hát mới, hay về lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Ngoài ra, trong công tác sáng tác đến nay vẫn chưa bồi dưỡng phát triển được đội ngũ sáng tác khí nhạc trẻ để tiếp tục con đường khí nhạc chuyên nghiệp viết lên những tác phẩm dài hơi như Opera, Symphony, Concerto, Hợp xướng...

Cần các biện pháp căn cơ

Có thể nói thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam đang bị chi phối, chạy theo các xu thế hiện đại. Mặc dù không thể phủ nhận nền âm nhạc Việt Nam sau các thế hệ “cây đa cây đề” như Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ… đã thấy xuất hiện những nhân tố mới, là các tác giả trẻ với những sáng tác mang âm hưởng đương đại, mới mẻ, giàu cảm xúc như Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Hồ Hoài Anh, Sa Huỳnh…

Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng nghìn ca khúc mới, kể cả lĩnh vực âm nhạc kinh điển như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, có sức lan tỏa, vang vọng lâu dài như tác phẩm thời kỳ trước.

Thậm chí, nhiều ca khúc kinh điển qua bàn tay “nhào nặn” của một số người mang danh nhạc sĩ đã biến tướng thành những bài hát dị hợm, thô tục. Như bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã bị chế lời khá thô thiển. Hay ca khúc “Huyền thoại mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị chế lời rất phản cảm. Tuy nhiên, dù rất phản cảm, những các khúc này vẫn ngang nhiên được đăng tải trên các trang mạng xã hội mà chẳng bị cơ quan chức năng nào “tuýt còi”.

Chưa kể vấn đề bản quyền khi có tới hàng nghìn bản nhạc chế đang tràn lan trên mạng xã hội, thế nhưng không phải bài hát nào cũng được sự đồng ý từ tác giả của ca khúc gốc. Thậm chí, các ca khúc quen thuộc bị sửa lại bằng ca từ mới vẫn được biểu diễn trong một số chương trình mà tác giả không hề hay biết.

Có thể thấy rằng, nhạc thị trường không đòi hỏi cao ở người nghe, ai cũng có thể nghe được và thuộc được, ca từ chỉ đảo quanh nội dung yêu đương nhàm chán. Cùng với đó dòng nhạc này lại không kén người hát, những ca khúc thuộc hàng thị trường tương đối dễ hát, thậm chí người được gọi là ca sĩ cũng chẳng cần có kiến thức tương đối đầy đủ về âm nhạc. Người sáng tác những ca khúc thị trường không cần đợi ý tưởng mà chỉ cần sáng tác vội theo thị hiếu của một bộ phận giới trẻ, đơn thuần để câu like, câu view mà thôi.

Chính sự lệch chuẩn này đã khiến các cơ quan quản lý đau đầu trong công tác kiểm soát, bởi thị trường âm nhạc đã xuất hiện những tác phẩm lai căng, đi ngược thuần phong mỹ tục của người Việt. Nguy hại hơn, nó khiến nhiều người lầm tưởng đây là dòng nhạc chính thống đại diện cho nền nhạc mới của nước ta hiện nay.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: Những sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhất thời cũng giống như thời trang thôi, hết mùa sẽ được thay thế bởi mẫu mã khác. Thời gian không ngừng đào thải những sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, sự ra đời của nhạc thị trường chính là tính tất yếu trong những thời điểm lịch sử nhất định, để âm nhạc nghệ thuật vượt lên, tìm tòi những chuẩn mực mới, từng bước minh định lại thị hiếu công chúng.

Chủ đề: nhạc sĩ Thị trường sáng tác âm nhạc tăng lượng giảm chất

Video liên quan

Chủ Đề