So sánh mức phạt tiền và án treo năm 2024

Án treo là chế định quan trọng của luật hình sự. Chế định này có trong pháp luật hình sự (PLHS) các quốc gia cũng như ở nước ta từ rất lâu. Dù việc thể hiện, hay diễn đạt có khác nhau trong pháp luật của mỗi quốc gia, nhưng án treo đều được quy định trong PLHS.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (Điều 60) và BLHS năm 2015 () quy định án treo như là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, trong đó có điều kiện để áp dụng án treo và điều kiện thử thách của án treo. Theo đó, khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một đến năm năm.

So sánh quy định của hai Bộ luật, chúng tôi thấy, BLHS năm 2015 cơ bản vẫn giữ tinh thần của BLHS năm 1999 về bản chất án treo, điều kiện áp dụng và điều kiện thử thách của án treo, nhưng bổ sung chặt chẽ hơn một số nội dung để đảm bảo cho việc áp dụng chế định này hiệu quả hơn trên thực tế. Đó là:

– Quy định Tòa án có trách nhiệm tuyên buộc người được hưởng án treo thực hiện các nghĩa vụ luật định;

– Không hạn chế loại hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người được hưởng án treo;

– Điều kiện thử thách của án treo được bổ sung: Ngoài không phạm tội mới trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo không được cố ý vi phạm nghĩa vụ án treo từ 02 lần trở lên. Nếu người được hưởng án treo phạm tội mới, thì phải chấp hành hình phạt chung là hình phạt tù được miễn chấp hành và hình phạt đối với tội mới; nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, thì có thể bị buộc chấp hành hình phạt tù.

1.2. Nhận thức về án treo

1.2.1. Nhận thức về bản chất và vai trò của án treo

Dù quy định của pháp luật có những thay đổi về cách diễn đạt, nhưng bản chất của án treo cũng không hề thay đổi. Theo PLHS nước ta, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều này có nghĩa rằng:

– Án treo chỉ được áp dụng đối với người bị kết án phạt tù;

– Người bị kết án phạt tù không phải chấp hành hình phạt tù trên thực tế nếu chấp hành đúng điều kiện thử thách luật định.

Như vậy, chế định án treo thể hiện chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa của Nhà nước ta. Cần phải coi án treo như là một quyền của người bị kết án phạt tù khi có đủ điều kiện quy định; mà không nên coi đó như là “một đặc ân mà Tòa án ban phát” cho người đó.

Ngoài tính nhân đạo, tình hướng thiện của án treo thể hiện ở chỗ, không chỉ Tòa án tạo cho người phạm tội điều kiện xã hội tốt nhất để nhận thức lỗi lầm và tự giáo dục, cải tạo mình; mà còn không đẩy người đó và gia đình đến những hậu quả pháp lý, đạo đức, xã hội bất lợi, do phải chấp hành hình phạt tù.

Tính phòng ngừa của án treo không chỉ nằm trong việc giáo dục riêng, để người bị kết án không phạm tội mới; án treo cũng khó có giá trị răn đe cao như phạt tù, tử hình… mà giá trị phòng ngừa của án treo thể hiện bằng việc không buộc người bị kết án chấp hành hình phạt tù trên thực tế, Tòa án và pháp luật không tạo ra những hậu quả tiêu cực mà xã hội, gia đình, cá nhân người bị kết án phải gánh chịu có thể dẫn các thành viên khác đến con đường phạm tội. Ví dụ, một người chủ gia đình phải chấp hành hình phạt tù, dẫn đến gia đình mất nguồn thu nhập chính, con cái vắng người giáo dưỡng, sự kỳ thị của xã hội đối với người đó và thành viên gia đình, nhất là con trẻ, việc tái hòa nhập sau khi chấp hành xong hình phạt tù cũng rất khó khăn… Tất cả hậu quả đó có thể làm gia đình trở nên nghèo khổ, con cái thất học, tự ti… đây chính là nguyên nhân có thể làm phát sinh tội phạm mới.

1.2.2. Nhận thức về các điều kiện áp dụng án treo

Để áp dụng và chấp hành án treo đúng, việc nhận thức đúng đắn điều kiện áp dụng án treo và điều kiện thử thách án treo có ý nghĩa rất quan trọng.

* Về điều kiện áp dụng án treo

quy định: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo…”. Như vậy, việc áp dụng án treo có các điều kiện cần và đủ sau đây:

– Thứ nhất, người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm. Luật không hạn chế đó là loại tội gì. Tuy nhiên, có thể nói, đó có thể là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, thì chỉ có thể áp dụng đối với người đồng phạm với vai trò giúp sức không đáng kể sau khi đã áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Để quyết định hình phạt tù đối với người phạm tội, Hội đồng xét xử căn cứ vào các nguyên tắc, quy định chung về các căn cứ quyết định hình phạt trong BLHS.

– Thứ hai, căn cứ vào các đặc điểm nhân thân người phạm tội. Ở đây, rất cần lưu ý một vấn đề là, hiểu thế nào cho đúng về nhân thân người phạm tội để cho hưởng án treo? Điều luật quy định “căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, nếu xét thấy không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù…”. Như vậy, Điều luật không hề đòi hỏi người phạm tội phải có nhân thân tốt như nhiều người vẫn quan niệm trong khoa học luật hình sự và thực tiễn gần đây. Nên lưu ý rằng, Điều luật chỉ quy định các đặc điểm nhân thân là thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù mà thôi; thậm chí, có thời kỳ tình tiết này được hướng dẫn là, chỉ cần người phạm tội “có nhân thân không xấu” là có thể cho hưởng án treo. “Nhân thân tốt” và “nhân thân không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” tất nhiên không thể là một được. Chính đây là điều kiện cần phải được nhận thức chính xác, hướng dẫn áp dụng thống nhất án treo, mà không thu hẹp phạm vi áp dụng án treo theo tinh thần luật định. Vụ án sau đây là một ví dụ: Nguyễn Văn C làm nghề lái xe ôm, chở vợ đi ăn tiệc cưới. Trên đường chở vợ về nhà, do không làm chủ tay lái do uống rượu, C đâm phải mố cầu làm cả 2 vợ chồng rơi xuống sông; hậu quả là vợ C chết. Về nhân thân, trước đó vài tháng, C đã bị xử phạt hành chính vì vi phạm quy định về an toàn giao thông; C có 2 con nhỏ (7 tuổi và 4 tuổi); gia đình thân thích nội và ngoại không còn ai… Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng nhân thân không tốt, nên đã xử phạt C 03 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo. Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định cho bị cáo C hưởng án treo, vì cho rằng “không cần bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù để có điều kiện nuôi dạy các con còn nhỏ”. Trong vụ án này, rõ ràng Tòa án cấp phúc thẩm đã quán triệt đúng đắn quy định của Điều 60 BLHS năm 1999 về điều kiện nhân thân; Bị cáo C có nhân thân không tốt, nhưng nhân thân đó là không cần bắt phải chấp hành hình phạt tù theo luật định.

Khi xét xử, việc đánh giá của Tòa án thế nào là “không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù” xuất phát từ các yếu tố nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác của vụ án, yêu cầu phòng, chống tội phạm… Tòa án thấy không cần bắt chấp hành hình phạt tù, nếu người đó có thể tự giáo dục, cải tạo và nếu không cách ly người đó, thì cũng không gây nguy hiểm cho xã hội; người đó sẽ không phạm tội tiếp hoặc thường xuyên vi phạm pháp luật khác. Việc đánh giá điều kiện nhân thân chính là yếu tố tùy nghi duy nhất trong xác định điều kiện cho hưởng án treo.

– Thứ ba, Điều luật quy định “căn cứ các tình tiết giảm nhẹ”. Như vậy, để áp dụng án treo, người phạm tội cần có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Khác với , khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại ; không quy định căn cứ cho hưởng án treo phải là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51. Theo chúng tôi, việc nhận thức điều kiện bắt buộc người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 là thu hẹp phạm vi áp dụng án treo theo luật định.

Điều 65 BLHS năm 2015 cũng không có quy định gì về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS). Theo chúng tôi, các tình tiết tăng nặng đã được cân nhắc trong quyết định hình phạt tù rồi, nên không thể đánh giá một lần nữa khi cho hưởng án treo khi khoản 1 Điều 65 không quy định. Vì vậy, thực tiễn hướng dẫn bắt buộc đối trừ tình tiết giảm nhẹ với tình tiết tăng nặng TNHS trong xác định điều kiện cho hưởng án treo là thiếu hợp lý, không đúng với quy định của Điều 65 BLHS. Tòa án chỉ có thể đánh giá các tình tiết tăng nặng TNHS như là các tình tiết của vụ án để xác định có bắt người bị kết án chấp hành hình phạt tù hay không mà thôi.

Nói tóm lại, chỉ quy định ba căn cứ (điều kiện) áp dụng án treo là mức phạt tù không quá 03 năm; các đặc điểm nhân thân thấy không cần buộc chấp hành hình phạt tù; có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS. Tòa án đánh giá các điều kiện đó trong từng vụ án cụ thể để quyết định cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo. Việc bổ sung thêm bất kỳ điều kiện nào khác ngoài khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 là thu hẹp trái pháp luật phạm vi áp dụng án treo. Một khi Tòa án xác định có đầy đủ ba điều kiện nêu trên thì bắt buộc phải cho người bị kết án hưởng án treo (… thì Tòa án cho hưởng án treo), chứ không phải là tùy nghi, Tòa án chỉ có thể cho hưởng án treo.

* Về điều kiện thử thách của án treo

Theo , có hai điều kiện thử thách của án treo:

– Điều kiện thứ nhất: Người được hưởng án treo không phạm tội mới trong thời gian thử thách. Điều kiện này được pháp luật nước ta quy định từ rất sớm. Tuy nhiên, bất cập ở đây là thời gian thử thách được tính từ thời điểm bản án cho hưởng án treo có hiệu lực pháp luật. Có 3 khả năng xảy ra: (1) Bản án sơ thẩm cho hưởng án treo không bị kháng cáo, kháng nghị; (2) Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và bản án cấp phúc thẩm chuyển từ tù giam sang án treo và (3) Tòa án cấp giám đốc thẩm sửa bản án bị kháng nghị và cho hưởng án treo. Tương ứng với 3 trường hợp đó là 3 thời hạn khác nhau và khả năng phạm tội mới của người phạm tội dài ngắn khác nhau. Hiện nay, đã có hướng dẫn cách tính thời điểm bắt đầu thời gian thử thách của án treo đối với bản án sơ thẩm, phúc thẩm; nhưng chưa có hướng dẫn đối với quyết định giám đốc thẩm.

– Điều kiện thứ hai: Người được hưởng án treo không được cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS) 02 lần trở lên. Nghĩa vụ của người được hưởng án treo được quy định tại Điều 87 Luật THAHS năm 2019. Theo Điều 87 của Luật, người được hưởng án treo có sáu nhóm nghĩa vụ, trong đó có một nhóm là nghĩa vụ về hành vi (cách xử sự), năm nhóm còn lại là nghĩa vụ về thủ tục. Vậy, vi phạm những nghĩa vụ gì, thì được coi là vi phạm nghĩa vụ án treo?

* Hậu quả của việc vi phạm điều kiện thử thách

Người vi phạm nghĩa vụ thử thách của án treo đều phải chịu hậu quả pháp lý là buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách, hậu quả này là bắt buộc; còn trong trường hợp cố ý vi phạm nghĩa vụ án treo, hậu quả chỉ là tùy nghi theo quyết định của Tòa án. Như vậy, trường hợp thứ hai cần được hướng dẫn chặt chẽ để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.

Theo chúng tôi, nên chăng, chỉ khi người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật THAHS mới thể hiện thái độ tuân thủ pháp luật và nghĩa vụ công dân và việc vi phạm nghĩa vụ đó có hệ thống mới là căn cứ để Tòa án áp dụng khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015.

2. Thực tiễn hướng dẫn và áp dụng án treo những năm qua

2.1. Thực tiễn hướng dẫn áp dụng án treo

Kể từ khi ban hành BLHS năm 1985 đến nay, quy định về án treo có 03 lần sửa đổi; nhưng đã có 13 lần được Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng, trong đó có 07 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, 02 Thông tư liên tịch và còn lại là các Công văn, Kết luận của Chánh án TANDTC.

Nhìn chung, quán triệt chính sách hình sự của từng thời kỳ phát triển đất nước và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, xuất phát từ thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền đã bám sát quy định của Điều 44 BLHS năm 1985, Điều 60 BLHS năm 1999, Điều 65 BLHS năm 2015 để hướng dẫn các Tòa án nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn.

Tuy nhiên, cũng qua thực tiễn thực hiện và nhận thức sâu sắc hơn quy định của BLHS, có những hướng dẫn vẫn còn gây ra những tranh luận trong nhận thức, khó khăn trong thực tiễn áp dụng, chưa thật phù hợp với bản chất của án treo, chưa bám sát chính sách hình sự của Nhà nước ta, nhất là chính sách hình sự trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Trong bài viết này, chúng tôi xin phân tích, đánh giá sâu hơn về Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo (Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP).

Theo chúng tôi, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP là văn bản hướng dẫn tương đối toàn diện, chi tiết về việc áp dụng án treo; tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp.

Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất, điều kiện án treo theo luật định, chính sách hình sự hướng thiện, coi trọng phòng ngừa, hạn chế giam giữ trong cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW… thì theo chúng tôi, một số nội dung cần được trao đổi thêm. Đó là:

– Thứ nhất, về điều kiện áp dụng án treo

+ Theo Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ điều kiện luật định. Theo quy định của Điều 65 BLHS năm 2015, thì án treo là chế định bắt buộc (thì Tòa án cho hưởng án treo), chứ không phải là chế định tùy nghi (không phải thì Tòa án có thể cho hưởng án treo); cho nên khi có đủ điều kiện luật định, Tòa án bắt buộc phải cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo. Nhận thức tính tùy nghi trong áp dụng án treo có thể dẫn đến sự tùy tiện, thiếu thống nhất, thậm chí tiêu cực trong thực tiễn áp dụng án treo.

+ Một số hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP cũng cần được xem xét lại xem có vượt ra ngoài quy định của Điều 65 BLHS năm 2015 hay không:

(1) Chỉ áp dụng án treo đối với người có nhân thân tốt. Hướng dẫn này liệu có trái với quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 như chúng tôi đã phân tích trên.

Do quan niệm người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tốt, cho nên Nghị quyết đã hướng dẫn không áp dụng án treo đối với người tái phạm mà không phân biệt là tái phạm tội gì, người phạm hai tội… Hướng dẫn một cách cứng nhắc như vậy thực tế đã thu hẹp phạm vi áp dụng án treo là không cần thiết. Ví dụ: Theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì người phạm tội trộm cắp tài sản hai lần trở lên vẫn có thể cho hưởng án treo; nhưng người phạm hai tội (trộm cắp tài sản 02 triệu đồng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 04 triệu đồng hoặc vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản 100 triệu đồng) lại không được cho hưởng án treo.

(2) Việc khấu trừ tình tiết tăng nặng vào tình tiết giảm nhẹ để xác định có nhiều tình tiết giảm nhẹ (điểm 3 Điều 2 Nghị quyết) thỏa mãn điều kiện áp dụng án treo hay không? tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tình tiết nhân thân thể hiện tính nguy hiểm của người phạm tội… đã được làm căn cứ để quyết định hình phạt tù.

Theo chúng tôi, đánh giá tính chất của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân người phạm tội để quyết định cho hưởng án treo hay không (tức có cần bắt người bị kết án chấp hành hình phạt tù hay không) khác hoàn toàn với đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS để lựa chọn loại và mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo. Hay nói cách khác, người làm luật quy định căn cứ quyết định hình phạt và căn cứ miễn chấp hành hình phạt tù đã được quyết định khác nhau.

Điều 65 BLHS năm 2015 không hề đề cập đến tình tiết tăng nặng TNHS, cho nên người hướng dẫn cũng không nên sử dụng tình tiết tăng nặng để hạn chế việc áp dụng biện pháp nhân đạo này.

(3) Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn không áp dụng án treo đối với: “Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Theo chúng tôi, nghiêm trị không đồng nghĩa với không cho hưởng án treo. Nghiêm trị là xử phạt ở mức cao trong khung hình phạt quy định. Mà trong BLHS, có nhiều khung hình phạt được quy định rất nhẹ, tối đa không quá 03 năm tù, thậm chí có nhiều chế tài không quy định phạt tù. Cho nên, đối với những người trên, trong từng vụ án cụ thể đối với từng tội phạm cụ thể, cần để Hội đồng xét xử đánh giá một cách khách quan, toàn diện, trên cơ sở quy định của Điều luật về án treo để quyết định phù hợp. Ví dụ, phải chăng người chủ mưu phạm các tội như: tội làm nhục người khác (khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015), tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 BLHS năm 2015), tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 160 BLHS năm 2015)… với mức cao nhất của chế tài là 02 hoặc 03 năm tù; lại có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 thì vẫn không bao giờ được hưởng án treo?

2.2. Thực tiễn áp dụng án treo trong xét xử của các Tòa án

Án treo là một trong những chế định được áp dụng khá phổ biến trong thực tiễn xét xử của các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự nước ta những năm qua.

Theo khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng 10 năm (2010 – 2020) trở lại đây, tỷ lệ bị cáo được hưởng án treo được hạn chế áp dụng so với những năm trước đó; đặc biệt là từ năm 2014, sau khi Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP được ban hành và có hiệu lực. Năm 2008, tỷ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án; năm 2013 tỷ lệ đó vào khoảng 20%-22% và năm 2016 đến nay tỷ lệ người được hưởng án treo khoảng 16%-18%. Việc áp dụng án treo cũng không đồng đều giữa các địa phương, có Tòa án áp dụng chỉ trên 10%; nhưng cũng có Tòa án áp dụng trên 30% số người bị kết án.

Kết quả xét xử phúc thẩm cho thấy, số bản án sơ thẩm bị sửa từ phạt tù chuyển sang cho hưởng án treo thường cao gấp 3 đến 4 lần số bản án sơ thẩm bị sửa từ án treo sang phạt tù. Như vậy, có thể nói, các Tòa án cấp sơ thẩm khá e ngại trong áp dụng án treo; nhiều bị cáo đáng lẽ có thể được hưởng án treo, nhưng Tòa án đã không mạnh dạn quyết định điều đó.

Nhìn chung, cùng với việc quán triệt tinh thần của pháp luật; ban hành hướng dẫn áp dụng án treo theo hướng thu hẹp phạm vi và hạn chế áp dụng án treo, hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên của TANDTC… các Tòa án đã áp dụng đúng quy định của Điều 65 BLHS năm 2015, đúng hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán.

Tuy nhiên, kết quả áp dụng án treo nêu trên gợi cho chúng tôi suy nghĩ, liệu việc áp dụng án treo như vậy có quá thấp; đã đáp ứng đòi hỏi của Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp về chính sách hình sự hướng thiện, vì con người, coi trọng tính phòng ngừa, hạn chế phạt tù hay chưa? Đáp ứng chính sách hình sự nhân đạo hay chưa? Việc đưa ra thêm những điều kiện ngoài luật để hạn chế áp dụng án treo liệu có hạn chế được tiêu cực trong các Tòa án như mong muốn hay không…?

Nhiều năm nghiên cứu tình hình xét xử ở nhiều nước, chúng tôi thấy ở các nước, tỷ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chỉ chiếm 50%-60%. Còn ở Việt Nam, khoảng trên 90% người phạm tội bị kết án phạt tù; trong đó khoảng 16%-18% người bị kết án phạt tù được cho hưởng án treo; còn lại khoảng gần 80% người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù. Một tỷ lệ quá cao so với nhiều nước trên thế giới.

Theo chúng tôi, sở dĩ tỷ lệ người bị kết án được cho hưởng án treo khá thấp là do các nguyên nhân sau đây:

– Nhận thức thiếu chính xác và thống nhất điều kiện áp dụng án treo luật định;

– Hướng dẫn áp dụng án treo quá chặt chẽ, máy móc thu hẹp phạm vi áp dụng án treo theo luật định;

– Tâm lý, thói quen phạt tù trong truyền thống xét xử của Tòa án nước ta; coi phạt tù là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong phòng, chống tội phạm;

– Dư luận xã hội thiếu tích cực đối với tình hình áp dụng án treo; cho rằng án treo ít có tác dụng trong răn đe, phòng ngừa tội phạm; còn nghi ngờ có tiêu cực của Tòa án trong áp dụng án treo;

– Quy chế kỷ luật trong quản lý Thẩm phán cũng làm cho một số Thẩm phán e ngại trong áp dụng án treo; nhiều Thẩm phán có tâm lý “xử phạt tù cho lành”…

3. Một số nhận xét và kiến nghị

3.1. Một số nhận xét

Nói tóm lại, theo chúng tôi, mặc dù là một chế định đã có từ lâu trong PLHS và được hướng dẫn áp dụng khá nhiều, nhưng vấn đề án treo chưa phải đã được nhận thức đúng đắn, thống nhất. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã giúp cho Thẩm phán, Hội thẩm giảm bớt khó khăn hơn trong áp dụng án treo, có giá trị “cầm tay chỉ việc” cho họ trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, với nhận thức và một số hướng dẫn khá máy móc, khô cứng… đã thu hẹp phạm vi áp dụng án treo do luật định, thu hẹp khả năng chủ động, độc lập đánh giá, áp dụng – một điểm đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán, Hội thẩm; chưa thật đáp ứng chính sách hình sự hướng thiện, vì con người, coi trọng tính phòng ngừa, thu hẹp phạt tù…

Điều 65 BLHS năm 2015 đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung về án treo. Đặc biệt, quy định về áp dụng hình phạt bổ sung và điều kiện thử thách mới của án treo. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thủ tục buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù không được quy định. Vì vậy, quy định này cần được nhận thức đúng về nội dung và hướng dẫn thực hiện hợp lý về thủ tục tố tụng.

3.2. Kiến nghị

Thiết nghĩ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần quán triệt chính sách hình sự nhân đạo, hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa, hạn chế hình phạt tù của Đảng và Nhà nước ta, nhận thức chính xác, đầy đủ, quán triệt tốt Điều 65 BLHS 2015 và tổng kết thực tiễn xét xử những năm qua để tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, đặc biệt là hướng dẫn về điều kiện, nhất là điều kiện về nhân thân không cần bắt chấp hành hình phạt tù để áp dụng án treo; hạn chế các hướng dẫn cấm mang tính máy móc, cứng nhắc trong áp dụng chế định này.

Cần đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát, giám đốc xét xử, cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Hoạt động giám sát phải được tiến hành toàn diện, chứ không chỉ tập trung vào án treo; cơ sở pháp lý của hoạt động giám sát về áp dụng án treo phải chủ yếu là Điều 65 BLHS năm 2015, chứ không chỉ Nghị quyết và phát biểu của một số người có thẩm quyền; việc xử lý trách nhiệm nên được tiến hành thận trọng hơn… để tạo điều kiện cho các Tòa án mạnh dạn hơn trong áp dụng án treo đối với người bị phạt tù khi có đủ điều kiện luật định, góp phần thực hiện chính sách hình sự đã xác định, phòng, chống có hiệu quả tình hình tội phạm ở nước ta./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân số 5 -2021

Theo luật hình sự một số nước, ngoài hình phạt tù, án treo còn có thể áp dụng đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ (Nga). Một số nước khác, án treo được coi như một loại hình phạt giám sát tại cộng đồng (Đức).

Điểm b tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Toà án” trong BLTTHS; điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS 1999 về án treo; điểm 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS 2015 về án treo; Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật hình sự phần chung, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội, 2019, tr.652; Võ Khánh Vinh (Chủ biên), Luật hình sự Việt Nam, Phần chung, NXB. Khoa học xã hội, 2014, tr.454; Vụ hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp, Bình luận Bộ luật hình sự 2015, phần những quy định chung, NXB. Tư pháp, 2018, tr.246.

Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/3/1993 của TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Theo tinh thần của nguyên tắc nhân đạo của PLHS, trong điều kiện áp dụng các quy định thể hiện nguyên tắc này (như miễn TNHS, miễn hình phạt, áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định, án treo…) đều không đề cập đến tình tiết tăng nặng TNHS.

Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.

Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.