Sắp xử lý nhà mạng kích hoạt sim sẵn

(HNM) - Mặc dù nhà mạng đã thu hồi khoảng 24 triệu sim kích hoạt sẵn, song loại sim này vẫn tồn tại, gây tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã kiến nghị có cơ chế giải quyết vấn đề trên, đặc biệt là đề xuất các nhà mạng phải chủ động, tự thu gom sim kích hoạt của mình và sim kích hoạt của nhà mạng khác…
 

Sắp xử lý nhà mạng kích hoạt sim sẵn

Các nhà mạng cần chủ động, tự thu hồi sim kích hoạt sẵn. Ảnh: Đức Nghiêm

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, việc thực hiện cơ chế quản lý thuê bao trả trước theo quy định của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP (sửa đổi một số điều trong Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông và Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) khi triển khai mặc dù có nhiều khó khăn, song VNPT vẫn quyết tâm thực hiện.

Nếu không làm tốt việc chặn sim kích hoạt sẵn thì khó để ngăn chặn tin nhắn "rác" cũng như thực hiện các quy định về phải chính danh thông tin thuê bao trong Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nên đưa ra cơ chế về tài chính để các nhà mạng tự động thu gom sim kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác nộp cho Sở TT-TT địa phương sở tại. Sở TT-TT khi đó sẽ không phạt các nhà mạng, mà áp dụng cơ chế bù phần kinh phí nhà mạng thu gom sim của nhà mạng khác, căn cứ theo số lượng sim giao nộp.

Cùng với kiến nghị này, ông Trần Mạnh Hùng cũng cho biết, VNPT cũng chỉ đạo đơn vị thu gom sim kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác để nộp cho Sở TT-TT địa phương. Việc làm này được căn cứ theo các thông tư, nghị định mà Bộ TT-TT và Chính phủ đã ban hành. Đề xuất của VNPT cũng đã được các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone tán thành.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp tự thu hồi sim kích hoạt, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, Cục ủng hộ cách làm mỗi doanh nghiệp tự đi thu gom sim kích hoạt sẵn của doanh nghiệp mình, đồng thời sẽ họp với các doanh nghiệp để thống nhất cách làm cho phù hợp...

Theo phân tích của VNPT, về thực hiện các biện pháp quản lý thuê bao trả trước theo các quy định nếu chỉ để cơ quan quản lý nhà nước làm mà không vận dụng để doanh nghiệp tham gia thì khó có thể thực hiện được vì thiếu nhân lực. Hơn nữa, Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 1 năm phải hoàn thành cập nhật thông tin thuê bao. Nếu trong thời gian này, sim kích hoạt sẵn vẫn tràn lan làm tăng lượng thuê bao không có thông tin chính xác… thì liệu có chuyện các nhà mạng lại tái diễn việc xin lùi thời hạn cập nhật thông tin thuê bao?

Trở lại với việc triển khai thực hiện quy định chụp ảnh thuê bao theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Nhà mạng VNPT VinaPhone là đơn vị đầu tiên thí điểm quy định chụp ảnh tại một số địa bàn. MobiFone cũng đã phối hợp với Sở TT-TT Hà Nội tổ chức hướng dẫn, tập huấn về việc thực hiện Nghị định cho các đại lý, điểm cung cấp của nhà mạng trên địa bàn thành phố. Còn đại diện của Viettel thì cho biết, từ đầu tháng 7-2017, nhà mạng này đã sử dụng webcam để chụp ảnh các thuê bao đăng ký mới ở khoảng 100 cửa hàng, điểm giao dịch trên toàn quốc để thử nghiệm trước khi mở rộng…

Tuy nhiên, đại diện của các nhà mạng VNPT VinaPhone, Viettel nêu rõ, cần phải có sự hợp tác với ngành Công an để có thể đối soát về tính chính xác thông tin cá nhân mà khách hàng đã đăng ký. Ngoài ra, các nhà mạng cũng kiến nghị Bộ TT-TT cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Nghị định 49/2017/NĐ-CP đến rộng rãi người dân trên cả nước để tạo sự đồng thuận.

Sắp xử lý nhà mạng kích hoạt sim sẵn
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại buổi họp công bố kết luận thanh tra

Bộ TT-TT vừa công bố Kết luận kiểm tra về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với 7 doanh nghiệp viễn thông di động bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile; Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu; Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom; Công ty cổ phần Mobicast.

Tổng số tiền phạt là gần 3 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp viễn thông trên. Trong đó, Vietnamobile bị xử phạt 440 triệu đồng, Viettel Telecom và 8 chi nhánh bị phạt 175 triệu đồng; 4 trung tâm kinh doanh của VNPT gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình và Bà Rịa Vũng Tàu bị phạt 170 triệu đồng; xử phạt 4 công ty dịch vụ MobiFone khu vực với mức 170 triệu đồng; xử phạt Đông Dương Telecom 90 triệu đồng, MobiCast 90 triệu đồng và Gtel Mobile là 20 triệu đồng.

Ngoài ra, đoàn thanh tra đã xử phạt 39 điểm viễn thông ủy quyền trên phạm vi toàn quốc với số tiền là 1.770 triệu đồng. Đồng thời, buộc các nhà mạng phải khắc phục hậu quả là số tiền tương đương với tiền nạp vào tài khoản SIM đã kích hoạt. Đây là hình phạt tương đối nghiêm khắc cho các doanh nghiệp viễn thông.

Kết luận kiểm tra đã chỉ rõ sai phạm của các doanh nghiệp viễn thông di động trong việc quản lý thông tin thuê bao, cụ thể: Bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều SIM, cá biệt một số cá nhân đăng ký tới hàng ngàn SIM, đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng SIM không chính chủ.

Doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; để cho đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhau mượn tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao; thực hiện không đúng quy trình đăng ký lại thông tin thuê bao, cấp lại SIM; sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm SIM cho người sử dụng, không thực hiện đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao.

“Những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp viễn thông, đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nêu trên làm ảnh hưởng, kéo dài thời điểm hoàn thành mục tiêu quản lý chính xác thông tin thuê bao, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng SIM rác vẫn được bán trên thị trường”- Kết luận nêu.

Bộ TT-TT nhận định, sơ hở trong việc cấp lại SIM của doanh nghiệp có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để chiếm đoạt SIM, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của thuê bao.

Cùng với việc xử phạt, Bộ trưởng Bộ TT-TT sẽ có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh người đứng đầu doanh nghiệp, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc để tồn tại tình trạng thuê bao có thông tin không chính xác.

Đây là lần nhắc nhở thứ 2, nếu có nhắc nhở lần 3 sẽ có biện pháp xem xét xử lý trách nhiệm người đầu doanh nghiệp viễn thông.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở TT-TT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; xem xét áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đúng đầu doanh nghiệp nếu doanh nghiệp tái phạm. Đây là hình thức xử phạt hết sức nghiêm khắc, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long, SIM kích hoạt sẵn (SIM rác), SIM thuê bao không chính chủ là vấn đề nhức nhối của xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng SIM rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội.

“Kết quả đợt kiểm tra vừa qua của Bộ cho thấy những vấn đề sai phạm, tồn tại nhiều năm của công tác quản lý thông tin thuê bao vẫn chưa được khắc phục; người dân vẫn dễ dàng mua được SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao”- Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Để đảm bảo quản lý tốt thông tin thuê bao viễn thông, ngăn chặn SIM rác, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị nhà mạng cần chỉ đạo và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan; rà soát quy trình ký kết với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ đảm bảo thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu.

Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông phải ứng dụng công nghệ mới vào phát hiện sai phạm; phối hợp với Thanh tra Bộ yêu cầu các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông rà soát lại có các tụ điểm vi phạm; thông tin tuyên truyền tới đông đảo người dân không cho mượn CMND đăng ký thuê bao, tránh những liên đới pháp lý… phản hồi thông tin khi nghi ngờ về cuộc gọi rác.

Thứ trưởng cũng lưu ý người sử dụng dịch vụ viễn thông di động cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua, sử dụng SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao; cập nhật thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác; tố giác đến cơ quan chức năng các tổ chức/cá nhân sử dụng thông tin của mình để đăng ký trước thông tin thuê bao, bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao.

Hiện tại, Bộ TT-TT đang phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xử lý đối với các tổ chức/cá nhân vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao, thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi quấy rối, lừa đảo, cuộc gọi đòi nợ không đúng pháp luật.

Trước đó, ngày 31/3/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định số 611/QĐ-BTTTT về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động.

Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/ban-sim-kich-hoat-san-7-nha-mang-bi-phat-3-ty-dong-post518448.antd