Nguyên nhân làm trễ kinh

Có hai thời điểm trong cuộc đời của một người phụ nữ xuất hiện kinh nguyệt không đều. Nhưng có thể được xem là bình thường. Đó là lần đầu tiên có kinh nguyệt (dậy thì) và giai đoạn trước khi mãn kinh. Đây cũng là một trong 10 nguyên nhân gây chậm kinh thường gặp ở chị em. Bên cạnh một số vấn đề y tế và các yếu tố lối sống.

Nội dung bài viết

  • Hiện tượng chậm kinh nguyệt là gì?
  • Tìm hiểu 10 nguyên nhân chậm kinh nguyệt

Hiện tượng chậm kinh nguyệt là gì?

Hầu hết phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh thường có chu kỳ kinh nguyệt lặp lại mỗi 28 ngày. Tuy nhiên, một chu kỳ kinh bình thường có thể dao động từ 21 đến 35 ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không nằm trong những khoảng này, bạn có thể đang gặp phải hiện tượng chậm kinh nguyệt. Bạn có thể chậm kinh trong một hoặc hai tháng. Hoặc vô kinh hoàn toàn. Nghĩa là không xuất hiện kinh nguyệt trong ít nhất ba tháng liên tiếp. 

Nguyên nhân làm trễ kinh
Hiện tượng chậm kinh nguyệt là gì?

Tìm hiểu 10 nguyên nhân chậm kinh nguyệt

Stress

Nguyên nhân gây chậm kinh đầu tiên có thể kể đến là do stress. Cụ thể, stress có thể làm thay đổi việc sản xuất nội tiết tố quan trọng can thiệp vào quá trình rụng trứng và kinh nguyệt đều đặn. Ngoài ra, stress là tác nhân làm thay đổi thói quen hàng ngày. Thậm chí ảnh hưởng đến phần não chịu trách nhiệm điều hòa kinh nguyệt (vùng dưới đồi). Theo thời gian, tác động từ việc stress quá lâu có thể dẫn đến bệnh lý. Gây tăng hoặc giảm cân đột ngột. Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

Nếu bạn đang phải đương đầu với một tình huống vượt quá khả năng tự giải quyết hoặc lo lắng kéo dài, với nhiều lần trễ kinh, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa. Với sự tư vấn kịp thời từ bác sĩ có thể giúp bạn quyết định phải làm gì về những vấn đề đang khiến bạn stress. Khi stress của bạn được kiểm soát, có thể mất vài tháng để kinh nguyệt trở lại đều đặn.

Stress là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Có rất nhiều cách để bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để hiểu hơn về người bạn đồng hành “stress”. Bạn có thể đọc thêm bài viết “Sống hòa hợp với stress: Nhận diện người bạn đường“.

Nguyên nhân làm trễ kinh
Stress rất ảnh hưởng đến kinh nguyệt

Tập thể dục quá sức

Tập thể dục quá sức có thể gây ra sự thay đổi hormone tuyến yên và hormone tuyến giáp. Dẫn đến những thay đổi trong quá trình rụng trứng và kinh nguyệt. Đừng lo lắng về việc tập thể dục khiến bạn bị trễ chu kỳ nếu bạn chỉ dành từ một hoặc hai giờ mỗi ngày cho việc này. Nếu tập thể dục ở cường độ cao hàng giờ đồng hồ mỗi ngày sẽ tạo ra những thay đổi nội tiết tố này. Nếu bạn đang có kế hoạch tập thể dục hàng giờ mỗi ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Cân nặng không kiểm soát

Thừa cân hay sụt cân đều ảnh hưởng đến kinh nguyệt của bạn. Béo phì ảnh hưởng đến hormone estrogen và progesterone. Và thậm chí có thể dẫn đến giảm khả năng sinh sản. Chỉ số khối cơ thể (BMI) rất cao có liên quan đến nguyên nhân gây chậm kinh.

Thiếu cân nghiêm trọng cũng cản trở kinh nguyệt hoạt động đều đặn. Khi thiếu chất béo và các chất dinh dưỡng khác, cơ thể không thể sản xuất hormone theo nhu cầu cần thiết. Phụ nữ gặp phải các rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần hoặc chứng ăn vô độ có thể bị trễ kinh. Thay đổi cân nặng nhanh chóng do bệnh tật, thuốc men hoặc thay đổi chế độ ăn uống, có thể cản trở việc sản xuất hormone, khiến bạn bị trễ kinh một hoặc nhiều lần.

>>> Xem thêm: Trễ kinh nguyệt nên ăn gì và lời khuyên từ chuyên gia

Bắt đầu điều trị vấn đề rối loạn ăn uống của bạn và tăng cân một cách lành mạnh có thể giúp kinh nguyệt trở lại bình thường.

Nguyên nhân làm trễ kinh
Không kiểm soát cân nặng cũng có thể góp phần gây chậm kinh

Bệnh lý

Bệnh mãn tính

Nếu bị đái tháo đường, khi xảy ra sự thay đổi về lượng đường trong máu, những tác động đến nội tiết tố có thể xuất hiện. Vì vậy, mặc dù hiếm gặp, nếu không kiểm soát bệnh tháo đường, có thể khiến kinh nguyệt của bạn không đều. Ngoài ra, nhiều tình trạng mãn tính khác có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Bao gồm bệnh lý tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), khối u tuyến yên, bệnh tuyến thượng thận, u nang buồng trứng …

Khi bất kỳ bệnh nào trong số này ảnh hưởng đến kinh nguyệt, tình trạng này có thể không trở lại bình thường cho đến khi bạn được điều trị. 

Bệnh cấp tính

Bệnh cấp tính nghiêm trọng như viêm phổi, suy thận cũng tác động đến chu kỳ kinh. Bởi vì những bệnh này sẽ khiến sụt cân nhanh chóng. Hậu quả là gây thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc rối loạn chức năng hormone. Có thể khiến bạn bị trễ kinh trong thời gian bị bệnh. Sau khi khỏi bệnh, có thể mất vài tháng để kinh nguyệt của bạn quay trở lại.

Tiền mãn kinh sớm

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi từ 45 đến 55. Những phụ nữ xuất hiện các triệu chứng tiền mãn kinh vào khoảng 40 tuổi hoặc sớm hơn được xem là tiền mãn kinh sớm. Điều này có nghĩa là buồng trứng của bạn sắp ngưng hoạt động. Kết quả là bạn sẽ bị chậm kinh. Và cuối cùng dẫn đến không có kinh nguyệt sau đó.

Dậy thì

Một chu kỳ kinh nguyệt có thể khác nhau ở từng người. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp mới bắt đầu có kinh. Hoặc ở những phụ nữ không có kinh trong vài năm và đang bắt đầu lại.

Ở giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, bạn có thể hoàn toàn không có kinh nguyệt trong nhiều tháng sau khi đã có kinh nguyệt vài lần. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn này, bạn sẽ bắt đầu có một chu kỳ đều đặn. Chính vì thế, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm kinh điển hình.

Thuốc men

Một số loại thuốc điều trị trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, thuốc chống co giật và thuốc hóa trị, có thể khiến kinh nguyệt của bạn không có hoặc bị trì hoãn. Các thuốc tránh thai chứa nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của bạn.

Nguyên nhân làm trễ kinh
Thuốc tránh thai có thể gây rối loạn kinh nguyệt

Phương pháp tránh thai

Bạn có thể gặp sự thay đổi trong chu kỳ của mình khi bạn đang hoặc ngưng sử dụng biện pháp tránh thai. Thuốc tránh thai có chứa hormone estrogen và progestin. Vậy nên, có thể ngăn cản quá trình rụng trứng. Thời gian để chu kỳ của bạn ổn định trở lại sau khi ngừng thuốc có thể kéo dài đến sáu tháng. Các biện pháp tránh thai khác bằng cách cấy hoặc tiêm cũng có thể gây chậm kinh.

Cho con bú

Bạn có thể hoàn toàn không có kinh nguyệt hoặc chu kỳ không thường xuyên khi cho con bú. Đặc biệt nếu bạn cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.

Nhiều phụ nữ tin rằng cho con bú là một hình thức kiểm soát sinh sản. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng tránh thai hiệu quả. Ngay cả khi bạn không có kinh nguyệt khi đang cho con bú, bạn vẫn có thể mang thai. Vì vậy, hãy sử dụng một hình thức ngừa thai khác nếu bạn chưa sẵn sàng chào đón thêm một đứa con nữa.

Thai ngoài tử cung

Nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể mang thai vì bạn đã sử dụng các biện pháp tránh thai, thì nguyên nhân gây chậm kinh có khả năng là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Bác sĩ chuyên khoa có thể xác nhận hoặc loại trừ vấn đề này bằng cách khám vùng chậu hoặc siêu âm.

Chậm kinh có thể khiến nhiều phụ nữ rất lo lắng. Nhất là nếu họ đã quen với việc có kinh đều đặn. Hoặc lo lắng về việc mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây chậm kinh khác mà bạn không ngờ đến. Thường gặp nhất là tác động từ stress và những bệnh lý làm thay đổi đột ngột cơ thể của bạn. Bạn nên tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa để cơ thể sớm hoạt động bình thường lại nhé.

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.