Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở đồng nai

BNEWS Vụ việc cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai là do lượng ôxy trong nguồn nước mặt giảm mạnh.

Theo Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai), ngay sau khi xảy ra việc cá chết hàng loạt tại làng bè Hiệp Hòa trên sông Đồng Nai (đoạn qua xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa), cơ quan này đã tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực xảy ra vụ việc.

Kết quả, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước (DO) vào những ngày đầu tháng 1/2016 chỉ dao động từ khoảng 1,51 mg/l - 1,92 mg/l. Trong khi đó, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt phù hợp với mục tiêu bảo tồn động vật thủy sinh là 4 mg/l.
Đáng lưu ý, thời điểm xảy ra tình trạng cá bè bị chết, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường còn ghi nhận có sự thay đổi ngột về chế độ thủy triều không theo quy luật tự nhiên. Điều này đã làm hạn chế sự khuyếch tán oxy trong nước, dẫn đến hiện tượng suy giảm hàm lượng DO.
Nồng độ oxy hòa tan trong nước sụt giảm do nhiều nguyên như: ô nhiễm hữu cơ sinh học, ô nhiễm hóa học, sự biến động đột ngột của thời tiết và dòng chảy.

Ở khu vực làng bè Hiệp Hòa, mật độ bè và mật độ nuôi cá quá dày đặc đã giới hạn không gian sống của cá, thêm vào đó, dân làng bè áp dụng chế độ dinh dưỡng cho cá không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng; dân cho cá ăn các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, an toàn, áp dụng chế độ ăn tăng cường.

Những điều này làm tăng hàm lượng hữu cơ, phát sinh một lượng lớn vi khuẩn có hại trong nước, qua đó làm hàm lượng DO bị suy giảm.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai cho biết, để cải thiện tình trạng suy giảm DO trong nước, Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai đề nghị thành phố UBND thành phố Biên Hòa khẩn trương thực hiện di dời, sắp xếp các hộ nuôi cá trên sông Đồng Nai theo quy hoạch.

Thành phố Biên Hòa cần thông báo cho các hộ nuôi cá về việc suy giảm hàm lượng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước tại khu vực nuôi cá để các hộ có biện pháp giảm mật độ nuôi.

Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, từ rạng sáng 4/1 – 5/1, cá tại làng bè Hiệp Hòa bổng dưng bị chết hàng loạt. Nhiều gia đình phải huy động toàn bộ nhận lực để vớt xác cá, thuê xe tải mang cá đi chôn lấp.

Thống kê của Hội Nông dân xã Hiệp Hòa cho thấy, trong 2 ngày này, đã có hơn 200 tấn cá của dân làng bè bị chết, thiệt hại kinh tế khoảng 10 tỷ đồng./.

Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở đồng nai

SKĐS - Theo Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến cá nuôi bè trên sông La Ngà chết hàng loạt vừa qua là do biến động bất lợi về môi trường.

Cụ thể, lượng mưa lớn và kéo dài đã cuốn tất cả vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực làm môi trường thay đổi đột ngột; ô nhiễm hữu cơ cao, hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm thấp, chất rắn lơ lửng cao, làm tăng độ đục của nước, gây ảnh hưởng đến hô hấp của cá dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

Kết quả điều tra hiện trường cho thấy, sau cơn mưa lớn kéo dài vào ngày 16/5 một số cá tự nhiên và cá nuối lồng bè chết không có dấu hiệu bất thường của bệnh nhiễm khuẩn; không do các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Trong khi xét nghiệm mẫu nước do người dân thu vào thời điểm đang có cá chết có chất lượng nước xấu; các chất ô nhiễm hữu cơ đều cao.

Nhìn chung, chất lượng nước trong lưu vực được khảo sát của sông La Ngà đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ cao, tổng vi khuẩn hiếu khí khá cao. Cụ thể, kết quả đo hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại cầu La Ngà trong ngày xảy ra hiện tượng cá chết dao động trong khoảng 2,8-3,2 mg/l, thấp hơn QCVN cho phép là trên 5mg/l.

Kết quả phân tích các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ như: ammonia (N-NH4 ), nitrite (N-NO2), nhu cầu oxy hóa học (COD)…đều cao hơn quy chuẩn cho phép. Cụ thể, hàm lượng N-NH4 cao hơn giới hạn cho phép từ 4-7 lần; hàm lượng N-NO2 cao hơn từ 2-3 lần; COD vượt từ 3-16 lần…

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng Đồng Nai đây chỉ là kết quả ban đầu, còn nguyên nhân chính thức cá chết vẫn đang chờ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích bệnh của cá và trung tâm Dịch vụ phân tích môi trường TP.HCM phân tích một số chỉ tiêu môi trường và kết quả điều tra của Cảnh sát Môi trường tỉnh Đồng Nai.

Sau sự cố gần 1.000 tấn cá nuôi lồng bè chết trắng trên sông La Ngà, UBND tỉnh Đồng Nai  đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án “quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”.  Dự kiến, đề án sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nội dung công việc bao gồm: thu thập tài liệu, khảo sát đo đạc hồ Trị An, tổng hợp phân tích, nghiên cứu xây dựng lập đề án…

Mục đích của đề án này là nhằm sắp xếp, quy hoạch lại vùng nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An cho phù hợp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm cục bộ vừa đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tránh trường hợp xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như thời gian qua.

Liên quan đến sự việc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết số lượng lớn trên sông La Ngà và triển khai các biện pháp xử lý triệt để. Phó Thủ tướng cũng lưu ý trường hợp nguyên nhân cá chết là do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các nguồn thải lớn ra sông La Ngà, đặc biệt là các trường hợp có đơn thư tố cáo của nhân dân; tiến hành thu gom, xử lý cá chết kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2019.