Em bé sơ sinh bị đau bụng phải làm sao

Tác giả bài viết: Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh – Bệnh viện Từ Dũ

Với người lớn có thể dễ dàng nhận biết khi bị đau bụng và tìm cách khắc phục vấn đề. Trẻ sơ sinh bị đau bụng hoặc đầy bụng lại khó khăn trong việc nhận biết và xử trí.

Có 20% trẻ dưới 3 tháng tuổi có những cơn đau quặn bụng khiến trẻ khóc kéo dài mà không dỗ được hay còn gọi là khóc dạ đề. Đây không phải là bệnh lý nên không cần điều trị, tình trạng này sẽ thuyên giảm sau 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ cần theo dõi trẻ để phát hiện những “dấu hiệu cảnh báo” kèm theo mà cần phải cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị đau bụng?

Các mẹ lưu ý khi thấy xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây có thể cho thấy rằng trẻ sơ sinh đang bị đau bụng:

- Khóc từng cơn nẩy người hoặc co đùi, kéo chân lên ngực khi trẻ khóc.

- Khóc khi bị ấn bụng hoặc không khóc khi bị ấn nơi khác.

- Hành vi khác thường, gắt gỏng, trăn trở, bứt rứt

- Không ngủ hay không ăn

- Vặn vẹo hoặc đau cơ, khuôn mặt lộ rõ ​​sự đau đớn [nhắm nghiền mắt, nhăn nhó,..]

Vậy thế nào là khóc dạ đề do đau quặn bụng ở trẻ nhỏ?

- Những cơn khóc quấy, dễ kích thích, khóc thường xuyên, dữ dội bắt đầu trong vòng 3 tháng đầu đời sau sanh.

- Cơn khóc dai dẳng trong hơn 3 giờ/ngày và xuất hiện hơn 3 lần trong mỗi tuần

- Khóc dai dẳng ít nhất trong 1 tuần

Những “dấu hiệu cảnh báo” kèm theo nếu có phải đưa bé đi khám bác sĩ:

- Nôn hoặc tiêu ra máu

- Nôn hết sữa được cho bú hoặc trớ thường xuyên

- Chướng bụng

- Tiêu chảy

- Có chàm da, thở khò khè

- Chậm lớn

- Da xanh tái, vã mồ hôi

Những cơn khóc quấy bắt đầu trong vòng 3 tháng đầu đời sau sanh được gọi là khóc dạ đề. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây ra đau bụng ở trẻ sơ sinh?

Đau bụng ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra vì nhiều lý do:

- Bé bị nhiễm khuẩn đường ruột

- Trẻ bú quá nhiều sữa gây đầy bụng

- Trẻ nuốt hơi quá nhiều trong lúc bú gây bụng chướng hơi

- Khó tiêu hóa

- Đau quặn bụng [colic pain]

- Dị ứng đạm của sữa công thức [dị ứng protein sữa bò]

Trẻ sơ sinh bị đau bụng phải làm sao?

- Trường hợp có bằng chứng đe dọa sinh mạng của trẻ: phải được đưa đi bệnh viện ngay để được xử trí cấp cứu.

- Ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của trẻ, nhưng tổng trạng ổn định. Những trẻ này cũng cần được đưa đi Bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề.

- Ảnh hưởng ít đến sinh hoạt thường ngày của trẻ, tức là sau khi đau bụng, quấy khóc bé hoàn toàn bình thường, tươi tỉnh, bú tốt, lên cân tốt: phần đông những trẻ này, triệu chứng đau bụng thường tự giới hạn, một vài giờ hoặc sau vài buổi, phần còn lại cần phải theo dõi bằng nhiều đợt thăm khám.

Chăm sóc trẻ bị đau bụng tại nhà như thế nào?

- Theo dõi sát trẻ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm hoặc những dấu hiệu ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bé, để đưa bé đi bệnh viện kịp thời.

- Vác đứng bé, áp bụng bé vào người bế, vỗ nhè nhẹ lên lưng bé.

- Làm dịu tinh thần của trẻ bằng cách đưa trẻ đi dạo một vòng  

- Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, tránh bú sữa công thức

- Cho bé bú vừa đủ [không quá no cũng không bị đói]

- Vỗ lưng cho bé ợ hơi sau bú để giảm đầy hơi

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc bé để tránh lây nhiễm khuẩn từ bàn tay của người chăm sóc qua bé.

Không nên để bé khóc một mình quá 5 – 10 phút. Tuyệt đối không rung lắc bé. Ảnh minh họa

Những lúc bé quấy khóc khó dỗ, nếu mẹ cảm thấy không bình tĩnh và thoải mái, thì mẹ nên nhờ người khác trông hộ trẻ. Tuy nhiên, đừng để bé khóc một mình quá 5 – 10 phút. Tuyệt đối không rung lắc bé.

Nếu mẹ đang cho con bú, hãy nói chuyện với bác sĩ về chế độ ăn uống của chính người mẹ. Mẹ có thể giải quyết vấn đề bằng cách tránh những thực phẩm có thể ảnh hưởng đến em bé. Nếu trẻ đang uống sữa bột, hãy hỏi bác sĩ nếu chuyển sang loại khác có thể giúp ích.

Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm đầy hơi hoặc giúp ổn định hệ vi sinh thường trú ở ruột nếu các biện pháp chăm sóc không dùng thuốc kém hiệu quả. Nếu các rối loạn kéo dài, không đáp ứng điều trị và nghi ngờ có bất thường bẩm sinh về ruột, bác sĩ có thể đề nghị phải nhập viện để làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán.

Nguồn: //khampha.vn/me-va-be/bac-si-mach-me-phuong-phap-cham-soc-tre-so-sinh-bi-dau-bung-...Nguồn: //khampha.vn/me-va-be/bac-si-mach-me-phuong-phap-cham-soc-tre-so-sinh-bi-dau-bung-c32a718455.html

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ [Khám phá]

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh có thể gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của bé sau này, do đây là giai đoạn cơ thể trẻ cần một nguồn dinh dưỡng ổn định.

Dưới đây là những biểu hiện thường gặp của tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh, bao gồm những vấn đề liên quan đến các biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục.

Nôn trớ sữa là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng đôi khi có thể là dấu hiệu hệ tiêu hóa của bé đang gặp vấn đề. Nếu trẻ chỉ bị trớ sữa bình thường thì ba mẹ không cần quá lo lắng nhưng nếu đi kèm thêm một vài biểu hiện khác thì cần đi khám cho bé.

Dấu hiệu nhận biết

Nôn ói khi bị rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh có thể kèm theo các biểu hiện:

  • Ọc dịch xanh rêu.
  • Bụng chướng.
  • Không đi tiêu phân su 48 giờ sau sinh.

Nguyên nhân

  • Bé bú no quá, các cữ bú gần nhau
  • Lỗ núm vú cao su to hoặc nhỏ quá so với miệng bé
  • Mẹ đổi loại sữa không phù hợp
  • Tư thế bế trẻ không đúng

Video Hướng Dẫn Cách Khắc Phục Khi Trẻ Nôn Trớ

Cách khắc phục

  • Cho trẻ bú đúng tư thế
  • Không ép bé bú quá nhiều ở mỗi cữ và không bú nhiều lần trong ngày. Trẻ sơ sinh nếu sinh ra trên 2,9kg thì xu hướng sẽ đói sau mỗi 3 giờ.

Hậu quả 

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh tuy là hiện tượng phổ biến nhưng có nhiều trường hợp để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Nôn ói thường xuyên, kéo dài có thể gây ra một số dị dạng đường tiêu hóa như: teo thực quản, bệnh phình đại tràng bẩm sinh, teo tắc ruột… Những bệnh lý này cần điều trị sớm để tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong..

Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ bình thường cũng hay trớ một lượng nhỏ sữa trong hoặc ngay sau bú

Đau bụng là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện

Ðau bụng từng cơn kèm khóc ngất. Vì trẻ sơ sinh chưa biết nói nên không thể thông báo cho ba mẹ tình trạng của mình. Phụ huynh có thể nhận biết qua những biểu hiện sau: mặt trẻ đỏ hoặc tái, bụng chướng, bàn tay nắm chặt, chân co lên bụng…

Nguyên nhân

Ðau bụng ở trẻ sơ sinh có thể do các nguyên nhân như: đói, nuốt nhiều hơi khi bú hoặc bú quá nhiều. Ngoài ra, có một số bệnh lý gây nên tình trạng đau bụng như đầy hơi, táo bón, lồng ruột…

Cách khắc phục

  • Mẹ nên ngồi khi cho bé bú.
  • Tắm nước ấm cho trẻ để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Sử dụng bình bú thoát hơi tốt để trẻ không nuốt không khí quá nhiều.
  • Massage bụng nhẹ nhàng cho trẻ.
  • Không ép bé bú nhiều.
  • Đặt em bé nằm sấp trên đầu gối rồi xoa lưng nhẹ nhàng để làm giảm áp lực lên bụng của bé.

Trẻ sơ sinh có thể đi tiêu 5 – 10 lần trong ngày. Điều này cũng hết sức bình thường nếu phân của trẻ có tính chất bình thường, màu vàng sậm, trẻ tăng cân đều… Còn trong trường hợp đi ngoài quá nhiều lần kèm theo những biểu hiện bất thường thì đó là do bé đang bị tiêu chảy.

Biểu hiện

Trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần/ngày, ăn kém, mệt mỏi, đôi lúc nôn trớ. Một số trẻ có thể xuất hiện thêm các biểu hiện như trướng bụng, sốt, phân có nhầy, lẫn máu… Khi bị tiêu chảy, bé thường mệt mỏi, kém ăn, dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng. Nhiều trường hợp tiêu chảy kéo dài gây mất nước, mất điện giải rất nguy hiểm.

Nguyên nhân 

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy có thể do nhiễm virus Rotavirus, nhiễm ký sinh trùng như Amip, L.Giardia hoặc nhiễm vi khuẩn E.Coli, phẩy khuẩn tả… Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do bị dị ứng sữa, bé bú quá nhiều, mẹ ăn phải đồ tanh dễ gây tiêu chảy khi bé bú mẹ.

Cách khắc phục

Khi trẻ bị tiêu chảy, trước tiên mẹ nên xem lại chế độ ăn của mình xem có ăn đồ gì tanh, sống, có khả năng gây tiêu chảy hay không. Cùng với đó, cho bé bú nhiều cữ để bù nước cho con. Nếu trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy thì có thể bổ sung thêm điện giải cho bé.

Hậu quả

Tiêu chảy không chỉ khiến bé mệt mỏi, kiệt sức, không hấp thu được nhiều dưỡng chất mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu bé bị mất nước nặng mà không được bổ sung kịp thời.

Biểu hiện của tiêu chảy là trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày, phân có thể có nhầy

Trẻ sơ sinh có thể đi tiêu ngày 1 lần, 2-3 lần, thậm chí 2-3 ngày mới đi một lần. Điều này sẽ là bình thường nếu phân của bé bình thường, cơ thể vẫn khỏe mạnh, trẻ vui vẻ… Tuy nhiên, nếu nhiều ngày bé không đi tiêu có thể là do con đang bị táo bón.

Dấu hiệu nhận biết

  • Trẻ không đi tiêu thường xuyên, nhiều ngày mới đi một lần.
  • Phân khô rắn, cứng như sỏi hoặc phân to.
  • Bụng trẻ cứng, có biểu hiện đau bụng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị táo bón có thể do trẻ bú quá ít, hoặc mẹ đang bị táo bón có sử dụng kháng sinh hoặc thuốc ho chứa codein, thực đơn ăn dặm của bé không có rau xanh, trái cây. Nếu bé uống sữa công thức chứa nhiều chất béo, nhiều protein cũng có thể gây táo bón.

Cách khắc phục

Để khắc phục tình trạng táo bón, mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình để bé được bú nguồn sữa mẹ giàu dinh dưỡng và đủ chất xơ. Bên cạnh đó, cho trẻ bú mẹ thường xuyên hoặc cho con uống thêm nước. Nếu trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm thì trong bữa ăn của bé cần có nhiều rau, trái cây…

Bên cạnh đó, mẹ nên massage bụng và tăng cường vận động cho trẻ để giúp con dễ đi tiêu hơn.

Hậu quả

Hậu quả của táo bón là khiến trẻ bị đau bụng, khó chịu. Ngoài ra, còn khiến bé biếng ăn, chậm lớn và quấy khóc.

Bú kém cũng là một trong những triệu chứng của tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.

Biểu hiện

Bú kém là tình trạng trẻ bú ít hơn một nửa thể tích sữa so với bình thường. Tuy nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bé là khác nhau, nhưng nhìn chung, trẻ sơ sinh cần bú từ 8-12 lần/ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 2 tiếng nếu bú mẹ và 3 tiếng nếu uống sữa công thức.  

Nguyên nhân

Khi hệ tiêu hóa của bé đang gặp bất thường, bé có thể sẽ cảm thấy chán ăn, mất cảm giác đói hoặc quá mệt mỏi không muốn bú. Vì thế, bé sẽ bú kém hơn so với mức bình thường. 

Cách khắc phục

Cải thiện chế độ dinh dưỡng của mẹ để cung cấp cho bé nguồn sữa mẹ chất lượng, thơm ngon, kích thích con thích bú hơn. Khẩu phần ăn của mẹ phải đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất chính là đạm, chất béo, đường bột, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, mẹ cần hạn chế đồ ăn cay nóng, có mùi nồng, tanh.

Ngoài ra, hãy tạo cho bé thói quen bú đúng giờ, đúng cữ, khoảng 3 tiếng cho bé bú một lần để con cảm thấy đói và bú hiệu quả hơn. Không nên ép bé bú hoặc uống sữa công thức khi con không muốn bú nữa như vậy càng khiến con sợ ăn hơn.

Hậu quả

Khi bé bú ít hơn bình thường ba mẹ không nên để tình trạng này kéo dài vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé đặc biệt là vấn đề cân nặng của bé.

Bú kém là bú ít hơn một nửa thể tích sữa so với bình thường

Mặc dù biết nuôi con không phải cứ chăm chăm nhìn vào cân nặng của bé nhưng nếu trẻ tăng cân chậm trong thời gian dài thì đó có thể là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa hoặc một số bệnh lý nào đó.

Biểu hiện

Việc chậm tăng cân có thể được phát hiện dễ dàng qua việc cân đo trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể có thêm các triệu chứng khác như mệt mỏi, uể oải… Nhiều trường hợp nặng bé còn có dấu hiệu mất nước, thóp lõm, da khô.

Nguyên nhân

Khi hệ tiêu hóa có vấn đề, việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng bị ảnh hưởng trực tiếp. Dẫn đến việc bé không nhận đủ hàm lượng dinh dưỡng cơ thể cần dẫn đến chậm tăng cân.

Hậu quả

Hậu quả của việc trẻ sơ sinh tăng cân chậm có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như: suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, cấu trúc cơ của bị suy yếu, con dễ mắc các vấn đề về tim mạch…

Biện pháp khắc phục

Để khắc phục tình trạng chậm tăng cân do rối loạn tiêu hóa, trước tiên mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn hằng ngày để cung cấp nguồn sữa giàu dưỡng chất cho bé, giúp con hấp thu tốt hơn, tăng cân nhanh hơn. Bên cạnh đó, cần cho bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc hiệu quả.

Rối loạn tiêu hóa gây nhiều triệu chứng khó chịu cho bé, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và sự phát triển của con nên cần được phòng ngừa ngay từ sớm. Hãy áp dụng những biện pháp cải thiện hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh dưới đây:

  • Người mẹ cần ăn uống đầy đủ và đa dạng các thành phần dinh dưỡng ngay từ khi mang thai và giai đoạn cho con bú.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể trẻ, mang đến cho bé một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
  • Không để trẻ bú quá no trong một cữ bú, tập cho bé thói quen ăn uống và đi tiêu đúng giờ.
  • Với trẻ uống sữa công thức, mẹ nên hạn chế cho bé uống sữa động vật và đường lactose. Nên chọn loại sữa giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và không nên đổi nhiều loại sữa liên tục khiến hệ tiêu hóa của bé khó thích ứng kịp.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường sống, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của bé thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn.
  • Không được tùy tiện sử dụng thuốc cho bé, nhất là thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này, thậm chí là tử vong do tình trạng mất nước. Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm là cách tốt nhất để bảo vệ hệ tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe tổng thể của trẻ.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: //www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Video liên quan

Chủ Đề