Huy toàn nhà văn hóa lao động tỉnh phú thọ năm 2024

Giai cấp công nhân là giai cấp của những người lao động được hình thành và phát triển gắn liền với nền sản xuất công nghiệp ngày càng hiện đại - trình độ xã hội hóa và quốc tế hóa ngày càng cao; là đại biểu của phương thức sản xuất tiên tiến, quyết định nhất đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội trong thời đại ngày nay; là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo và tổ chức quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Để thực hiện được sứ mệnh này, giai cấp công nhân cần có sự phát triển toàn diện, có chất lượng đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, hướng tới xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp nhằm góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, thực hiện đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xem là một việc làm cấp thiết của các cấp công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Xuất phát từ yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 về phê duyệt đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các Khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2015 có 70% công nhân và người sử dụng lao động được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 50% số công nhân được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có khu công nghiệp) hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ công nhân. Đến năm 2020, có 100% công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; trên 70% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

Trong những năm qua, quá trình triển khai thực hiện Đề án tại tỉnh Phú Thọ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất của công nhân cơ bản đã được cải thiện; trình độ văn hóa, năng lực chuyên môn, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tác phong cho công nhân được coi trọng; nhu cầu và mức hưởng thụ, việc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của công nhân được nâng lên. Tỉnh Phú Thọ hiện có 7 khu công nghiệp, 21 cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, tổng số công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh là 144.786 người; số công nhân viên chức lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp quản lý là 125.537 người (nữ 86.118 người chiếm 68,59%), trong đó: công nhân viên chức khu vực nhà nước là 50.446 người, khu vực ngoài nhà nước là 75.091 người; công nhân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp quản lý là 19.249 người. Với số lượng công nhân là đoàn viên Công đoàn đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng trên 70.000 người, Công đoàn các cấp đã có những hoạt động phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan; xây dựng “tủ sách pháp luật”; các điều kiện cho công nhân về phương tiện làm việc, nhà ở; hỗ trợ học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn; phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân như các chương trình văn hóa, văn nghệ, các giải thi đấu, giao lưu thể thao, để từ đó giúp công nhân có biện pháp tự bảo vệ mình, nâng cao sức khỏe, yên tâm lao dộng, sản xuất... Những hoạt động này đã được đa số các doanh nghiệp và công nhân ủng hộ, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, khi hàng vạn công nhân trong và ngoài tỉnh về làm việc tại các doanh nghiệp đã tạo ra sự “giao thoa” văn hóa, trong đó còn tồn tại những yếu tố tiêu cực như mê tín dị đoan, tình trạng lệch chuẩn văn hóa, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những vấn đề này nếu không giải quyết tốt sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng thù địch, phản động tìm cách xâm nhập, móc nối, chống phá, tuyên truyền sai lệch chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và tình hình địa phương, nhất là trong một bộ phận công nhân đời sống còn khó khăn nhằm phá hoại khối đại đoàn kết. Mặc dù đã có sự quan tâm, đầu tư song các thiết chế văn hóa (trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, câu lạc bộ...) tại các khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện. Điều kiện sống của công nhân chưa được cải thiện đáng kể, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí còn mang tính “mùa vụ”. Nhiều công nhân sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, sơ sài, thiếu thốn, mới chỉ đảm bảo nhu cầu ăn, nghỉ. Công nhân chủ yếu sử dụng điện thoại phục vụ cho mục đích giải trí, ít quan tâm chương trình thời sự, thông tin chính thống trên kênh phát thanh, truyền hình,... Vì vậy, công nhân là đối tượng dễ bị lôi kéo vào các hoạt động thiếu lành mạnh; đã xuất hiện một bộ phận công nhân sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, nghiện ma túy, hoạt động mại dâm, gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Có những tồn tại này bởi nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà chưa dành kinh phí thỏa đáng cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân. Các thiết chế văn hóa cho công nhân vừa thiếu vừa yếu. Các doanh nghiệp còn thiếu quỹ đất, trong khi đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Một số nơi, chính quyền địa phương cũng chưa có sự quan tâm đúng mức để chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. Về chủ quan, nhiều công nhân còn tranh thủ làm thêm giờ hoặc công việc khác nên không có nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do doanh nghiệp tổ chức.

Với quan điểm “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” . Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân Phú Thọ lớn mạnh, toàn diện, trong đó chăm lo xây dựng đời sống tinh thần, xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là yêu cầu quan trọng, giúp tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Đất Tổ. Để hoàn thành tốt các mục tiêu này, cần xác định và tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa cho công nhân theo định hướng của Đảng bằng các hình thức phù hợp. Hằng năm, tổ chức tập huấn cho công nhân các kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, văn hóa, kiến thức xã hội cho công nhân, nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Công đoàn các cấp cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp, xây dựng hình ảnh người công nhân có lập trường, bản lĩnh cách mạng vững vàng, có ý chí vượt khó, vươn lên, tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú, không mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao trong công nhân. Công đoàn các cấp cần tăng cường tổ chức và hướng dẫn cơ sở tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa,… Ngoài ra, cần kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền với các doanh nghiệp nhằm khai thác các nguồn lực xã hội phục vụ xây dựng, thực hiện các thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa sẵn có ở địa phương có khu, cụm công nghiệp, tận dụng tối đa nhà văn hóa của khu dân cư nơi công nhân sinh sống, đào tạo hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Công đoàn các cấp tích cực vận động các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân trong các doanh nghiệp.

Thứ tư, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành Đề án về xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Định hướng thời gian tới, tỉnh Phú Thọ phát triển 12 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.095 ha; phát triển 40 - 45 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng trên 2.500 ha ; tập trung tại Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông là vùng động lực phát triển công nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng xác định phương án phát triển hạ tầng an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó, việc xây dựng Đề án là cần thiết nhằm giải quyết “từ sớm, từ xa” khi số lượng công nhân và khu, cụm công nghiệp phát triển mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của công nhân, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đưa tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp, là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

ThS. Hoàng Văn Bắc – Khoa Nhà nước và pháp luật

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, Hà Nội, 2021, tr. 115.

2. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST-HN, 2022, tr.13.

3. Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 06/4/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về Thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.