Theo em gia đình có trách nhiệm như thế nào trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

PhuthoPortal - Hiện nay, tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự đã trở thành hiểm họa lớn, có nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các tệ nạn xã hội và tội phạm liên quan đến ma túy có diễn biến phức tạp với nhiều thành phần và đối tượng tham gia. Trong đó, đối tượng là giới trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và tác động xấu tới nhận thức, hành động của các bạn trẻ nói chung. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đó thì gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng, vì đây chính là nơi quản lý, giáo dục, định hướng nhận thức và hành vi cho giới trẻ, qua đó góp phần xây dựng một xã hội trong sạch, lành mạnh, ổn định và phát triển.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 70% người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh niên [từ 19 - 30 tuổi] được đưa vào Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh [Trung tâm cai nghiện]. Những người này thường nghe theo sự lôi kéo, rủ rê của bạn bè, sử dụng ma túy lén lút tại nhà riêng, phòng trọ hoặc nơi vắng người. Sau một thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng không thành công nên buộc phải đưa vào Trung tâm cai nghiện. Có một số trường hợp khi lên cơn nghiện nhưng không có tiền thì nảy sinh ý định phạm tội và thực hiện các hành vi phạm tội để có tiền mua ma túy như trộm cắp tài sản, lừa đảo, cướp giật…

Ông Lương Chí Cường - Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Các đối tượng liên quan đến ma túy trong độ tuổi này phần lớn vẫn đang trong sự quản lý, giáo dục của gia đình. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người gần gũi, thân thiết, thường xuyên ở bên cạnh con cái, việc chăm sóc con cái không chỉ là trách nhiệm mà còn là “bản năng” của họ. Thế nhưng, yếu tố gia đình dường như đang bị gạt ra bên lề của cuộc chiến phòng chống ma túy. Một số bậc cha mẹ có quan niệm sai lệch, cho rằng con cái của mình đã trưởng thành, có thể tự lo được cho bản thân hoặc đã có nhà trường, xã hội, cơ quan, đoàn thể quan tâm, gia đình không thể lúc nào cũng ở bên cạnh mà quản lý, giáo dục được. Chính vì sự quản lý lỏng lẻo với quan niệm sai lệch, cổ hủ đó, nên khi các bậc cha mẹ phát hiện con em mình vướng vào ma túy thì đã quá muộn. Nhiều trường hợp cha mẹ vội vàng lên án con cái, né tránh hoặc giấu nhẹm đi, dẫn tới hậu quả là con em mình thực sự bị tha hóa bởi ma túy, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có ma túy. Bên cạnh đó, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng cha mẹ ly hôn hoặc mải lo làm ăn kinh tế mà bỏ bê, không quan tâm đến việc học tập, các mối quan hệ ngoài xã hội của con, không hiểu được điều con em mình thực sự mong muốn. Thế nên, khi thiếu đi sự yêu thương, chăm sóc và quan tâm của cha mẹ, các em cảm thấy cô đơn, lạc lõng, rất dễ có những hành vi tiêu cực như giao du với bạn xấu, tìm đến những thú vui chơi, giải trí thiếu lành mạnh, có những hành động nông nổi hay sa vào con đường nghiện ngập, dẫn đến lối sống buông thả và vướng vào vòng lao lý.

Theo thống kê từ đầu năm 2013 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy [PC47] - Công an tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đấu tranh, bắt giữ và khởi tố 211 bị can phạm tội về ma túy, trong đó có 24 bị can trong độ tuổi thanh niên. Theo Đại úy Phạm Trung Kiên - Phó trưởng Phòng PC47 thì trên thực tế, tội phạm về ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Con số nêu trên chỉ là thống kê sơ bộ, chưa đầy đủ về số đối tượng liên quan đến ma túy trong độ tuổi này đã bị các lực lượng chức năng tại các địa phương trong tỉnh phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính và khởi tố trước pháp luật.

Để ngăn chặn và đẩy lùi ma túy, đặc biệt trong giới trẻ, các bậc làm cha, làm mẹ cần xác định rõ vai trò, vị thế của gia đình trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con em. Phải khẳng định rằng không nơi đâu có thể tổ chức giáo dục, theo dõi, giám sát việc phòng, chống ma túy; phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, hút, chích, thử… các loại ma túy; cảm hóa và động viên người nghiện tham gia cai nghiện ma túy có hiệu quả bằng gia đình. Thiết nghĩ, để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy cho giới trẻ cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho gia đình thông qua việc tổ chức trang bị kiến thức giáo dục, nhất là những kiến thức cần thiết về phòng, chống ma túy, truyền thông giáo dục sức khỏe cho các bậc cha mẹ, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, các thành viên tôn trọng, quan tâm lẫn nhau. Có như vậy, gia đình mới thực sự trở thành ngôi nhà thân yêu, tạo nên sức mạnh đoàn kết, trở thành bức tường ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của ma túy, góp phần xây dựng lớp lớp gia đình Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh, hiện đại, không có ma túy và tệ nạn xã hội.

Thanh Hòa

Trên cơ sở nghiên cứu về điều kiện, hoàn cảnh dẫn trẻ em vào con đường phạm tội và mắc TNXH cho thấy môi trường sống trong gia đình có tác động sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò của cha mẹ là cực kỳ quan trọng. Quản lý và giáo dục gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài, từ khi đứa trẻ sinh ra và lớn lên. Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì mặc dù điều kiện kinh tế chưa sung túc vẫn có được cuộc sống hạnh phúc. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tội phạm và TNXH.

Công tác giáo dục được thể hiện cụ thể như việc lựa chọn phương pháp giáo dục đúng, tăng cường trách nhiệm trong quản lý và giáo dục con cái; không nuông chiều, thoả mãn, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vật chất của con khi các yêu cầu này là không chính đáng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Sự nuông chiều thái quá, Không bắt làm, coi nhẹ hoặc bỏ qua nghĩa vụ của các em, từ đó tạo cho các em thói quen, tâm lý đòi hỏi hưởng thụ, ích kỷ, sống ỷ lại, đòi hỏi vào cha mẹ hoặc người lớn mà không biết tới nghĩa vụ của mình đối với mọi người.

Việc kiểm tra các hoạt động hằng ngày của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc, không để các em trược vào con đường tiêu cực là việc làm cần thiết. Thực tiễn cho thấy, nhiều gia đình thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục, quản lý con cái -cho rằng con còn đi học ở trường, nhưng thực tế đã bỏ học hàng tháng và có hành vi phạm tội mà gia đình không hề hay biết. Con số 54,2% các em sử dụng ma tuý mà gia đình không hay biết, chỉ khi bị công an bắt quả tang hoặc hàng xóm, bạn bè mách bảo thì mới biết con mình đã bị nghiện.

Theo điều tra của Bộ Công an, chỉ có 29,6% các gia đình có ý thức trách nhiệm trong việc quản lý giáo dục con em, còn đến 70,4% là chưa có ý thức trong quản lý giáo dục con em mình. Có những em đi chơi cả đêm mà gia đình không biết tối hôm đó các em ở đâu; có em bỏ học hàng tháng mà gia đình không hay biết. có đến 83,3% các em đang ở độ tuổi đi học đã bỏ học mà bố mẹ không quan tâm tạo điều kiện cho các em học nghề, tìm việc làm, để các em có quá nhiều nhiều thời gian rỗi dễ sinh ra “nhàn cư vi bất thiện”.

Nói chung, sự thiếu quan tâm đến con cái thường rơi vào các gia đình bố mẹ đi làm ăn, công tác xa, không có điều kiện ở gần nhà để chăm sóc con hàng ngày; bố mẹ ốm đau bệnh tật; bố mẹ do mải làm ăn kinh tế, không quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt của con cái.

Các bậc cha mẹ cần được nâng cao tri thức về phòng chống tội phạm, TNXH, đó là hiểu được tội phạm và TNXH là gì; nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc gây ra tội phạm và mắc các TNXH; cách nhận biết người phạm tội, vi phạm pháp luật, mắc nghiện ma tuý; tội phạm và TNXH gây ra tác hại gì cho bản thân, gia đình, xã hội; có thể cai nghiện ma tuý được không; cai nghiện bằng cách nào. Thực tế, không phải gia đình nào cũng hiểu được kiến thức này. Vì vậy, khi biết con mình phạm tội, mắc các TNXH, nghiện ma tuý, bố mẹ chỉ biết nhốt con trong nhà hoặc mắng chửi mà chưa có sự giải thích, bảo ban về tác hại để các em hiểu và tránh xa.

Một trong những đặc điểm then chốt của việc giáo dục trẻ, giúp trẻ phòng chống tội phạm, TNXH thành công là phải hiểu thế giới nội tâm vô cùng phong phú, đa dạng, nhạy cảm, hiếu động, thích tìm tòi, ưa cái mới… của các em. Làm cha mẹ, ông bà ở thời hiện đại cũng cần phải hiểu biết phương pháp giáo dục mới, hiện đại kết hợp với những kinh nghiệm quý báu trong kho tàng giáo dục của dân tộc, tổ tiên… Làm được việc này là đã góp phần không nhỏ vào việc phòng chống tội phạm, TNXH cho con em trong gia đình mình.

Gia đinh thực sự là tổ ấm cho các em lớn khôn và trưởng thành, không phạm tội và mắc TNXH: Một sô gia đình do bố mẹ chết, chỉ còn bố hoặc chỉ còn mẹ, bố mẹ li dị, sống trong cảnh dì ghẻ, bố dượng hoặc sống với ông bà, anh chị em ruột, sống một mình, sống lang thang... Những em rơi vào hoàn cảnh này thường bất ổn về tâm lý như : tự ti, măc cảm; thiếu tình cảm, thiếu sự giáo dục, thiếu điều kiện học tập, vui chơi.Đặc biệt, những sai trái của các em không được phát hiện và uốn nắn kịp thời, nghĩ gì làm vậy, không có phương hướng hành động đúng đắn, dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo của những hành động tiêu cực, phạm tội và TNXH.

Đảm bảo được đời sống kinh tế gia đình để trẻ em có được những điều kiện sống tối thiểu như: ăn ở, mặc, sinh hoạt, học hành: Sự chênh lệch giữa giàu nghèo trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách cư xử của người chưa thành niên trong các gia đình nghèo, cộng với sự thiếu điều kiện sống tối thiểu đã đẩy các em vào con đường phạm tội và mắc TNXH.

Như vây, sự chăm sóc chu đáo của gia đình đối với việc giáo dục con cái, việc tạo dựng môi trường gia đình trong sạch để thanh thiếu niên phát triển đầy đủ về nhân cách là trách nhiệm trước hết của các bậc cha mẹ. Có được những điều kiện này, trẻ em sẽ có môi trường sống đảm bảo, không vi phạm pháp luật và mắc các TNXH.

Video liên quan

Chủ Đề